Thương đôi bờ mặn ngọt
(QT) - Bắc Phước hôm nay đi giữa đôi bờ mặn ngọt với bao khát khao về con đường phía trước. Gạt qua những thuận lợi ban đầu để thấy trong đó cả bao thứ phải trăn trở trong tương lai: đó là phục tráng giống gạo huyết rồng để tăng năng suất, làm cho hạt gạo mềm cơm hơn; gạo trở thành gạo thương phẩm gắn liền với cái tên Bắc Phước xuất khẩu ra nơi khác với chỉ dẫn địa lý; là việc tìm kiếm và nhân rộng những mô hình đa canh phát huy tiềm năng của cả mặn và ngọt. Mệ Nguyễn Thị Hai, xã Triệu Phước (Triệu Phong, Quảng Trị) ngồi tỉ mẩn nhặt từng hạt thóc náu mình trong mớ gạo đỏ thẫm như màu huyết cười móm mém giải thích: “Gần tới tết là tui lại chuẩn bị mấy chục lon gạo đỏ cho thật ngon để cúng ông bà. Một ít làm quà cho bạn bè, con cháu ở xa. Tụi nhỏ điện về cứ dặn tới dặn lui chuyến này ra ăn tết phải có cơm gạo đỏ. Hạt gạo nghĩa tình với dân cù lao mình đây”.
 |
Cầu Bắc Phước, chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai cho đất Triệu Phước - Ảnh: MINH ĐỨC |
Ở tuổi 72 đã chuẩn bị nhiều cái tết cho mình và gia đình, vậy mà mệ vẫn thấy nôn nao khi nghĩ đến việc chuẩn bị bữa cơm cúng ông bà, món bánh hộc từ hạt gạo đỏ mà hôm nay được gọi bằng cái tên “gạo huyết rồng”. Từ khi mệ biết đến con nước lớn nước ròng, những hôm chạy qua hàng xóm xin từng ca nước ngọt, lúc hạn hán hay bão lũ thiên tai, hạt gạo huyết rồng đã trở thành người bạn thủy chung. Mỗi hạt lúa thu hoạch được thấm đượm trong đó bao nhiêu vui buồn, hy vọng. Ngày ấy, mọi người xem đây là “lộc trời” thương người dân dải đất nhỏ hẹp chịu nhiều thiên tai địch họa. Trong một chuyến ra nước ngoài công tác cách đây không lâu, chúng tôi được bà con Việt kiều tiếp đãi nồng hậu với bao món ăn sang trọng nơi xứ người. Một người đàn ông tuổi trung niên ngồi cạnh tôi cứ xuýt xoa lúc này có được món bánh hộc được làm từ gạo huyết quê nhà thì không có gì sánh được. Ông là doanh nghiệp thành đạt trong lĩnh vực xuất khẩu cơm cháy sang các nước Châu Phi. Trong niềm nhung nhớ cố hương, ông kể rằng quê ông ở Triệu Phong, Quảng Trị, tuổi thơ cơ cực của ông gắn liền với âm thanh cạo cháy dưới đáy nồi cơm hấp khoai, sắn. Vui nhất là những ngày giáp tết, khi mọi gia đình chuẩn bị thành lễ cúng ông bà tổ tiên. Trong làng dù nhà có của ăn của để hay “ăn bữa hôm lo bữa mai” cũng có món bánh hộc được làm nên từ gạo huyết rồng. Ông kể: “Lúc đầu mạ chọn những hạt lúa căng láng cho vào chảo rang lên nở như hoa, toả mùi thơm ngát. Chúng tôi được giao nhiệm vụ chầu chực trước sân nhà bác thợ mộc trong làng để mượn bằng được bộ khuôn gỗ làm bánh hộc. Hồi đó bộ khuôn gỗ chỉ có nhà bác thợ mộc mới có và trở thành vật báu của làng khi tết đến. Lúa rang lên được bóc sạch vỏ, nếu đứa trẻ háu ăn nào bóc trộm được một nắm cho vào miệng nhai thì cảm nhận được vị thơm béo ngạt ngào chảy chầm chậm xuống làm khổ thêm cái dạ dày đang sôi réo. Đó là vị của cốm làng ta đấy. Còn bánh hộc thì thêm một bước nữa là cho từng nắm cốm vào khuôn gỗ và dùng búa nén thật chặt xuống. Khi tháo khuôn thì có thỏi bánh rộng 10 phân, cao 40 phân, màu đỏ tía. Khi mời khách, dùng dao cắt ra từng lát mỏng, một đĩa 6 lát vuông vức như thế. Nhiều nhà không mượn được khuôn, bí quá cho cốm vào khuôn đúc bơ lô thành "bánh bờ lô".
 |
Giống lúa huyết rồng trên đồng đất Triệu Phước |
Kể xong ông cười rồi miệng bỗng méo xệch tự hỏi, không biết giờ ở quê còn thứ bánh ấy không nhỉ. Tôi bối rối đưa ly lên cụng, bụng thầm nói, món bánh hộc thì không được rõ, chứ loại cơm cháy ngày xưa anh nạo vét chảy cả máu tay nay chỉ ở những nhà hàng thương hiệu. Thật ra, gạo huyết rồng không phải là loại gạo xa lạ với tôi. Lúc đi Đồng Tháp, được người bạn đãi cơm nấu từ gạo huyết rồng và kể cho nghe truyền thuyết rằng: “Ở mỗi nhánh của dòng Cửu Long có một con rồng nhân từ cư ngụ. Thương người dân vất vả nắng mưa nên trước khi bay lên trời rồng đã để lại hạt gạo quý cho dân”, nên tôi cũng hồ nghi rằng trong lúc bay về trời, rồng đã để lại 1 hạt phù sa lấn biển mang theo mầm lúa quý cho những vùng đất mà khát vọng vươn lên luôn cháy bỏng mỗi đời người. Giữa bốn bề sông nước nhưng cư dân của cù lao Bắc Phước luôn chịu cảnh thiếu nước ngọt, nước mặn ngập phần lớn diện tích của cù lao. Trồng, cấy thứ gì cũng khó khăn, duy chỉ có hạt gạo huyết rồng thời tiết càng “trêu ngươi” càng trĩu nặng hạt. Mấy năm gần đây, vẫn đồng đất này nhưng niềm vui đã mang đến màu sắc mới cho những ngôi nhà cũ. Ở đâu đó trên mảnh đất miền Trung xa xôi này, vẫn có rất nhiều cộng cảm với người dân Đồng bằng sông Cửu Long với nỗi lo chạy từng lon nước ngọt trong mùa hạn hán. Nước ngọt được dẫn từ Thạch Hãn vượt qua bể mặn để tắm mát đồng ruộng. Đồng đất rộng hàng trăm hecta vốn bao đời chỉ làm được một vụ lúa đông xuân nhờ vào nguồn “nước trời” nay chuyển đổi thành hai vụ tốt tươi. Những mùa lúa chiêm không còn thao thức nữa.
 |
Thương hạt gạo làng ta |
Cuộc sống khởi sắc đó là ước mơ bao trùm lên bao thế hệ. Thế nhưng mệ Hai cũng như những người khác đang đứng trước một sự thay đổi mới. Ông Nguyễn Văn Khôn, Chủ nhiệm HTX Hà La cho biết, toàn HTX có 90 hộ với tổng diện tích 40 ha. Trước đây có khoảng 30 ha lúa huyết rồng, khi nguồn nước ngọt về thì thu hẹp chỉ còn khoảng 10 ha. Khi các phương tiện truyền thông nhắc nhiều đến loại đặc sản này thì dường như cũng là lúc lúa chiêm sắp trở thành “câu chuyện huyền thoại” trên chính mảnh đất đã sản sinh ra nó. Bởi lẽ 1 năm chỉ thu hoạch được 1 vụ lúa, mang nhãn “đặc san” nhưng giá lại rẻ hơn lúa, gạo thông thường. Giá của gạo huyết rồng trong miền Nam trên dưới 30.000 đồng/kg còn ở đây giá khởi điểm chỉ trên dưới 10.000 đồng/kg. Trong kế hoạch vụ Đông Xuân năm 2012- 2013 của xã, diện tích lúa chiêm chỉ còn khoảng 20 ha, năng suất bình quân 20 tạ/ha. Anh Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Tận dụng những đám ruộng ngập mặn chúng tôi trồng lúa. Xã không chủ trương phát triển vì giống lúa đang bị thoái hóa, hạt cơm cứng”. Người dân khấp khởi trước dòng nước ngọt với bao dự tính cho phía trước khi năng suất bình quân là 55 tạ/ ha và thu hoạch được 2 lần trong năm. Xã Triệu Phước và cả huyện Triệu Phong đã lên kế hoạch để hệ thống kênh mương được kiên cố hóa, thực hiện tưới tiêu có khoa học, đồng bộ đảm bảo việc tưới cho cả 2 vụ, không để khô hạn xảy ra. Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu, cuộc chiến mặn ngọt không đơn giản dừng lại ở những thành tích đáng vui của năm đầu. Anh Nguyễn Văn Hảo, phụ trách nông nghiệp nhấn mạnh: “Thật ra trồng lúa mặn, lúa huyết rồng vẫn có lời vì giống chi phí thấp, không tốn phân bón. Vùng đất càng khắc nghiệt thì hạt gạo càng đậm đà, thơm dẻo”. Cù lao vẫn ngày ngày được từng hạt phù sa chắt chiu bồi đắp tạo thành thế vững chãi giữa hai sông. Ngày tháng cần lao đã biến biển cả thành nương dâu. Mặc cho một số người đã ly nông, ly hương để tìm cuộc mưu sinh mới, Bắc Phước vẫn lặng lẽ vươn lên với bao khát vọng làm cuộc đổi đời ngoạn mục. Nhà tường sơn mới thay thế vị trí những vị trí buồn bã, nghèo khó hôm qua. Theo dòng nước ngọt, là phải thêm những tư duy mới về hai vụ sản xuất được ngọt hóa. Công việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh, nâng cao năng suất chất lượng và giá trị nông sản hàng hóa trên một diện tích là công việc bắt buộc phải thực hiện đảm bảo sự phát triển căn cơ và lâu dài. Cầu Bắc Phước hoàn thành, việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi, nhanh chóng hơn nâng tầm giá trị của Bắc Phước trên quá trình chuyển dịch hàng hóa. Những đặc sản truyền thống nếu để tự người dân bươn chải, tự phát chắc chắn sẽ bị mai một theo thời gian. Một cây cầu nằm giữa đôi bờ mặn ngọt để sự phát triển của Bắc Phước theo thời gian không bị ngăn cách và vững bền. Có nhiều dự tính được thực hiện để nơi này thêm khởi sắc: HTX Duy Phiên, Hà La thuộc Dự án thôn ứng dụng Khoa học – công nghệ. UBND xã quy hoạch các vùng đất tập trung để nhân dân có nguyện vọng xây dựng mô hình thuê đất xây dựng trang trại, khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung bán công nghiệp và công nghiệp xa khu dân cư. Có nhiều việc tự bản thân người dân Bắc Phước không thể thực hiện được và khát vọng đổi thay cho cù lao này chỉ nở hoa thơm khi có sự vun sức của nhiều người. Phát triển hài hòa các mô hình đan xen cả lẫn và ngọt trong đó giữ vững những loại hình mang tính đặc sản, riêng biệt của Bắc Phước mà không có nơi nào có được. Hoa, trái làng quê cần được chắp thêm đôi cánh để bay xa hơn. Bài, ảnh: ĐOÀN PHƯƠNG NAM