
{title}
{publish}
{head}
Cho em thêm một niềm tin...
Cô bé đứng dậy, run run bước lên sân khấu. Cả hội trường im phăng phắc, chờ đợi. Cô bé ngước đôi mắt đen láy nhìn về phía cuối hội trường, ở đó, bà mẹ nghèo đang cố gắng vẫy vẫy tay và cười thật tươi để động viên con gái. Cô bé mỉm cười, cẩn thận giở cuốn vở mới tinh còn thơm mùi giấy, trong đó có mảnh giấy chi chít chữ mà cô bé đã nắn nót viết suốt đêm hôm qua. Và đọc:
"Kính thưa các cô, các chú trong Ban quản lý Dự án phát triển vùng Triệu Phong. Kính thưa quý vị đại biểu cùng các bạn học sinh thân mến. Hôm nay, trong không khí vui mừng và xúc động, cháu xin thay mặt cho 136 bạn học sinh xin gửi tới các cô, các chú, quý vị đại biểu lời chúc sức khỏe và hạnh phúc. Món quà học bổng của chương trình dự án dành cho chúng cháu thật sự có ý nghĩa đối với bản thân và gia đình của chúng cháu. Trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn có lúc tưởng chừng như chúng cháu không thể được cắp sách đến trường nữa thì món quà này lại càng có ý nghĩa hơn. Đó là nguồn động viên, cổ vũ rất lớn giúp cho gia đình và chúng cháu có thêm sức mạnh để tiếp bước đến trường. Để tỏ lòng biết ơn sự quan tâm của các cô, các chú, chúng cháu xin hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt, trau dồi đạo đức thật tốt, cố gắng vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người học sinh, xứng đáng là con ngoan trò giỏi để không phụ lòng mong đợi của các cô, các chú. Một lần nữa cháu kính chúc các cô các chú, quý vị đại biểu luôn mạnh khỏe. Chúc các bạn thành công trên con đường học tập". Cô bé là 1 trong 136 học sinh nghèo may mắn được nhận học bổng của Chương trình phát triển vùng Triệu Phong (1,2 triệu đồng/em/năm), có tên là Trần Thị Phương, học sinh lớp 8, trường THCS Triệu Lăng. Mẹ Phương bị bệnh ung thư đã lâu nên toàn bộ miếng cơm manh áo cho cả gia đình gồm bà nội tuổi đã cao, 1 anh trai đang học đại học xa và 3 chị em Phương ở nhà đều trông chờ vào nghề thợ mộc của cha em. Người cha ấy cũng là một người bị khuyết tật... Đã có lúc việc học hành của Phương là một bài toán không có lời giải dành cho người cha bị khuyết tật ấy. Đã có lúc Phương nghĩ đến chuyện bỏ học, nếu như... Vâng, nếu như không ai cho Phương một niềm tin... Cô Trần Thị Thu Thắm, cán bộ phụ trách dự án Giáo dục, Chương trình phát triển vùng Triệu Phong, kể cho tôi nghe về hoàn cảnh đáng thương của Trần Thị Thúy, thôn Kiên Mỹ, xã Triệu Ai. 10 năm trước, cha em không may bị tai nạn tàu hỏa nên bị liệt toàn thân. Người mẹ không chịu nổi sự cực khổ đã đành lòng ra đi, để lại trong căn nhà tang thương ấy một người chồng tàn tật, một bà mẹ chồng đã ngoài 80 tuổi và 5 đứa con nheo nhóc. Và đến một ngày, như một sự tất yếu, Thúy bỏ học vì không ai chăm sóc bố, nhất là không có tiền. Khi ấy, em đang học lớp 8. "Khi chúng tôi về trao học bổng cho Thúy và động viên em tiếp tục đến trường, Thúy đã khóc và hứa dù thế nào cũng quyết tâm trở lại trường. Nhưng được khoảng 1 năm sau thì Thúy lại bỏ học. Chúng tôi lại về, lại động viên, an ủi", Thắm tâm sự. Lần gặp mới đây nhất, Thúy đã tâm sự với chúng tôi: "Bây giờ cháu mới hiểu được việc học có ý nghĩa thật quan trọng. Tuy hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, tâm lý chưa ổn định nên kết quả học tập của cháu chưa cao nhưng cháu tin là mình sẽ vượt qua được". Vâng, một niềm tin, dẫu không phải là tất cả nhưng đó chính là động lực để Thúy, Phương và tất cả những học sinh nghèo hiếu học vượt qua được những lằn ranh mong manh và oan nghiệt, " cố gắng vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống để hoàn thành tốt nhiệm vụ của người học sinh, xứng đáng là con ngoan trò giỏi để không phụ lòng mong đợi của các cô, các chú". Và còn hơn thế nữa Chương trình phát triển vùng của tổ chức Tầm Nhìn Thế Giới (ở Quảng Trị được triển khai tại 2 huyện Vĩnh Linh và Triệu Phong) là một chương trình lồng ghép hoạt động của các dự án như nông nghiệp, giáo dục, y tế, nâng cao năng lực và cứu trợ giảm nhẹ thiên tai. Tại Triệu Phong, qua hơn 10 năm hoạt động, từ 2 xã dự án ban đầu là Triệu Lăng và Triệu Vân vào năm 1997 với kinh phí chỉ 20.000 USD, đến nay Chương trình đã mở rộng ra 9 xã, kinh phí trên 500.000 USD mỗi năm với hơn 50.000 người hưởng lợi trực tiếp. Riêng trong hoạt động giáo dục, ngoài việc hỗ trợ học bổng cho học sinh, Chương trình còn phối hợp với nhà trường, cộng tác viên địa phương thường xuyên thăm viếng và động viên phụ huynh, tạo điều kiện tốt nhất có thể để cho con em được tiếp tục học hành. Chương trình còn lồng ghép các hoạt động về y tế, nông nghiệp, giảm nhẹ thiên tai để hỗ trợ cho gia đình các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ quà trực tiếp cho học sinh nghèo như xe đạp, bàn học, cặp sách... đồng thời khuyến khích các phụ huynh tham gia vào nhóm tương hỗ phát triển nhằm học hỏi chia sẻ kinh nghiệm để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo... Anh Đào Văn Đức, Trưởng Chương trình phát triển vùng Triệu Phong, cho biết: "Các dự án của Chương trình không hoạt động riêng lẻ mà luôn có sự gắn kết chặt chẽ và bổ sung cho nhau để tạo sự bền vững". Chúng tôi hiểu, một suất học bổng trao cho những học sinh nghèo chưa đủ để đưa các em trở lại ghế nhà trường, hoặc có thì các em cũng chưa thể học tập tốt khi bữa ăn hàng ngày không đủ no và đủ ấm. Bởi vậy, ngoài những suất học bổng được trao hàng năm cho các em, những học sinh nghèo còn được hỗ trợ nhiều dụng cụ học tập, những gia đình nghèo được hỗ trợ thêm tiền để xây nhà kiên cố (bình quân mỗi năm khoảng 20 nhà), ít nhất cũng là bớt đi một nỗi lo trong mùa mưa bão. Ngoài ra, thông qua các đoàn thể địa phương, Chương trình còn hỗ trợ cây, con giống và tổ chức tập huấn, giúp người nghèo có cơ hội thoát nghèo. Một khi gia đình các em thoát ra khỏi hoàn cảnh khó khăn, bớt đi những nỗi lo toan thì đường đến trường của các em sẽ rộng mở.THÚY AN
Tại chương trình “Bảo Việt Nhân thọ - Trao hơn cả cam kết” tri ân khách hàng đồng hành với công ty trong hành trình xây dựng và phát triển ngành Bảo hiểm Nhân ...
Năm nay, mùa xuân dường như đến sớm hơn đối với các em: Trần Lê Thanh Trúc, Hoàng Minh Khôi và Hồ Thị Thúy Kiều. Sau nhiều nỗ lực, các em đã có những niềm vui ...
Vượt dặm đường xa xôi, nhóm bạn trẻ đến từ Hàn Quốc đã có các buổi cắt tóc, làm đẹp và nô đùa, chụp hình với trẻ em khuyết tật ở Quảng Trị. Sự cởi mở, gần gũi ...
Gần đây, thông qua mạng xã hội, phong trào hiến tóc cho bệnh nhân ung thư được người dân cả nước, trong đó có tỉnh Quảng Trị hưởng ứng, lan tỏa mạnh mẽ. Những ...
Sở hữu những thành tích đáng biểu dương trong học tập, các em học sinh này đều có chung một điểm nổi trội là luôn nuôi dưỡng khát vọng học tập để chinh phục ...
Hình thành thói quen đọc sách cho trẻ là một hành trình bền bĩ, đòi hỏi sự kiên nhẫn, sáng tạo trong mỗi gia đình, nhà trường. Các trường mầm non trên địa bàn ...
Gắn bó với mảnh đất Quảng Trị từ cuối năm 2017 đến nay, tổ chức Vòng Tay Thái Bình (Pacific Links Foundation) đã luôn đồng hành với Hội Khuyến học tỉnh để cùng ...
Từ nguồn kinh phí, thực phẩm do giáo viên và phụ huynh đóng góp, gần 1 năm qua, các cô giáo của Mầm non độc lập tư thục (ĐLTT) Em bé hạnh phúc đã duy trì nấu ...
QTO - Để tìm câu trả lời cho cà phê sạch, Bích Chi quyết định tự trồng cà phê. Và như một cơ duyên, cô gái Hà Nội đang là tiếp viên hàng không của Vietnam...
QTO - Quảng Trị có rất nhiều thác nước đẹp kết hợp với rừng, hồ, suối rộng, nước trong veo để phát triển du lịch, trong đó nổi bật nhất phải kể đến thác...
Gian nan "gieo" chữ
Xót xa trước cảnh nhiều thanh niên dân tộc Vân Kiều đang quay lưng lại với các làn điệu dân ca như Xà nớt, Tà oải... làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc Vân Kiều. Pả Đươn ở bản...
Xây nhà trong ''cơn bão'' giá...