Cập nhật:  GMT+7

Truyện ngắn: Cõng má đi qua cuối mùa

1. Anh Ba gọi điện mắng vốn chuyện má bị lẫn, cứ nói toàn chuyện không đâu. Tỷ như, má lần mò ra ven sông ngó mấy bụi chuối non xanh ngắt, rồi kêu chặt mấy nải về nấu chè cho thằng Bốn ăn. Nó thích chè chuối chưng lắm nghen. Mà nhớ phải có bột khoai, bột bán. Má nấu món đó nó ăn ghiền luôn. Lát đi học về, nó đói có cái lót dạ bây ơi.

Truyện ngắn: Cõng má đi qua cuối mùa

Minh họa: LÊ NGỌC DUY

Chị dâu lót tót chạy ra bến, kéo má vào. Thiệt là, thằng Bốn nó đâu ở đây mà ăn, nó tuốt trên Sài Gòn, học gì nữa mà học, nó giờ đi mần rồi má ơi.

Có bận nửa đêm, má lần mở đèn sáng trưng, gọi anh chị Ba dậy, lấy ghe chở má ra chợ ngoài đón tía bây coi. Anh chị Ba hoảng hồn, tía mất lâu rồi mà má ơi, gà đâu đã gáy, mới có hai giờ sáng, má vào buồng ngủ đi. Rồi bữa má gọi chị dâu thành Bế Hai, dặn dò cẩn thận sau này lấy chồng phải sống yên bề trước sau, miệt dưới Rãi Quạt, sông sâu bờ cạn, có gì thì bám mấy gốc bần mà bớ làng, bớ xóm.

Chị dâu lắc đầu nhăn mặt, má ơi là má, con là con dâu mà, chị Bế Hai lấy chồng miệt Bảy Núi làm gì có sông nước mà má lo. Mỗi lần được nhắc, má lại quay ra nhìn, ánh mắt thờ thẫn, thở dài, ủa...ờ...

Anh Ba chốt hạ, má lẫn nặng rồi, giờ chuyện nhớ chuyện không, có khi cả ngày không nhớ ra được gì hết, tình hình càng ngày càng đáng lo.

2.Tháng Mười, ven hai bờ sông, chuối trổ vàng hươm, thơm lừng. Chiều chiều má lại ra bến ngồi, ngó mấy bụi chuối mãi miết, chẳng nói chẳng rằng, đến sẫm trời, mới lững thững đi vào.

Mấy bận đầu chị dâu còn sợ, kêu vào, riết rồi thấy thôi, má muốn ngắm, muốn nhìn chi thì để má làm. Chỉ chốc chốc, rón rén, ra bến ngó má, sợ có chuyện không hay. Người già kể cũng lạ, cứ ủ ê mãi miết mấy chuyện xưa cũ. Chỉ một mùa chuối chín, mà má lại hoài niệm cả thanh xuân.

Bữa má tỉnh, nhớ chuyện, má kể. Hồi làng mình chưa được như bây giờ, mỗi mùa chuối chín cứ như hội mùa, nhà nhà đổ ra ven sông mà chặt, từng buồng chuối căng tròn úc núc, được chuyền tay sắp xếp cẩn thận. Nải nào ngon thì kêu lái về thu, nải nào không thì để dành lại. Chuối không được trái, bị móp bị dẹp, thì đem hong khô vài nắng, rồi sên với đường, áo thêm một lớp mật ong bên ngoài thành chuối sấy. Chuối nhỏ trái thì cắt lát mỏng, cán bột đem phơi trên mành tre, rồi nướng thành từng miếng bánh tròn tròn, dòn tan...

Mà đặc biệt là chuối chín rục, không ăn sống được, bỏ thì tiếc quá, thế là ông bà mình dạy vắt cốt dừa, nấu kiểu như chưng lên với ít bột khoai bột bán, cái ngọt ngào quyện cái béo ngậy thêm đám bột dai dai xực xực, hương vị ấy thấm sâu vào lòng cả một thế hệ của miền quê này.

Má móm mém cười, rành rọt cho chị dâu nghe những cách làm chuối, thể như tự hào quãng đời thanh xuân đủ đầy niềm vui, kỷ niệm mỗi mùa chuối chín ven sông.

3.Bế Hai tất tả về khi hay má té. Người già té là gãy xương, canxi còn đâu mà liền lặn như tụi trẻ. Để chi má ra bến cho mưa trơn trợt mà té. Thiệt là khổ mà. Giờ má nằm một chỗ, cái tay băng trắng xóa.

Má đó, từ nay đúng giờ ăn, đúng giờ ngủ, hơn bảy mươi còn gì, đừng đi lung tung, lẫn rồi, lỡ đi lạc hay té sông là hết phương kiếm tìm. Bế Hai ngồi cạnh giường má, giọng vẫn lanh lảnh, kiểu không ưng ý má tí nào. Má làm vậy, chỉ tổ mang khổ thêm cho đám con, bỏ buôn bỏ bán chạy về, lại dấm dúi tiền bạc chồng con đặng đem về thuốc thang cho má. Thương má mới nhắc vậy, mà má có thương tụi con thì nhớ phải nghe lời con nha.

Má lần cái tay còn lại, nằm lấy tay Bế Hai. Bế Hai đừng có lo, má còn nhớ mà, má biết bơi giỏi lắm, Bế Hai tập bơi được chưa, cắt gốc chuối làm bè mà đạp nước, rồi quạt nước.

Bế Hai nhát hít à, má già rồi, lỡ Bế Hai té sông như hồi xưa, má hông có đủ sức mà cứu Bế Hai nghen. Bế Hai nắm tay má. Tay má gầy guộc, gân xanh nổi hằn lên, chỉ còn lớp da bọc xương, nhăn nheo thô ráp. Bế Hai khóc ngon lành, khóc anh ách như cái lần đuối nước khi xưa. Hình ảnh má lao vào giữa dòng, dìu Bế Hai lên bờ, theo từng giọt nước mắt, mồn một hiện rõ.

4.Sắp xếp mớ bộn bề lo toan nơi phố thị, xuôi chuyến xe đò rưng rức, thằng Bốn về. Má lại ra bến ngồi, một chiều tàn mùa chuối chín. Hai bên ven sông, chỉ còn thưa thớt vài buồng chuối không được trái, chín rục lúc lắc. Chuối giờ không có được giá phải hông Bốn. Má nghe chòm xóm nói lái mua rẻ thúi rẻ ình. Năm sau họ đốn hết chuối. Nhìn chắc trơ trọi lắm.

Thằng Bốn còn thèm chè chuối má nấu hông. Má giờ chỉ còn có một tay động đậy được, lại lúc tỉnh, lúc lẫn. Lúc má lẫn thằng Bốn có thèm thì má cũng hông nhớ mà nấu cho bây ăn đâu.

Hay lần này, để con nấu má ăn nghen!

Thằng Bốn cõng má đi dọc ven sông, mót nải chuối chín rục mà người ta bỏ đi không thèm chặt. Dù là lần cuối má nấu chè cho nó ăn, hay lần đầu nó nấu cho má ăn. Nhưng nó tin, má có lẫn đi chăng nữa thì sẽ không bao giờ quên cách nấu chè chuối chưng. Bởi cả cuộc đời này của má đã gắn liền với biết bao mùa chuối chín ven sông.

Hoặc giả là lần đầu nó nấu cho má ăn, thì cũng vẫn là cái hương vị cũ kỹ ngày ấy má đã nấu. Vì tận sâu dòng máu của mình, làm sao thằng Bốn quên được cái hương vị ngọt ngào đầy yêu thương này.

Chiều quê sẫm trời, bát ngát mùi khói đốt đồng quyện vào hương chuối cuối mùa thoảng theo gió. Mãi sau này, thằng Bốn không thể quên buổi chiều ấy, má vòng tay ôm cổ nó, nó cõng má đi dọc ven sông, cuối mùa chuối chín.

Tống Phước Bảo

Tin liên quan:
  • Truyện ngắn: Cõng má đi qua cuối mùa
    Truyện ngắn: Đi qua ký ức

    (PNVN) - Chú Thắng lại bảo, tha thứ đâu phải cho người có lỗi mà còn để mình nhẹ lòng. Khi nghe chú nói, tự nhiên tôi thấy, hay là mình cũng buông nỗi buồn xưa cũ, thả hết đi những xót xa năm cũ...

  • Truyện ngắn: Cõng má đi qua cuối mùa
    Đưa ong đi tìm những mùa hoa

    Làm nghề nuôi ong lấy mật, những người đàn ông này phải rong ruổi qua bao dặm đường để đưa đàn ong tìm những mùa hoa. Cuộc sống nay đây mai đó cùng những đàn ong chất chứa bao vất vả, nhọc nhằn nhưng đổi lại là dòng mật ngọt từ hương của ngàn hoa giúp người nuôi ong đảm bảo cuộc sống cho gia đình.


Tống Phước Bảo

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long