{title}
{publish}
{head}
Thời đại sản sinh ra con người và với những con người kiệt xuất, có thể sinh ra một thời đại, như thời đại Hồ Chí Minh mà chúng ta đang sống. Đó là một thời đại mà Nhân dân Việt Nam đã làm được những điều hết sức kỳ diệu: bằng những cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, giải phóng đất nước đã làm tan rã hệ thống chủ nghĩa thực dân, đế quốc, góp phần cùng nhân loại kiến tạo tương lai, kiến tạo một xã hội dựa trên căn bản của sự phát triển hài hòa, của quyền tự do, dân chủ, của lòng nhân ái, của sự nghiệp giải phóng con người và con người tự giải phóng.
Hồ Chí Minh là một người thầy vĩ đại. Không người thầy vĩ đại nào lại không có những học trò xuất sắc. Nếu các bậc tiền bối như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... đã có những cống hiến to lớn, quan trọng trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm, đặt nền móng phát triển; thì đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII là người cộng sản trung kiên, trung thành và vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đưa cách mạng XHCN ở Việt Nam lên một tầm cao mới.
Người con của Nhân dân, người lấy lại niềm tin, khơi dậy sức mạnh của Nhân dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện thân mật với cán bộ, Nhân dân xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong năm 2017 trong dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn -Ảnh: T.D
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14 tháng 4 năm 1944 trong một gia đình nông dân ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, một vùng quê nghèo như bao vùng quê khác. Trước khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, đồng chí là một nhà báo, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản. Trước khi là nhà báo, đồng chí là sinh viên Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1963- 1967.
Từ năm 1973-1976, đồng chí học Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Từ năm 1981 đến 1983, đồng chí là nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ Khoa học Lịch sử tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, năm 1992, được Nhà nước phong hàm phó giáo sư, năm 2002 được phong hàm giáo sư chuyên ngành Xây dựng Đảng.
Từ một thanh niên nông thôn rất đỗi bình thường, nhưng là thế hệ sinh ra và lớn lên từ Cách mạng Tháng Tám, trái tim Nguyễn Phú Trọng từ nhỏ đã nhuộm hồng ánh sáng của lý tưởng, được giáo dục để có một niềm tin sắt son và tình yêu máu thịt đối với Nhân dân, đất nước và CNXH; được sự chăm lo của Đảng và Nhân dân, cộng với ý thức rất cao về sự tu dưỡng, rèn luyện bản thân với một định hướng đẹp đẽ và không lay chuyển: Nếu là hoa, phải là hoa hướng dương; nếu là đá, phải là đá kim cương; nếu là người, phải là người cộng sản, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã không ngừng phấn đấu vươn lên luyện thành “thép đã tôi”, kết tinh trí tuệ, đạo lý và văn hóa Việt Nam.
Cha ông và gia phả của mọi dòng họ Việt đều nói: “Cây có gốc, nước có nguồn. Nguồn sâu thì nước chảy mạnh, gốc vững thì cành xanh”. Tâm hồn Nguyễn Phú Trọng từ nhỏ đã bắt rễ sâu xa vào ca dao, dân ca; vào nguồn sữa tươi mát, trong lành của ân tình, đạo lý. “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Đói cho sạch, rách cho thơm”...
Mỗi ngày, dù ở cương vị nào, đồng chí cũng răn mình, giũa sáng tứ đức “cần, kiệm, liêm, chính” mà Bác Hồ đã dạy. Một trong những câu thơ mà đồng chí thích nhất là của nhà thơ Tố Hữu: Không thể gì quyến rũ/ Mua bán được lương tâm/ Danh dự của riêng thân/ Là của chung đồng chí/ Phải giữ gìn tỉ mỉ/ Như tròng mắt con ngươi/ Đến cạn máu tàn hơi/ Không xa rời kỷ luật (Con cá, chột nưa). Tính lý tưởng của người cách mạng và đạo lý Việt Nam là một, cùng ánh lên sự sáng ngời của Cái Đẹp.
Cái Đẹp đó đã được sinh viên Nguyễn Phú Trọng theo đuổi ngay từ luận văn tốt nghiệp đại học của mình do Giáo sư Đinh Gia Khánh hướng dẫn “Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu”. Bài báo đầu tiên của đồng chí cũng là về đề tài này: “Phong vị ca dao dân ca trong thơ Tố Hữu” (Tạp chí Văn học số 11 năm 1968).
Giáo sư Hà Minh Đức, thầy giáo chủ nhiệm Khoa Ngữ Văn khóa VIII, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội của đồng chí Nguyễn Phú Trọng kể: “Anh Trọng là một người hết sức khiêm tốn, tình nghĩa, thân thiết với bạn bè, không che khuất ai, kể cả khi chụp ảnh. Đức tính ấy, từ ngày sinh viên đến khi là Tổng Bí thư không hề thay đổi”.
Phát biểu tại Lễ trao tặng Huy hiệu 55 tuổi Đảng vào ngày 2/2/2023 cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, thay mặt Đảng, Nhà nước trân trọng ghi nhận: “Trong cuộc sống đời thường, đồng chí sống giản dị, khiêm tốn, mẫu mực, chân thành. Đồng chí là tấm gương sáng tiêu biểu để cán bộ, đảng viên chúng ta học tập, noi theo.”
Tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng -Ảnh: T.L
Nhà báo Đỗ Phú Thọ, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân có kể về một số kỷ niệm khi làm phóng viên tháp tùng: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng có nhiều chuyến đi công tác bằng phương tiện công cộng, thường đến thẳng những nơi khó khăn nhất, ăn cơm thường do văn phòng chuẩn bị, thường ngồi chung với anh em báo chí.
Thông thường đồng chí ngồi giữa, cánh nhà báo ngồi xung quanh cùng với một số đồng chí cận vệ. Đồng chí thường gọi các nhà báo là đồng nghiệp và đề nghị anh em phải “nói thẳng, nói thật” những điều “mắt thấy, tai nghe, óc suy nghĩ, trái tim mách bảo”. Có khi cùng trao đổi thân tình để hoàn chỉnh một bài báo. Có khi nhắc anh em phục vụ có còn dư suất cơm hộp nào thì “thêm” cho nhà báo, anh em chạy lên chạy xuống mau đói lắm.
Vào dịp kỷ niệm 65 năm ra số đầu tiên (năm 2015), Báo Quân đội Nhân dân muốn có một lẵng hoa lụa của Tổng Bí thư để lâu dài trong Phòng Truyền thống, cũng như kỷ niệm 70 năm ra số đầu tiên (năm 2020), Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân đề đạt: chỉ “xin chủ trương” và mong được đồng ý, còn hoa để báo “chuẩn bị”. Tổng Bí thư nói: “Hoa của mình, mình phải chuẩn bị và chi tiền chứ”. Và đồng chí đã làm như vậy...
***
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thường có nét mặt tươi cười, rạng rỡ và rất thoải mái khi sống giữa làng quê với các mẹ già, cháu nhỏ; khi tiếp xúc cử tri; khi trở về với Nhân dân. Nhưng đã có khi đồng chí phải rơi nước mắt. Không ai quên giọt nước mắt của người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã rơi trước ống kính truyền hình, trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, ngày 15/10/ 2012.
Đó là giọt nước mắt của nỗi đau không chỉ riêng người chịu trách nhiệm chính trị cao nhất mà của cả hàng triệu đảng viên chân chính, của mọi người dân trong nước trước sự tha hóa, biến chất của cán bộ; trước sự hoành hành của nạn tham nhũng, tiêu cực.
Giọt nước mắt ấy không rơi vào quên lãng.
Giọt nước mắt ấy đã rơi vào lịch sử; rơi vào sự xúc động chân thành, cảm thông và tha thứ của Nhân dân.
Nó biến thành sức mạnh tập hợp, biến thành quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Lịch sử nào, con người ấy.
Từ sau khi Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ, cách mạng Việt Nam đứng trước bốn nguy cơ lớn: nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế; nguy cơ chệch hướng XHCN; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Là một nhà lý luận, một nhà hoạt động thực tiễn, hơn ai hết, đồng chí Nguyễn Phú Trọng hiểu sâu sắc câu nói của Lênin: “Không có kẻ thù nào, dù là hung bạo nhất, có thể chiến thắng được những người cộng sản, ngoại trừ chính họ tự tan rã, chính những lỗi lầm của họ và họ không kịp sửa chữa”.
Với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đồng chí cho rằng, không phải kẻ thù bên ngoài, mà kẻ thù bên trong mới nguy hiểm nhất. Đảng không biết tự sửa, không biết dựa vào dân để chỉnh đốn, chỉnh đốn là từ bên trên, từ Tổng Bí thư, từ Bộ Chính trị trở xuống thì một ngày nào đó Đảng sẽ không được Nhân dân chấp nhận, cả Đảng, cả chế độ sẽ không còn tồn tại.
Và bởi Ngẫm thù lớn há đội trời chung/ Căm giặc nước thề không cùng sống/ Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy năm trời/ Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối/ Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh/ Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ/ Những trằn trọc trong cơn mộng mị/ Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi (Bình Ngô đại cáo- Nguyễn Trãi), Tổng Bí thư đã trực tiếp làm Tổng Tư lệnh (Trưởng ban Chỉ đạo) cuộc chiến chống tham nhũng, bước vào cuộc chiến đấu sống còn với tinh thần không khoan nhượng, ai không làm, ai do dự thì đứng sang một bên, đã tạo được niềm tin mạnh mẽ trong Nhân dân.
Không chỉ lò lửa của Nhân dân được nhóm lên khiến “củi khô”, “củi tươi” đều phải cháy, làm thức tỉnh một số người còn mê muội trong cơn say của tiền bạc và quyền lực mà lời sám hối của những người như Đinh La Thăng về mơ ước được làm người bình thường cũng không được, mơ ước được ra tù để khi chết được làm “con ma tự do” chứ không phải “ma tù”, đã có tác dụng răn đe, suy ngẫm cho cả những ai tay chưa kịp nhúng chàm.
Cuộc chiến này có lý luận, có bài bản. Lý luận đó được thể hiện cơ bản trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật 2023).
Ở tác phẩm đó, đồng chí đã xác định cái gốc của tham nhũng, tiêu cực là chủ nghĩa cá nhân, là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; là nguy cơ đe dọa tồn vong của Đảng và chế độ. Từ việc xác định đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực “là một bộ phận cấu thành quan trọng của toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng” (Văn kiện Đảng toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật, 2006, t. 55, tr. 237) trong những ngày đầu Đổi mới; đến Đại hội XIII của Đảng đã xác định đây là “một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng”, hay nói rõ hơn là cuộc chiến đấu sống còn; phải chống cả gốc lẫn ngọn, phải kiên quyết, kiên trì trong cả phòng và chống, phải được tiến hành một cách thường xuyên, không ngưng nghỉ.
Tôi rất tâm đắc cụm từ “Kiên quyết, kiên trì”. Nó vốn là những từ thường dùng trong cuộc sống, nhưng ở trong tác phẩm của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, có ý nghĩa hết sức sâu sắc, thể hiện sự đúng đắn, khoa học trong tư duy và hành động. Nó chống lại sự hèn nhát, do dự và cả nóng vội, duy ý chí mà chúng ta thường gặp trong mọi cuộc cách mạng cũng như trong cuộc sống hằng ngày.
Cuộc chiến này có mục tiêu rõ ràng và nhân tố quyết định là sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện và thường xuyên của Đảng; phải dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận. Nhân dân ta vốn bao dung, độ lượng, tha thiết niềm tin đối với Đảng, với cách mạng, có ý thức chính trị cao đối với vận mệnh dân tộc, bằng mọi kênh thông tin để thấu đến lãnh đạo. Từ xưa đã có câu: Thế gian không ít thì nhiều/ Không dưng ai lại đặt điều cho ai. Trong mọi việc, cần coi trọng kênh thông tin chính thống, nhưng không thể coi thường, thậm chí phủ định kênh thông tin dân gian.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người am hiểu sâu sắc và coi trọng mọi thông tin. Trọng văn hóa dân gian là trọng Nhân dân. Chỉ những kẻ cơ hội, những kẻ nhúng chàm, hèn nhát mới sợ dư luận Nhân dân, mới lợi dụng quyền lực để đàn áp Nhân dân, tước đoạt của Nhân dân!
Tổng Bí thư khẳng định: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì Nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết, ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm” (Kiên quyết, kiên trì... Sđd, tr.78).
Chống tham nhũng là một đại nghĩa, là “lấy chí nhân để thay cường bạo”. Chí nhân biểu hiện ở cả hai mặt. Một là mưu phạt tâm công, trị bệnh cứu người, phải khách quan, khoa học, xử lý “phải đặt trong hoàn cảnh lịch sử, cụ thể về tình hình thực tế và quy định của pháp luật tại thời điểm xảy ra sai phạm; xem xét kỹ động cơ, mục đích”. Thực hiện “mưu phạt tâm công”, khuyến khích tinh thần tự giác nhận lỗi, từ chức; và căn bản hơn, là xây dựng con người Việt Nam kiểu mới, biết coi danh dự, liêm sỉ là điều thiêng liêng hơn tất cả; là tự giải phóng mình khỏi những thấp hèn ti tiện, tìm thấy hạnh phúc trong sự cống hiến.
Đó là bậc cao. Còn ở bậc thấp, cần tạo ra cơ chế, quy định để con người, nhất là cán bộ “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng. Mặt khác của chí nhân là nghiêm trị kẻ phạm tội mà ngoan cố, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Đối với “sâu mọt”, với “củi khô”, “củi tươi” có hại đều phải đốt, không tha. Có người hỏi Khổng Tử: “Lấy đức báo oán, tốt không? Khổng Tử ngạc nhiên: “Thế lấy gì báo ân đức ? Hãy lấy ngay thẳng mà báo oán thù, dùng ân đức để báo đáp ân đức” (Luận ngữ, Hiến vấn).
Từ năm 2013, khi Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong mười năm đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UBKT Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; thu hồi, xử lý tài chính hơn 975 nghìn tỉ đồng, gần 76 nghìn héc ta đất; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế hơn 2 nghìn văn bản pháp luật. Khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng.
Con số đó chưa dừng lại, vì cuộc chiến còn dài, phải tiếp tục cao trào cho đến thắng lợi cuối cùng. Niềm tin đã được thắp sáng. Sóng nước của lực lượng nhân dân đã dâng cao, nhất định sẽ quét phăng mọi bọt bèo, rác rưởi, mọi trở ngại trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn.
Giải quyết về mặt lý luận về con đường cách mạng Việt Nam
Hội nhập thế giới cho ngày càng nhiều người bằng đôi tai, con mắt của mình thấy được sự phát triển cao về kinh tế, khoa học - công nghệ, về sự trong lành của môi trường, về mức sống cao và an sinh xã hội tốt ở nhiều nước tư bản. Hiện thực ấy, khiến cho nhiều người đặt câu hỏi: Vậy Việt Nam có đi sai đường khi lựa chọn chủ nghĩa xã hội không?
Đây không phải là sự chống phá, mà là sự quan tâm chính đáng đối với số phận mình, dân tộc mình, một hoài nghi khoa học.
Đảng ta, mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phải, và đã trả lời câu hỏi lịch sử đó.
Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” là một tác phẩm lớn về mặt lý luận.
Trên cơ sở thừa nhận những thành tựu của chủ nghĩa tư bản: “Chúng ta thừa nhận rằng- Tổng Bí thư viết, chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ.
Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước”; đồng chí đã phân tích một cách sâu sắc những khủng hoảng và nguy cơ diệt vong nhân loại của chủ nghĩa tư bản tạo ra: “Cùng với khủng hoảng kinh tế - tài chính là khủng hoảng năng lượng, lương thực, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự suy thoái của môi trường sinh thái,... đang đặt ra những thách thức vô cùng lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội”.
Tuyển tập “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với niềm tin của Nhân dân trong nước và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế“ - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật - Ảnh: T.L
Còn chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là gì? Có đói kém không, có bất công không, có tệ nạn không? Có hết! Nhưng có tiến bộ không? Có! Có những hiện thực hôm nay mà 20, 30 năm trước người giàu trí tưởng tượng đến đâu cũng không mơ tới. Vậy là có tiến bộ và tiến bộ rất nhanh, là đang có chủ nghĩa xã hội, đang có cuộc sống tốt đẹp, cần yêu cuộc sống ấy và phấn đấu cho cuộc sống ấy ngày một tốt đẹp hơn.
Trong bài nói chuyện với thầy trò Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình ngày 17/8/1962, Bác Hồ định nghĩa chủ nghĩa xã hội một cách giản dị: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho Nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng... Xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật, 2011, t. 13, tr. 438).
Trong giai đoạn lịch sử mới, xuất hiện những tình huống mới, không chỉ nói với trong Đảng, trong nước mà còn để chống lại những cách nhìn nhận sai trái từ bên ngoài, đồng chí Nguyễn Phú Trọng phân tích về xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta kiên định hướng tới: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội.
Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường.
Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi”. Đó là những lời lẽ đi sâu vào lòng người và có tính thuyết phục rất cao.
Một câu hỏi nữa là “Đi lên chủ nghĩa xã hội thì bao giờ tới đích”?
Từ thực tế nước ta có xuất phát điểm thấp, năm 1945 là nước nghèo đói, dân mù chữ; sau giải phóng miền Nam đến trước Đổi mới năm 1986 vẫn có 3/4 dân số sống dưới mức nghèo khổ. Với tác phẩm này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có câu trả lời thực tế: Thời kỳ quá độ còn dài. Có thể đến sớm hoặc đến muộn...
“Trong thời kỳ quá độ - đồng chí viết - các nhân tố xã hội chủ nghĩa được hình thành, xác lập và phát triển đan xen, cạnh tranh với các nhân tố phi xã hội chủ nghĩa, gồm cả các nhân tố tư bản chủ nghĩa trên một số lĩnh vực. Sự đan xen, cạnh tranh này càng phức tạp và quyết liệt trong điều kiện cơ chế thị trường và mở cửa, hội nhập quốc tế. Bên cạnh các mặt thành tựu, tích cực, sẽ luôn có những mặt tiêu cực, thách thức cần được xem xét một cách tỉnh táo và xử lý một cách kịp thời, hiệu quả.
Đó là cuộc đấu tranh rất gay go, gian khổ, đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, bản lĩnh mới và sức sáng tạo mới. Đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình không ngừng củng cố, tăng cường, phát huy các nhân tố xã hội chủ nghĩa để các nhân tố đó ngày càng chi phối, áp đảo và chiến thắng. Thành công hay thất bại là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”.
Như vậy, với thái độ khoa học, đồng chí vẫn để ngỏ hai khả năng: Có thể thành công và có thể thất bại. Thành công hay thất bại là phụ thuộc trước hết vào sự đúng đắn của đường lối, bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Đồng chí nói “trước hết” chứ không phải là phụ thuộc duy nhất vào Đảng; mà giống như năm 1945, phải luôn khơi dậy được sức mạnh toàn dân tộc. Những thắng lợi vĩ đại trong Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến, những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong Đổi mới với tăng trưởng GDP trung bình 7%/năm suốt 35 năm, đến năm 2008 đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp; cùng với đó là những chiến thắng có ý nghĩa quyết định trước giặc “nội xâm” tham nhũng, chúng ta thêm tin yêu Đảng, thêm tin yêu con đường mà dân tộc đang đi dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Và Nhân dân ta luôn dành sự mến yêu, kính phục, tin tưởng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người con của Nhân dân, con người sinh ra để giải quyết một trong những thách thức khó khăn nhất của lịch sử dân tộc.
Nguyễn Sĩ Đại
Chỉ ra nhiều vi phạm trong quá trình công tác của một số nguyên lãnh đạo cấp cao, Bộ Chính trị quyết định kỷ luật cảnh cáo nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nguyên Phó Thủ...
QTO - Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động...
QTO - Đánh giá cán bộ là một khâu có ý nghĩa quan trọng liên quan đến các khâu trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, đánh giá cán bộ hiện nay vẫn là khâu yếu....
QTO - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trương Văn Đo sinh ngày 10/4/1927, trong một gia đình nông dân yêu nước ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng...
QTO - Năm 2023 là năm ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại của tổ chức công đoàn, là năm diễn ra đại hội công đoàn các cấp, Đại hội XIII Công đoàn tỉnh. Phát...
QTO - Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể...
QTO - Mặc dù được triển khai trong thời gian chưa dài song hiệu quả của việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn tại một số địa phương...
QTO - Thời gian qua, các cấp ủy đảng trên địa bàn huyện Đakrông tích cực triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng diễn đàn sinh hoạt chi bộ với cách...
QTO - Bám sát Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong...
(CTO) - Tối 31-12, Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương (1/1/2004-1/1/2024) và Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Hương sắc Tây Ðô” chào mừng năm mới...
QTO - Bước vào năm 2023, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Quảng Trị đối mặt với rất nhiều khó...
QTO - 10 sự kiện nổi bật của tỉnh Quảng Trị năm 2023