Cập nhật:  GMT+7

Quan tâm sinh kế, tạo việc làm cho người khuyết tật

Có việc làm bền vững không chỉ giúp người khuyết tật (NKT) tạo dựng được cuộc sống tự lập mà còn là cơ hội để họ tiếp xúc với xã hội, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, để đối tượng này có được một công việc phù hợp với bản thân là điều không dễ, cần đến sự chung tay của cả xã hội.

Quan tâm sinh kế, tạo việc làm cho người khuyết tật

Đại diện Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cùng các đơn vị tài trợ trao tiền hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh - Ảnh: M.L

Để có cơ sở đề xuất một số chính sách liên quan đến hòa nhập của NKT trong quá trình hoạch định chính sách ở trung ương và địa phương, trong năm 2024, đoàn công tác của Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) đã đến Quảng Trị khảo sát, đánh giá về mức độ hòa nhập của NKT trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, nguyện vọng của hầu hết NKT được khảo sát là cần vốn để phát triển các mô hình sinh kế phù hợp. Bên cạnh đó, nhiều người cũng mong muốn sản phẩm của họ làm ra được chính sách hỗ trợ, ưu tiên về thông tin, kết nối thị trường nhằm tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn.

Tỉnh Quảng Trị hiện có trên 31.000 NKT. Cùng với việc chăm sóc sức khỏe, tinh thần thì việc hỗ trợ phát triển sinh kế cho NKT là một trong những hoạt động được chú trọng.

Chỉ tính riêng năm 2024, Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã hỗ trợ sinh kế cho 296 hộ gia đình có NKT nặng với tổng số tiền trên 2,45 tỉ đồng. Ngoài ra, hội cấp huyện cũng huy động được khoảng 1,8 tỉ đồng để trao hỗ trợ sinh kế cho hội viên.

Ông Dương Văn Thu, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cho biết, mô hình sinh kế được hỗ trợ nhiều nhất trong thời gian qua là hỗ trợ bò giống sinh sản. Cách đây khoảng 10 năm, từ nguồn hỗ trợ ngân sách nhà nước, hội có chương trình đào tạo nghề cho NKT.

Thời điểm này , hội phối hợp với một doanh nghiệp mộc mỹ nghệ ở huyện Gio Linh để mở lớp đào tạo nghề mộc cho NKT. Có khoảng 12 NKT tham gia lớp học nghề này. Tuy nhiên, sau đó không ai duy trì được nghề vì doanh nghiệp đóng cửa ngừng hoạt động, còn NKT thì không đủ khả năng để mở xưởng sản xuất riêng cũng như đi xin việc ở cơ sở khác.

“Đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm với nghề được đào tạo mới thu hút được người học, tuy nhiên vấn đề này rất khó khăn với NKT vì họ có nhiều hạn chế về sức khỏe, năng lực kinh tế... Vì lý do này, những năm qua hội không mở lớp đào tạo nghề nào cho NKT. Tuy nhiên, hiện nay có một dự án mà chúng tôi đang rất kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích thiết thực, góp phần thay đổi cuộc sống của NKT, nhất là thanh niên khuyết tật. Đó là dự án “Tăng cường tiếp cận thông tin và cơ hội việc làm cho NKT thông qua các ứng dụng công nghệ và kỹ thuật số phù hợp” ông Thu chia sẻ.

Dự này này Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ emtỉnh phối hợp với Tổ chức Fédération Handicap International tại Việt Nam triển khai thực hiện.

Thời gian thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong 3 năm (từ tháng 8/2024 - 7/2027). Đối tượng thụ hưởng dự án gồm: NKT, đặc biệt là thanh niên khuyết tật; thành viên gia đình NKT, các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số, các tổ chức của NKT và hỗ trợ NKT...

Đây là lần đầu tiên, Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh phối hợp triển khai thực hiện một dự án liên quan đến vấn đề giải quyết việc làm cho NKT trên nền tảng công nghệ, kỹ thuật số.

Thông tin thêm về dự án này, ông Thu cho hay, NKT còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, phát triển kỹ năng và cơ hội việc làm. Vì vậy, dự án được thực hiện với mong muốn giúp điều chỉnh các ứng dụng và nền tảng kỹ thuật số về giới thiệu việc làm, tư vấn việc làm, tài chính và dịch vụ phục hồi chức năng phù hợp với các tiêu chuẩn thiết kế và khả năng tiếp cận phổ quát, phù hợp với ngôn ngữ và bối cảnh địa phương.

Tham gia dự án này sẽ giúp thanh niên khuyết tật biết cách sử dụng các ứng dụng và nền tảng kỹ thuật số trong giới thiệu việc làm, tư vấn việc làm, hiểu biết về tài chính và dịch vụ phục hồi chức năng, trên cơ sở đó giúp họ nâng cao khả năng tiếp cận việc làm.

Ngoài ra, dự án còn mong đợi nâng cao hiểu biết của các sở, ban, ngành, địa phương; tổ chức phi chính phủ làm việc trong lĩnh vực khuyết tật; nhà cung cấp công nghệ thông tin - truyền thông và các chuyên gia công nghệ thông tin tương lai, NKT nói riêng và người dân ở vùng triển khai dự án nói chung trong việc thúc đẩy công nghệ thông tin - truyền thông phù hợp dành cho NKT.

Dự kiến, vào ngày 16-17/12/2024, tại TP. Đông Hà dự án sẽ được khởi động với lớp tập huấn đầu tiên về “Kỹ năng ứng dụng kỹ thuật số cho thanh niên khuyết tật”. Có khoảng 15 học viên là NKT tham gia lớp học này.

Cũng trong năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) triển khai các hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm và hướng dẫn thực hiện các chính sách liên quan đến công tác bảo trợ xã hội.

Đồng thời trợ giúp NKT về giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề đối với NKT một cách linh hoạt về thời gian, địa điểm, tiến độ phù hợp với nghề đào tạo, hình thức đào tạo thông qua các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp hoặc các tổ chức của NKT; các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có sử dụng lao động là NKT hoặc của NKT. Ưu tiên thanh niên, phụ nữ khuyết tật khởi nghiệp; NKT và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiều lao động là NKT được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm và mở rộng việc làm.

Kỳ vọng rằng với kế hoạch của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương cùng một số dự án đang và chuẩn bị triển khai sẽ góp phần xây dựng môi trường không có rào cản, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NKT, hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình. Đồng thời tạo điều kiện để NKT vươn lên cải thiện cuộc sống và tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội.

Mai Lâm

Tin liên quan:
  • Quan tâm sinh kế, tạo việc làm cho người khuyết tật
    Quan tâm tạo việc làm cho người khuyết tật

    Người khuyết tật (NKT) trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Gio Linh nói riêng ngày càng nhận được sự quan tâm, chăm sóc, trợ giúp về nhiều mặt của các sở, ngành, địa phương, đặc biệt nổi bật trong đó là công tác hỗ trợ vay vốn tạo việc làm để NKT có thêm thu nhập, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với xã hội.

  • Quan tâm sinh kế, tạo việc làm cho người khuyết tật
    Trao vốn sinh kế cho 10 gia đình người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn

    Sáng nay 28/6, Hội Người khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức chương trình trao tặng vốn hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.


Mai Lâm

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long