Cập nhật: Thứ 5, 03/03/2016 | 08:28 GMT+7

Ra biển mùa giá lạnh

(QT) - Khi mọi người đang say giấc ngủ thì nhiều ngư dân vùng biển bãi ngang ở thôn 6 (xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) ra khơi trong đêm tối trên những chiếc thuyền có công suất nhỏ để bắt đầu chuyến đánh bắt hải sản trong mùa lạnh giá. Để mưu sinh, nhiều khi họ phải đánh đổi cả tài sản, tính mạng của mình bởi mùa này biển động với từng đợt sóng lớn nhấp nhô, trùng điệp bủa vây như muốn nuốt chửng những chiếc thuyền nhỏ bé của ngư dân.

Vợ chồng ngư dân Nguyễn Bơn chuẩn bị lưới cho chuyến ra khơi

Ngồi tỉ mẩn vá lại mấy tay lưới bị rách sau chuyến biển để chờ vài ngày tới biển hết động do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh, ngư dân Nguyễn Bơn (54 tuổi) cho biết: “Ở vùng biển bãi ngang thôn 6, ngư dân phải ra biển quanh năm mới mong đảm bảo cuộc sống. Cứ tùy từng mùa trong năm mà sử dụng loại ngư lưới cụ phù hợp với từng loại thủy hải sản. Như mùa lạnh giá này thì loại ngư lưới cụ phù hợp nhất vẫn là lưới quét ba màn, lưới hai… để đánh bắt cá trạo, cá khoai (cá cháo), mực lá, mực nang, ghẹ xanh, ốc biển. Ra biển vào mùa lạnh cực lắm nhưng đổi lại do biển động thường xuyên, tầng nước đáy bị xao trộn nên cá, mực, ốc biển thường vào gần bờ kiếm ăn vì vậy sản lượng đánh bắt thủy hải sản nhiều hơn các mùa khác trong năm. Như cách đây mấy hôm, tranh thủ biển lặng, sóng êm, tôi cùng với 2 người “đi bạn” đánh bắt cá trạo, mực lá…. thu gần 12 triệu đồng chỉ sau một ngày ra biển. Vài hôm nữa hết đợt không khí lạnh, trời nắng ráo, biển lặng sóng có thể cá khoai cũng như nhiều loại thủy hải sản khác sẽ vào vùng biển gần bờ. Chỉ cần trúng vài mẻ cá khoai là có tiền triệu rồi. Bởi trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, giá cá khoai giao động từ 40 - 60 nghìn đồng/kg (có thời điểm lên đến 70 - 80 nghìn đồng/kg)”. Như để tôi hình dung ra công việc đánh bắt thủy hải sản vào mùa giá lạnh, ngư dân Nguyễn Bơn tường thuật lại một chuyến ra biển cho tôi hiểu. Buổi chiều ngày hôm trước, những ngư dân có kinh nghiệm, thâm niên đi biển hàng chục năm ở thôn 6 bắt đầu xuống biển để nhìn màu nước biển, sóng cũng như hướng gió nhằm dự đoán dòng hải lưu, sau đó sẽ quyết định sẽ ra khơi vào lúc mấy giờ trong đêm. Thông thường khoảng 3 - 4 giờ sáng hôm sau, ngư dân thôn 6 bắt đầu lên thuyền ra biển. Giữa đêm mùa lạnh rét như cắt da, cắt thịt, trời tối đen như mực, ngư dân phải luồn lách giữa điệp trùng sóng để ra khơi an toàn đòi hỏi những ngư dân chung thuyền (nhất là chủ thuyền cầm lái) phải biết phối hợp nhịp nhàng từng động tác nếu không muốn bị sóng biển nhấn chìm (đã có trường hợp ngư dân thôn 6 bị chìm thuyền mất ngư lưới cụ, thậm chí là đánh đổi cả tính mạng khi ra biển đánh cá). Cứ dong thuyền lênh đênh trên biển khoảng 2 - 3 giờ thì ra đến ngư trường và bắt đầu buông lưới. Ngư trường đánh bắt thủy hải sản của ngư dân vùng biển bãi ngang thôn 6 thường cách bờ khoảng 8 - 15 hải lý (tùy thuộc vào từng loại thủy hải sản như đánh bắt cá trạo, mực lá, mực nang, ốc biển… thì đánh bắt xa bờ còn đánh bắt cá khoai thì gần bờ hơn). Sau khi buông lưới xong thì trời bắt đầu sáng. “Có ra biển đánh bắt thủy hải sản vào mùa giá lạnh mới biết thế nào là rét mướt. Trên người mặc mấy lớp áo quần còn quấn thêm áo mưa bên ngoài mà ngồi trên thuyền vẫn cứ run cầm cập. Chỉ đến khi kéo lưới lên mà lưới mắc đầy cá, mực thì cái lạnh mới tan biến lúc nào không hay”, ngư dân Nguyễn Bơn nói. Còn nhớ, hôm về công tác ở xã Triệu Lăng khi hỏi về nghề biển, anh Trần Mai Son, Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng phấn khởi dẫn ra những con số khá ấn tượng về sản lượng đánh bắt thủy hải sản trên địa bàn xã. Hiện tại, toàn xã Triệu Lăng có 265 thuyền máy với tổng công suất 3.445 CV. Nghề đánh bắt thủy hải sản tập trung chủ yếu ở thôn 6, 5, 4 trong đó đông nhất vẫn là thôn 6 với hơn 170 thuyền máy có công suất từ 9 - 12 CV. Trong năm 2015, sản lượng đánh bắt của xã Triệu Lăng đạt trên 350 tấn thủy hải sản các loại. Muốn làm nghề biển bây giờ cũng không khó bởi thiếu vốn thì các ngân hàng sẵn sàng cho vay. Mà đầu tư thuyền máy, ngư lưới cụ ở vùng biển bãi ngang không cần vốn lớn. Như hiện tại chỉ cần đầu tư chiếc thuyền máy khoảng 25 triệu đồng và khoảng 70 - 80 triệu đồng để mua sắm ngư lưới cụ là có thể ra khơi đánh bắt thủy hải sản. Hiện nay, nhiều hộ ngư dân ở thôn 6, 5, 4 (xã Triệu Lăng) có thu nhập từ nghề biển từ 15 - 30 triệu đồng/tháng là chuyện bình thường. Nhiều hộ ngư dân trên địa bàn xã có thu nhập 150 - 200 triệu đồng/năm, điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Mẫu, Trần Phí, Trần Phụ, Nguyễn Bơn (thôn 6)… “Làm nghề biển thì đương nhiên là vất vả, nhiều khi phải đối diện với nguy hiểm rình rập như cách đây khoảng 3 năm, thuyền chìm làm tôi suýt chút nữa là không về được với vợ con. Nhưng rồi nhờ may mắn tôi bơi được vào bờ. Dù vậy, nghề biển đã giúp vợ chồng tôi xây dựng nhà cửa, nuôi các con trưởng thành nên cũng khó lòng từ bỏ. Vợ chồng tôi vẫn thường khuyên các con là ba mẹ vì khó khăn không được học hành tới nơi, tới chốn, giờ cố gắng bám biển để kiếm tiền lo cho các con học hành. Hiểu được những vất vả của ba mẹ nên các con tôi học hành thành đạt. Con đầu là Nguyễn Thái Hành (SN 1983) sau khi học xong đại học hiện đang đi làm việc tại Nhật Bản; con gái thứ ha i là Nguyễn Thị Liễu (SN 1988) học xong đại học hiện đang làm việc tại tỉnh Bình Dương; đứa con trai út là Nguyễn Thái Công hiện đang học lớp 11 chuyên Hóa Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Vừa rồi, cháu Công đoạt giải Nhì tại Hội thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh, năm học 2015 - 2016 với đề tài “Thiết kế tủ thí nghiệm hóa học”. Thấy các con được như thế thì dù có cơ cực hơn nữa vợ chồng tôi cũng chịu được…”, ngư dân Nguyễn Bơn tâm sự với tôi cùng nụ cười mãn nguyện. Bài, ảnh: AN PHONG



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Niềm vui từ mùa biển mới
22:34 07/02/2023

Do trời rét đậm nên đến ngày 31/1/2023 (10/1 âm lịch) ngư dân vùng biển bãi ngang như thôn Thâm Khê (xã Hải Khê, huyện Hải Lăng), Thôn 6 (xã Triệu Lăng, huyện ...

Nhọc nhằn mưu sinh mùa biển động
22:43 11/12/2023

Mùa biển động thường bắt đầu từ tháng 9 âm lịch năm trước đến tháng 2 năm sau. Thời điểm này biển thường xuất hiện sóng to, gió lớn, bất lợi cho việc đánh bắt ...

Những chuyến ra biển đầy ắp cá tôm
00:25 01/02/2025

Từng đợt gió mùa đông bắc lạnh giá cứ liên tiếp quần thảo trên biển khiến ngư dân vùng biển bãi ngang không thể ra khơi. Khác hẳn với không khí tĩnh lặng của ...

Dòng họ bám biển xa
22:25 31/12/2023

Bây giờ đang là mùa biển động với từng đợt sóng bạc đầu căng ngang cửa lạch Cửa Việt trong sầm sập mưa gió, rét buốt. Vậy nhưng, thời tiết đó vẫn không ngăn ...

Mùa câu
22:25 14/07/2023

Với người dân vùng bãi ngang, quãng từ tháng 5 - 8 hằng năm là thời gian lý tưởng để giong thuyền ra biển buông cần câu cá. Mỗi làng chài sẽ có nhiều nghề câu ...

Săn mực nhện mùa biển động
21:36 31/01/2023

Trong những ngày lang thang qua nhiều làng biển dọc theo miền chân sóng, tôi được gặp và trò chuyện với nhiều lão ngư nắm giữ những “độc chiêu” đánh bắt thủy, ...

Trăn trở nghề hấp cá ở xã Cửa Việt

Trăn trở nghề hấp cá ở xã Cửa Việt
10:00 tối qua

QTO - Hình thành cách đây khoảng 20 năm, nghề hấp cá xuất khẩu ở xã Cửa Việt mang lại thu nhập khá cao cho các cơ sở chế biến và tạo sinh kế ổn định cho...

Dự án 8: Hành trình mang lại những đổi thay

Dự án 8: Hành trình mang lại những đổi thay
10:10 tối Chủ nhật

QTO - Bằng những giải pháp linh hoạt, sáng tạo, giai đoạn 2021 - 2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Quảng Trị đã triển khai Dự án 8 đạt được nhiều kết...

Phấn khởi vì hoa bán được giá

Phấn khởi vì hoa bán được giá
01:24 03/03/2016

(QT) - Vừa qua, chúng tôi có dịp đến thăm những vườn hoa, rau màu của phụ nữ phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Không khí làm việc tất bật mà vui tươi hiện rõ...

POWERED BY
Việt Long