Cập nhật:  GMT+7

Nỗ lực phục hồi, mở rộng diện tích rừng bằng cây bản địa

Mô hình trồng, phục hồi rừng bằng cây bản địa được xác định là hướng đi phù hợp để ứng phó hiệu quả với tình hình bão lũ, hạn hán ngày càng diễn ra khắc nghiệt như hiện nay. Những năm qua, ngành lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị đang triển khai các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu phục hồi rừng tự nhiên và phát triển diện tích rừng bằng giống cây bản địa. Tuy nhiên, đến nay công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó kinh phí, nhân lực và địa hình hiểm trở là những thách thức đặt ra trong việc phục hồi rừng.

Nỗ lực phục hồi, mở rộng diện tích rừng bằng cây bản địa

Trồng cây trẩu để phục hồi rừng tự nhiên nghèo kiệt tại xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa - Ảnh: ĐV

Trong hai năm 2022, 2023, gia đình ông Hồ Văn Biên ở thôn Mã Lai Pun, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá đã trồng được trên 1.500 cây trẩu, lim và lát hoa, tương đương với diện tích 1,5 ha. Các loại cây này chủ yếu là giống cây bản địa và được trồng trên diện tích đất đã bị rửa trôi, bạc màu, hoang hóa từ nhiều năm nay.

Theo kinh nghiệm tích lũy được của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc trồng rừng, muốn cây sống và phát triển tốt thì cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Đặc biệt là tránh để cây bị khô hạn và phải làm tốt công tác bảo vệ khi cây còn nhỏ chưa khép tán, không để gia súc phá hoại. Tuy nhiên, với địa hình cao, đồi dốc thì việc trồng được cây đã khó và việc chăm sóc, bảo vệ cây là điều không hề dễ dàng.

Ông Biên cho hay: “Trồng rừng trên đồi trọc như thế này người dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi lần trồng chúng tôi chỉ có thể gùi được khoảng 20-30 cây giống lên tới đồi cao. Ngoài ra, khí hậu tại nơi trồng cây khắc nghiệt, nắng nóng nên việc chăm sóc hết sức gian nan. Nhưng vì lợi ích cho cuộc sống của thế hệ con cháu sau này, chúng tôi quyết tâm trồng, chăm sóc để phục hồi rừng một cách tốt nhất”.

Thực hiện chủ trương phát triển rừng sản xuất, rừng tự nhiên, những năm qua, ngành lâm nghiệp huyện Hướng Hoá đã chỉ đạo cải tạo được hàng nghìn héc ta diện tích đất trống đồi núi trọc, góp phần nâng cao giá trị tài nguyên rừng. Tuy vậy, đối với loại rừng tự nhiên nghèo kiệt thì diện tích được cải tạo lại ít so với tổng diện tích hiện có.

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể cho rừng tự nhiên nghèo kiệt, mà lâu nay chỉ có chính sách hỗ trợ cho việc cải tạo đất trống, đồi núi trọc. Vậy nên người dân chưa thực sự mặn mà với việc cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt.

Về vấn đề này, anh Tạ Hùng Vỹ, cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hoá - Đakrông cho biết: “Tiểu khí hậu của vùng này rất khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi nên để cây phát triển tốt là rất khó khăn. Đây cũng là vùng đất bị nhiễm các chất độc do chiến tranh để lại, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng của cây. Do vậy, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia trồng, bảo vệ rừng, đồng thời động viên các lực lượng liên quan nỗ lực chăm sóc, phục hồi rừng bảo đảm chất lượng”.

Còn tại Tiểu khu NTK 20 thuộc xã Hướng Linh, huyện Hướng Hoá (khu vực này do Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá quản lý), hầu hết rừng nơi đây đều bị nhiễm chất độc dioxin, do đó việc phục hồi rất khó khăn. Từ năm 2019, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá triển khai Đề án “Phục hồi rừng bị nhiễm độc dioxin”.

Nhờ kiên trì chăm sóc, bảo vệ, đã có hơn 25 ha cây rừng bản địa được trồng tại đây phát triển tốt và đã phủ xanh đồi trọc. Thực tế cho thấy, đối với những khu vực có sự đầu tư, hỗ trợ từ các dự án thì việc trồng rừng mới thực sự lan toả và tỉ lệ phủ xanh đất trống đồi núi trọc đạt kết quả khả quan hơn.

Anh Nguyễn Hữu Hiền, người dân thôn Xa Bai, xã Hướng Linh chia sẻ: “Trồng rừng bằng cây bản địa và một số loại cây khác có lợi ích nhiều mặt. Ví dụ như cây trẩu thì sau này người dân sẽ thu hoạch, bán ra, có thu nhập, từ đó sẽ hạn chế việc phá rừng. Tôi nghĩ nếu các dự án triển khai tốt hơn nữa thì chắc chắn sau này, nhiều cánh rừng tự nhiên nghèo kiệt tại huyện Hướng Hóa sẽ được phục hồi xanh tốt và mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân”.

Hiện nay để ứng phó hiệu quả với tình hình bão lũ, hạn hán ngày càng khắc nghiệt, mô hình phục hồi rừng bằng cây bản địa được xác định là hướng đi phù hợp. Những cây bản địa như: lim xanh, huỷnh, nhội, lát hoa, trẩu... được đánh giá là thích nghi tốt với vùng đồi bị nhiễm chất độc dioxin, vùng thường xảy ra sạt lở đất.

Thực tế quản lý và bảo vệ rừng ở các địa phương trong những năm qua cho thấy, nguồn lực để chi trả cho công tác này còn hạn chế, chủ yếu từ dịch vụ môi trường rừng đầu nguồn, cộng đồng địa phương chỉ có thêm một ít thu nhập từ thu hái lâm sản ngoài gỗ. Được biết, đợt mưa lũ cuối năm 2020 khiến 326 ha rừng tự nhiên bị sạt lở, thiệt hại 100%, dù vậy đến nay việc phục hồi lại diện tích nói trên chỉ đạt trên 50% do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mặc dù đã có nhiều giải pháp được đặt ra, thế nhưng bên cạnh những khó khăn hiện tại thì nguy cơ thiên tai làm sạt lở đất, mất rừng tự nhiên vẫn sẽ diễn ra.

Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá Hà Văn Hoan cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng, quá trình triển khai đồng bộ và kiên trì công tác phục hồi những diện tích rừng nghèo kiệt này thì trong một thời gian không xa sẽ tạo ra tính đa dạng sinh học cao, có nhiều loài cây bản địa được phát triển, nhiều loài chim, thú tìm đến trú ngụ”.

Mỗi năm tỉnh Quảng Trị trồng mới khoảng 8.000 ha rừng tập trung, 2,5 - 3 triệu cây phân tán, duy trì độ che phủ rừng toàn tỉnh đạt gần 50%, góp phần giảm nhẹ thiên tai, cải thiện môi trường sinh thái, cảnh quan. Để đạt được kết quả trên thì bên cạnh nỗ lực của các cấp, các ngành địa phương, tỉnh rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ các bộ, ngành cho các hoạt động phát triển ngành tài nguyên và môi trường, nhất là trong việc trồng cây xanh với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ hệ sinh thái.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Phan Văn Phước cho biết: “Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh để ban hành một số chính sách hỗ trợ có liên quan đến bảo vệ rừng, trồng rừng và phục hồi rừng. Đồng thời, sở đã tập trung huy động, kêu gọi được các nguồn lực khác nhau để triển khai trồng, phục hồi rừng tự nhiên bằng cây bản địa. Sở cũng xác định việc phục hồi rừng tự nhiên phải đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định, đạt được tính đa loài, hỗn giao loài bản địa để tạo được tầng tán đa dạng sinh học sau khi rừng được phục hồi”.

Việc hỗ trợ, vận động người dân, kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước tham gia phát triển rừng, trồng rừng bằng cây bản địa là một hướng đi đúng, phù hợp điều kiện thực tế, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Qua đó, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng, tạo thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân, tạo điều kiện đầu tư phát triển du lịch sinh thái.

Hiếu Giang

Tin liên quan:
  • Nỗ lực phục hồi, mở rộng diện tích rừng bằng cây bản địa
    Hiệu quả từ việc phát triển rừng bằng cây trẩu

    Trồng rừng được xác định là một trong những biện pháp quan trọng nhằm tái sinh, phục hồi diện tích rừng tự nhiên. Trong đó, các loài cây thân gỗ lớn như: trẩu, lát hoa, gáo... là những loài được lựa chọn. Sau khi trưởng thành, các loại cây này không chỉ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống sạt lở đất mà còn mang lại thu nhập cho người dân. Một số địa phương tại huyện Hướng Hóa thời gian qua đã làm tốt việc phát triển rừng từ những cây bản địa như vậy, đặc biệt là cây trẩu.

  • Nỗ lực phục hồi, mở rộng diện tích rừng bằng cây bản địa
    Trồng phục hồi 120 ha cây bản địa ở đầu nguồn sông Thạch Hãn

    Tại xã Tà Rụt, huyện Đakrông, Công ty TNHH Xã hội Trồng và Phục hồi rừng Việt Nam (VARS) phối hợp với Ban Quản lý dự án Đầu tư bảo vệ và phát triển rừng huyện Đakrông vừa khởi động dự án trồng và phục hồi rừng đầu nguồn sông Thạch Hãn.

  • Nỗ lực phục hồi, mở rộng diện tích rừng bằng cây bản địa
    Kỳ vọng từ trồng cây trẩu lấy dầu

    Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có gần 2.950 ha rừng trẩu, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông. Đây là loại cây đa tác dụng, vừa sinh trưởng nhanh, vừa có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao. Việc phát triển cây trẩu trở thành cây trồng lâm nghiệp đang mở ra hy vọng mới, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng cao.

  • Nỗ lực phục hồi, mở rộng diện tích rừng bằng cây bản địa
    Trồng rừng trẩu ở các điểm sạt lở đất ở Hướng Sơn

    Hôm nay 17/11, ông Nguyễn Thanh Tùng, Điều phối viên chương trình Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam (MCNV) cho biết Dự án PROSPER vừa phối hợp với người dân xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa trồng 10 ha rừng trẩu ở các điểm sạt lở đất.


Hiếu Giang

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Hăng hái lao động, sản xuất vào đầu năm

Hăng hái lao động, sản xuất vào đầu năm
2024-02-23 05:25:00

QTO - Những ngày đầu năm, không khí sản xuất tại các doanh nghiệp (DN), đơn vị trong ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động. Công nhân,...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long