Cập nhật:  GMT+7

Phát triển bóng đá phong trào không cạnh tranh trong trường học

Khoảng 2 năm trở lại đây, bóng đá phong trào trong các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phát triển khá mạnh , thu hút số lượng lớn giáo viên và học sinh tham gia. Mô hình câu lạc bộ (CLB) bóng đá phong trào trong trường học trở thành một sân chơi thường xuyên, lành mạnh, mang đến nhiều cơ hội để rèn luyện sức khỏe, giáo dục toàn diện cho học sinh. Phong trào này còn góp phần phát triển chuyên môn và năng lực tổ chức, điều hành các hoạt động bóng đá cộng đồng cho giáo viên; nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học...

Phát triển bóng đá phong trào không cạnh tranh trong trường học

Dự án “Phát triển mô hình Câu lạc bộ Bóng đá phong trào không cạnh tranh trong trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị” đã trang bị những kiến thức về bóng đá cộng đồng cho các nữ giáo viên - Ảnh: D.A

Lan tỏa những giá trị tích cực

Dự án “Phát triển mô hình Câu lạc bộ Bóng đá phong trào không cạnh tranh trong trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Trị” do Liên đoàn Bóng đá Na Uy tài trợ. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị là chủ dự án.

Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị Mai Huy Phương, dự án nhằm phát triển sân chơi bình đẳng, không mang tính cạnh tranh và sử dụng bóng đá làm công cụ lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, đặc biệt là chương trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em gái (gọi tắt là chương trình goal).

Thông qua việc thành lập, phát triển các CLB bóng đá trong trường học; phát triển, củng cố cơ cấu tổ chức ở các cấp nhằm hỗ trợ cho sự phát triển bóng đá phong trào; phát triển chuyên môn, kỹ thuật với trọng tâm là phát triển bóng đá phong trào. Dự án góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, phát triển phong trào tập luyện môn bóng đá và phong trào thể dục thể thao ở Quảng Trị.

Phát triển bóng đá phong trào không cạnh tranh trong trường học

“Ngày hội bóng đá vui” tạo sân chơi bổ ích, giúp các nữ sinh có nhiều trải nghiệm khó quên - Ảnh: D.A

Từ năm 2022 đến nay, dự án đã thành lập được 15 CLB bóng đá phong trào trong các trường học trên địa bàn TP. Đông Hà, các huyện Hải Lăng, Cam Lộ; tổ chức 5 lớp tập huấn cho 150 giáo viên, với các nội dung liên quan đến huấn luyện viên (HLV) bóng đá phong trào, hướng dẫn viên kỹ năng sống...

Dự án đã tạo sân chơi bổ ích, nâng cao thể chất, giáo dục nhân cách cho học sinh; trang bị những kiến thức về bóng đá cho giáo viên; tăng cường sự tham gia của nữ giới vào các hoạt động thể thao, tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong bóng đá và phát huy các giá trị xã hội như bình đẳng giới và không gian an toàn cho các bạn nữ.

Cô giáo Hoàng Thị Bích Ngân, Trường Tiểu học Hàm Nghi, TP. Đông Hà cho biết: “Tôi tham gia dự án vào năm 2023, được trang bị kiến thức về bóng đá cộng đồng, kỹ năng giao tiếp, quản lý tài chính và các kỹ năng liên quan đến cân bằng giới trong thể thao...

Tôi cảm thấy rất vui khi truyền những kiến thức, kinh nghiệm của mình cho các giáo viên khác nhằm mục đích phát triển bóng đá trong học đường; đồng thời góp sức xây dựng CLB bóng đá Trường Tiểu học Hàm Nghi phát triển, với 45 học sinh nam, nữ tham gia.

Đảm bảo CLB là nơi các bạn nữ cảm thấy an toàn và thoải mái khi tham gia, từ đó khuyến khích các bạn nữ phát triển kỹ năng chơi bóng, rèn luyện và phát triển bản thân, kết nối với nhau thành một tập thể đoàn kết, chiến thắng”.

Nhân rộng mô hình CLB bóng đá đến 20 trường học

Em Đào Thị Khánh Huyền, học sinh lớp 7A, Trường TH&THCS Phường 4, TP. Đông Hà, chia sẻ: “Nhiều người cho rằng con gái chỉ nên tham gia những môn thể thao nhẹ nhàng, không phù hợp với những trận đấu đầy tính đối kháng như bóng đá. Tuy vậy, em vẫn thường xuyên duy trì luyện tập một mình hoặc tìm kiếm một số bạn gái có chung sở thích để chơi cùng. Khi Trường TH&THCS Phường 4 tổ chức “Ngày hội bóng đá vui” vào năm 2023, dành cho tất cả học sinh yêu thích bóng đá, không phân biệt giới tính, em cùng các bạn nữ được chia thành các đội, thi đấu với nhau trước sự cổ vũ nhiệt tình của mọi người. Đó là lần đầu tiên em cảm nhận được sự thoải mái khi chơi bóng mà không phải lo lắng về những lời dèm pha. Chúng em chuyền bóng, phối hợp và thậm chí ghi bàn tự tin không thua kém gì các bạn nam”.

Việc thành lập các CLB bóng đá trong học đường và tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như ngày hội bóng đá vui, trò chơi phát triển kỹ năng sống... đã giúp cho các nữ sinh có nhiều trải nghiệm tuyệt vời và khó quên.

Em Dương Phúc Quỳnh Châu, học sinh lớp 7B, Trường THCS Phan Đình Phùng nói: “Trước khi tham gia các hoạt động bóng đá ở nhà trường, em có chút do dự, lo lắng vì sợ mình không làm tốt. Tuy nhiên, em đã có một cái nhìn khác về môn bóng đá khi tham gia hoạt động này ở trường.

Tiếng cổ vũ từ bạn bè và những khoảnh khắc ghi bàn mang lại cho em sự phấn khích khó quên. Chúng em cùng nhau nỗ lực, chia sẻ cảm xúc ghi bàn và cả khi nhận những bàn thua. Những nụ cười và cái ôm động viên sau mỗi trận đấu khiến em cảm nhận rõ hơn giá trị của tình bạn, sự gắn kết với các bạn trong đội”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thắm, Trường THCS Phan Đình Phùng,TP. Đông Hà, cho biết: “Tôi chơi tốt nhiều môn thể thao và luôn động viên, hỗ trợ cho các bạn nữ chơi thể thao. Vào năm 2022, tôi tham gia dự án với sự hào hứng và mong muốn lan toả niềm đam mê, truyền đạt kiến thức, kỹ năng chơi bóng đá cho mọi người, nhất là các bạn nữ.

Vào ngày 7/10/2024, tôi và các cô giáo Võ Thị Luân, Hoàng Thị Bích Ngân thuộc 3/15 CLB bóng đá trên địa bàn tỉnh, với sự hỗ trợ từ Sở GD&ĐT Quảng Trị đã đứng ra tổ chức lớp tập huấn HLV bóng đá cộng đồng cho 30 giáo viên đến từ 15 CLB bóng đá trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi cảm thấy rất vui khi trực tiếp truyền đạt và lan tỏa những gì tốt đẹp từ dự án đến các giáo viên, qua đó cùng đưa bóng đá phát triển trong trường học”.

Tại Trường THCS Phan Đình Phùng, cô Thắm và 4 giáo viên trong trường đã có nhiều nỗ lực để thành lập và duy trì hoạt động CLB từ tháng 11/2022 cho đến nay với 120 em học sinh tham gia, trong đó có 60 em nữ.

Cô Thắm đã truyền đạt kiến thức cho các thành viên trong CLB bóng đá về các chủ đề là: chính mình, sống khoẻ, trao quyền, biết tiết kiệm; tổ chức các sự kiện goal; truyền cảm hứng cho các em nữ tham gia bóng đá... Qua đó, nhiều học sinh được hưởng lợi từ dự án, góp phần trau dồi và rèn luyện kỹ năng sống, giải toả áp lực sau những giờ học tập căng thẳng.

Chị Phan Thị Thu Hương, Trưởng bộ phận Chương trình và Kỹ năng sống của Dự án Bóng đá cộng đồng tại Việt Nam cho biết, trong tháng 11/2024, Liên đoàn Bóng đá Na Uy, Sở GD&ĐT Quảng Trị tiếp tục nhân rộng mô hình CLB bóng đá đến 20 trường học thuộc các huyện: Triệu Phong, Hướng Hoá, Đakrông, Gio Linh, thị xã Quảng Trị; tổ chức tập huấn HLV bóng đá và hướng dẫn viên kỹ năng sống cho 80 giáo viên. Theo đó, các giáo viên sẽ được hỗ trợ chuyên môn và lan toả giá trị của bóng đá đến với cộng đồng, đặc biệt là sự tham gia của học sinh nữ đối với môn bóng đá.

Thông qua các hoạt động kỹ năng sống, học sinh sẽ được làm quen với các trò chơi vận động với bóng có lồng ghép các chủ đề kỹ năng sống như giao tiếp, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, trao quyền, kỹ năng quản lý tài chính, biến đổi khí hậu. Các CLB bóng được hỗ trợ trang thiết bị bóng đá để tổ chức hoạt động thường xuyên tại CLB.

Phấn đấu đến khi kết thúc dự án vào cuối năm 2024 sẽ hoàn thành mục tiêu thành lập và phát triển 35 CLB bóng đá phong trào trong trường học với khoảng 2.800 học sinh nam và nữ (50% là nữ) tham gia; tạo nhiều sân chơi bóng đá phong trào không cạnh tranh cho học sinh; thu hút 1.400 nữ sinh tham gia sinh hoạt thường xuyên vào chương trình giáo dục kỹ năng sống dành cho nữ; tổ chức 38 ngày hội bóng đá vui cấp CLB thu hút sự tham gia của hơn 7.397 học sinh (50% là học sinh nữ)...

“Liên đoàn Bóng đá Na Uy tiếp tục làm việc với đối tác để các trường học có thể chủ động bố trí nhân lực và vật lực duy trì được hoạt động của CLB bóng đá, mang đến nhiều sân chơi thiết thực và ý nghĩa cho học sinh Quảng Trị” chị Hương khẳng định.

Hoài Diễm Chi

Tin liên quan:
  • Phát triển bóng đá phong trào không cạnh tranh trong trường học
    Gio Linh phát triển bóng đá phong trào

    Với sự quan tâm của lãnh đạo huyện Gio Linh, các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện cho đến các địa phương, công ty, doanh nghiệp và một số cá nhân nhiều tâm huyết, 5 năm trở lại đây, bóng đá phong trào phát triển khá mạnh mẽ, sâu rộng trên địa bàn huyện. Nổi bật là nhiều sân vận động, sân bóng đá cỏ nhân tạo được đầu tư, nhiều giải bóng đá phong trào được tổ chức; công tác đào tạo bóng đá trẻ được chú trọng...

  • Phát triển bóng đá phong trào không cạnh tranh trong trường học
    Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường học

    Hiện nay, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một trong những chủ đề nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng. Với sức lan tỏa rộng rãi, làn gió khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sớm vươn tới các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) PHAN HỮU HUYỆN.


Hoài Diễm Chi

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long