Cập nhật: Thứ 3, 16/09/2014 | 01:29 GMT+7

Tiểu thương ở Lao Bảo kinh doanh, buôn bán tại Lào

(QT) - Gần 10 năm nay, chị Lê Thị Thu Hà ở khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị gắn bó với việc kinh doanh, buôn bán tại chợ Vi Lả thuộc huyện Vi Lả Bu Ly, tỉnh Savannakhet (Lào). Gian hàng của chị tại đây khá rộng, các mặt hàng chủ yếu được sản xuất từ Việt Nam và Thái Lan như giày dép, áo quần, soong nồi, mỹ phẩm…

Tiểu thương ở Lao Bảo kinh doanh hàng tạp hóa tại chợ Vi Lả (Lào)

Chị Hà cho biết: “Ở thị trấn Lao Bảo hiện có nhiều người mở cửa hàng kinh doanh nên việc buôn bán trên địa bàn phải cạnh tranh gay gắt, gặp không ít khó khăn. Sang Savannakhet kinh doanh từ ngày huyện Vi Lả Bu Ly mới thành lập, tôi được chính quyền và nhân dân các bộ tộc Lào giúp đỡ rất nhiều. Sau một thời gian ngắn làm ăn ở Lào, việc kinh doanh của tôi và một số người Việt Nam ở đây khá thuận lợi, cuộc sống gia đình tôi cũng nhờ đó mà ổn định hơn trước nhiều, có điều kiện đầu tư cho con cái học hành và xây dựng nhà cửa khang trang” . Tuy huyện Vi Lả Bu Ly thuộc tỉnh Savannakhet chỉ mới thành lập chưa đầy 10 năm nhưng hiện có hơn 200 tiểu thương là người Việt Nam sang kinh doanh, buôn bán, trong đó khoảng 70% là người dân của thị trấn Lao Bảo. Không chỉ ở Vi Lả Bu Ly, nhiều người dân Lao Bảo còn đến kinh doanh, buôn bán tại chợ Ca Rôn, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet. Hiện chợ Ca Rôn có khoảng hơn 60 quầy bán hàng lớn, nhỏ, trong đó 2/3 chủ hàng là người Lao Bảo. Theo các tiểu thương bán hàng tại chợ Ca Rôn thì hàng hóa của Việt Nam bán rất chạy vì người dân Lào rất thích dùng các sản phẩm do Việt Nam sản xuất, giá cả phù hợp với túi tiền, chất lượng đảm bảo. Bên cạnh đó, nhiều nhà hàng, quán ăn với những món ăn đặc trưng của người Việt, trong đó có người Quảng Trị bày bán ở các tỉnh Savannakhet, Salavan… thu hút đông khách Lào và khách du lịch đi qua nước bạn. Một người dân ở huyện Sê Pôn cho biết: “Ở Sê Pôn có rất nhiều người Việt Nam qua làm ăn, họ rất thân thiện. Các mặt hàng do Việt Nam sản xuất được bày bán tại chợ rất phong phú, đẹp mắt và chất lượng, giá cả phải chăng. Đối với các món ăn của người Việt rất hấp dẫn, ngon miệng. Chúng tôi thấy rất vui vì việc giao lưu, buôn bán với người Lào và người Việt luôn diễn ra thuận lợi trên tinh thần giúp đỡ lẫn nhau trong tiêu thụ sản phẩm, tìm những nguồn hàng phù hợp với nhu cầu của người dân hai bên biên giới Việt - Lào”. Nhiều năm gắn bó trên đất Lào, phần lớn tiểu thương người Việt nói chung và người dân thị trấn Lao Bảo nói riêng đã tạo được ấn tượng tốt đẹp. Ông Bua Xon Mã Ha Vay, Bí thư, Chủ tịch huyện Vi Lả Bu Ly, tỉnh Savannakhet - Lào cho biết: “Bà con người Việt sang huyện Vi Lả Bu Ly làm ăn, sinh sống chủ yếu là người của thị trấn Lao Bảo. Hầu hết họ chấp hành tốt các các chủ trương, chính sách và pháp luật của nước Lào cũng như của Việt Nam. Họ sống gắn bó và đoàn kết với nhân dân Lào, qua đó đã góp phần thắt chặt hơn mối quan hệ Việt - Lào anh em vốn có xưa nay. Với những gì người Việt nói chung và người dân thị trấn Lao Bảo nói riêng đã tạo dựng được trên đất Lào, huyện Vi Lả Bu Ly luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện để người Việt Nam sang làm ăn, buôn bán. Với địa bàn rộng lớn, nhiều tiềm năng về đất đai, huyện Vi Lả Bu Ly cũng khuyến khích những mô hình đầu tư lâu dài và bền vững như tập trung vào chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt là chăn nuôi theo hình thức trang trại và phát triển trồng rừng, tạo điều kiện cho người dân của huyện mới thành lập như Vi Lả Bu Ly học hỏi, phát triển kinh tế bền vững”. Trước tình hình thị trường buôn bán nội địa gặp khó khăn, nhiều người dân quyết định sang Lào làm ăn chính đáng. Ông Nguyễn Nam, Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo cho biết: “Trong xây dựng mối quan hệ và niềm tin với nhân dân Lào, trước hết chúng tôi thường xuyên tuyên truyền và vận động bà con ở địa phương nghiêm túc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước Việt Nam. Đồng thời, hướng cho người dân phải chấp hành tốt các quy định, pháp luật của nước Lào, nhất là trong quan hệ, trao đổi buôn bán, kinh doanh; phải tạo niềm tin đối với người dân nước bạn, lợi ích kinh doanh phải đảm bảo tính hài hòa. Bên cạnh đó, chính quyền thị trấn tạo điều kiện ở mức tốt nhất cho người dân trong thị trấn qua làm ăn ở Lào có hiệu quả, bảo đảm thị trường buôn bán, kinh doanh lâu dài và bền vững”. Bài, ảnh: KÔ KĂN SƯƠNG



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Giữ màu xanh cho thành phố

Giữ màu xanh cho thành phố
23:04 11/09/2014

(QT) - Qua 7 năm xây dựng phường điểm về công tác bảo vệ rừng, rừng và đất lâm nghiệp ở phường 3 (thành phố Đông Hà, Quảng Trị) được quản lý và bảo vệ tốt hơn, hiện tượng phá...

Thời tiết

25°C - 34°C
Có mây, có mưa rào và dông
  • 27°C - 36°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 28°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
POWERED BY
Việt Long