Cập nhật: Thứ 7, 13/03/2021 | 06:55 GMT+7

Thông điệp từ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm Bộ Tứ

QĐND - Tối 12-3 (giờ Hà Nội), hội nghị thượng đỉnh 4 bên lần đầu tiên giữa lãnh đạo Ấn Độ, Mỹ, Australia và Nhật Bản-hay còn được gọi là nhóm “Bộ Tứ” đã diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Tham dự hội nghị có Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide. Khuôn khổ Bộ Tứ hình thành từ năm 2007 nhưng mãi đến năm 2019 nhóm này mới có cuộc họp cấp bộ trưởng đầu tiên. Và sau 14 năm kể từ khi thành lập, người đứng đầu chính phủ của 4 quốc gia mới lần đầu tiên cùng ngồi lại trong khuôn khổ của một hội nghị thượng đỉnh.

Thông điệp từ hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm Bộ Tứ

Người đứng đầu chính phủ của 4 quốc gia trong nhóm Bộ Tứ đã lần đầu tiên cùng ngồi lại trong khuôn khổ của một hội nghị thượng đỉnh.Ảnh: The Hindu

Việc đó cũng đủ cho thấy tầm quan trọng của hội nghị lần này. Đây không chỉ là sự kiện đánh dấu khuôn khổ hợp tác Bộ Tứ được nâng lên cấp người đứng đầu chính phủ, mà còn cho thấy các thành viên đều đánh giá cao về tầm quan trọng của Bộ Tứ và mong muốn thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ này. Vì lẽ đó, khuôn khổ Bộ Tứ sẽ không còn là cơ chế hợp tác trong ngắn hạn mà có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong nhiều năm tới. Ngay từ trước khi hội nghị diễn ra, mục tiêu của nó đã được định sẵn. Đó là giải quyết “các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm, đồng thời trao đổi quan điểm về các lĩnh vực hợp tác thiết thực nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở và bao trùm”. Để làm được điều này, chương trình nghị sự của hội nghị không thể thiếu các vấn đề “nóng” và thách thức hiện nay như hợp tác kinh tế, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cơ hội hợp tác trong công tác bảo đảm phân phối các loại vaccine một cách an toàn, công bằng, với giá cả phải chăng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương... Trước thềm cuộc họp, giới chức Mỹ cho biết các nước nhóm Bộ Tứ đã nhất trí hợp tác để sản xuất 1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 vào năm 2022 trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực đẩy lùi virus SARS-CoV-2. Trong kế hoạch này, Ấn Độ-trung tâm dược phẩm của thế giới sẽ sản xuất vaccine ngừa Covid-19 loại một liều của Johnson & Johnson với sự hỗ trợ tài chính của Nhật Bản, trong khi Australia phụ trách việc vận chuyển. Giới quan sát nhận định, sáng kiến này cũng sẽ củng cố vị thế của Ấn Độ với tư cách là nhà sản xuất và cung cấp vaccine đáng tin cậy. Bên cạnh kế hoạch triển khai vaccine, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về tình hình Biển Đông, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cũng như thách thức từ Trung Quốc. Hiện căng thẳng giữa 4 quốc gia trong nhóm và Trung Quốc đang có xu hướng ngày càng diễn biến xấu. Bắc Kinh đã nhiều lần tố cáo Bộ Tứ là một Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Á nhằm kiềm chế Trung Quốc. Báo Global Times của Trung Quốc mới đây cũng đã có bài viết nhận định rằng, hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ là một “âm mưu của Washington chống lại Bắc Kinh”. “Bộ Tứ không phải là một liên minh các nước chung chí hướng như Mỹ tuyên bố. Ba nước còn lại sẽ phải đối mặt với sự khó xử giữa sức ép từ Mỹ và lợi ích mà họ có được cùng Trung Quốc”, tờ báo viết trong một bài xã luận. Tuy vậy, một số nhà phân tích lạc quan vẫn cho rằng, hội nghị lần này có thể là cơ hội để nhóm Bộ Tứ tìm giải pháp, xử lý tốt quan hệ với Bắc Kinh, duy trì hòa bình, ổn định tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cần phải biết rằng, thế giới vừa bước qua một năm đầy thách thức với cuộc khủng hoảng đa chiều xuất phát từ "kẻ thù vô hình" mang tên Covid-19. Kinh tế suy thoái mức độ nghiêm trọng chẳng kém các cuộc đại khủng hoảng trong quá khứ, hệ thống quản trị toàn cầu chịu "cú sốc" và chủ nghĩa đa phương bị đặt trước thử thách chưa từng có. Bởi vậy, thay vì đối đầu, nhiều quốc gia đang chọn con đường tìm kiếm sự hợp tác quốc tế nhằm vượt qua thách thức từ đại dịch. Riêng với Mỹ, hội nghị thượng đỉnh lần này có một ý nghĩa đặc biệt, bởi đây là hoạt động đa phương đầu tiên mà Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia kể từ khi nhậm chức. Điều này cho thấy, chính quyền mới ở Mỹ rất quan tâm tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và coi đây là một trong những trọng tâm trong chương trình nghị sự của mình. Phát biểu tại cuộc họp báo trước thềm hội nghị, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Việc Tổng thống Biden lần đầu tiên tham dự cuộc họp đa phương nói lên việc Mỹ đặc biệt chú trọng tới quan hệ với các đối tác và đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tất nhiên, một loạt vấn đề sẽ được thảo luận như từ hợp tác đối phó với dịch Covid-19 đến hợp tác kinh tế và khủng hoảng khí hậu”. Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Tại thời điểm hiện nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực để vực dậy nền kinh tế Mỹ cũng như mong muốn hàn gắn các mối quan hệ quốc tế đã bị đổ vỡ dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. Hội nghị đã trao cho ông cơ hội tốt để gửi thông điệp này tới các đồng minh và đối tác trên thế giới.

HÙNG HÀ



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Thời tiết

27°C - 33°C
Có mây, không mưa
  • 27°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 29°C - 34°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long