Cập nhật: Thứ 7, 13/01/2018 | 06:57 GMT+7

Quản lý dòng người di cư - thách thức đối với EU trong năm 2018

QĐND - Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ trong việc quản lý dòng người di cư, song điều đó không có nghĩa là Liên minh châu Âu (EU) đã trút bỏ được gánh nặng này. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nam Âu vừa diễn ra tại Rome (Italia), lãnh đạo 7 nước gồm: Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Malta và CH Cyprus (gọi tắt là EU Med Group) đã khẳng định, việc quản lý dòng người di cư sẽ vẫn là một thách thức cơ bản đối với EU trong những năm tới.

Nam Âu - tuyến đầu giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư

Italia là nước đầu tiên đối mặt với làn sóng nhập cư qua ngả Địa Trung Hải. Theo các số liệu thống kê của chính phủ Italia, trong nửa đầu năm 2017, số người di cư đến Italia bằng đường biển đã tăng gần 20% và số đơn xin tị nạn "bùng nổ" do các nước láng giềng trong EU như Pháp, Thụy Điển, Áo... đóng cửa biên giới. Mọi việc đã bắt đầu thay đổi vào tháng 7 khi số tàu, thuyền chở người di cư khởi hành từ Libya bất ngờ giảm và xu hướng này tiếp tục giảm tới 70% trong 6 tháng cuối năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016.

Nguyên nhân của sự sụt giảm lớn này được cho là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Italia và Libya nhằm ngăn chặn tàu chở người di cư, cũng như sự trợ giúp của quân đội các nước. Cùng đó là những chiến dịch thắt chặt kiểm soát biên giới phía Nam Libya, đẩy nhanh tiến trình hồi hương người di cư từ Libya cùng các biện pháp ngăn chặn dòng người di cư từ khu vực Nam sa mạc Sahara thông qua các quốc gia quá cảnh như Niger và Sudan.

Người di cư được cứu ngoài khơi bờ biển Garabulli về tới căn cứ hải quân ở Tripoli, Libya, cuối năm 2017. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, việc một số nước Đông Âu như CH Séc, Hungary và Ba Lan không sẵn lòng tiếp nhận những người nhập cư đã tác động lớn đến các nước Nam Âu. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nam Âu vừa bế mạc tối 10-1 tại Rome, lãnh đạo EU Med Group khẳng định, việc quản lý dòng người di cư vẫn là một thách thức cơ bản đối với EU trong những năm tới, và các nước Nam Âu sẽ bị tác động nhiều nhất do những nước này nằm ở các đường biên giới phía ngoài của EU. Vì vậy, vai trò và trách nhiệm của các nước Nam Âu trong việc bảo vệ đường biên giới của EU phải được công nhận và chia sẻ trong liên minh này. Các nước Nam Âu mạnh mẽ cam kết về một chính sách chung của EU đối với người di cư.

Khả năng thỏa hiệp rất khó khăn

Theo một thỏa thuận năm 2015, những người di cư tới châu Âu tìm kiếm quy chế tị nạn tập trung tại hai nước Hy Lạp và Italia sẽ được phân bổ tới các nước khác trong khối theo một cơ chế phân bổ hạn ngạch nhằm giảm gánh nặng cho hai quốc gia cửa ngõ tiếp nhận người di cư vượt biển này.

Tuy nhiên, một số nước Đông Âu đã từ chối thực hiện thỏa thuận trên với lý do lo ngại về nguy cơ khủng bố, đồng thời cho rằng, mức hạn ngạch này là một phần nỗ lực của EU nhằm hạn chế chủ quyền của các nước này. Sự bất đồng trên đã khiến Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk phải thốt lên rằng, để EU đạt được một sự thỏa hiệp về các chính sách liên quan đến việc tiếp nhận người nhập cư vào trước tháng 6-2018 thực sự rất khó khăn.

Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra vào cuối năm 2017, ông Donald Tusk đã đề cập đến hai vấn đề then chốt nhằm giải quyết làn sóng di cư. Theo quan điểm của ông Tusk, trước tiên, EU cần đưa ra một công cụ tài chính nhằm ngăn chặn làn sóng nhập cư trái phép trong khuôn khổ kế hoạch tài chính nhiều năm của khối. Vào tháng 2 tới, các nhà lãnh đạo sẽ phải tìm ra cách thức để đưa nội dung này thành nhiệm vụ ưu tiên trong kế hoạch tài chính nhiều năm. Nội dung thứ hai liên quan đến việc cải cách các quy định của Thỏa thuận Dublin, một thỏa thuận của EU quy định chỉ tiêu hạn ngạch bắt buộc về tiếp nhận người nhập cư.

Cho đến nay, hạn ngạch tái bố trí người nhập cư vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi, dù mức độ khác biệt đã được thu hẹp đáng kể. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà lãnh đạo EU sẽ rất khó khăn để có thể đạt được một sự thỏa hiệp. Các nước EU phải tiếp tục làm việc và vấn đề này sẽ được đưa ra đánh giá vào tháng 3 tới.

BÌNH NGUYÊN



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Dấu hiệu quan hệ Mỹ-Trung sắp dậy sóng

Dấu hiệu quan hệ Mỹ-Trung sắp dậy sóng
00:58 12/01/2018

TP - Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đang chuẩn bị sử dụng Đài Loan làm con bài mặc cả trong quan hệ với Trung Quốc khi hai dự luật ủng hộ Đài Loan vừa được thông qua tại Hạ...

Thời tiết

27°C - 36°C
Ít mây, trời nắng nóng
  • 27°C - 35°C
    Ít mây, trời nắng nóng
  • 24°C - 34°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long