Tăng cường quản lý quy hoạch đô thị, yêu cầu quan trọng trong phát triển hiện nay
(QT) - Quy hoạch đô thị là một lĩnh vực quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Muốn quy hoạch đô thị có hiệu quả thì công tác quản lý có vai trò quyết định. Vì vậy, từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị. Thời gian qua, công tác quản lý quy hoạch đô thị của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Chất lượng công tác lập quy hoạch ngày càng được nâng cao. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã từng bước chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng. Bên cạnh các nguồn lực của nhà nước, đã huy động được nguồn lực to lớn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho hoạt động quy hoạch xây dựng. Hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội, không gian, cảnh quan, kiến trúc đô thị ngày càng được bảo đảm, thể hiện ngày càng rõ nét sự kết hợp giữa tính hiện đại với bản sắc Việt Nam.
Đô thị hóa là xu thế tất yếu của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ để phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế. Do quá trình đô thị hóa liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường nên việc quản lý tốt quy hoạch và phát triển đô thị là một nhu cầu khách quan của mọi quốc gia. Để đảm bảo đô thị phát triển có tổ chức, đúng định hướng, hài hòa với môi trường, tiết kiệm tài nguyên, việc quản lý quy hoạch phát triển đô thị luôn là một nội dung trọng tâm trong chính sách phát triển đất nước. Do vậy trong thời gian tới các ngành chức năng và các địa phương cần quan tâm một cách đầy đủ, sâu sắc về công tác này để việc xây dựng kết cấu cở sở hạ tầng của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay của đất nước, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân xây dựng đô thị phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại. |
Qua hơn 25 năm từ ngày tái lập tỉnh, hệ thống đô thị của tỉnh đã từng bước hình thành và phát triển, cơ bản đảm bảo chức năng trung tâm kinh tế, chính trị, hành chính, văn hóa, xã hội của từng vùng; góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đến nay, cơ bản đã hình thành 2 chuỗi đô thị theo các trục Bắc - Nam (dọc theo Quốc lộ 1) và Đông - Tây (dọc theo Quốc lộ 9) với tổng số 13 đô thị. Diện tích đất ở đô thị năm 2013 là 1.334,41 ha, chiếm 0,28% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Để đảm bảo sự phát triển hài hòa, có tổ chức cho mạng lưới đô thị của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch phát triển hệ thống đô thị. Đặc biệt là Chỉ thị số 11/2013/CT-UBND ngày 17/7/2013 về tăng cường công tác lập, quản lý và giám sát thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Sở Xây dựng phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong lĩnh vực quy hoạch như: Luật Quy hoạch đô thị; Nghị định số 08/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quy hoạch xây dựng; Nghị định số 37/2010/NĐ-CP của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác; thực hiện các công tác quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị: thẩm định và thỏa thuận quy hoạch, cấp phép quy hoạch và cấp chứng chỉ quy hoạch, tham mưu UBND tỉnh về việc giao đất, thuê đất của các đơn vị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý quy hoạch đô thị cũng đang gặp nhiều thách thức lớn. Hiện nay, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam nói chung cũng như tỉnh Quảng Trị nói riêng. Trong khi nhiều đô thị đang không ngừng được nâng cấp, mở rộng, phát triển song hành cùng sự cải thiện điều kiện, không gian sống của người dân, quá trình đô thị hóa cũng để lại nhiều vấn đề bức xúc cho xã hội ở nhiều nơi: tốc độ lập quy hoạch không theo kịp thực tế phát triển đô thị; chất lượng không gian đô thị, kiến trúc công trình chưa cao; mật độ dân số quá cao gây sự quá tải cho hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của đô thị; phát triển thiếu định hướng gây hủy hoại cảnh quan môi trường thiên nhiên và cân bằng sinh thái; tình trạng xây dựng không phép, sai phép để lại bộ mặt đô thị nhếch nhác, lộn xộn; việc khai thác và sử dụng đất đô thị kém hiệu quả. Tất cả những vấn đề này chứng tỏ công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, đặc biệt là về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và hạ tầng đô thị chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Do đó, việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đúng định hướng, có hệ thống và đồng bộ, hài hòa với môi trường, phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần cho sự phát triển bền vững là một điều cần thiết và có ý nghĩa trong bối cảnh tình hình tỉnh Quảng Trị hiện nay. Trong giai đoạn hiện nay, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị tỉnh Quảng Trị theo tôi cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau: Thứ nhất, công tác quy hoạch phải luôn đi trước một bước, lập quy hoạch phải là một nhiệm vụ được ưu tiên thực hiện trong chương trình phát triển kinh - tế xã hội cũng như trong kế hoạch hàng năm của địa phương, của các ngành và các cấp chính quyền. Thứ hai, quản lý quy hoạch đô thị phải dựa trên cơ sở phối hợp đa ngành, bảo đảm tính đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng với các quy hoạch chuyên ngành trên cùng một địa bàn. Sự phối hợp các quy hoạch chuyên ngành với có tính thống nhất cao là cơ sở vững chắc cho việc lập và triển khai các dự án đầu tư xây dựng sau này, tránh phá đi làm lại, tránh đào lên lấp xuống nhiều lần. Sự phối hợp đa ngành sẽ đem lại sự đồng bộ, ngăn nắp của các tuyến phố, góp phần hình thành nên vẻ đẹp đô thị. Thứ ba, xây dựng bộ máy quản lý đô thị vững mạnh; kiện toàn, nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức của cán bộ làm công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị để quản lý có hiệu quả. Xây dựng bộ máy quản lý quy hoạch đồng bộ, tạo sự thống nhất từ cấp tỉnh đến các phường, xã; trong đó việc xác định vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ quản lý quy hoạch của các cơ quan chuyên môn phải đặt lên hàng đầu. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt những thủ tục phiền hà trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, cấp phép xây dựng; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và phát huy tính tự chủ, sáng tạo của cấp dưới trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Thực hiện tốt cơ chế một cửa, nâng cao chất lượng hiệu quả của bộ phận một cửa liên thông, bảo đảm công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị của tỉnh đi vào nền nếp, có hiệu quả. Nâng tính chuyên nghiệp và tinh thần phục vụ, xây dựng phong cách làm việc có trách nhiệm đối với đội ngũ làm công tác quy hoạch và quản lý đô thị ở các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác quy hoạch và quản lý đô thị đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nhất là công tác quản lý không gian kiến trúc, xây dựng và quản lý công trình kết cấu hạ tầng đô thị. Thứ tư, đẩy mạnh công tác thẩm định quy hoạch. Kiểm tra, rà soát các bước triển khai, từ điều tra, khảo sát cho đến lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch, dự kiến những hạng mục ưu tiên phát triển và nguồn lực thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong xây dựng. Đa dạng hóa các nguồn lực để quy hoạch và xây dựng hệ thống đô thị theo đúng quy hoạch được phê duyệt bằng cách kết hợp vốn nhà nước với việc xây dựng các chính sách tạo vốn, tạo nguồn thu xã hội hóa để phát triển đô thị. Thứ năm, cơ quan, tổ chức lập quy hoạch đô thị cùng với chính quyền địa phương liên quan và tổ chức tư vấn lập quy hoạch cần quan tâm thực hiện tốt việc công bố, công khai và cung cấp thông tin quy hoạch đô thị theo quy định tại Điều 53, 54, 55 Luật Quy hoạch đô thị; lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan theo đúng quy định tại Điều 20, Điều 21 của Luật Quy hoạch đô thị; trong đó chú trọng việc lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan đến việc quản lý, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (như cấp nước, thoát nước, cấp điện, cấp khí đốt, thông tin liên lạc...), đặc biệt chú ý đến quy hoạch không gian ngầm và các công trình ngầm, khi điều chỉnh quy hoạch đô thị thì phải thực hiện đúng các quy trình, thủ tục theo quy định. Thứ sáu, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về quy hoạch và sự tham gia của cộng đồng trong quá trình phát triển đô thị. Nâng cao nhận thức của người dân và nhà đầu tư trong việc chấp hành quy định về trật tự xây dựng, quy hoạch không gian kiến trúc đô thị góp phần cho việc quản lý đô thị phát triển đúng định hướng. Tăng cường sự phối hợp, tham gia của các đoàn thể chính trị - xã hội, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong thực hiện việc phát triển đô thị. Đô thị hóa là xu thế tất yếu của mọi quốc gia, vùng lãnh thổ để phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế. Do quá trình đô thị hóa liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, tài nguyên, môi trường nên việc quản lý tốt quy hoạch và phát triển đô thị là một nhu cầu khách quan của mọi quốc gia. Để đảm bảo đô thị phát triển có tổ chức, đúng định hướng, hài hòa với môi trường, tiết kiệm tài nguyên, việc quản lý quy hoạch phát triển đô thị luôn là một nội dung trọng tâm trong chính sách phát triển đất nước. Do vậy trong thời gian tới các ngành chức năng và các địa phương cần quan tâm một cách đầy đủ, sâu sắc về công tác này để việc xây dựng kết cấu cở sở hạ tầng của tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay của đất nước, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân xây dựng đô thị phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại. LÊ QUANG THỂ