{title}
{publish}
{head}
(PNVN) - Chú Thắng lại bảo, tha thứ đâu phải cho người có lỗi mà còn để mình nhẹ lòng. Khi nghe chú nói, tự nhiên tôi thấy, hay là mình cũng buông nỗi buồn xưa cũ, thả hết đi những xót xa năm cũ...
Cuối tuần, mẹ gọi hai chị em tôi về có việc quan trọng. Bố bị ốm nặng. Chú Thắng bàn với mẹ đón bố về chăm sóc. Tôi giãy nảy không đồng ý. Em Bình chỉ im lặng, ngó ra mảnh vườn trước nhà. Mẹ chừng như đã biết trước được phản ứng của chúng tôi, khẽ thở dài. Chị em tôi thua trước tiếng thở dài và ánh mắt buồn thăm thẳm của mẹ.
Chúng tôi theo mẹ về quê nội sau gần 20 năm xa cách. Ngày ba mẹ con dắt díu nhau rời đi, em Bình mới chỉ là một đứa trẻ. Tôi và em Bình chẳng muốn về lại nơi chỉ có những tủi hổ, cay đắng ấy nhưng mẹ bảo, con người đến cuối cùng cũng sẽ trở về với gốc gác của mình.
Dù sao, đấy cũng là bố của các con. Còn thắp hương cho bà nội. Bà nội cũng chẳng có tội tình gì.
Bình chẳng có ấn tượng gì về bà nội. Lúc bà mất, Bình chưa thôi nôi. Còn tôi, hình ảnh về bà cũng đã mờ nhạt theo thời gian. Chỉ còn một chút kỷ niệm những lần bà đi chợ về, cho tôi tấm bánh đa giòn tan hay túi bánh rán ngọt ngào, nóng hổi. Và hình ảnh của bà vào giây phút cuối cùng.
Bà cầm tay mẹ nói lời xin lỗi, cho mẹ chiếc khăn mùi xoa gói ghém mấy chỉ vàng và ít tiền bà dành dụm được, cho mẹ tôi làm vốn để nuôi chúng tôi. Mấy chỉ vàng và ít tiền bà nội cho mẹ, chẳng hiểu sao bố biết, đòi lại, bảo là để lo tang ma cho bà. Mẹ chẳng nói một lời mà trả lại. Tiễn bà ra đồng, mẹ ốm chục ngày mới khỏi.
Xong một trăm ngày của bà, bố tôi dẫn dì Thương về. Ông đuổi ba mẹ con tôi ra góc vườn, dựng một túp lều nhỏ để ở. Mấy sào ruộng bà nội để lại, bố cho người khác thuê để cấy hái.
Người dưng nước lã thấy hoàn cảnh của mẹ con tôi còn thương tình cho khi thì nắm gạo, khi thì củ khoai, củ sắn. Riêng bố thì không. Bố đối xử với ba mẹ con tôi chẳng khác gì đối xử với kẻ thù không đội trời chung vì bố cho rằng em Bình là con chú Thắng.
Nhà chú Thắng ở gần nhà bà ngoại. Nhà bà ngoại ở bên kia sông, muốn về thăm bà phải qua đò. Lần ấy, suốt quãng đường từ nhà ra bến đò rồi từ bến đò về nhà bà ngoại, mẹ níu chặt tay tôi đến mức tôi phải kêu lên vì đau.
Tôi ngơ ngác thấy mẹ òa khóc khi nhìn thấy bà ngoại, nhìn thấy người khách đang ngồi nói chuyện với bà. Bà ngoại dắt tôi ra vườn chơi, chép miệng chẳng biết là than thở hay tiếc nuối “Âu cũng tại duyên số cả”. Sau hôm ấy, chẳng biết bố nghe ai nói, cấm mẹ không được về thăm bà ngoại.
Ngày em Bình chào đời, bố không vui, không buồn, chỉ ngó đăm đăm khuôn mặt còn đỏ hỏn của em, ngó qua tôi rồi lại nhìn đăm đăm vào mặt mẹ. Bố hắt hủi ba mẹ con tôi từ đợt ấy, mặc bà nội hết lời khuyên nhủ.
Thời con gái, mẹ là cô thôn nữ duyên dáng, đảm đang nổi tiếng khắp vùng. Ngày ấy, mẹ thương chú Thắng. Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, mẹ cùng dân làng tiễn chú Thắng lên đường.
Một ngày, tin chú Thắng hy sinh được báo về. Xã tổ chức lễ truy điệu cho chú. Mẹ không có mặt. Nỗi đau khiến mẹ như chẳng thể nào gượng dậy được. Bố có mặt bên cạnh mẹ từ giây phút ấy, mặc cho mẹ hắt hủi, xua đuổi. Mặc cho mẹ nói rõ, cả cuộc đời này mẹ sẽ ở vậy để giữ trọn tấm lòng thủy chung với chú Thắng.
Nhưng bà ngoại bị ốm nặng, mẹ chạy vạy ngược xuôi mà vẫn không đủ tiền mua thuốc cho bà. Lúc ấy, bố đứng lên lo liệu. Khi bà ngoại khỏi bệnh, mẹ gật đầu qua sông làm vợ bố. Bố vốn là một người con có hiếu, không chỉ với mẹ ruột mà với cả mẹ vợ. Nhưng khi biết tin chú Thắng còn sống trở về, bố như biến thành một người khác. Bố cấm mẹ được về thăm bà ngoại.
Mẹ có em Bình sau khi chú Thắng trở về ít lâu, khiến nỗi nghi ngờ của bố càng bùng lên dữ dội. Ngày mẹ sinh em Bình, bố để mặc mẹ vật lộn với cơn đau trên trạm xá. Tôi nghe tiếng mẹ thét, sợ mẹ chết, một mình chạy băng qua cánh đồng trong cơn mưa trắng xóa về tìm bố.
Lúc ấy, bố đang ôm dì Thương, vuốt tóc dì trìu mến. Tôi bé quá, chẳng hiểu tình yêu giữa người lớn là gì, chỉ biết từ giờ phút ấy, trong trí óc non nớt của mình bật lên một suy nghĩ: Nếu lấy chồng mà khổ như mẹ, mình sẽ ở vậy cả đời.
Tôi thương em Bình hơn bất cứ điều gì trên đời này, cố gắng chiều chuộng em trong khả năng mình có thể để em bớt tủi thân. Nhưng vĩnh viễn, tôi không thể nào bù đắp cho em tình thương của một người bố.
Thật may, chú Thắng đã làm điều ấy.
Mẹ không đưa tôi và em Bình về quê ngoại vì chỉ cần ba mẹ con tôi rời đi, em Bình sẽ mãi mãi mang tiếng là một đứa con hoang. Dì Thương càng ngày càng đẹp, mơn mởn đầy sức sống, trong khi mẹ càng ngày càng quắt lại, đen đúa.
Dì Thương đã mất mấy năm trước. Bố và dì không có đứa con chung nào. Người làng bảo tại bố sống bạc như vôi, còn dì thì chen chân vào nhà người khác nên trời phạt. Mấy năm nay đổ bệnh, bố nhờ người bà con xa bên nội chăm sóc, không dám nhắn mẹ và chúng tôi.
Có lẽ, những tháng ngày bị bệnh tật giày vò, bố mới có thời gian chiêm nghiệm lại mọi thứ. Chắc bố cũng biết tin về chú Thắng. Mẹ biết bố bệnh, gọi chúng tôi về cũng từ chú Thắng. Chú nghe người quen gần nhà cũ của mẹ con tôi kể lại.
Ngày ba mẹ con tôi rời bên nội là một ngày gần cuối năm, mưa bụi giăng trắng như sương muối. Ngày Đông tháng giá, việc làm chẳng có, bữa cơm của mấy mẹ con chỉ có cơm độn ăn với muối hạt. Em Bình thèm thịt, thèm đến mức có đêm ngủ mơ em bật dậy, lay tôi:
- Miếng thịt của em đâu rồi? Chị ăn vụng của em rồi đúng không?
Rồi em òa khóc. Mẹ ôm hai chị em tôi. Tôi cảm giác những nỗi đau trong mẹ đã đông cứng lại. Một chiều, em Bình thấy dì Thương đổ đĩa thịt gà thừa ở góc ao. Chờ dì đi vào, Bình chạy ra tìm xem có miếng nào rơi rớt trên bờ. Em trượt chân ngã.
May lúc ấy có người hàng xóm đi qua, nhảy xuống vớt em lên. Em uống mấy ngụm nước. Trời lạnh, em ốm một trận gần cả tháng. Bố tôi vẫn không ngó ngàng. Ông buông lời ráo hoảnh “hơi đâu lo cho người dưng” khi có người hỏi đến.
Mẹ tôi gần như phát điên. Mẹ không ăn, không ngủ, ngồi ôm em Bình. Mẹ sợ rời vòng tay mẹ, em sẽ biến mất. Tôi sợ nếu cứ như vậy, mẹ sẽ là người biến mất đầu tiên, rời xa chúng tôi mãi mãi.
Tôi nhờ người nhắn cho bà ngoại, nhắn cho chú Thắng. Nhắn buổi sáng thì giữa trưa, chú đưa bà ngoại tới. Tôi không thấy bà rơi một giọt nước mắt nào. Nhưng mắt bà mờ hơi nước. Bà dìu mẹ và dẫn chúng tôi lên nhà, thắp hương chào bà nội. Bà không nói với bố một lời. Bà đưa mẹ con tôi về nhà bà.
Bà dắt tay tôi và em Bình, mẹ nằm trên lưng chú Thắng, một cánh tay ôm cổ chú, một cánh tay nắm chặt tay em Bình. Quê nội, chỉ cách một dòng sông mà thành xa đằng đẵng như thể tận chân trời.
Mẹ về nhà bà ngoại, lúc khóc, lúc cười như một đứa trẻ. Em Bình suốt ngày quấn quýt bên chú Thắng, những điều em thèm khát được bố làm cùng đã có chú Thắng. Có lần, em bảo tôi, giá chú Thắng là bố mình thì tốt chị nhỉ. Tôi lặng im không nói.
Tôi không thấy việc chú Thắng trở thành người một nhà với bà cháu, mẹ con tôi có gì là sai cả. Chú bù đắp lại tất cả những cay nghiệt mà bố tôi trút lên đầu mẹ. Chú dẫn mẹ đến các thầy lang nổi tiếng cắt thuốc uống. Tình thương của bà ngoại, tình cảm của chú Thắng và tình mẫu tử đã giúp mẹ dần khỏi bệnh.
Ngày em Bình khoe những bức tượng, ríu rít chỉ đây là bà ngoại, đây là chú Thắng, đây là mẹ, đây là chị và đây là em Bình, bà ngoại bảo mẹ còn thương chú Thắng thì đừng ngần ngại gì cả. Miệng lưỡi thế gian chẳng ai nói mãi được, nói chán khắc thôi.
Chú Thắng từ chối. Chú bảo cả đời này chú không lấy vợ, chú cũng không thể làm chồng mẹ được. Chú lấy ai cũng làm khổ người đấy. Mẹ cầm tay chú, cười buồn. Đời mẹ cũng nát bấy, may còn có hai đứa con, để thằng Bình làm con chú. Đằng nào cũng mang tiếng rồi.
Mâm cơm về chung nhà chẳng nhiều nhặn gì. Em Bình vui nhất. Bà ngoại miệng cười mà mắt giàn giụa. Tôi cũng vui vì cuối cùng, em Bình cũng có một mái nhà trọn vẹn, có cảm giác hạnh phúc khi có bố. Mái nhà của ba mẹ con tôi sẽ không còn xô nghiêng nữa.
Chú Thắng bàn với mẹ và hai chị em tôi đón bố về để tiện chăm sóc. Một giọt máu đào... Tôi biết, nếu đón bố về, chính chú chứ không ai khác là người chăm sóc bố. Chúng tôi xa nhà, mẹ tôi sức khỏe không còn được như xưa. Tôi nhìn chú. Chú cũng gầy đi nhiều, mái tóc đã bạc gần hết. Em Bình mím môi im lặng.
Tôi khẽ bảo chú việc gì phải khổ như thế. Đây là điều bố phải gánh sau những điều bố đã làm với mẹ con tôi. Chú cười hiền. Chú không tốt gì cả. Chú làm để mẹ con buông bỏ được thôi, An à. Bố nghe thấy hết những lời chú nói. Nước mắt đặc sệt lăn trên gò má như bao nhiêu hối hận đã dồn vào đấy cả.
Chú Thắng lại bảo, tha thứ đâu phải cho người có lỗi mà còn để mình nhẹ lòng. Khi nghe chú nói, tự nhiên tôi thấy, hay là mình cũng buông nỗi buồn xưa cũ, thả hết đi những xót xa năm cũ.
Đào Thu Hà
VOV.VN - Với chiến thắng nghẹt thở trước Thái Nguyên T&T, Than Khoáng Sản Việt Nam (Than KSVN) đã giành chức vô địch giải bóng đá Nữ Cúp Quốc gia 2024.
VOV.VN - Lịch thi đấu và trực tiếp ASEAN Cup 2024 hôm nay 14/12, loạt trận thứ ba bảng A sẽ đồng loạt diễn ra.
VOV.VN - ĐT Futsal nữ Việt Nam tạo “”địa chấn“” với trận hòa 2-2 trước Iran chiều 13/7. Kết quả này giúp thầy trò HLV Nguyễn Đình Hoàng có cơ hội nâng cúp vô địch tại giải đấu...
QTO - Dù chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây nhưng môn thể thao pickleball được nhiều người đam mê, tập luyện. Môn thể thao mới mẻ này không chỉ giúp...
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký ban hành Quyết định số 1831/QĐ-BVHTTDL về việc thành lập Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Thế vận hội...
VOV.VN - Tay vợt cầu lông Nguyễn Thùy Linh có nhiều cơ hội làm nên lịch sử ở Olympic Paris khi được bốc thăm vào bảng đấu tương đối dễ.
QTO - Khao khát tìm hương qua thơ Hồ Sĩ Bình
QTO - Ngày 1/7/1989, từ mái nhà chung Bình Trị Thiên, tỉnh Quảng Trị được lập lại. Ông Trần Trọng Tốn giữ chức Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Quảng Trị....
QTO - Trong những anh chị, đồng nghiệp dưới “mái nhà chung” Báo Quảng Trị thân thương đã đi vào “miền mây trắng” xa xôi tính từ ngày lập lại tỉnh đến nay...
(PLO)- Đội tuyển Anh vào chung kết Euro 2024 gặp Tây Ban Nha sau khi thắng ngược Hà Lan 2-1 ở bán kết với pha lập công quyết định ở phút 90+1 của Watkins.
VOV.VN - Tây Ban Nha trở thành đội bóng đầu tiên giành vé vào chung kết EURO 2024 sau khi đánh bại Pháp, đối thủ của Bò tót ở trận đấu cuối cùng là đội thắng ở trận Hà Lan với Anh.
VOV.VN - Nhận định trận đấu Tây Ban Nha vs Pháp, bán kết 1 EURO 2024 diễn ra lúc 2h rạng sáng 10/7 theo giờ Việt Nam.