{title}
{publish}
{head}
Từng đợt gió mùa đông bắc lạnh giá cứ liên tiếp quần thảo trên biển khiến ngư dân vùng biển bãi ngang không thể ra khơi. Khác hẳn với không khí tĩnh lặng của các làng biển bãi ngang, ở Cảng cá Cửa Việt (xã Triệu An, huyện Triệu Phong), nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ trở về sau chuyến đi biển nhanh chóng bán thủy, hải sản cho thương lái để tiếp tục vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhiên liệu chuẩn bị vươn khơi. Những chuyến đánh bắt trên biển giáp Tết thường khẩn trương, hối hả hơn thường ngày, bởi những mẻ cá, tôm mà đại dương ban tặng sẽ quyết định cái Tết đủ đầy của ngư dân.
Ngư dân thị trấn Cửa Việt chuẩn bị ngư lưới cụ để vươn khơi, bám biển - Ảnh: S.H
Ăn tết trên biển
Trở về sau chuyến biển kéo dài gần cả tuần ở ngư trường xung quanh đảo Cồn Cỏ để tránh đợt gió mùa đông bắc, ngư dân Trần Viết Thành ở Thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh cho biết, những ngày giáp Tết, trong khi người người dọn nhà cửa, chuẩn bị đón năm mới thì những ngư dân có tàu đánh bắt xa bờ chịu được sóng to, gió lớn lại tất bật chuẩn bị vươn khơi.
Theo quan niệm của ngư dân, những chuyến vươn khơi cuối năm âm lịch, nếu cập bến mà tôm cá đầy khoang sẽ là tín hiệu tốt lành cho cả năm sau thuận buồm xuôi gió, tàu cá sẽ “ăn nên, làm ra”. Trong năm 2024, tàu cá 400 CV của anh Thành đã có nhiều chuyến đánh bắt cá hố bằng lưới rê siêu bùng nhùng ở ngư trường xung quanh đảo Cồn Cỏ với sản lượng đạt 6 - 8 tạ cá hố/chuyến biển, thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng. Những tháng cuối năm, tàu chuyển sang đánh bắt cá thu, ngừ, cờ..., thu nhập 50 - 70 triệu đồng/chuyến biển. Nghỉ ngơi vài hôm, anh Thành lại tiếp tục ra khơi cho đến khi nghỉ tết Nguyên đán.
Nhiều ngư dân ở miền biển Gio Linh, Triệu Phong trong suốt cuộc đời gắn bó với biển cả bao la đã không ít lần ăn tết trên biển. Khoảng ngày 19 - 20 tháng Chạp, nhiều tàu đánh bắt xa bờ bắt đầu xuất bến. Chuyến biển cuối năm mãi tận ngư trường Hoàng Sa, vịnh Bắc Bộ... nên thường kéo dài đến khoảng ngày mồng 4 tháng Giêng. Sở dĩ ngư dân vươn khơi xuyên Tết vì đây là khoảng thời gian giao mùa giữa các vùng thời tiết trên biển nên biển êm, thuận lợi cho việc đánh bắt thủy, hải sản hiệu quả hơn những chuyến biển khác trong năm.
Khi tàu trở về bến trong dịp đầu năm mới, các loại thủy, hải sản cũng được thương lái thu mua với giá cao hơn. Trước khi lên tàu vươn khơi, các thuyền viên đều được chủ tàu ứng trước tiền công để gia đình của họ ở nhà mua sắm tết. Sau vài ngày đánh bắt trên biển, bắt đầu từ chiều ngày 30 Tết, những tàu đánh bắt xa bờ chung ngư trường sẽ liên lạc với nhau qua bộ đàm để hẹn gặp nhau ở tọa độ nhất định.
Khi thời khắc giao thừa đến, mọi nghi thức cúng tế thần biển được các tàu thực hiện đầy đủ như trên đất liền. Sau đó, tất cả thuyền viên sẽ mang theo rượu, bánh kẹo, mứt, bánh chưng... tập trung đến một chiếc tàu lớn nhất để cùng nhau đón năm mới trên biển. Rộn ràng lời chúc sức khỏe cùng chén rượu tràn môi giữa trùng khơi như tiếp thêm động lực cho những ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cũng trong thời khắc ấy, cho dù không nói ra nhưng ẩn sâu trong lòng của nhiều thuyền viên là sâu lắng chút trầm buồn bởi nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con.
Nhưng rồi, nghề biển đã mang lại cuộc sống ấm no, nhà cửa khang trang và con cái ăn học đến nơi đến chốn nên việc gắn bó với đại dương là điều tất yếu. Sau vài giờ đồng hồ sum vầy, đầm ấm uống chén rượu vui xuân bên nhau giữa biển khơi, các thuyền viên nhanh chóng trở về tàu cá của mình để tiếp tục đánh bắt thủy, hải sản, chờ ngày vào bờ sum họp, đón xuân muộn bên gia đình.
Đến bây giờ, do tuổi cao sức yếu nên không thể ôm vô lăng điều khiển con tàu đánh bắt xa bờ đạp sóng ra khơi như cách đây chục năm, nhưng thường ngày ngư dân Bùi Đình Chiến ở Khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh vẫn xuống tàu cá để tận tay kiểm tra độ an toàn, chính xác của từng thiết bị, ngư lưới cụ trước khi tàu vươn khơi. Ông Chiến nói rằng, mùa này là mùa biển động bởi nhiều đợt áp thấp nhiệt đới đang luân phiên nhau gây sóng to, gió lớn trên biển. Ngư dân vùng biển bãi ngang với thuyền công suất nhỏ thì chỉ biết chờ những ngày sóng thật yên, biển thật lặng mới có thể tranh thủ ra khơi kiếm tiền sắm tết. Trên biển bây giờ chỉ có những đội tàu đánh bắt xa bờ với công suất lớn mới hoạt động được. Đội tàu đánh bắt xa bờ 3 chiếc với công suất từ 800 - 900 CV/ chiếc chuyên làm nghề lưới rê bùng nhùng, chụp mực và lồng bẫy mực lá của ông Chiến hiện đang luân phiên nhau bám biển.
Vươn khơi xa
Trong những năm gần đây, nếu nói về “nghề vàng” của ngư dân xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) thì đó là nghề lưới rê bùng nhùng, lưới vây rút chì. Các loại lưới này dùng để đánh bắt thủy, hải sản ở tầng nổi và tầng giữa như cá thu, ngừ, bè, cờ, nục, mực... thu về những mẻ lưới “khủng ”.
Ngư dân Bùi Đình Chiến kiểm tra máy móc thiết bị trước khi tàu rời bến - Ảnh: S.H
Nói là “nghề vàng” bởi lưới rê bùng nhùng với chiều dài 8.000 -10.000 m, cao 38 - 40 m; sợi lưới rê bùng nhùng được se từ sợi PE đơn sợi (mỗi sợi lưới gồm 24 - 72 sợi nhỏ xe sơ lại) nên khi thả lưới vào nước biển, sợi lưới bung ra tạo thành nhiều búi nhỏ có màu sắc giống với màu sắc của nước biển, làm cho cá mắc lưới nhiều hơn.
Đánh bắt thủy, hải sản bằng lưới rê bùng nhùng có thể tiến hành trong điều kiện thời tiết xấu, với gió lớn đến cấp 5 - 6 bởi lưới không bị xoắn như các loại lưới rê thông thường nên ngư dân có thể tăng thời gian bám biển. Ngư trường đánh bắt bằng nghề lưới rê bùng nhùng rộng, có thể đánh bắt thủy, hải sản ở nhiều vùng biển khác nhau và đối tượng đánh bắt là các loại cá có giá trị cao như cá thu, ngừ, chét, bớp, thiều, nghéo, cờ...
Còn lưới vây rút chì chuyên khai thác thủy, hải sản ở tầng nổi và tầng giữa mặt nước biển bằng phương pháp lưới vây ngày (đánh bắt cá ban ngày), lưới vây ánh sáng (đánh bắt cá ban đêm). Nguyên tắc đánh bắt của nghề lưới vây rút chì là quây mặt nước bằng hệ thống lưới ở trên và dưới. Trong quá trình đánh bắt, vàng lưới vây rút chì được thả theo hình tròn trên mặt biển, đến khi lưới được thả xuống biển sẽ có dạng hình trụ tròn.
Trung bình đường kính lưới trên mặt nước khoảng 500 - 1.000 m và sâu khoảng 20 - 30 m. Khi đàn cá bị vây vào giữa vàng lưới, hệ thống dây rút chì ở phía dưới sẽ kéo lại, tạo thành một chiếc túi lưới khổng lồ. Sau đó, hệ thống dây rút (không chì) ở trên mới thu lại và bắt cá.
Nghề lưới vây rút chì không như các loại hình đánh bắt thủy sản khác là hoạt động trên biển dài ngày mà chỉ mất 1 - 3 ngày/chuyến biển và có thể đánh bắt cả ngày lẫn đêm. Từ nghề đánh bắt này, nhiều tàu đánh bắt xa bờ đã thu về hàng trăm triệu đồng sau mỗi chuyến biển.
“Tàu đánh bắt xa bờ của gia đình tôi vừa từ ngư trường vịnh Bắc Bộ cập bến sông Gianh (tỉnh Quảng Bình) để bán 5 tấn cá thu với thu nhập ước tính khoảng 500 triệu đồng. Bán xong cá, các thuyền viên tranh thủ nghỉ ngơi vài ngày rồi tiếp tục ra khơi.
Từ nay đến tết Nguyên đán, đội tàu đánh bắt xa bờ của gia đình tôi dự kiến sẽ ra khơi khoảng 2 - 3 chuyến biển. Những chuyến biển cuối năm thường rất quan trọng với ngư dân, bởi số tiền chia cho thuyền viên trên tàu cá đủ để lo cho gia đình cái tết ấm cúng, đủ đầy.
Trong năm 2024, đội tàu đánh bắt xa bờ của gia đình tôi có nguồn thu từ đánh bắt thủy, hải sản gần 6 tỉ đồng. Với ngư dân chúng tôi thì việc vươn khơi, bám biển để đánh bắt thủy, hải sản vừa mang lại thu nhập cho gia đình, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc”, ngư dân Bùi Đình Chiến chia sẻ.
Mùa xuân chưa chạm ngõ, đại dương vẫn còn những đợt sóng bạc đầu hung hãn của mùa biển động, nhưng ở các làng biển đã thấy các bậc trưởng lão quây quần bên nhau bàn soạn, ấn định ngày giờ để tổ chức lễ hội cầu ngư, cúng cá Ông... với ước nguyện, mong cầu những chuyến “mở biển” đầu năm bình an, may mắn.
Sỹ Hoàng
QTO - Từ khúc ruột miền Trung đầy nắng gió khắc nghiệt, nhiều người con Quảng Trị đã bôn ba vào lập nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh. Phẩm chất bền bỉ vượt khó,...
QTO - Sau khi lấy chồng, chị Nông Thị Hanh (sinh năm 1972) - một phụ nữ người dân tộc thiểu số ở tỉnh Cao Bằng - đã chọn Quảng Trị làm quê hương thứ hai....
QTO - Dịp áp Tết năm ngoái, người bạn vong niên gửi cho tôi một món quà kèm theo lời nhắc bâng khuâng: “Đặc sản quê mình đó, ai nhớ, ai quên?”. Quà bạn...
QTO - 15 năm kể từ khi sáng lập và điều hành Hai Tran Media & Airs Group - một doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực khai thác quảng cáo và dịch vụ phi...
QTO - Khai thác tiềm năng thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có ở địa phương, hằng năm, cứ đến dịp tết Nguyên đán, nhiều người dân tộc thiểu số (DTTS) miền...
QTO - Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Hải Lăng nói riêng ngày càng được nâng cao cả về quy mô và...
QTO - Vụ đông xuân 2024-2025, toàn tỉnh gieo cấy 25.500 ha lúa. Hiện nay, thời tiết có ấm dần, khá thuận lợi cho cây trồng phát triển, diện tích lúa trà...
QTO - Những ngày giáp tết Ất Tỵ 2025 là thời điểm người trồng chuối ở huyện miền núi Hướng Hóa bộn bề với công việc thu hoạch chuối để kịp bán cho thương...
QTO - Thời gian qua, huyện Hướng Hóa tập trung thực hiện hiệu quả các mục tiêu đổi mới và đột phá trong tăng trưởng kinh tế. Do vậy, chất lượng tăng trưởng...
QTO - Quảng Trị là một trong 6 tỉnh được lựa chọn tham gia thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ các-bon) và quản lý tài chính thỏa...