Cập nhật:  GMT+7

Tiểu thương chợ Đông Hà gặp khó vì vắng khách

Chợ Đông Hà, một trung tâm buôn bán hàng tiêu dùng lớn nhất của tỉnh Quảng Trị đang ngày càng vắng khách. Thực tế này gây ra rất nhiều khó khăn cho tiểu thương đang kinh doanh ở đây cũng như ban quản lý chợ.

Tiểu thương chợ Đông Hà gặp khó vì vắng khách

Khu vực kinh doanh hàng điện máy, mỹ phẩm ở chợ Đông Hà vắng khách - Ảnh: T.T

Bước vào khu vực trung tâm chợ Đông Hà, điều rất dễ nhận thấy là lượng khách đến mua hàng điện gia dụng, mỹ phẩm, áo quần, vải, giày dép...thưa vắng; rất nhiều lô quầy nằm ở vị trí kinh doanh thuận lợi đóng cửa im lìm, treo biển sang nhượng, cho thuê.

Tại khu vực bán vải và quần áo, hàng hóa tràn ngập nhưng nhìn quanh chỉ thấy người bán ngồi lặng lẽ, khách mua chỉ lác đác vài người lớn tuổi. Hơn 30 năm kinh doanh mặt hàng vải ở chợ Đông Hà, chưa bao giờ bà Phạm Thị Lệ Hà phải đối mặt với tình trạng buôn bán ế ẩm như hiện nay.

Tình hình này đã xuất hiện từ lâu nhưng từ khi COVID-19 bùng phát cho đến nay thì ngày càng ế ẩm hơn. Không ít ngày bà Hà dọn hàng ra rồi lại thu vào, không bán được mét vải nào vì chợ Đông Hà rất ít người đến mua bán, các mối hàng quen dần vắng bóng.

“Không chỉ tôi mà nhiều tiểu thương kinh doanh mặt hàng này ở chợ Đông Hà đều rất khó khăn. Nguyên nhân chính cũng là do nhiều người tiêu dùng hiện nay ưa chuộng quần áo may sẵn, các điểm kinh doanh vải xuất hiện ngày càng nhiều trên các tuyến phố rồi bán hàng online nở rộ.

Cùng với đó là người dân có tâm lý ngại vào chợ vì mất thời gian, tốn tiền gửi xe... Buôn bán vải vóc mấy chục năm đã quen giờ bỏ nghề này thì không biết làm gì để trang trải cuộc sống nên cũng phải duy trì được ngày nào hay ngày đó”, bà Hà chia sẻ.

Ở khu vực bán giày dép, tình hình cũng không khá hơn khi mà không ít thời điểm người bán hàng đông hơn người mua. Mấy chục năm kinh doanh giày dép ở chợ Đông Hà, đây là thời điểm khó khăn nhất của bà Nguyễn Thị Mỹ bởi có ngày bà chỉ được 2 - 3 đôi dép loại rẻ tiền, nhiều khách hàng quen đã lâu không thấy ghé.

“Cũng không thể đóng quầy được vì tôi đã lớn tuổi không biết làm gì nhưng buôn bán bây giờ chỉ là cầm cự qua ngày. Tôi cũng như nhiều tiểu thương quanh đây rất mong chợ Đông Hà đông đúc trở lại như mấy năm trước”, bà Mỹ nói.

Khu vực kinh doanh hàng điện máy, mỹ phẩm, đồ gia dụng trước đây tấp nập người bán, người mua bao nhiêu thì bây giờ lại đìu hiu bấy nhiêu.

Một tiểu thương ở đây cho biết, trước đây người dân Đông Hà và các khu vực lân cận cũng như khách du lịch đến đây mua hàng khá nhiều, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây thì vắng dần. Nguyên nhân là do bây giờ các siêu thị điện máy, cửa hàng tiện dụng mở khắp nơi rồi kinh doanh online nở rộ. Cùng với đó là có một số tiểu thương khi bán hàng đưa giá lên quá cao để người mua dễ nhầm lẫn khi trả giá hoặc bán hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng...

Chợ Đông Hà vắng khách nên nhiều tiểu thương thay vì buôn bán đã phải dành phần lớn thời gian để tụ tập nói chuyện, lướt điện thoại đọc báo, xem facebook, tiktok, zalo hay tập thể dục...

Thông tin từ Ban Quản lý chợ Đông Hà cho biết, hiện nay số hộ kinh doanh thường xuyên tại chợ từ 1.300 - 1.350 hộ với 48 ngành hàng, dịch vụ cơ bản. 3 năm trở lại đây, số lô quầy tạm ngừng hoạt động, đóng cửa, trả mặt bằng kinh doanh do buôn bán ế ẩm ngày càng tăng, nhất là các lô quầy kinh doanh mặt hàng vải, quần áo may sẵn, giày dép, điện máy, mỹ phẩm, hàng gia dụng...

Thời gian gần đây, trung bình mỗi tháng có gần 200 hộ xin miễn, giảm các loại lệ phí, thuế do tạm nghỉ kinh doanh. “Chợ Đông Hà ế ẩm có nhiều nguyên nhân nhưng theo chúng tôi nguyên nhân cơ bản nhất là do COVID-19 diễn ra trong thời gian dài làm đứt gãy các mối bán hàng lâu năm của các tiểu thương, rồi sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử đã làm thay đổi tư duy, thói quen mua sắm hàng hóa của người tiêu dùng.

Người tiêu dùng chỉ cần ngồi ở nhà vào các trang mua bán trực tuyến hay gọi điện thoại, nhắn tin là sẽ có người giao hàng tận nhà chỉ trong thời gian ngắn, có khi chỉ tính bằng phút. Cùng với đó là hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mọc lên ở khắp nơi...”, Phó Trưởng Ban Quản lý chợ Đông Hà Nguyễn Thị Thu Thanh cho hay.

Theo bà Thanh, để tiểu thương gắn bó với chợ, chợ thu hút được nhiều người đến mua sắm, Ban Quản lý chợ Đông Hà triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung cho việc xây dựng, sắp xếp lại trật tự, không gian buôn bán thông thoáng, thuận lợi cho tiểu thương cũng như khách hàng.

Tổ chức thông tin tuyên truyền, hướng dẫn rộng rãi, thường xuyên trong tiểu thương nội quy hoạt động chợ và Kế hoạch 2049/KHUB của UBND TP. Đông Hà về việc xây dựng văn minh thương mại chợ Đông Hà. Đặc biệt là giao tiếp văn minh lịch sự với khách hàng; kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết.

Thực hiện tốt phương châm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”; cạnh tranh lành mạnh, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để duy trì và phát triển kinh doanh cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Xây dựng và nhân rộng mô hình lô quầy kiểu mẫu niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết...

Chợ truyền thống ngày càng vắng khách là thực tế đang diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ở khu vực đô thị và chợ Đông Hà cũng không phải là ngoại lệ. “Bài toán” làm gì để chợ Đông Hà sầm uất như xưa vẫn khó tìm ra lời giải.

Thanh Tuyền

Tin liên quan:

Thanh Tuyền

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

An Mỹ - làng quê khởi sắc bên sông Hiếu

An Mỹ - làng quê khởi sắc bên sông Hiếu
2023-12-04 05:18:00

QTO - Làng An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ nằm bên bờ sông Hiếu ăm ắp phù sa, xanh mát những hàng cây, thửa ruộng. Làng vừa “cận thị” vừa “cận giang” và...

Khởi sắc ở một xã vùng biên giới

Khởi sắc ở một xã vùng biên giới
2023-12-01 05:10:00

QTO - Từ một xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Hướng Hóa, những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và sự nỗ...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long