Cập nhật: Chủ nhật, 15/03/2015 | 13:12 GMT+7

Trên những cánh đồng liên vụ

(QT) - Trở lại Gio Linh trong những ngày này, không khí ấm áp của mùa xuân ngập tràn. Trên cánh đồng lúa mơn mởn xanh đang bước vào thời kỳ đẻ nhánh khởi động vụ đông xuân khá suôn sẻ nhưng lại dự báo một năm sản xuất nông nghiệp khá vất vả bởi nhiều khả năng xảy ra hạn hán. Các cấp chính quyền từ huyện đến xã và người dân đều đã tiên lượng được khó khăn này nên đã dồn sức cho mùa vụ. Xác định trước những khó khăn sản xuất nông nghiệp như thế nên dẫu ruộng đồng không màu mỡ như những huyện trọng điểm lúa khác của tỉnh, Gio Linh vẫn gặt hái được những vụ mùa bội thu nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của các cấp chính quyền, của người dân cùng với đội ngũ cán bộ kỹ thuật đầy trách nhiệm với sản xuất nông nghiệp. Thực hiện đồng bộ các khâu sản xuất lúa Gia đình anh Hoàng Văn Lộc ở thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh (Quảng Trị) sản xuất 1,6 mẫu ruộng. Đã từ lâu, gia đình anh sử dụng giống lúa chất lượng cao. Trong quá trình sản xuất anh Lộc tuân thủ đầy đủ các quy trình kỹ thuật, đồng thời chủ động phát hiện sâu bệnh, tích cực phòng trừ, vừa giảm được sâu bệnh, giảm chi phí sản xuất nên vụ nào gia đình anh đều thu hoạch sản lượng lúa khá. Năng suất lúa của gia đình anh những năm gần đây đều đạt 55- 58 tạ/ha. Anh thường thuê máy làm đất, máy gặt nên tiến độ sản xuất đạt nhanh lại tiết kiệm được sức lao động. Anh Lộc cho biết: “Bữa nay, làm ruộng ngoài kinh nghiệm đúc rút trong quá trình sản xuất phải biết bố trí mùa vụ phù hợp, sử dụng các biện pháp thâm canh cao, tổ chức tưới tiêu khoa học, sử dụng phân bón hợp lý, ứng dụng các chương trình phòng trừ dịch hại tổng hợp... mới cho hiệu quả cao”.

Thu hoạch lúa ở Gio Quang, Gio Linh - Ảnh: V.T.H
Gio Linh không phải thế mạnh của vùng đất trồng lúa, bởi diện tích ruộng không nhiều, chất đất kém màu mỡ, có vùng không chủ động tưới tiêu... Nhưng vượt qua mọi khó khăn, các xã vùng đồng bằng của huyện Gio Linh đã vươn lên chuyên canh thành công cây lúa bằng trình độ canh tác, quản lý sản xuất và hiệu suất đầu tư. Từ một huyện khó khăn về nước tưới được nhà nước tập trung đầu tư khá đồng bộ hệ thống thủy lợi, Gio Linh trở thành địa phương khá chủ động tưới, tiêu trong sản xuất nông nghiệp. Với 4.200 ha đất trồng lúa mỗi vụ nhưng phần lớn là ruộng manh mún nên công tác quy hoạch đồng ruộng, đổi thửa, dồn điền, cải tạo ruộng đồng, xây dựng đường nội đồng, đường liên thôn, xóm, kiên cố hóa kênh mương, đưa cơ giới hóa vào phục vụ sản xuất.... nhằm mục đích hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp đã được huyện Gio Linh triển khai từ nhiều năm nay. Trên cơ sở hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất đồng bộ, bước quan trọng để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa là nâng cao trình độ sản xuất của người dân. Huyện đã chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ canh tác cho người dân và thường xuyên bổ sung những kiến thức sản xuất mới nhất để họ chủ động đầu tư sản xuất có hiệu quả. Đặc biệt chương trình khuyến khích sản xuất, chuyển giao tiến bộ KHKT được xúc tiến mạnh mẽ, nhất là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu bộ giống lúa... đã góp một phần rất lớn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và sản lượng lương thực. Nhờ đó, Gio Linh đã hình thành được các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao với diện tích canh tác hàng năm hơn 2.700 ha ở các xã Gio Quang, Trung Sơn, Trung Hải, trong đó xã Gio Quang đã trở thành địa phương có đủ điều kiện để Sở Nông nghiệp và PTNT chọn làm thí điểm xây dựng đề án cánh đồng mẫu lớn. Song song với sản xuất lúa chất lượng cao, huyện cũng tập trung chỉ đạo đầu tư thâm canh đối với các giống chất lượng trung bình nhưng có năng suất cao để bảo đảm an ninh lương thực, giúp lúa đại trà của huyện đạt được năng suất vượt trội. Vụ đông xuân 2013- 2014, năng suất lúa toàn huyện đạt bình quân 58,1 tạ/ha, sản lượng đạt gần 26.000 tấn, đạt cao nhất từ trước đến nay. Trong điều kiện sản xuất lúa khó mở rộng diện tích nên huyện Gio Linh đã chú trọng đầu tư chiều sâu, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Song song với việc cải tạo đồng ruộng để tận dụng hết diện tích đất sản xuất, huyện đã áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất góp phần làm tăng năng suất, chất lượng lúa, đáng kể nhất là giống lúa. Những năm qua, huyện đã lựa chọn được bộ giống tương đối chuẩn đưa vào sản xuất và liên tục có sự thay thế nhưng vẫn xác định được các giống chủ đạo cho sản xuất từng mùa vụ. Việc đưa vào sản xuất nhiều giống lúa lai có chất lượng, chống chịu sâu bệnh đã hạn chế được tình trạng bùng phát sâu bệnh. Mặt khác, đưa vào sản xuất các giống lúa chất lượng cao không chỉ cho năng suất cao mà còn giúp nông dân dễ tiêu thụ sản phẩm.

Đưa cơ giới vào đồng ruộng - Ảnh: NGUYỄN VĂN DŨNG
Anh Lê Văn Toàn, Phó phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh cho biết: “Huyện hình thành và phát triển được vùng trọng điểm lúa chất lượng cao là nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bố trí lịch thời vụ hợp lý, đưa các giống lúa mới vào sản xuất... phù hợp từng địa phương. Đồng thời, triển khai ứng dụng nhiều tiến bộ KHKT vào sản xuất và thực hiện liên kết chặt chẽ trong chuỗi sản xuất nông nghiệp đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, huyện còn triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ diệt chuột bảo vệ mùa màng cũng góp phần đem lại kết quả sản xuất thắng lợi”. Sự liên kết nhiều “nhà” trong chuỗi sản xuất của nông dân huyện Gio Linh cũng đã đưa lại nhiều thành công trong sản xuất lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp của tỉnh nói chung. Các HTX, đại lý đã tham gia cung ứng tốt vật tư phục vụ sản xuất và sẵn sàng bán trả chậm cho nông dân, tránh được tình trạng thiếu vốn đầu tư sản xuất, giúp cho nông dân chủ động trong sản xuất. Trong khâu tiêu thụ, các cơ sở xay xát, chế biến trên địa bàn cũng kết nối với nông dân hướng tới lúa chất lượng cao đã hình thành những vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao được chỉ đạo sản xuất theo đúng quy trình góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Đưa cơ giới hóa vào sản xuất Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phù hợp với điều kiện mới cũng là một yêu cầu bức thiết buộc nông dân phải làm ruộng bằng máy. Hiện nay, ruộng của nông dân chỉ ở 1- 2 vùng đồng, một thửa ruộng có khi rộng tới 1 ha nên rất thuận tiện cho việc cày cấy bằng máy. Theo tính toán của nông dân, mỗi sào ruộng thuê làm đất và gặt bằng máy là 2 khâu nặng nhọc nhất mất 200.000 đồng mà làm nhanh, gọn, vụ mùa không kéo rê ra như cày trâu và gặt bằng tay trước đây. Rút ngắn được thời gian làm đất, giải phóng sức lao động, nông dân có thể làm việc khác tạo ra nguồn thu nhập cao hơn nhiều so với bỏ sức ra làm thủ công trên đồng ruộng. Ngoài ra, trong khâu thu hoạch nếu thực hiện thủ công sẽ không đảm bảo chất lượng hạt gạo và khó đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gạo chất lượng cao. Điều này còn ảnh hưởng đến giá bán gạo trên thị trường, thu nhập của người trồng lúa, thương hiệu hạt gạo vì thế cũng bị giảm đi. Thu hoạch bằng máy giúp giảm từ 10-12% tỷ lệ thất thoát lúa, nông dân sẽ lãi nhiều hơn. Thực hiện chủ trương đẩy nhanh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nông dân như cho vay vốn ưu đãi, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các công ty cơ khí bán máy trả góp cho nông dân với lãi suất 0% đã tạo cho nhiều nông dân trên địa bàn huyện Gio Linh có điều kiện mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh, hiện nay, trên địa bàn huyện đã cơ giới hoá gần 100% khâu làm đất, 85% khâu thu hoạch, 100% khâu tuốt thổi lúa, 60% khâu vận chuyển. Toàn huyện hiện có hơn một ngàn máy gặt, máy làm đất và nhiều công cụ sạ hàng... Điển hình là xã Gio Quang có gần 500 máy làm đất và máy gặt làm cho xã này lúc nào cũng hoàn thành xong mùa vụ sớm nhất huyện. Những cánh đồng lúa Gio Linh hôm nay, liền bờ liền khoảnh, mở rộng thênh thang tạo điều kiện cho việc đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng. Nhờ đó, nên mỗi khi lúa đông xuân cơ bản gặt xong thì phân nửa diện tích đã được cày ải cho vụ hè thu. Trước những biến đổi của khí hậu, thời tiết gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, phát huy những thành quả đạt được, bước sang năm mới, ngay từ đầu vụ đông xuân, toàn huyện Gio Linh đã chuẩn bị sẵn sàng những phương án đối phó với thiên tai hạn hán, lũ lụt và tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, tập trung các nguồn lực đầu tư cho sản xuất quyết tâm tiếp tục giành lấy thắng lợi trên những cánh đồng liên vụ. VÕ THÁI HÒA



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Cánh đồng làng
06:58 20/07/2023

Làng tôi ở bao bọc xung quanh là cánh đồng và dòng sông. Cánh đồng về mùa thu và mùa xuân luôn xanh mát với những cây lúa và cỏ hoa. Sau tháng 3, tháng 4 âm ...

Vụ đông xuân được mùa, được giá
22:15 07/05/2023

Năng suất lúa ở mức cao cộng thêm giá bán ổn định nên những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân trên địa bàn tỉnh đang tập trung thu hoạch lúa vụ ...

Nét mới trên đồng ruộng Vĩnh Lâm
22:26 03/05/2023

Trong những năm qua trên địa bàn tỉnh, mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ được thực hiện xuất phát từ chính nhu cầu của người sản xuất và doanh nghiệp. Quy ...

Khẩn trương thu hoạch lúa vụ đông xuân
22:30 24/04/2024

Vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh gieo cấy được gần 26.000 ha lúa. Nhờ thời tiết ấm hơn mọi năm nên cây lúa phát triển thuận lợi và rút ngắn thời gian sinh trưởng ...

Thu hoạch gần 85% diện tích lúa đông xuân
12:07 02/05/2024

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bùi Phước Trang cho biết, tính đến thời điểm này, trong tổng số gần 26.000 ha lúa đông xuân toàn tỉnh, ...

Chủ động sản xuất vụ đông xuân
23:00 21/12/2022

Vụ đông xuân 2022-2023, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng 25.500 ha lúa, 3.500 ha ngô, 3.000 ha lạc… Hiện tại, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tập ...

Tập trung sản xuất vụ đông xuân
21:48 26/01/2023

Sau những ngày vui xuân đón Tết đầy niềm vui, phấn khởi, nông dân trên địa bàn tỉnh đã tấp nập ra đồng chăm sóc cây trồng vụ đông xuân. Không khí lao động sôi ...

Để ngành thủy sản phát triển bền vững

Để ngành thủy sản phát triển bền vững
4 giờ trước

QTO - Với lợi thế về phát triển kinh tế biển, trong đó mũi nhọn là khai thác và nuôi trồng thủy sản, những năm qua, cùng với những chính sách hỗ trợ của...

Nghề hấp cá xuất khẩu ở Cửa Việt

Nghề hấp cá xuất khẩu ở Cửa Việt
06:11 15/03/2015

(QT) - Chưa bao giờ vùng ven biển Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) sôi động như hiện nay khi mỗi ngày một gia đình ngư dân có lò hấp kiếm được vài triệu đồng từ công việc...

Kịp thời ứng phó với tình hình hạn hán

Kịp thời ứng phó với tình hình hạn hán
23:39 12/03/2015

(QT) - Do lượng mưa năm 2014 ít nên kết thúc mùa mưa lũ, mực nước ở các hồ đập đều rất thấp, tình trạng thiếu nước, khô hạn có khả năng xảy ra trên diện rộng vào mùa khô năm...

Ghi nhận ở một xã nông thôn mới

Ghi nhận ở một xã nông thôn mới
23:38 12/03/2015

(QT) - Hưởng ứng các phong trào thi đua chào mừng Đại hội thi đua yêu nước lần thứ 4 của tỉnh Quảng Trị, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMT, Hội đồng thi đua, khen thưởng xã Vĩnh Thạch,...

Những ngọn tháp xanh trên vùng đất đỏ

Những ngọn tháp xanh trên vùng đất đỏ
23:29 11/03/2015

(QT) - Ông Lê Phước Hoạch không chỉ là một đảng viên, cựu chiến binh có nhiều đóng góp trong các phong trào hoạt động của xã Gio An (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), mà còn là...

POWERED BY
Việt Long