
{title}
{publish}
{head}
Đã mấy năm nay, cứ vào cữ cuối tháng Bảy dương lịch, tức tháng Sáu ta, tôi cùng với một người bạn lại đi thăm những Bà mẹ Việt Nam anh hùng hiện còn sống trên địa bàn tỉnh. Thường thì tôi chạy chiếc ô tô cà tàng của mình, men theo các con đường làng xinh đẹp, ngóc ngách trong những xóm nhỏ yên bình để đến với các Mẹ. Trời tháng Sáu ở xứ mình nắng như đổ lửa, nhưng nhờ việc làm ý nghĩa này mà tôi đã đi hết những rẻo làng thơm hương, những cánh đồng xanh ngát, những chiếc cầu xinh đẹp nối nhịp đôi bờ...
Minh họa: LÊ NGỌC DUY
Tôi đã lao xe vun vút trong nắng trưa qua một làng quê có cánh đồng xanh rì lúa non bên cạnh chiếc cổng làng sơn màu đỏ thẫm. Xe chạy bon bon trong một tinh thần phấn chấn. Trong mắt tôi, nơi này đẹp từ trạng khoai, vạt sắn bời bời xanh dưới cát trắng, những chiếc cầu cho dù có thô mộc nhưng chỉ cần ẩn mình dưới những rặng tre vàng ươm nắng là trở nên thơ mộng...
Đang đi với một tốc độ khá nhanh thì bất chợt tôi phát hiện một chiếc ghế đặt bên mé đường. Trên ghế, một người đàn ông tóc để dài, che gần hết khuôn mặt cúi xuống mơ màng. Miệng lẩm nhẩm lời một bài hát cũ “cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao...”, rồi ngửa khuôn mặt thô ráp có chiếc mũi cao và thẳng cùng đôi mắt dài dại, buồn buồn lên hứng ánh nắng trưa rất rát. Xe tôi đi qua rồi, người đàn ông ấy vẫn ngửa mặt lên như vậy. Tôi dừng xe lại bên đường để hỏi một cụ già cạnh đó về người đàn ông đang phơi nắng đằng kia.
Chuyện là thế này...
Ông cụ bắt đầu câu chuyện như vậy. Ông thủng thẳng, còn tôi thì nóng ruột. Tôi giục ông nói nhanh còn ông thì rề rà...
Ông ấy tên là Thạch. Ông Thạch quê ở làng này, bên con sông Thạch Hãn trằn mình rẽ nhánh chảy ra biển. Cha mạ ông ấy tập kết ra Bắc khi vừa sinh ông. Nghe đâu ra sống ở Vĩnh Linh một thời gian rồi đưa nhau ra Hà Nội. Vậy nên ông ấy nói giọng Bắc ngọt và ấm lắm! Năm 1972, vừa xong cấp ba ngoài Bắc, ông ấy không theo đại học mà viết đơn tình nguyện bằng máu đề nghị được trở về chiến đấu ở quê nhà. Sau bốn tháng huấn luyện ở một vùng đồi trung du, ông Thạch theo đoàn chuyển quân vào đất Quảng Trị. Chưa được đặt chân về làng nhưng chỉ cần được chiến đấu trên đất quê hương là ông ấy hạnh phúc lắm. Sau này, có đận sức khỏe tốt, tinh thần tỉnh táo, ông ấy đã rủ rỉ chuyện trò với tôi như vậy.
Được biên chế vào C12, Thạch luôn tự hào là người lính của một đơn vị với những chiến công lừng lẫy trên đất quê hương. Mỗi lần nghe ông kể lại những trận đánh mà mình tham gia cùng đồng đội, tôi như nhìn thấy thời trai trẻ của ông trong nụ cười rạng rỡ.
Trong nụ cười ấy có niềm hy vọng về một ngày mai, về lời hẹn cũ, thuở học cấp ba ở Hà Nội với một cô gái xinh đẹp và học giỏi. Dưới đáy ba lô của ông luôn có tấm hình và lời nhắn gửi của cô gái này. Quả thực ông Thạch vốn là một gã “trai đẹp” như lời bọn trẻ bây giờ hay nói. Sống mũi cao và thẳng, đôi mắt có đuôi dài, sắc với hàng mi dài rợp, khuôn miệng rộng, khóe môi vừa phải hình trái tim cứ mỗi khi nói hay nở nụ cười đều rất duyên.
Có lần Thạch nói với tôi trong lúc tinh thần rất phấn chấn rằng: “Tụi bạn luôn khuyến khích tôi thi vào trường điện ảnh vì tôi đẹp trai và có năng khiếu nhưng tôi muốn làm một cái gì đó của trai thời loạn cho đáng mặt nam nhi”. Và đúng là ông đã làm “đáng mặt nam nhi” khi tham gia trận tập kích của C12 vào đêm mùng 8 rạng ngày mùng 9 tháng 3 năm 1975 vào chi khu quân sự ML. Ông Thạch về quê, ở cùng xóm với tôi cũng đã được hai chục năm. Cho dù bây giờ sức khỏe tâm thần ông không được bình thường, nhưng chỉ cần nghe nói ông là lính đặc công là tôi cảm mến ngay rồi.
Ông cụ cứ nói chuyện cùng tôi thủng thẳng như kiểu quá lâu rồi không có ai để chia sẻ. Mà đúng thật, bởi thỉnh thoảng lâu lắm, khi ông Thạch khỏe thì ông mới có người để rủ rỉ tâm tình, còn không thì ông ngồi trông ông Thạch từ xa, nói như ông là “lỡ may cái ghế nó có lật làm ông Thạch ngã thì còn có người thấy cô ạ!”. Ông cụ dừng chuyện, rít một hơi điếu thuốc lá vấn sâu kèn. Ông cười bảo tôi, thuốc “bọ” ni sạch mà ngon, chớ tui không hút mấy các đầu lọc, nhặt phèo! Ông bảo ông trồng được dăm hàng, nắng nam phơi khô giòn được mấy xấp, đủ hút tới mùa sau, xong nháy mắt, “để tui kể tiếp...”.
Cô còn nhớ đoạn tui kể về lời hẹn hò của ông Thạch với một cô bạn cấp ba không? Đương nhiên là nhớ rồi, đúng không? Ngày giải phóng, cha mẹ Thạch nhanh chóng thu xếp về quê. Cha mẹ, con cái gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Cha mẹ Thạch mừng hơn bắt được vàng vì đứa con trai độc nhất của mình vẫn còn sống, lành lặn. Thạch đã tốt nghiệp cấp ba, được cấp trên ghi nhận về năng lực và sự nhạy bén, linh hoạt nên được cử đi học trường sĩ quan đặc công. Trước khi đi, anh xin nghỉ phép mười ngày.
Mười ngày, Thạch dành cho cha mạ hết ba, còn bảy ngày, anh xách chiếc ba lô cũ sờn suốt mấy năm ở chiến trường lên đường ra Bắc với ý định gặp lại cô bạn gái hẹn hò thời phổ thông, cho dù suốt hơn ba năm ở chiến trường, Thạch kiên quyết không gửi cho cô lá thư nào! Dự tính nối lại tình xưa xong thì vào trường nhập học, người lính có hơn ba năm chinh chiến sống chết tấc gang hồn nhiên đi gặp lại người xưa với bộ quân phục cỏ úa bạc phếch. Cô gái ấy đã tốt nghiệp đại học và vừa vào làm kỹ sư ở nhà máy bánh kẹo.
Vậy nhưng cô gái không chê anh. Gặp anh, cô khóc như mưa một hồi, sờ nắn khắp người anh xem có bị thương đâu không, rồi đưa anh về nhà mình giới thiệu với bố mẹ. Bố me cô quý anh vô cùng, còn đòi anh phải cưới cô ngay. Nhưng hai người lại quyết định không cưới nhau mà tiếp tục chờ đợi.
Ngày anh tốt nghiệp và trong đoàn quân lên biên giới, cô gái của anh mím chặt môi. Anh nhận ra, khuôn mặt cô đã mất đi vẻ ngây thơ và cứng cỏi hơn rất nhiều. Anh chợt mang cảm giác của người có lỗi, chỉ vì mình mà kéo cả tuổi thanh xuân của cô trôi đi. Anh đi với một tâm trạng rối bời, bỏ lại sau lưng mình đôi mắt vời vợi chờ trông. Năm ấy anh tròn hai mươi sáu tuổi.
***
Sáu năm ở chiến trường biên giới phía Bắc, Thạch như người bản, nói thạo tiếng Tày Nùng, thông thuộc địa hình, từng cành cây ngọn cỏ. Suốt hơn ba trăm ba mươi cây số đường biên giới Cao Bằng, huyện, xã nào cũng có dấu chân anh. Làm tiểu đoàn trưởng trinh sát, anh không chỉ chỉ đường, vẽ lối cho cấp dưới thực hiện nhiệm vụ mà chính đôi bàn chân anh đặt lên nhiều phiến đá; đôi bàn tay anh bấu vào nhiều bụi cỏ biên giới để nắm tình hình địch, tìm cách hỗ trợ các đơn vị bạn đánh địch và thắng địch. Anh đi thị sát tình hình còn nhiều hơn cả lính. Nhưng sáu năm, anh chỉ về Hà Nội có năm lần. Mà lần nào về cũng là công tác chứ không phải về với người yêu.
Thạch nói với tui: “Tại hồi đó nhìn bọn lính bên kia điên tiết quá, cứ muốn đánh. Anh em mình chết nhiều quá, đau quá nên tôi không thấy thoải mái khi về cưới vợ, vì vậy mà cứ hẹn rày hẹn mai với cô ấy”. Bình thường, không về Hà Nội với người yêu nhưng tháng nào Thạch cũng viết thư cho cô. Cho đến năm thứ tư thì một sư cố xảy ra. Thạch bị thương trong một lần trinh sát dọc tuyến biên giới. Khi tỉnh lại trong quân y viện, bác sĩ cho biết chức năng đàn ông của anh đã không còn! Từ đó, anh im lặng hẳn, không một lời từ biệt với người con gái đã đợi chờ anh mười mấy năm trời.
***
Thạch ra quân vào năm 1986 với tỉ lệ thương tật 75%. Anh trở về thì cha mẹ đã già yếu. Anh không thể nói cho ông bà biết là anh không thể cưới vợ. Sức vóc dẻo dai và hình hài đẹp đẽ ngày xưa đã không còn. Thạch gầy rộc đi và sống khép kín, mồm miệng không còn nói cười duyên dáng như thời trai trẻ. Cha mẹ anh cũng thúc hối anh lấy vợ nhưng riết rồi chán không thèm nhắc nữa. Khoảng năm 1992, 1993 gì đó thì hai ông bà rủ nhau “đi”. Và một Thạch đẹp trai, thông minh của ngày xưa, một trinh sát đặc công tài ba của ngày xưa còn lại như cô thấy đó. Ông cụ dừng chuyện, nhìn tôi, đôi mắt xót xa.
Tôi nhìn về phía người đàn ông đang phơi nắng. Vầng trán cao bướng bỉnh, gan góc. Khóe miệng duyên mím chặt chịu đựng. Tôi chắc một điều, có thể hình hài, dáng vóc tả tơi như thế nhưng trí tuệ ông không hề bị “tả tơi” như vẻ bề ngoài. Tôi có một quyết định táo bạo, tìm lại người phụ nữ năm xưa cho ông.
Và bằng nhiều biện pháp của thời hiện đại, tôi đã tìm ra bà, cô gái có đôi bím tóc với khuôn mặt trái xoan dịu dàng, hiền hậu năm xưa của ông. Bà ở vậy mà không hề lấy chồng sau nhiều lần lên biên giới tìm ông khi chiến tranh kết thúc. Bà cho rằng ông đã hy sinh ở một khe đá nào đó dọc biên giới khi đi trinh sát vướng mìn.
Một vài đồng đội cũ của ông bất ngờ gặp bà khi họ tìm về chiến trường xưa. Khi nghe chuyện của bà, họ đã nhận ra đó là người vợ chưa cưới của người thủ trưởng cũ nên đã động viên bà quay về vì ông vẫn còn sống và đã về quê.
Họ cũng nói để bà biết rõ lý do vì sao ông rời xa bà. Vậy nhưng, bà vẫn không chịu tin, vẫn cố chấp cho rằng ông đã hy sinh nên bà phải ở vậy để thờ ông... Bà bảo, tên tôi là Thủy - tôi sẽ ở vậy chung thủy cùng ông.
Tôi tìm được bà Thủy sau hơn nửa năm nảy sinh ý định đi tìm bà. Bà sững người trong giây lát khi tôi trình bày, rồi khóc như mưa. Dòng nước mắt của người phụ nữ tưởng đã cạn khô vì chịu đựng bỗng giàn giụa. Bà vừa cười, vừa nói: “Không phải tôi không muốn đi tìm ông ấy mà bởi tôi không dám tin rằng ông ấy còn sống.
Vì làm sao còn sống mà ông ấy không về với tôi được chứ? Ông ấy còn sống thật phải không cô?”. Còn ông, người đàn ông miền gió cát trải đời mình qua hai cuộc chiến tranh tưởng không còn chút cảm xúc gì về tình yêu và tuổi trẻ, hôm tôi dắt tay bà Thủy đặt vào tay ông thì run lẩy bẩy. Đôi môi mấp máy gọi: “Thủy! Thủy!” và ông ôm chặt lấy bà. Bất chợt tôi không còn nhìn thấy trên gương mặt ông bóng dáng người đàn ông phơi nắng hôm nào.
***
Hôm ấy ngày lập Xuân. Có một người đàn ông khoảng 70 tuổi dắt một người phụ nữ cũng trạc tuổi mình đi chợ tết. Người đàn ông mặc bộ quân phục còn mới, tay cầm cành đào phai ươm nụ; người phụ nữ mặc áo dài màu mận chín, cầm cành mai một vài cánh đã bung. Hai người đi dưới buổi sớm mùa Xuân tinh khôi. Ánh mùa Xuân lấp lánh làm hai khuôn mặt tưởng già nua bởi tuổi tác bừng sáng.
Khánh Hà
QTO - Với mong muốn lan tỏa nhiều hình ảnh đẹp của thể thao đến với cộng đồng, anh Ngô Đình Tuấn (sinh năm 1980) ở Khu phố 8, thị trấn Gio Linh, huyện Gio...
QTO - Võ Văn Luyến là một cây bút sống và viết vắt qua hai thế kỷ. Càng về sau, thơ Võ Văn Luyến càng “lót ổ” chắc chắn trong lòng bạn đọc. Anh là tác giả...
QTO - Đang lang thang giữa chợ Phùng Hưng, một ngôi chợ của người Hoa ở Quận 5, TP. Hồ Chí Minh thì được mời uống cà phê. Phản ứng đầu tiên của tôi là từ...
VOV.VN - Sau các trận đấu lượt về vòng play-off, 16 đội vào vòng vào vòng 1/8 cúp C2 châu Âu đã được xác định.
VOV.VN - Kết quả bóng đá hôm nay 20/2: Real Madrid, PSG vào vòng 1/8 Cúp C1 châu Âu sau những chiến thắng toàn diện trước các đối thủ.
Đắk Nông Marathon 2025 - Chinh phục Nam Tây Nguyên không chỉ là giải đấu thể thao hấp dẫn, mà còn là hành trình khám phá thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa đặc sắc đại ngàn cao...
VOV.VN - Kết quả bóng đá hôm nay 18/2, Barca có chiến thắng tối thiểu 1-0 trước Rayo Vallecano tại trận đấu muộn nhất vòng 24 La Liga 2024/2025, qua đó soán ngôi đầu bảng từ...
VOV.VN - Kết quả U20 châu Á 2025 hôm nay 16/2, U20 Indonesia bị loại sớm sau khi thất bại 1-3 trước U20 Uzbekistan ở lượt trận thứ hai.
VOV.VN - Kết quả bóng đá hôm nay 17/2, Liverpool giành chiến thắng 2-1 trước Wolves, trong khi MU thất bại 0-1 trước Tottenham ở vòng 25 Ngoại hạng Anh 2024/2025.
VOV.VN - Kết quả bóng đá hôm nay 16/2 nhận được sự quan tâm của người hâm mộ khi Real Madrid có trận đấu khó khăn trước Osasuna.
VOV.VN - Kết quả V-League hôm nay 14/2: Các trận đấu diễn ra với những diễn biến khó tin, có 2 HLV bị truất quyền chỉ đạo do phản ứng trọng tài.