
{title}
{publish}
{head}
Khoác lên mình bộ quân phục màu xanh lá, chân đi giày vải, đầu đội mũ tai bèo, cựu chiến binh Dương Văn Huê, trú tại Khu phố 1, Phường 2, TP. Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, bước vào Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài được tổ chức tại Quảng Trị với tất cả nhiệt huyết. Vượt qua 42,2 km, người lính năm xưa đã thực sự làm nên “khúc khải hoàn”.
Tìm lại sức khỏe
Trong hơn 7.000 vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 66, năm 2025 với chủ đề “Khúc khải hoàn”, ông Huê để lại ấn tượng đẹp khi cán đích ở cự ly 42,2 km với lá cờ đỏ sao vàng trên tay. Người cựu chiến binh tuổi 60 này cho biết, sau khi rời Quảng Trị, ông tiếp tục chinh phục giải chạy tổ chức ở TP. Huế, rồi tiếp đó là tỉnh Trà Vinh. Thế nhưng, những kỷ niệm ở miền “đất lửa” vẫn in sâu trong trái tim ông Huê. Nơi đây, ông như được sống lại thời thanh niên, trẻ trung, sôi nổi.
Trên chặng đua, ông Dương Văn Huê (thứ 3, từ trái sang) nhận được sự quan tâm, cổ vũ của nhiều người dân Quảng Trị - Ảnh: NVCC
Theo dòng trò chuyện, ông Huê cho biết, mình sinh ra, lớn lên ở Bắc Ninh. Khi mới 21 tuổi, ông đã tình nguyện lên đường tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Trở về sau tháng ngày đạn bom ác liệt, ông Huê trải qua nhiều nghề. Cuối cùng, cuộc đời đưa đẩy gia đình ông vào Tây Ninh định cư, lập nghiệp. Ở miền quê mới, để lo cho 3 người con ăn học, ông và vợ tiếp tục phải trải qua một “cuộc chiến” mới với không ít thử thách. Dẫu vậy, không rào cản nào ngăn được ông. Ngoài lo liệu cho gia đình, ông Huê còn là một chi hội trưởng hội cựu chiến binh khu phố đầy nhiệt huyết.
Khi cuộc sống đi vào ổn định cũng là lúc sức khỏe ông Huê có dấu hiệu xuống dốc. Ông thường xuyên thấy mệt mỏi, chóng mặt. Mỗi khi làm việc với tần suất cao, ông Huê phải dừng lại, thở dốc. Vào bệnh viện, các bác sĩ kết luận ông bị hở van tim. Để tránh những nguy cơ do căn bệnh này gây ra, ông Huê được yêu cầu cần có một chế độ điều trị, chăm sóc sức khỏe kỹ lưỡng. Việc lựa chọn một môn thể thao phù hợp là rất cần thiết. Ông Huê kể: “Lúc ấy, tôi hoang mang lắm. Nhiều kế hoạch, dự định vẫn chưa thực hiện được. Không chấp nhận số phận, tôi bắt đầu đi bộ mỗi buổi sáng, rồi chuyển sang chạy”.
Cảm nhận rõ lợi ích mà bộ môn chạy bộ mang lại, ông Huê nhanh chóng lên kế hoạch tập luyện cụ thể; nghiên cứu các bài tập bổ trợ; lựa chọn loại giày, trang phục phù hợp... Hầu như sáng nào, ông cũng dậy sớm để tập luyện. Theo thời gian, quãng đường chạy kéo dài thêm. Vận tốc của ông cũng tăng lên đáng kể. Có tháng, ông chạy được 330 km. “Từ ngày chạy bộ, tôi gần như không còn ốm vặt. Tôi có thể vác cả bao đường 50 kg trong lúc chạy”, ông Huê vui vẻ cho biết.
Chinh phục các giải đấu
Khi sức khỏe đi vào ổn định, ông Huê bắt đầu tham gia các nhóm, câu lạc bộ chạy bộ. Từ đây, niềm vui mà bộ môn này mang lại cho ông như được nhân lên. Là thành viên cao tuổi nhất của câu lạc bộ, ông thường được mọi người gọi là: “ba”, “anh cả”... Hầu như ai cũng dành cho ông Huê sự quý trọng, yêu thương. Vì thế, ông càng gắn bó hơn với câu lạc bộ và thêm yêu bộ môn thể thao có nhiều lợi ích này.
Ông Dương Văn Huê cán đích ở cự ly 42,2 km - Ảnh: NVCC
Trong tháng ngày tham gia câu lạc bộ, ông Huê luôn mong muốn được cùng các thành viên khác ở câu lạc bộ tham gia những giải chạy lớn. Thế nhưng, khi nghe chia sẻ ý định ấy, vợ con ông lại bàn lui vì lo cho sức khỏe chồng, cha mình. Sau nhiều cân nhắc, cuối cùng, ông Huê quyết định giấu gia đình, nhờ người quen đăng ký tham gia giải chạy đầu tiên. Để yên tâm, ông chỉ góp mặt ở cự ly 21 km. Ông Huê chia sẻ: “Thấy quyết tâm của tôi, cuối cùng, vợ con đã xuống nước và hết lòng ủng hộ. Tôi cũng hứa với gia đình sẽ luôn lắng nghe cơ thể, bảo vệ tốt sức khỏe của mình. Hôm hoàn thành mục tiêu của mình, tôi cảm giác như mình đang trẻ lại”.
Sau lần ấy, ông Huê tiếp tục thi đấu tại nhiều giải chạy bộ khác. Đến giờ, ông không nhớ hết số giải mà mình đã tham gia. Điều khiến ông rất vui mừng là quãng đường, thành tích của ông ngày càng được cải thiện. Trong một số giải, ông Huê còn giành vị trí cao ở lứa tuổi của mình. Mới đây nhất, tại giải chạy bộ tổ chức ở tỉnh Tiền Giang, trong số các vận động viên 50 tuổi trở lên, ông cán đích ở vị trí đầu tiên.
Ít ai biết, để có những thành tích ấy, ông Huê đã trải qua một quá trình tập luyện rất bài bản, nghiêm túc. Trước mỗi mùa giải, ông đều lên kế hoạch tập luyện chi tiết. Mỗi tuần, ông Huê dành 5 ngày cho việc chạy đường dài và 2 ngày tập bổ trợ. Ông chỉ lên đường khi mọi thứ đã được chuẩn bị chu đáo nhất. Dù lấn cấn nhiều công việc nhưng ông luôn thu xếp đến các tỉnh, thành tổ chức giải sớm để làm quen với thời tiết, đường chạy, tìm hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán... Nói về điều này, ông chia sẻ đã trải qua tháng ngày trong quân ngũ nên “chất lính” vẫn còn mãi trong con người mình.
Làm nên “khúc khải hoàn”
Từng tham gia nhiều giải thi đấu nhưng đối với ông Huê, Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài do Báo Tiền Phong tổ chức tại Quảng Trị vẫn có ý nghĩa đặc biệt. Là một cựu chiến binh, cũng như bao người, ông Huê luôn mong muốn có cơ hội đến Quảng Trị. Bởi, đây là một vùng đất linh thiêng, nơi rất nhiều người lính đã ngã xuống. Ông Huê muốn đến Quảng Trị để tưởng nhớ, tri ân đồng đội. Cũng từ suy nghĩ ấy, sau khi xuống sân ga, ông Huê nhanh chóng đến dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.
Ông Huê không bao giờ quên những kỷ niệm đẹp ở Quảng Trị - Ảnh: NVCC
Ấp ủ từ ngày nhận lời mời tham dự giải, ông Huê sớm quyết định lựa chọn bộ quân phục để mặc. Dẫu biết với lựa chọn này, mình sẽ gặp nhiều khó khăn trên đường chạy nhưng ông không ngại. “Năm ngoái, khi tham gia giải do Báo Tiền Phong tổ chức, tôi có thành tích tương đối ấn tượng. Vì vậy, ban tổ chức đã mời tôi tiếp tục tham gia giải năm nay. Lúc biết điểm đến là Quảng Trị, tôi đã nghĩ mình cần mang đến giải hình ảnh một người lính”, ông Huê nói.
Điều ông Huê rất vui mừng là bộ quân phục của mình nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý. Trước giờ xuất phát, các vận động viên và người dân địa phương quây quần để trò chuyện, thăm hỏi ông. Trên những chặng đường, đến đâu, ông Huê cũng nhận được sự cổ vũ nhiệt tình. Điều đó khiến bước chạy của người cựu chiến binh này như nhẹ nhàng hơn. Mỗi khi chạy đến những địa danh, di tích lịch sử ý nghĩa của tỉnh, ông Huê lại giảm tốc độ, đặt tay lên lồng ngực. Thời điểm ấy, ông cảm giác như mình trở lại trong hình hài một người lính tuổi đôi mươi, đang cùng đồng đội xung trận để mang về “khúc khải hoàn” cho đất nước.
Chuyện trò sau Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài do Báo Tiền Phong tổ chức tại Quảng Trị, ông Huê phấn khởi chia sẻ, là một người lính, từng tham gia chiến trận, bản thân hiểu ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Vì thế, ông thấy mình may mắn khi được trở về sau ngày đất nước thống nhất. Đó cũng chính là lý do khiến ông Huê luôn nhắc nhủ bản thân sống sao cho xứng đáng với người đã hy sinh và viết tiếp những trang còn dang dở của đồng đội. Trên chặng đường 42,2 km, trong tiếng reo hò, cổ vũ của mọi người, nhịp đập của con tim ông cũng rộn ràng như thanh âm của “khúc khải hoàn”.
Tây Long
QTO - Quảng Trị-vùng đất hàm chứa giá trị sâu sắc về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có cuộc hành trình ra cầu Hiền...
QTO - Trong dòng chảy lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, mảnh đất và con người Cam Lộ vốn giàu truyền thống yêu nước, kiên trung, nghĩa tình, đã...
QTO - Dòng họ Lê Tích ở xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, nổi tiếng gan dạ trong chiến tranh. Cùng với người dân Quảng Trị, con cháu dòng họ này luôn yêu...
QTO - Trên khắp mọi miền quê Quảng Trị, có hàng ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) - những người được xem là biểu tượng sáng ngời về đức hy sinh cho khát...
QTO - Đó là khẳng định của anh Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất gỗ Hoàng Minh Đức và ông Nguyễn Đặng Hiến, Chủ tịch Công ty TNHH Sản xuất và...
QTO - May mắn sinh ra vào thời điểm nước nhà thống nhất nên các nhân vật sinh năm 1975 mà chúng tôi gặp gỡ đã chứng kiến bao đổi thay của quê hương. Biết...
QTO - Những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trên sông Bến Hải đoạn qua xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, có một bến đò chuyên thực hiện...
QTO - Trong ngày tháng Tư lịch sử, tôi tìm về làng Cát Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị gặp ông Hoàng Ngọc Dũng-người chiến sĩ du kích...
QTO - Vào Sài Gòn có cả vạn quán cà phê, nhưng cà phê “dinh” là nơi tôi thường hẹn bạn bè ở đó. Cà phê dinh là cách gọi quán cà phê nằm trong khuôn viên...
QTO - Một sớm cuối tuần của những ngày tháng Tư rộn ràng, tôi đi trên tuyến Metro ngó thành phố trong ánh nắng vàng réo rắt. Những tòa nhà cao vút khảm lên...
QTO - Những ngày tháng 4 lịch sử, thời điểm cả nước đang nô nức kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2025), chúng tôi có...
QTO - Một ngày đầu tháng Tư năm nay, tôi có chuyến đi cùng anh Phạm Quyến, 68 tuổi, người Quảng Trị là Việt kiều ở Mỹ. Đợt về nước lần này, anh Quyến nhờ...