{title}
{publish}
{head}
Tuy mỗi người một hoàn cảnh, công việc, tính cách... nhưng anh Nguyễn Phi Bảo, Thượng tá Nguyễn Văn Hồng và Nhà giáo ưu tú Trần Thị Châu lại gặp nhau ở điểm chung là cùng sinh năm 1975, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với sự nỗ lực cao, họ đã và đang từng ngày cống hiến, tỏa sáng theo cách riêng, xứng đáng là những công dân tiêu biểu.
Anh NGUYỄN PHI BẢO, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa: Vươn lên từ khó khăn, thử thách
Tôi sinh ngày 14/12/1975, vào một chiều đông ở miền biên giới Lao Bảo. Mẹ hoài thai ở Triệu Phước, Triệu Phong và chào đón tôi tại vùng kinh tế mới. Mẹ kể, tôi ra đời rất nhanh như thể không muốn bà chịu thêm những khó khăn, thử thách. Thời ấy, cuộc sống của những người đến miền quê mới đều cơ cực. Chiếc nồi cơm của nhà tôi phần lớn chỉ có sắn. Là con út nên tôi thường được mẹ ưu tiên, chọn những củ sắn dính nhiều cơm nhất. Lớn lên một chút, tôi theo ba đi cày thuê, kiếm những bữa ăn mặn chát vị mồ hôi.
Anh Nguyễn Phi Bảo (phía tay trái) chuyện trò với người dân địa phương - Ảnh: Q.H
Trong bối cảnh ấy, tôi vẫn cho rằng, mình là người may mắn. Bởi, tôi sinh ra chỉ ít tháng sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Ba mẹ, anh chị tôi không may mắn như vậy. Nhiều đêm, các thành viên trong gia đình vẫn thon thót giật mình vì mơ thấy bom gào, đạn xé. Biết sự may mắn của mình nên tôi luôn cố gắng vươn lên. Tôi không trách cứ hoàn cảnh khi buộc phải nghỉ học giữa chừng vì gia đình quá nghèo khó. Xếp lại những trang vở, tôi đi bộ đội, rồi học sĩ quan dự bị. Sau khi phục viên về quê, tôi tiếp tục học trung học phổ thông, đại học, thạc sĩ.
Có lẽ nỗ lực vượt khó ấy đã giúp cán bộ, bà con địa phương yêu thương, bầu tôi làm khóm phó, rồi tiếp đó là các nhiệm vụ quan trọng khác. Hiện nay, tôi là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn Lao Bảo. Trong thời gian công tác, tôi nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ, góp ý chân tình từ người dân, đặc biệt là các bậc cao niên. Mọi người thương quý hơn khi biết tôi là thế hệ đầu tiên chào đời ở thị trấn Lao Bảo trong những ngày gian khó nhất. Đó cũng chính là động lực thôi thúc tôi nêu cao hơn nữa tinh thần cống hiến.
Giờ đây, mỗi lần nhìn lại chặng đường 50 năm, tôi vẫn cảm ơn cuộc đời. Dù không được ưu ái ban tặng những thứ thuận lợi nhất nhưng cuộc đời giúp tôi mạnh mẽ, trưởng thành, biết yêu quý mọi người hơn. Đặc biệt, tôi may mắn được sinh ra, lớn lên giữa hòa bình, thành quả vô giá mà cha ông ta đã đổ bao máu xương để giành lại. Tôi mong rằng, đất nước chúng ta sẽ luôn hòa bình, thống nhất và ngày càng phát triển để thế hệ sau sẽ có thêm nhiều cơ hội vươn tới những đỉnh cao của cuộc đời.
Thượng tá NGUYỄN VĂN HỒNG, Phó Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng tỉnh: Nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong màu áo bộ đội biên phòng
Những ngày này, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang phấn khởi thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong bầu không khí ấy, tôi và các cán bộ, chiến sĩ biên phòng khác cũng đang dồn toàn tâm, toàn sức làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, góp sức giữ gìn bình yên cho quê hương, đất nước.
Thượng tá Nguyễn Văn Hồng lên kế hoạch phòng, chống ma túy thời gian tới - Ảnh: Q.H
Đối với tôi, năm 2025 là một dấu mốc đặc biệt. Ngày 18/7 năm nay, tôi sẽ bước sang tuổi 50. Ở lứa tuổi này, như nhiều người, tôi có thói quen nhìn về quá khứ, chiêm nghiệm những gì đã qua. Mỗi lần như vậy, bản thân lại thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh. Tôi sinh ra, lớn lên trong một gia đình đông anh em ở xã Trung Sơn, huyện Gio Linh-mảnh đất có thể ví là chứng nhân của nỗi đau chia cắt đất nước. Mẹ tôi làm nông, còn ba từng là cán bộ tuyên huấn.
Thời nhỏ, ba tôi thường đi công tác xa, một mình mẹ phải lo liệu cho 5 người con, vất vả không kể hết. Thế nhưng, mẹ vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Từng đi qua khói lửa chiến tranh, mọi khó khăn sau ngày thống nhất đất nước dường như trở nên rất nhỏ bé đối với bà. Mẹ thường căn dặn chúng tôi phải sống, cống hiến thay cho cả những người đã hy sinh vì nền hòa bình.
Từ nhỏ, tôi đã yêu màu áo bộ đội biên phòng. Dẫu biết công việc của những người lính mang quân hàm xanh có nhiều khó khăn, thử thách nhưng tôi vẫn giữ tình yêu không điều kiện. Vì thế, cách đây 30 năm, khi lần đầu tiên khoác chiếc áo bộ đội biên phòng, tôi vô cùng sung sướng, tự hào. Niềm hạnh phúc nhân lên khi tôi được sống, làm việc trên chính quê hương mình. Dù ở cương vị công tác nào, tôi cũng luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2005, lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy Bộ đội Biên phòng tỉnh thành lập, tôi là một trong những cán bộ đầu tiên được chọn làm trợ lý.
Như chúng ta đã biết, cuộc chiến với ma túy, tội phạm luôn phức tạp. Đi đầu trong cuộc chiến ấy, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh. Điều đó phần nào cho thấy sự hiểm nguy, gian khó trong công việc mà tôi và đồng đội đang đảm đương. Thế nhưng, là những người lính biên phòng, chúng tôi chưa bao giờ cho phép mình chùn bước. Ai cũng cố gắng hết sức, cùng nhau tạo nên “lá chắn thép” đẩy lùi ma túy, tội phạm. Không dừng lại ở đó, tôi cùng đồng đội còn phối hợp, hỗ trợ lực lượng chức năng nước bạn Lào phòng chống ma túy, tội phạm từ sớm, từ xa.
Với những đóng góp của mình, tôi từng nhiều lần được các cấp, ngành, đơn vị tuyên dương, khen thưởng. Bản thân vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen. Đó chính là niềm vui, động lực thôi thúc tôi cố gắng nhiều hơn. Thời gian tới, bên cạnh làm tốt nhiệm vụ chính trị, tôi sẽ cùng những trái tim yêu chuộng hòa bình khác gieo nhiều “hạt giống đẹp” nhất có thể trong lòng thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên biên phòng. Bởi, họ chính là những chủ nhân của đất nước hôm nay và mai sau.
Nhà giáo ưu tú TRẦN THỊ CHÂU, giáo viên Trường Mầm non A Xing, huyện Hướng Hóa: Giups học sinh hiểu hơn về giá trị của hòa bình
Ngày 5/7/2025 tới, tôi sẽ tròn 50 tuổi. Vậy mà, bản thân đã may mắn nhận được một “món quà sinh nhật” sớm đầy ý nghĩa, đó là danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Gần 50 năm qua, tôi luôn sống, làm việc thầm lặng. Bản thân chưa bao giờ nghĩ những việc mình làm sẽ được nhiều người biết đến, ghi nhận.
Cô giáo Trần Thị Châu đã giúp nhiều học sinh vùng cao có những tấm áo mới - Ảnh: Q.H
Tôi sinh ra ở Đông Hà vào hôm nước lũ tràn về. Chào đời sau ngày đất nước thống nhất nhưng tôi vẫn phần nào hiểu được sự đau thương, mất mát của chiến tranh. Từ nhỏ, tôi đã được ba mẹ kể lại những câu chuyện đẫm nước mắt về tội ác mà kẻ thù gây ra và ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam. Lớn lên một chút, tôi phải chịu đựng nỗi đau mất người thân do bom đạn mà chiến tranh để lại.
Mùa hè năm 1984, trong lúc đang chăn dê giúp gia đình, bạn của anh trai tôi nhặt được một quả bom bi, rồi vì không biết sự nguy hiểm của nó mà đùa nghịch, ném ra xa. Một tiếng nổ khô khốc vang lên, khiến tôi và anh trai vô tình ở gần khu vực ấy bị hất ra xa.
Sau vụ nổ, tôi bị thương nặng, còn anh trai tử vong. Đến giờ, những vết thương vẫn hằn in trên thân thể tôi. Mỗi lần trái gió, trở trời lại đau nhức nhối. Thế nhưng, không nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau mất người thân.
Hiểu rõ sự khắc nghiệt của chiến tranh nên tôi sớm biết trân quý giá trị của hòa bình. Theo ngày tháng, khát vọng cống hiến cho quê hương, đất nước càng lớn trong tôi. Thế nhưng, có lúc tôi đã hồ nghi, tự đặt ra câu hỏi: “Liệu một cô gái nhỏ bé, không mấy khỏe mạnh sau vụ tai nạn bom mìn như mình có thể làm được điều gì ý nghĩa?”.
Thanh xuân của tôi cũng chính là tháng ngày đi tìm kiếm đáp án cho câu trả lời ấy. Cuối cùng, tôi chọn nghề nuôi dạy trẻ. Bởi, tôi cho rằng: “Nếu không làm được vì gì quá to lớn, hãy làm việc nhỏ bằng một trái tim lớn”.
Năm 1999, tôi lên công tác tại huyện miền núi Hướng Hóa. Ngày đầu nhận công tác, đập vào mắt tôi là hình ảnh những em nhỏ người Vân Kiều, Pa Kô gầy gò, đen sạm vì nắng gió. Lúc đó, tôi chực trào nước mắt vì như gặp lại chính mình của thời ấu thơ đầy vất vả. Đó cũng chính là lý do thôi thúc tôi vượt qua mọi gian khó để gắn bó với công việc.
Thấy các em nhỏ thiếu áo, quần để mặc, tôi tích cóp tiền lương mua máy móc, vải vóc, dụng cụ... về may cho các em. Khởi đầu thành công với hành động nhỏ ấy, tôi có thêm động lực để làm những việc lớn hơn. Tôi vui vì ngày càng có nhiều đồng nghiệp, người thân, nhà hảo tâm chung sức.
Ở tuổi 50, tôi luôn cảm thấy mình rất “giàu có”. Bởi, tôi có một... đàn con thơ để hằng ngày dạy dỗ, chăm sóc, yêu thương. Theo ngày tháng, nhiều đứa con của tôi lớn lên, trở thành những điển hình ưu tú của bản làng. Một số em vẫn gọi tôi là mẹ.
Mỗi lần như thế, tôi lại nhớ đến câu hỏi mà mình từng đặt ra thời trẻ. Nhờ sống trong hòa bình, thống nhất, cô gái sống sót sau vụ nổ bom bi năm xưa đã làm được điều mà bản thân từng cho là không thể.
Vì thế, ở tuổi 50, tôi sẽ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Tôi sẽ kể lại câu chuyện cuộc đời mình cho học sinh để giúp các em hiểu rõ hơn giá trị của hòa bình, thống nhất.
Trong những giờ dạy, tôi sẽ tiếp tục lồng ghép, tuyên truyền thông điệp phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ để không còn những nỗi đau do bom mìn gây ra.
Quang Hiệp (thực hiện)
QTO - Hơn mười năm qua, người ta biết đến ông Nguyễn Viết Hải là Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải - một doanh nghiệp lớn tại tỉnh Quảng Bình với những con đường...
QTO - Năm 2024 được coi là một năm “bùng nổ” của ca sĩ Tùng Dương với những sản phẩm âm nhạc ghi dấu trong lòng công chúng. Đặc biệt, vào hai tháng cuối...
QTO - Nhân dịp đón xuân Ất Tỵ 2025, tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động vui...
QTO - Những năm qua, phong trào xây dựng nhà đại đoàn kết giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn luôn được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị quan...
QTO - Đón năm mới 2025 và tết Ất Tỵ, người dân thành phố Đông Hà đang hân hoan bởi thành phố vừa được “nâng tầm” lên đô thị loại II. Một đô thị ở phía Đông...
QTO - Những ngày giáp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, từ thành phố Đông Hà xuôi về phía mặt trời mọc đã cảm nhận được sự nhộn nhịp, phấn khởi, tươi vui của...
QTO - Một mùa xuân mới lại về với không khí rộn rã trên khắp mọi nẻo đường. Hòa cùng sinh khí của đất trời đang chuyển mình vào xuân, tỉnh Quảng Trị đã và...
QTO - Điện châm là phương pháp được nhiều người lựa chọn để điều trị một số căn bệnh phổ biến liên quan đến các bệnh lý xương khớp, thần kinh, tiêu hóa và...
QTO - 6 năm qua, chị Nguyễn Thị Đằng (sinh năm 1968) ở khu phố Vĩnh Phước, phường Đông Lương, TP. Đông Hà, phải ngày đêm chống chọi với căn bệnh viêm khớp...
QTO - Càng gần đến tết Nguyên đán, Trần Thị Kim Chi (sinh năm 1996), một người con Quảng Trị đang sinh sống, làm việc tại TP. Osaka, Nhật Bản càng thêm bận...
QTO - Để có mặt bằng phục vụ dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đồng thuận nhường đất, tháo dỡ nhà cửa, di...
QTO - Dẫu cuộc sống vẫn còn khó khăn nhưng nhiều thiếu nhi Quảng Trị luôn cháy bỏng ước mơ, hoài bão. Để chắp cánh cho các em, thời gian qua, Nhà Thiếu nhi...