
{title}
{publish}
{head}
Xót xa trước cảnh nhiều thanh niên dân tộc Vân Kiều đang quay lưng lại với các làn điệu dân ca như Xà nớt, Tà oải... làm nên bản sắc văn hóa của dân tộc Vân Kiều. Pả Đươn ở bản Ly Tôn (xã Tà Long, huyện Đakrông) đã ngày đêm âm thầm tập luyện các làn điệu dân ca dân tộc mình với ước vọng truyền lại cho con cháu mai sau. Người bản Ly Tôn mỗi khi nói về ông thường gọi ông là “báu vật sống” của người Vân Kiều, bởi ông là nghệ nhân cuối cùng hát được làn điệu Xà nớt, một làn điệu dân ca đòi hỏi phải luyện tập công phu trong nhiều năm mới có thể hát được...
Hát hay lấy được vợ Lào
Sau gần hai giờ đồng hồ đi xe máy trên tuyến đường Hồ Chí Minh uốn lượn, quanh co giữa trập trùng núi rừng Trường Sơn, tôi mới đặt chân đến căn nhà sàn nằm ở giữa bản Ly Tôn của Pả Đươn. Cái bắt tay nồng ấm đi kèm với chén rượu gọi là “mành xoành” (câu chúc sức khỏe của người Vân Kiều), Pả Đươn mới cười cười bảo với tôi rằng cũng nhờ hát hay điệu Xà nớt, Tà oải mà cách đây ba mươi ba năm trước (năm 1975), ông đưa được người vợ Lào có tên Việt Nam hiện tại là Hồ Thị Niêng từ bản Xăng Kê (huyện Ăng Kăm, Lào) về bản Ly Tôn.
Pả Đươn kể: Nhập ngũ năm 1959, sau một thời gian huấn luyện, ông được phiên vào Trung đoàn 8 (thuộc BCHQS tỉnh Bình Trị Thiên cũ). Khi vào bộ đội, đơn vị biết ông có tài chơi được nhiều loại nhạc cụ gồm sáo A Mam, Khui, Tariel, Khèn bè, Acơng A quảy, đồng thời hát rất hay nhiều làn điệu dân ca dân tộc Vân Kiều như Xà nớt, Tà oải...đơn vị liền điều ông vào đội văn nghệ của Trung đoàn 8 để chơi nhạc, ca hát phục vụ bộ đội, vừa tham gia chiến đấu. Khoảng năm 1965-1966 (ông chỉ nhớ mang máng-NV), trong chuyến băng rừng sang đất bạn Lào làm nhiệm vụ, ông gặp bà Hồ Thị Niêng đang giặt áo quần bên suối. Gặp nhau lần đầu nhưng ấn tượng về “người đẹp” cứ bám riết trong tâm trí ông trên suốt dọc đường rừng. Sau mấy ngày làm xong nhiệm vụ quay về Việt Nam, trên đường về, ông bảo với đồng đội đến nghỉ lại ở bản Xăng Kê. Chờ đêm xuống, Pả Đươn giấu khẩu súng dưới đáy chiếc A choi mang sau người vì sợ “người đẹp” hoảng lên mà không cho gặp thì nguy, rồi lặng lẽ tìm đến nhà “người đẹp”, sau đó đứng dưới sàn hát Tà oải. Câu hát cất lên: Em ơi! bây giờ trên trời máy bay thằng giặc còn nhiều/Núi rừng chưa yên vì tiếng bom, đạn/Con nai, con hươu phải bỏ suối cũ đi tìm suối mới tận rừng sâu/Để núi rừng bình yên, anh lên đường cầm súng/Anh gặp rồi yêu em/Hẹn hò cùng em bên suối, trên nương/ Sau nay, đất nước hòa bình dù chân có mỏi anh cũng tìm em/Ta thành vợ chồng/ Mỗi sớm lên rẫy, lên nương... Nghe tiếng hát của Pả Đươn văng vẳng vọng lên dưới sàn nhà mình, cô gái Lào không thể kìm lòng được vội xuống nhà để gặp. Đêm ấy, dưới ánh trăng như dát vàng lên tán lá rừng Trường Sơn, hai người trao nhau tín vật làm tin rồi cùng nhau hẹn ngày đất nước hòa bình sẽ nên duyên chồng vợ.
Năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Pả Đươn xin phép đơn vị quay về bản Ly Tôn nói với cha mẹ mang lễ vật băng rừng hơn nửa tháng trời để sang bản Xăng Kê hỏi vợ. Trên đường đi, Pả Đươn cứ lo lắng “người đẹp” quên lời hẹn xưa dưới trăng mà sang phía núi lấy chồng thì lòng ông chắc tan nát, nhưng khi đến nơi mới biết hơn mười năm qua, bà Niêng vẫn chờ đợi ông. Cưới xong, ông quay về đơn vị công tác mãi cho đến năm 1981, được xuất ngũ trở về quê hương.Trả lời câu hỏi của tôi về việc trong lúc nhiều thanh niên dân tộc Vân Kiều hiện nay chỉ mê hát karaoke mà không mặn mà lắm với các làn điệu dân ca dân tộc mình, nhất là làn điệu Xà nớt (hiện chỉ có mình ông hát được), Pả Đươn hắt ánh nhìn buồn bã ra phía rừng núi trập trùng trước nhà rồi thở dài: "Họ không thích hát thì miềng biết mần răng được. Sau miềng không biết còn có ai hát được làn điệu Xà nớt của người Vân Kiều nữa không? Nói rứa nhưng miềng vẫn tin rồi lớp trẻ sẽ hiểu ra mà tìm đến miềng để miềng truyền lại cho họ...". Niềm tin của ông được minh chứng bằng việc ông âm thầm luyện tập các làn điệu dân ca của dân tộc Vân Kiều để chờ lớp trẻ tìm đến nhờ ông truyền dạy. Pả Đươn cho biết thêm: Hiện tại nhiều người, nhất là lớp trẻ không mặn mà lắm với làn điệu Xà nớt bởi điệu Xà nớt rất khó học. Bình thường một người muốn hát Xà nớt phải luyện tập thật công phu trong nhiều năm mới có thể hát hay được. Cái khó bắt nguồn từ việc phải luyện giọng sao cho lúc hát âm vực khi cất lên phải luyến láy lúc cao, lúc thấp cứ trầm bổng như ngọn gió thổi qua rừng, suối chảy mềm qua đá... Làn điệu Xà nớt thường dành cho đôi lứa tìm hiểu nhau cũng như làn điệu Tà oải. Xà nớt khi hát thường được đệm bằng sáo Khui và hát ở dạng đối đáp qua lại giữa người con trai với người con gái. Người con trai hát hỏi ướm lòng người con gái: Từ thuở núi rừng còn hoang vu chưa có bóng người/Tôi chưa gặp được em/Bây giờ gặp được em rồi/Tôi thấy yêu em và muốn cưới em về làm vợ/Sau này sướng khổ có nhau... Người con gái đáp lại: Tôi đã mười năm không gặp anh/Bây giờ tôi gặp anh đây/Tôi ưng cái bụng nên muốn cùng anh xây dựng gia đình...
Nghệ nhân cuối cùng hát được Xà Nớt
Tiễn tôi dưới chân nhà sàn, Pả Đươn nói với tôi như gửi gắm niềm tâm sự bấy lâu nay trong lòng ông rằng mấy năm trước đây, ông chỉ sợ sau này ông chết đi sẽ không còn ai hát được điệu Xà nớt của người dân tộc Vân Kiều thì chắc ông chết cũng chẳng nhắm được mắt. Nói vậy chứ mấy năm gần đây, cái bụng ông bắt đầu vui hơn bởi nhiều xã như A Ngo, Tà Rụt, Tà Long (huyện Đakrông)...đã thành lập các đội văn nghệ mà các tiết mục văn nghệ chủ lực vẫn sử dụng nhạc cụ, hát làn điệu dân ca của người Vân Kiều, Pa Cô. Muốn tiết mục văn nghệ hay, các đội văn nghệ đã cử người tới tận nhà mời các nghệ nhân đến dạy lại các làn điệu dân ca và còn sáng tác thêm lời mới. Tuy không nói ra nhưng tôi biết Pả Đươn luôn tin bằng niềm tin của một người biết quý trọng, nâng niu, gìn giữ từng làn điệu dân ca dân tộc Vân Kiều của ông. Những làn điệu dân ca như khát vọng bây lâu nay của ông rằng sau này con cháu ông sẽ hát dưới tán rừng, bên bờ suối vàng nhuộm ánh trăng trong những đêm Sim dậy men tình yêu.
Hoàng Tiến Sỹ-Diệu Trang
Trước nguy cơ dân ca và các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình bị mai một dần và có thể mất hẳn, ông Hồ Văn Lý, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Chênh ...
Xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa trong những năm qua đã triển khai nhiều giải pháp tích cực thực hiện công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vật thể, phi ...
Sinh ra và lớn lên nơi vùng đất có nhiều đặc trưng văn hóa của người Vân Kiều nên từ thời niên thiếu, những làn điệu dân ca và các loại nhạc cụ truyền thống đã ...
“Hiện nay việc bảo tồn văn hóa ở địa phương gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ mai một. Ông Hồ Ta Lộc ở thôn Ra Po đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, học tập, ...
Từ ngày 9 - 11/12, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa tổ chức tập huấn hát dân ca Bru Vân Kiều tại các xã phía Bắc của huyện.
Đời sống tâm linh của người Vân Kiều và Pa Kô ở Quảng Trị rất phong phú và có nhiều nét đặc trưng. Qua thời gian các dân tộc thiểu số biết chọn lọc, bài trừ ...
Hôm nay 28/10, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa phối hợp với UBND xã Hướng Phùng tổ chức phục dựng lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Vân Kiều ...
Sinh ra và lớn lên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đại ngàn Trường Sơn, nơi có nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Vân Kiều nên Hồ Thị Thới, ở Khối 6, thị ...
QTO - Để tìm câu trả lời cho cà phê sạch, Bích Chi quyết định tự trồng cà phê. Và như một cơ duyên, cô gái Hà Nội đang là tiếp viên hàng không của Vietnam...
QTO - Quảng Trị có rất nhiều thác nước đẹp kết hợp với rừng, hồ, suối rộng, nước trong veo để phát triển du lịch, trong đó nổi bật nhất phải kể đến thác...
Xây nhà trong ''cơn bão'' giá...