
{title}
{publish}
{head}
Suối Tà Puồng vào mùa khô bắt đầu cạn nước, trơ ra những bãi đá qua tháng năm bị dòng nước bào mòn, điểm xuyết ít rêu xanh đẹp tựa tranh vẽ. Cũng có nhiều đoạn suối nước còn sâu, trở thành nơi trú ngụ của loài cá mát được xem là “đặc sản” của núi rừng. Đây cũng là thời điểm mà nhiều “rái cá” giỏi bơi lội người dân tộc Vân Kiều lặn ngụp thả lưới, bắn tên đánh bắt loại cá mát để phục vụ du khách đến tham quan vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của thác Tà Puồng.
Anh Hồ Văn Thăng với xâu cá mát loại nhỏ đánh bắt được - Ảnh: S.H
Buổi chiều. Tôi theo chân anh Hồ Văn Thăng, Hồ Văn Khay ở bản Trăng Tà Puồng (xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa) len lỏi qua nhiều bãi đá để tìm đến những đoạn suối Tà Puồng nước còn sâu, là nơi trú ngụ lý tưởng của loài cá mát với hành trang mang theo là lưới bén, nỏ bắn mũi tên sắt và kính lặn.
Đến một đoạn suối sâu được che chắn bởi tán rừng, anh Thăng dừng lại rồi chỉ cho tôi thấy từng đàn cá mát nhỏ đang tung tăng bơi lội trong làn nước xanh trong... Anh Thăng nhanh chóng nhảy xuống nước để giăng tay lưới bén thành nhiều vòng xung quanh đoạn suối. Khi đã giăng xong lưới, anh lên bờ tìm nhánh cây to với chiều dài khoảng 1 - 1,5 m rồi tiếp tục xuống suối, dùng nhánh cây để chọc vào kẽ đá ngầm dưới lòng suối sâu nơi cá mát đang lẩn trốn.
Thấy động, nhiều con cá mát nhỏ bơi ra khỏi hang mắc ngay vào lưới. Trong khi anh Thăng đánh bắt cá bằng lưới, thì anh Khay đeo kính lặn để lặn xuống nước rồi dùng nỏ bắn cá mát trong các kẽ đá ngầm dưới lòng suối.
Cứ lặn ngụp trên dòng suối Tà Puồng cho đến khi mặt trời khuất dần sau những dãy núi nhấp nhô, cả hai anh bắt đầu thu dọn lưới, kính lặn để trở về bản. Trên đường đi, anh Thăng cho biết, trước đây chỉ cần ra mấy con suối xung quanh bản Trăng Tà Puồng hoặc dọc theo suối Tà Puồng thả lưới, quăng chài là có thể đánh bắt chục cân cá các loại.
Nhưng mấy năm trở lại đây, người dân nhiều bản làng dùng kích điện đánh bắt vô tội vạ nên cá, cua, ếch cũng cạn kiệt dần. Như hôm nay, phải ngược suối Tà Puồng gần 2 - 3 km mới đánh bắt được ít cá mát nhỏ. Bây giờ, muốn đánh bắt được cá mát loại to phải dùng đèn pin để đánh bắt vào ban đêm .
Khi bóng đêm bao trùm lên bản làng, tôi cùng anh Thăng với đèn pin, lưới bén lặng lẽ men theo một quãng đồi rồi xuống suối để bắt đầu hành trình ngược suối Tà Puồng đánh bắt cá mát. Điểm dừng chân đầu tiên là đoạn suối cách bản Trăng Tà Puồng chừng 4 - 5 km với từng bãi đá lô nhô và nhiều vũng nước sâu. Anh Thăng cho biết, cá mát được xem là “đặc sản” bởi loại cá này chỉ có ở thượng nguồn của một số con sông như: Đakrông, Sê Pôn, Sê Băng Hiêng ở huyện Đakrông và Hướng Hóa.
Cá mát to nhất bằng khoảng ba ngón tay người lớn (nặng từ 0,5 - 0,7 kg), trên thân có 6 chấm đen và vảy màu hồng nhạt. Loài cá này sống ở các khe đá, hang ngầm dưới sông, suối hoặc nơi thác nước chảy xiết. Cá mát loại lớn thường kiếm ăn vào ban đêm. Khi trời chập choạng tối cũng là lúc từng đàn cá mát nối đuôi nhau tìm ăn côn trùng trên mặt nước hoặc ăn các loại rong rêu bám vào đá... cho đến tờ mờ sáng hôm sau sẽ bơi về nơi ẩn nấp.
Muốn đánh bắt được nhiều cá mát thì phải chọn thời điểm ban đêm mới hiệu quả, còn ban ngày, cá ẩn mình trong các hang ngầm, khe đá, muốn bắt phải sử dụng nỏ. Cái tên cá mát không biết có xuất xứ từ bao giờ, nhưng theo nhiều người thì do cá mát sinh sống trong những khe đá dưới lòng sông, suối, thịt ăn “mát” nên dân gian đặt tên như vậy.
Phân công tôi ngồi trên tảng đá dùng đèn pin soi sáng đoạn suối, anh Thăng cầm tay lưới bén lội ùm xuống vũng nước rồi vừa bơi, vừa rải lưới ngang, dọc xung quanh vũng nước. Thả xong tay lưới bén, anh lên bờ chờ khoảng một giờ đồng hồ mới lội xuống kéo lưới lên. Công việc giăng lưới cá mát cứ đều đều lặp lại như vậy, chỉ khác là phải chuyển nơi giăng lưới từ vũng nước, khe đá này sang vũng nước, khe đá khác mà thôi.
Đối với đồng bào dân tộc Vân Kiều thì không có loài cá nào ngon như cá mát. Người dân nơi đây chế biến nhiều món ăn từ loại cá này, nhưng ngon nhất vẫn là món cá mát không làm ruột (ruột cá mát có màu rêu xanh, ăn có vị đắng ngọt ở đầu lưỡi) nướng trên than hồng. Chỉ cần chọn những con cá mát to bằng ba ngón tay, rửa sạch rồi dùng dao nhỏ rạch vài đường trên thân.
Trước khi đặt lên nướng, cá mát sẽ được ướp với một chút muối, bột ngọt, sả băm nhỏ trong vòng 15-20 phút. Khi than hồng đỏ rực, cá mát lần lượt nằm gọn trên vỉ nướng và cứ khoảng 4 - 5 phút lại được trở đều một lần cho đến khi cá chín. Bẻ từng miếng cá mát nướng cho vào miệng mới thấy hết sự thơm ngon, béo ngậy đến tận miếng cuối cùng.
Đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô còn có một món ăn độc đáo nữa được chế biến từ cá mát đó là cheo cá mát. Cá mát khi đánh bắt về sẽ được mổ bụng làm sạch ruột, rửa kỹ lớp rong rêu bám ngoài thân và mang cá. Sau đó dùng các thanh tre đã được chẻ nhỏ, vót nhọn một đầu để xuyên cá thành từng xâu (mỗi xâu cá mát thường dao động từ 5-10 con, tùy theo kích thước của cá to hay nhỏ) rồi treo trên giàn bếp.
Khoảng vài tuần sau, cá mát được hong trên bếp lửa đủ độ khô, người dân đem xuống chế biến thành món cheo. Cách làm cheo cá mát khá đơn giản, chỉ cần bóc lớp vảy đã khô vàng và tách xương, đầu cá bỏ đi, lấy phần thịt của cá mát. Cho tất cả số thịt cá mát cùng với quả ớt khô, muối, bột ngọt vào chiếc cối gỗ, giã đều tay cho đến khi nào thịt cá tơi, hòa đều các vị với nhau, nếm vừa ăn là được. Món cheo cá mát sẽ đậm đà hơn nếu cho thêm đọt mây, một ít hạt tiêu rừng và quả cà nướng (loại cà nhỏ có màu xanh và đốm trắng nhỏ, được trồng trên nương rẫy).
Đây là một loại thực phẩm khô của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô dùng để cất trữ, phòng khi không có thức ăn tươi hoặc đem theo cùng với típ xôi mỗi khi lên nương rẫy. Bởi đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ít khi ăn hết những thứ mình có mà thường để dành, chờ đến mùa giáp hạt đói kém hoặc mùa mưa lạnh mới lấy ra ăn. Riêng ở bản Trăng Tà Puồng, cá mát sau khi đánh bắt sẽ được thu mua với giá từ 300 - 400 nghìn đồng/kg để phục vụ du khách khi đến tham quan thác.
Đến quá nửa đêm thì tôi cùng anh Thăng trở về bản Trăng Tà Puồng sau một đêm lặn ngụp ở suối Tà Puồng. Mớ cá mát đánh bắt được trong đêm, anh cất giữ lại để sáng mai mang bán cho thương lái. Cá mát có tên khoa học là Onychostoma gerlachi, hay ở các vùng miền khác có tên pea khính, pa khính, cá niên... Dù có nhiều tên gọi khác nhau, nhưng giá trị dinh dưỡng, hương vị thơm ngon của cá mát đã trở thành món ăn độc đáo được du khách lựa chọn thưởng thức khi đến với thác Tà Puồng.
Sỹ Hoàng
QTO - Hơn 1 năm nay, giá bò hơi trên thị trường giảm mạnh và chưa có chiều hướng cải thiện. Điều này khiến người chăn nuôi bò vỗ béo ở Hướng Hóa gặp nhiều...
QTO - Là loài thủy cầm nhưng vịt rất mẫn cảm với môi trường nước bị ô nhiễm và chất thải chăn nuôi. Do đó, những năm gần đây, người chăn nuôi tìm tòi cải...
QTO - Tình hình vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra và tăng dần hàng năm. Do đó, để đảm bảo quyền SHTT được thực hiện...
QTO - Thời điểm này, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đang tất bật chuẩn bị ao nuôi, giống tôm và các điều kiện cần thiết để chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Tuy...
QTO - Trong những năm qua, UBND tỉnh đã cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh....
QTO - Những năm qua, thị xã Quảng Trị huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp. Nhờ vậy, địa phương đã có điều kiện tập trung xây dựng, sửa...
QTO - Để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, thời gian qua,...
QTO - Giữa làng quê thuần nông Đông Sơn, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, có một người đàn ông âm thầm gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Hành trình vượt...
QTO - Toàn tỉnh hiện có hơn 276.000 ha diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng, tỉ lệ độ che phủ rừng đạt trên 49,4%, do vậy công tác bảo vệ rừng...
QTO - Truy xuất nguồn gốc lâm sản là một trong những công cụ hữu hiệu giúp minh bạch nguồn gốc gỗ nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động...
QTO - Nhằm thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi tôm để giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh và nâng cao hiệu quả nuôi tôm, bằng nguồn vốn của dự...