Cập nhật:  GMT+7

Những “hạt vàng” trên đồng cát Hà Tây

Dù không đạt năng suất, sản lượng cao như ở vùng thuần nông nhưng hàng chục năm qua, cây lúa canh tác trên đồng cát ở một số vùng ven biển bãi ngang tỉnh Quảng Trị vẫn đảm bảo được nguồn lương thực cho người dân. Thôn Hà Tây, xã Triệu Tân, huyện Triệu Phong là một trong số ít các địa phương vùng bãi ngang có những “cánh đồng vàng” điển hình như vậy.

Những “hạt vàng” trên đồng cát Hà Tây

Người dân thôn Hà Tây đưa lúa lên xe chở về nhà - Ảnh: Đ.V

Vừa làm ngư dân vừa trồng lúa

Những ngày oi bức đầu hè này, có dịp đi ngang qua những trảng cát bỏng rát đến nhức mắt ở thôn Hà Tây, nhiều người ngạc nhiên khi chứng kiến sự hiện diện của những “cánh đồng lúa” được canh tác trên đất cát khô cằn đã nhuốm sắc vàng ruộm. Đến thời điểm này, nếu như phần lớn những cánh đồng ở các vùng chuyên canh lúa đều đã gặt xong thì khâu thu hoạch lúa mới được tiến hành ở vùng cát thôn Hà Tây. Trong tiếng máy gặt đập liên hợp rộn rã “tác nghiệp” trên đồng, những ngư dân “chân biển chân đồng” hối hả gom lúa bao chất lên xe cày cải tiến kéo rơ - moóc chở về phơi cho kịp nắng .

Nhiều người dân có mặt chờ gặt lúa cho biết, người đầu tiên đưa cây lúa về canh tác ở vùng đồng cát của thôn Hà Tây từ đầu những năm 2000 là ông Lê Quang Trung ở xóm Đồng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Trung cho biết năm nay hơn 85 tuổi và ông đã nghỉ làm ruộng từ nhiều năm trước. Ông kể, cũng như những vùng biển bãi ngang khác, từ bao đời đàn ông, con trai ở Hà Tây lớn lên chỉ biết nghề đi biển đánh bắt hải sản. Trong khi phụ nữ ở nhà chăm lo con cái và buôn bán nhỏ, trồng thêm khoai, đậu, sắn quanh vườn nhà.

“Hồi trước, trồng khoai, sắn bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 4, tháng 5 âm lịch mới thu hoạch nên nhiều hộ thiếu đói đến 3 - 4 tháng mỗi năm là chuyện thường. Tôi trăn trở nhiều và thương bà con nên đã đi vào vùng ruộng học hỏi kinh nghiệm trồng lúa”, ông Trung cho hay.

Thời điểm đó, dù đa phần đất cát ở thôn Hà Tây là đất chua, phèn, thiếu nước thường xuyên và thời tiết không thuận lợi nhưng ông vẫn đánh liều mua lúa giống về ủ rồi gieo. Từ những bỡ ngỡ ban đầu, sau vài vụ trồng liều như vậy, ông đã rút ra được nhiều kinh nghiệm từ việc cày đất, chọn giống, bón phân, “thau chua rửa mặn”...

Dõi mắt nhìn ra những tấm ruộng một màu vàng ươm gần nhà, ông Trung nhớ lại: “Mấy vụ đầu vẫn thu được lúa hạt nhưng tính lại thu không đủ bù chi phí. Nhưng tôi đã nghiệm ra rằng, đất khu vực gần biển thì trồng giống lúa HT1 chịu mặn; những vùng đất cát ở vị trí cao và xa biển thì trồng giống lúa PT6 để chịu hạn.

Đất phèn, đất chua thì dùng vôi, muối khử và chọn gieo giống lúa Khang dân. Nhiều vụ sau thì tôi đã trồng lúa thành thạo, tự chủ được nguồn lương thực từ đồng cát quê mình”. Từ những kinh nghiệm của mình, ông Trung đã chia sẻ cho bà con trong thôn, xóm. Từ đó, cây lúa nước dần bén rễ và được nhân rộng trong toàn thôn Hà Tây và các vùng lân cận.

Ngồi tránh nắng dưới gốc phi lao đợi đến lượt gặt, ông Dương Trung Thành ở thôn Hà Tây quệt giọt mồ hôi trên gương mặt đen sạm. Năm nay 58 tuổi, ông Thành đã có thâm niên làm nghề đi biển từ tuổi thiếu niên cho đến nay. Ông cũng là một trong những ngư dân đầu tiên ở thôn Hà Tây trồng thêm cây lúa trên vùng đất cát.

“Tôi vừa là ngư dân vừa là nông dân. Từ những vuông đất cát trồng khoai, sắn không mang lại hiệu quả nên từ năm 2002, tôi đã chuyển hẳn sang trồng lúa. Hiện nay, gia đình tôi canh tác 9 sào ruộng, mỗi năm chỉ làm một vụ đông xuân. Năng suất lúa đạt gần 3 tạ/sào, mỗi vụ gia đình tôi thu được 2,5 tấn lúa.

Ăn uống thoải mái trong nhà, cho con cái làm lương thực vẫn dư bán ra một nửa. Gạo ở đây chất lượng vẫn thơm ngon, mỗi thúng lúa vẫn xay ra được 31 - 32 lon gạo”, ông Thành vui vẻ nói. Ông Thành hành nghề câu mực, bủa lưới đánh bắt thủy hải sản trên sông, biển đến vụ mùa thì tranh thủ làm đất, gieo sạ, làm cỏ chăm sóc và thu hoạch lúa.

Bà Dương Thị Bốn (68 tuổi), hiện đang làm 4 sào ruộng trên cát ở xóm Rú, thôn Hà Tây. Gần 20 năm trước, gia đình bà cũng đã cải tạo ruộng trồng đậu, khoai chuyển qua trồng lúa để tự túc lương thực. “Năm xưa thiếu gạo, năm nào cũng gánh khoai, tôm, cá vào các vùng ruộng đổi lúa về ăn. Cứ 3 phần khoai, sắn mới đổi được 1 phần lúa. Cũng may nhờ có bác Trung đưa lúa về trồng, bà con mới học làm theo và từ đó mới biết làm ruộng và có lúa gạo ăn quanh năm”, bà Bốn nhớ lại. Trước kia có con cái phụ giúp, gia đình bà làm 8 sào nhưng nay neo người nên cho người ta làm một nửa ruộng.

Trồng lúa nhờ... trời!

Trưa gần đứng bóng, bà Phạm Thị Duyên ở xóm Chợ, thôn Hà Tây đang nhờ người chất lúa bao lên xe chở về nhà. Gia đình bà canh tác được hơn 3 sào ruộng . “Làm ruộng ở đây không có hệ thống thủy lợi tưới tiêu nên hầu như nhờ trời. Đất mỗi năm làm được một vụ lúa, vụ hè thu thường bỏ hoang vì hiện nay cũng không có người làm. Thế hệ trẻ thì chủ yếu đi xuất khẩu lao động hoặc vào miền Nam làm việc, số còn lại làm nghề dịch vụ, buôn bán nên trồng lúa ở đây chủ yếu do người lớn tuổi làm. Dù vậy, vẫn đảm bảo được gạo ăn quanh năm, không phải mua gạo chợ như hồi xưa”, bà Duyên nó i.

Ông Dương Trung Thành cho biết thêm, hằng năm ruộng ở địa phương vẫn được hỗ trợ thủy lợi phí với mức khoảng 50.000 đồng/sào. Ông và các gia đình hiện nay đang canh tác các giống lúa ngắn ngày (110 ngày) và có khả năng chịu hạn, mặn như Khang dân, HT1, HC6... Lúa gieo từ rằm tháng Chạp đến khoảng tháng 3 âm lịch thì gặt.

Dù điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cây lúa chủ yếu sinh trưởng dựa vào nước mưa, hơi ẩm trong đất, điều kiện chăm sóc hạn chế song năng suất cây lúa ở thôn Hà Tây vẫn đạt khoảng 3 tạ/sào (bằng khoảng 60%- 70% vùng lúa ở đồng bằng).

Ông Thành chia sẻ: “Vụ đông xuân năm nay gặp mưa cây lúa bị úng ngập nên ruộng của nhiều gia đình phải gieo lại. Vì thế mà hiện nay nhiều thửa ruộng đã và đang gặt trong khi nhiều thửa khác lúa vẫn đang xanh, thậm chí chưa trổ đòng. Làm lúa ở vùng biển nơi đây đặc thù là thế, nhưng ai cũng vui vẻ cố gắng”. Ông Thành cũng cho biết, tại thôn hiện đã có máy cày làm đất, song máy gặt vẫn chưa có nên đến mùa thu hoạch phải thuê máy trong vùng ruộng ra gặt.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Tân Nguyễn Minh Hùng cho biết: Hà Tây là một trong những thôn vùng cát ven biển có diện tích trồng lúa lớn nhất huyện Triệu Phong. Thời hoàng kim, toàn thôn Hà Tây canh tác khoảng 100 ha lúa. Song từ khi phong trào nuôi tôm nở rộ, diện tích lúa bị thu hẹp hiện còn khoảng 30 - 35 ha. Khoảng 70% hộ dân thôn Hà Tây hiện nay tham gia trồng lúa. Ngoài thôn Hà Tây, một số thôn trên địa bàn xã có trồng lúa phân tán với diện tích nhỏ hơn là: Phú Hội, Tường Vân, Thôn 8, Thôn 9.

“Thời gian qua, thỉnh thoảng người dân cũng được tham gia tập huấn về trồng lúa. Song chúng tôi vẫn mong muốn các cấp, ngành tiếp tục tổ chức thêm các lớp tập huấn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ các giống lúa mới phù hợp, đảm bảo năng suất, chất lượng cũng như phương pháp canh tác lúa hiệu quả ở vùng cát... cho người dân thôn Hà Tây nói riêng và trong xã nói chung để nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo môi trường sinh thái”, anh Hùng bày tỏ.

Đức Việt

Tin liên quan:
  • Những “hạt vàng” trên đồng cát Hà Tây
    Những bước “chuyển mình” trên cánh đồng lớn

    Đến năm 2025 là chạm dấu mốc 35 năm nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đồng hành với nền nông nghiệp nước nhà trên hành trình đổi mới. Tham khảo nhận định của một số chuyên gia nông nghiệp, có thể thấy, ngày 1/7/1989, thời điểm tỉnh mới lập lại, trên đồng ruộng Quảng Trị, sản xuất nông nghiệp đã có sự định hình và đem lại hiệu quả ở các mức độ khác nhau, nhưng phải đến năm 1990, nông nghiệp của tỉnh mới có lộ trình rõ ràng, bắt đầu được đầu tư mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả hơn.

  • Những “hạt vàng” trên đồng cát Hà Tây
    “Quả ngọt” trên vùng cát xã Hải Ba

    Xã Hải Ba, huyện Hải Lăng là địa phương thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào “chân đồng, chân cát” nên đời sống của bà con nhìn chung còn nhiều khó khăn. Biến khó khăn thành lợi thế, những năm qua địa phương đã chú trọng khai thác tiềm năng vùng cát để phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp và đến nay “vùng đất khó” năm xưa đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân nơi đây.


Đức Việt

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long