Trong báo cáo, người đứng đầu UNOCHA nêu rõ đánh giá trên được kết luận trên cơ sở xem xét cả khía cạnh nhu cầu nhân đạo, số người bị mất nhà ở và nguy cơ chết đói tại Sudan. Đáng chú ý, bà Wosornu nhấn mạnh rằng thảm kịch nhân đạo vẫn đang tiếp tục xảy ra tại Sudan mà không hề nhận được sự quan tâm hay hành động can thiệp cần thiết từ cộng đồng quốc tế.
Ảnh minh họa: Reuters
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, cuộc xung đột vũ trang bùng phát ngày 15/4/2023 giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), đã cướp đi mạng sống của hàng chục nghìn người và khiến khoảng 8 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Đáng lo ngại hơn, chiến sự đang đẩy khoảng 18 triệu người đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực, tăng thêm tới 10 triệu người so với năm ngoái, đồng thời phá hủy khoảng 70% hạ tầng y tế. Nhiều chuyên gia quốc tế cảnh báo khoảng 222.000 trẻ em Sudan có nguy cơ tử vong trong vài tuần hoặc vài tháng tới, nếu điều kiện dinh dưỡng và chăm sóc y tế tại nước này không được cải thiện một cách đáng kể.