Cập nhật:  GMT+7

Có một “bến đò liệt sĩ” ở xã Vĩnh Giang

Những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, trên sông Bến Hải đoạn qua xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, có một bến đò chuyên thực hiện nhiệm vụ đón thương binh, tử sĩ từ bờ Nam trở lại bờ Bắc. Đó là bến đò C (còn gọi là bến đò Lũy), được nhiều người gọi là “bến đò liệt sĩ”. Ngày nay, số nhân chứng biết rõ địa điểm này không còn nhiều và thực địa cũng nhiều thay đổi. Lãnh đạo địa phương, người dân và những người trực tiếp làm nhiệm vụ tại bến đò C năm xưa mong muốn địa điểm lịch sử này sớm được phục dựng để không bị lãng quên theo thời gian...

Bến đò C lịch sử

Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Giang Nguyễn Văn An cho biết, cuốn sách lịch sử Đảng bộ xã ghi lại: Từ Cửa Tùng (Vĩnh Quang) lên Hói Cụ (Vĩnh Sơn) có 4 bến đò nối hai bờ Nam - Bắc sông Bến Hải, bến nào cũng quan trọng.

Nhưng quan trọng nhất là hai bến đò A (Vĩnh Quang) và B (Tùng Luật). Vì phần lớn sức người, sức của từ miền Bắc chi viện vào cho cách mạng miền Nam đều được tập kết ở các xã khu Đông Vĩnh Linh, nơi có nhiều địa hình, địa vật dễ ngụy trang che mắt địch.

Từ các bến đò này, khi đêm xuống, lương thực, vũ khí, thuốc men cũng như các đơn vị bộ đội, dân quân du kích, dân công vận tải mới vượt sông. Đồng thời, các bến này đón thương binh, tử sĩ, bộ đội, dân quân du kích sau những trận chiến đấu trở lại miền Bắc nghỉ ngơi, củng cố, bổ sung lực lượng trước khi trở lại chiến trường.

Tháng 5/1967, cuộc chiến bước vào giai đoạn ác liệt, thương binh, tử sĩ từ chiến trường chuyển ra ngày càng nhiều. Để tránh cho quân ta có cảm giác nặng nề, tâm lý bất lợi khi vượt sông vào Nam chiến đấu, phía ta mới lập thêm một bến đò mới ở thôn Cổ Trai (nay là thôn Cổ Mỹ), cách bến đò Tùng Luật hơn 1 km về phía Tây.

Bến này được đặt tên là bến đò C, chuyên vận chuyển thương binh, tử sĩ từ chiến trường ra mà không chuyển chung cùng với bến đò A hoặc B như trước. Lực lượng trực bến đò có 3 trung đội tác chiến. Việc phục vụ chiến đấu và phục vụ tiền tuyến được phân công chặt chẽ theo từng vị trí, địa bàn, tuyến đường và năng lực cụ thể. Các đơn vị Tân Sơn, Tân Mỹ, Cổ Mỹ, Di Loan đảm nhiệm công tác tải thương. Đơn vị Tùng Luật đảm nhận hai bến đò B và C.

Mặc dù thường xuyên hứng chịu bom pháo địch, nhưng từ năm 1968 - 1972, cả hai bến đò đã đưa đón trên 1.382 lượt người gồm bộ đội, dân quân, du kích, dân công hỏa tuyến. Tại đây cũng đã chuyên chở 8.112 thương binh, tử sĩ và trên 2.000 dân bờ Nam lánh nạn qua bờ Bắc, 251 chuyến hàng vận chuyển tiếp tế đảo Cồn Cỏ...

Di tích Bến đò Lũy (bến đò C) ở xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh, là một trong sáu địa điểm di tích thành phần thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, được xếp hạng theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg, ngày 9/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại, trong các điểm di tích thành phần này, công tác đầu tư tôn tạo chỉ mới tập trung ở một số điểm có tầm vóc và ý nghĩa lịch sử lớn đối với tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là khu vực đôi bờ cầu Hiền Lương, rồi đến Bến đò Tùng Luật (bến đò B). Được biết, Di tích Bến đò Lũy đã được đưa vào quy hoạch phục hồi, tôn tạo và bảo quản Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, hiện đang được Bộ VH,TT&DL trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngành VH,TT&DL sẽ tham mưu UBND tỉnh kêu gọi đầu tư để bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích theo các hạng mục đã được phê duyệt.

Ông An dẫn chúng tôi đến thăm Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) xã Vĩnh Giang. Theo lời ông, đây không chỉ là NTLS đầu tiên của huyện Vĩnh Linh mà còn là một trong những điểm tập kết và chôn cất liệt sĩ được đưa về từ bến đò C năm xưa.

Trong không gian thiêng liêng của nghĩa trang này nổi bật lên tấm bia Tổ quốc ghi công cao 16,1 m. Điều đặc biệt, dù trải qua nhiều lần trùng tu nhưng một mặt sau của bia vẫn được giữ nguyên hiện trạng với loang lổ vết đạn bom năm xưa còn in hằn lên nền gạch cũ. Đây chính là dấu vết do đạn địch bắn phá về phía bờ Bắc năm xưa trong những thời điểm ác liệt nhất.

Được biết, vào giai đoạn cao điểm, NTLS xã Vĩnh Giang có trên 2.000 liệt sĩ. Hiện tại, đây đang là nơi an nghỉ của 534 liệt sĩ, trong đó mới có 374 người xác định được danh tính, chủ yếu ở các tỉnh, thành phố phía Bắc. “Ngoài bến đò B (Tùng Luật) thì bến đò C cũng là một địa chỉ lịch sử ghi dấu những câu chuyện anh hùng, bất khuất của quân dân xã Vĩnh Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trải qua thăng trầm thời gian, hiện tại bến đò C đã không còn dấu vết rõ rệt. Để tôn vinh lịch sử xứng đáng với tầm vóc những chiến công của quân dân ta ở các bến đò trên sông Bến Hải, trong đó có bến đò C, chúng tôi mong muốn các cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ sớm khai thác, tập hợp đầy đủ những tư liệu lịch sử về bến đò này qua các nhân chứng ít ỏi còn sống. Cùng với đó, cần quan tâm quy hoạch, phục dựng bến đò C.

Những việc làm ý nghĩa này nhằm lưu giữ và tôn vinh, tri ân chiến công của các thế hệ đã có những sáng tạo, đóng góp trong một giai đoạn lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của quê hương”, ông An cho biết.

Nhớ một thời đón thương binh, tử sĩ

Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Lý (80 tuổi) ở thôn Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, cách bến đò C năm xưa chỉ vài trăm mét. Bà là một trong những người từng trực tiếp tham gia những chuyến đò “vận chuyển vũ khí qua sông, đưa thương binh, tử sĩ trở về” trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Có một “bến đò liệt sĩ” ở xã Vĩnh Giang

Bà Nguyễn Thị Lý chỉ tay về phía bến đò C năm xưa, giờ đã không còn dấu vết - Ảnh: Đ.V

Lưng bắt đầu khòm và mái tóc đã bạc phơ, bà Lý lặng nhìn ra bờ sông Bến Hải, lòng dâng lên những hồi ức bi thương năm xưa. Tham gia dân quân từ thời thiếu nữ, đến khoảng năm 20 tuổi thì bà Lý làm nhiệm vụ ở bến đò C. “Những năm tháng ác liệt nhất từ 1968 - 1972, tổ chúng tôi chèo đò đưa vũ khí qua bờ Nam ở phía xã Trung Giang giao cho quân ta.

Sau đó, thỉnh thoảng nếu gặp đúng lúc có thương binh, tử sĩ của ta thì sẽ chở về chữa trị” chôn cất, bà Lý nói. Nhưng theo bà Lý, nhiệm vụ chính của bà và dân quân du kích địa phương là tiếp nhận thương binh, tử sĩ tại bến đò C do quân ta ở bờ bên kia chở sang.

“Chúng tôi tiếp nhận thương binh, tử sĩ từ chập choạng tối đến gần sáng. Khi đi không được dùng đèn pin, vì chỉ cần có chút ánh sáng như đom đóm là quân địch ở điểm cao Dốc Miếu biết và bắn pháo.

Bởi vậy trong lờ mờ tối, chúng tôi chỉ còn biết dùng chân tay quờ quạng ngoài bãi sông sình lầy. Khi tìm thấy xác bộ đội thì nhỏ giọng thông báo với nhau “đây rồi, đây rồi” và lặng lẽ đưa về khu vực Đồng Sỏi cách bến đò khá xa để chôn cất”, bà Lý kể.

Trong ký ức của bà, những năm đầu của giai đoạn chiến tranh ác liệt này, số lượng thương binh, tử sĩ còn ít nhưng đến năm 1972 thì tăng lên rất nhiều. Lúc ấy, có khi huy động đến 300 dân quân, du kích địa phương chia theo mỗi tốp 100 người (tránh bị thương vong có thể xảy ra) để ra bến đò cáng thương binh, tử sĩ.

“Thời điểm này, có đêm tôi đi đến 11 - 12 ca liên tục. Cứ hai người một ca, cáng một thương binh hoặc tử sĩ, người khỏe còn mang kèm ba lô. Thời điểm đó, quân ta hy sinh nhiều nên cấp trên đồng ý cho dân quân thực hiện đón liệt sĩ ở địa phương nào thì chôn cất ở địa phương đó. Còn thương binh thì cố gắng cáng đi dọc theo giao thông hào đưa đến địa điểm có quân y tiếp nhận chữa trị, dưỡng thương”, bà Lý nhớ lại.

Còn với ông Nguyễn Văn Thi (86 tuổi) cũng ở thôn Cổ Mỹ, từng là tổ trưởng tổ đò tiếp đạn tải thương ở bến đò C, những ký ức năm xưa còn đọng mãi trong tâm trí. Ngoài những chuyến đò do mình trực tiếp chỉ huy qua lại sông Bến Hải ở bến đò C, ông Thi còn có những câu chuyện khó quên.

Có một “bến đò liệt sĩ” ở xã Vĩnh Giang

Ông Nguyễn Văn Thi kể chuyện thực hiện nhiệm vụ ở bến đò C - Ảnh: Đ.V

“Tôi nhớ mùa hè 1972, ở khu vực đồi 31 bên phía Gio Linh, sau khi phục kích đánh bộ đội ta hy sinh rất nhiều, địch bao vây không cho ta vào lấy xác. Phải mất 4 ngày sau, chúng tôi mới phá vòng vây lấy được xác khoảng 40 - 50 bộ đội”, ông Thi kể. Ông cũng không thể quên, thời điểm ác liệt nhất đó có nhiều khi thi thể bộ đội ta đã được chôn cất nhưng tiếp tục bị bom đạn, pháo kích của địch đánh cày xới, hất tung lên.

“Các anh đã hy sinh, được chôn cất nhưng tiếp tục bị oanh tạc thêm lần nữa. Là một trong những người chứng kiến và trực tiếp chôn cất các anh, tôi thật sự rất đau xót”, ông Thi nhớ lại. Bên cạnh làm nhiệm vụ chỉ huy tổ vận chuyển, ông Thi cũng là tay bắn tỉa có hạng, đã từng đi thực hiện nhiệm vụ ở Ái Tử, Quán Ngang và bắn chết 3 lính Mỹ.

Vợ ông là bà Hoàng Thị Nậy (76 tuổi) cũng là dân quân tham gia cáng tải thương binh, tử sĩ ở bến đò C. Và điều đáng buồn là cả hai vợ chồng ông Thi, bà Nậy bị nhiễm chất độc da cam. Họ không thể sinh con.

Trong khi đó, bà Ngô Thị Thọ (75 tuổi), thương binh 1/4 ở thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang, cũng có nhiều ký ức về một thời đưa đò dưới mưa bom bão đạn.

“Bến đò A, bến đò B chủ yếu đưa bộ đội qua sông vào Nam chiến đấu. Bến đò C thì chủ yếu đưa thương binh, tử sĩ về miền Bắc. Dù biên chế ở bến đò B nhưng tôi rất xót xa khi biết và chứng kiến bộ đội của ta hy sinh đưa về bến đò C chủ yếu ở độ tuổi còn rất trẻ, chỉ mười tám, đôi mươi”, bà Thọ buồn buồn nói.

Có một “bến đò liệt sĩ” ở xã Vĩnh Giang

Bà Ngô Thị Thọ có nhiều ký ức về một thời đưa đò dưới mưa bom bão đạn - Ảnh: ĐV

Những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, bà Thọ đã trực tiếp chèo tay hàng chục chuyến đò qua về quãng sông Bến Hải rộng 300 - 350 m để đưa bộ đội vượt sông và tiếp tế vũ khí, lương thực cho miền Nam. Bà Lý, ông Thi, bà Thọ và một số nhân chứng khác một thời gắn bó với bến đò C, bến đò B anh hùng. Họ là những dân quân, du kích địa phương gan dạ, không sợ hiểm nguy trong thời chiến.

Rất kiệm lời khi kể về những chiến công của mình, họ chỉ mong rằng bến đò C và những câu chuyện liên quan đến bến đò lịch sử này sẽ không bị lãng quên. ..

Đức Việt

Tin liên quan:
  • Có một “bến đò liệt sĩ” ở xã Vĩnh Giang
    Chuyện về Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt

    Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt là nơi thờ anh linh hơn 13 nghìn anh hùng liệt sĩ hy sinh trên dãy Trường Sơn, hiện chưa tìm ra hài cốt. Nơi đây luôn được cán bộ Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị chăm sóc chu đáo để những bát hương luôn ấm áp với thời gian.

  • Có một “bến đò liệt sĩ” ở xã Vĩnh Giang
    Có thể các anh chưa được công nhận liệt sĩ

    Báo Chiến sĩ, Cơ quan Huấn luyện và Tuyên truyền của Giải phóng quân do Ủy ban Quân chính Khu C (Ủy ban này bao gồm 4 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và Quảng Nam) phát hành. Về sau báo Chiến sĩ trở thành cơ quan của Vệ Quốc đoàn Khu Bốn.


Đức Việt

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Giữ cốt cách người Quảng Trị

Giữ cốt cách người Quảng Trị
2025-05-02 07:20:00

QTO - Đó là khẳng định của anh Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất gỗ Hoàng Minh Đức và ông Nguyễn Đặng Hiến, Chủ tịch Công ty TNHH Sản xuất và...

Bên ly cà phê nhìn ra vườn Dinh Thống Nhất

Bên ly cà phê nhìn ra vườn Dinh Thống Nhất
2025-05-01 06:50:00

QTO - Vào Sài Gòn có cả vạn quán cà phê, nhưng cà phê “dinh” là nơi tôi thường hẹn bạn bè ở đó. Cà phê dinh là cách gọi quán cà phê nằm trong khuôn viên...

Biển xanh sông gấm thắm màu hòa bình

Biển xanh sông gấm thắm màu hòa bình
2025-05-01 06:10:00

QTO - Một sớm cuối tuần của những ngày tháng Tư rộn ràng, tôi đi trên tuyến Metro ngó thành phố trong ánh nắng vàng réo rắt. Những tòa nhà cao vút khảm lên...

Có một ngày tháng Tư

Có một ngày tháng Tư
2025-04-30 07:20:00

QTO - Một ngày đầu tháng Tư năm nay, tôi có chuyến đi cùng anh Phạm Quyến, 68 tuổi, người Quảng Trị là Việt kiều ở Mỹ. Đợt về nước lần này, anh Quyến nhờ...

Tản mạn ngày lễ trọng

Tản mạn ngày lễ trọng
2025-04-30 06:30:00

QTO - Những ngày này, trong không khí hồ hởi, háo hức đón mừng Đại lễ kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, tôi lại hay nghĩ đến câu...

“Tiểu đội không về”

“Tiểu đội không về”
2025-04-30 06:20:00

QTO - Thuyết phục mãi, ông Trần Kiệm mới kể cho tôi nghe câu chuyện về “Tiểu đội không về” mà ông là tiểu đội trưởng. Tên “Tiểu đội không về” do ông Kiệm...

Chắp cánh những giấc mơ toàn cầu

Chắp cánh những giấc mơ toàn cầu
2025-04-29 10:40:00

QTO - Với môi trường chuẩn quốc tế, hiện đại, tiện nghi và thân thiện, Trường Liên cấp Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị (iSchool Quảng Trị) đã và đang...

Giúp học sinh thêm yêu lịch sử qua phim ảnh

Giúp học sinh thêm yêu lịch sử qua phim ảnh
2025-04-29 10:30:00

QTO - Những ngày tháng Tư lịch sử, bộ phim “Địa đạo - Mặt trời trong bóng tối” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được khởi chiếu trên toàn quốc đã nhanh chóng...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long