Cập nhật: Thứ 2, 05/09/2016 | 01:22 GMT+7

Nhà có người nghiện, phải làm sao?

TTO - Pháp luật quy định rõ những trường hợp phải tập trung cai nghiện bắt buộc, nhưng khi áp dụng vẫn còn một số vướng mắc khiến người nghiện lẫn người thân lo lắng.

Nhà có người nghiện, phải làm sao?

Hơn một tháng nay, bà P.H. (ngụ xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) lo âu bởi con gái bà là chị N.P. (27 tuổi) vừa được đưa vào Trung tâm Giáo dục dạy nghề thanh thiếu niên 2 (huyện Củ Chi) để cắt cơn.

Đúng đối tượng

Bà H. kể ngày 18-7, bà nhận được tin Công an xã Tân Thông Hội đến phòng trọ đưa chị P. về trụ sở để thử ma túy, kết quả chị P. dương tính với ma túy đá. Trong bản tường trình, chị P. cũng thừa nhận có sử dụng ma túy.

Bà H. đến trụ sở công an với mong muốn đưa con về cai nghiện tại nhà. Nhưng căn cứ vào tường trình của chị P. (sử dụng ma túy từ năm 2010, không có nghề nghiệp, không nơi đăng ký tạm trú...), xã đã ký quyết định đưa chị P. đi cai nghiện theo diện không có nơi cư trú ổn định.

Theo ông Lâm Văn Sơn (đội phó Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an huyện Củ Chi), tuy bà H. có hộ khẩu tại xã Tân Thông Hội nhưng đã bán nhà từ năm 2009, hiện sống ở xã Phước Vĩnh An và chưa đăng ký tạm trú tạm vắng.

Còn chị P. từ tháng 2-2015 đã không chung sống với gia đình, khi ở trọ cũng không đăng ký với chính quyền địa phương. Do đó chị P. phải đi cai nghiện tập trung bắt buộc theo quy định pháp luật. Bà H. thắc mắc: “Không biết chính quyền làm vậy có đúng quy định không, thời gian bao lâu? Con tôi có được đưa về cai nghiện tại gia đình, thủ tục ra sao?...”.

Hai trường hợp cai nghiện bắt buộc

Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, có hai trường hợp phải đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định tại điều 3 nghị định 221/2013. Theo đó, người nghiện từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, đã áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương, cai nghiện tại xã, phường, thị trấn nhưng vẫn còn nghiện. Trường hợp thứ hai là người nghiện ma túy đủ 18 tuổi trở lên chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương do nghiện ma túy nhưng không có nơi cư trú ổn định.

Theo đó, chị P. thuộc trường hợp thứ hai. Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, điều 8 nghị định 221/2013 quy định về trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Công an xã, phường, thị trấn khi phát hiện người nghiện, kiểm tra dương tính với ma túy sẽ lập hồ sơ đưa vào cơ sở xã hội. Cùng với việc cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện, đây cũng là giai đoạn hoàn thiện hồ sơ để trình tòa án xem xét đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nếu giai đoạn này hoàn tất và chứng minh được người nghiện không có nơi cư trú ổn định, hồ sơ sẽ được chuyển cho tòa án xem xét ra quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong khung thời gian từ 12-24 tháng tùy thuộc vào tình trạng nghiện...

Gian nan xác định nơi cư trú

Ông Huỳnh Thanh Khiết, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết trong thời gian tối đa 3 tháng chờ hoàn thiện hồ sơ chuyển tòa án, nếu xác định người nghiện có nơi cư trú ổn định được địa phương xác nhận thì sẽ xem xét hủy quyết định. Khi đó, các đơn vị giải quyết giao người nghiện cho địa phương quản lý. Thậm chí khi mở phiên tòa, gia đình hoặc bản thân người nghiện vẫn có quyền chứng minh nơi cư trú ổn định và tòa án vẫn xem xét.

“Thực tế, rất nhiều trường hợp người nghiện được hủy quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là do xác nhận có nơi cư trú ổn định. Tuy nhiên theo quy định, người nghiện có hộ khẩu hoặc tạm trú phải thường xuyên sinh sống tại nơi đó mới được xác nhận” - ông Khiết cho biết.

Việc xác định nơi cư trú cũng gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng. Theo ông Khiết, người nghiện khi đưa vào cơ sở xã hội có khai nơi cư trú nhưng e ngại gia đình, địa phương biết mình nghiện nên khai lung tung khiến cơ quan chức năng khó xác minh. Ví dụ khai ở quận 8 nhưng xác minh không ở đó lâu rồi thì sẽ rất khó khăn. Vì vậy người nghiện nên khai chính xác.

Theo ông Lâm Văn Sơn, nhiều trường hợp ban đầu gia đình chủ động làm hồ sơ đưa người thân đi cai theo diện không có nơi thường trú. Nhưng đến khi thăm nuôi ở cơ sở xã hội, thấy người thân năn nỉ, hứa hẹn, thương con em mình nên gia đình khai lại rằng có nơi ở ổn định. Hay trường hợp trước khi đưa người nghiện ra tòa, trong lúc chờ xử thì người nghiện lặn mất tăm. Hoặc trong khi chờ bản án có hiệu lực, người nghiện bỏ trốn, tòa phải ra quyết định truy tìm.

Cần “bình thường hóa” việc cai nghiện

Theo ông Huỳnh Thanh Khiết, cần giải thích cho người nghiện và gia đình hiểu rằng nghiện là căn bệnh mãn tính cần phải điều trị nhiều lần. Việc đưa vào cơ sở xã hội hay cơ sở cai nghiện bắt buộc là hỗ trợ người nghiện điều trị cắt cơn, tư vấn ổn định tâm lý và cách ly môi trường.

“Người nghiện cần phải chủ động tìm đến điều trị, coi đây là việc bình thường thì việc đưa người nghiện đi điều trị nghiện mới nhẹ nhàng khi có sự hợp tác, tự nguyện từ cả hai phía: người nghiện, gia đình người nghiện và cơ quan chức năng” - ông Khiết nói.

Hiện nay, quy định của Nhà nước đã tạo điều kiện tối đa để người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Riêng TP.HCM còn hỗ trợ chi phí 15 ngày cắt cơn cho người nghiện tự nguyện đăng ký cai nghiện tại cộng đồng. Bước cuối cùng vẫn không cai nghiện thì mới đưa đi cai nghiện bắt buộc. Tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc, người nghiện được hưởng các chế độ theo quy định: chế độ trợ cấp; chế độ ở, chế độ mặc và sinh hoạt; chế độ học văn hóa; chế độ lao động trị liệu; chế độ khám chữa bệnh...

Đăng ký cai nghiện tự nguyện

Ông Phạm Đức Trung, phó Phòng LĐ-TB&XH Q.Thủ Đức, cho biết người nghiện có nơi cư trú ổn định có thể tự nguyện đến UBND phường, xã khai báo tình trạng nghiện (nghiện chất gì, bao lâu...) và làm đơn đăng ký cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Gia đình có điều kiện kinh tế có thể đưa con em đi cai nghiện tại một số trung tâm tư nhân hoặc Nhà nước (trả chi phí).

Trường hợp đăng ký cai nghiện tại cộng đồng thì UBND phường, xã sẽ lập hồ sơ đưa vào điều trị, cắt cơn giải độc tại một số trung tâm của Nhà nước. Hiện TP.HCM hỗ trợ chi phí 15 ngày cắt cơn, giải độc cho người nghiện đăng ký cai nghiện tại cộng đồng với mức hỗ trợ 1,26 triệu đồng gồm tiền ăn, tiền thuốc, quần áo, vật dụng sinh hoạt...

Sau thời gian 15 ngày, người nghiện sẽ được đưa về địa phương. Người nghiện có thể đóng thêm chi phí để tiếp tục điều trị không giới hạn thời gian.

YẾN TRINH - VŨ THỦY ( yentrinh@tuoitre.com.vn )


 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Một số quy định về việc cai nghiện ma túy
22:40 19/05/2023

Hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh, số lượng người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy cao nhưng lại thiếu cơ sở để điều trị cai nghiện. Vì vậy, ngoài việc ...

Thời tiết

20°C - 29°C
Nhiều mây, có mưa nhỏ
  • 20°C - 30°C
    Nhiều mây, có mưa nhỏ
  • 21°C - 27°C
    Nhiều mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long