Cập nhật: Chủ nhật, 15/02/2009 | 17:20 GMT+7

Ngăn chặn kịp thời dịch bệnh gia súc, gia cầm

Tuần qua, dịch cúm gia cầm đã bùng phát ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong với số lượng hàng trăm con vịt đàn đã chết và kết quả xét nghiệm cho thấy đàn vịt bị dịch cúm gia cầm vi rút H5N1. Trong khi đó cả nước đã có 11 xã thuộc 10 huyện của 7 tỉnh, thành xuất hiện trở lại dịch cúm gia cầm có nguy cơ lan rộng. Áp sát Quảng Trị, dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn trâu bò cũng đã xuất hiện ở Quảng Bình. Nguy cơ dịch bệnh gia súc gia cầm đang hiện hữu từng ngày, từng giờ. Theo Cục Thú y, Bộ NN-PTNN, tình hình dịch cúm gia cầm trên thế giới đang có những diễn biến phức tạp. Ở trong nước, dịp Tết Nguyên đán vừa qua xuất hiện nhiều ổ dịch cúm gia cầm ở các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang... buộc phải tiêu hủy hàng chục ngàn con gia cầm. Đặc biệt, tại Cà Mau, Sóc Trăng dịch cúm gia cầm đang có những diễn biến phức tạp, do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ nên nguy cơ phát dịch rộng trên địa bàn tỉnh và khu vực ĐBSCL là rất cao. Thế nhưng, một số người dân không hợp tác trong việc tiêm phòng vắc xin, sau khi gia cầm bị chết không chôn lấp theo quy định mà đem vứt xác ra các kênh rạch. Đoàn công tác của Cục Thú y đã có mặt tại các địa phương vùng miền có dịch bệnh để chỉ đạo công tác dập dịch. Nguy cơ dịch cúm gia cầm lây sang người cũng đã xuất hiện, đã có 2 trường hợp tử vong do dịch bệnh cúm A (H5N1) gây ra. Cũng theo Cục Thú y, hiện dịch lợn tai xanh đã được khống chế thành công nhưng nguy cơ phát dịch vẫn còn rất cao, còn dịch LMLM ở trâu bò đã xuất hiện tại một số tỉnh thuộc khu vực phía Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái và các tỉnh Quảng Bình, Kon Tum, Long An đang có những diễn biến phức tạp. Nguyên nhân tái dịch LMLM ở gia súc tại các tỉnh - theo Cục Thú ý là khi thực hiện các dự án chăn nuôi trâu bò, các địa phương và nhà thầu dự án không tuân thủ đầy đủ các quy định về kiểm dịch. Ngày 3/2/2009, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã có công điện khẩn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành liên quan chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm; tập trung mọi lực lượng nhanh chóng bao vây, dập tắt ổ dịch cúm gia cầm, không để lây lan ra diện rộng, tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh. Các tỉnh có dịch LMLM phải tiêu hủy hoặc giết mổ bắt buộc toàn bộ số gia súc mắc bệnh, thành lập các chốt kiểm dịch để kiểm soát triệt để việc vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn, tiêm phòng bao vây dịch theo quy định. Tiếp đó ngày 10/2/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện khẩn chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) trên người, cho thấy sự cấp thiết trong việc ngăn chặn dịch bệnh, bảo vệ tổng đàn gia cầm cũng như bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Mấy năm trở lại đây, các loại dịch bệnh như dịch cúm gia cầm, dịch LMLM ở trâu bò, dịch lợn tai xanh xuất hiện liên tục. Cứ mỗi đợt khống chế, dập dịch tốn kém không ít kinh phí, nhân lực, nhưng một thời gian sau dịch bệnh này tái phát. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, năm ngoái dịch cúm gia cầm tái phát ở Gio Linh, và lần này là ở Triệu Phong. Không ai không thấy rõ tác hại đến sản xuất chăn nuôi, ảnh hưởng sức khỏe của người dân qua những đợt dịch bệnh gia súc, gia cầm, thế nhưng đây đó việc phòng chống các loại dịch bệnh này vẫn còn buông lỏng. Việc tiêu độc, khử trùng chuồng trại ở khu vực xảy ra dịch bệnh chưa được tiến hành triệt để, do vậy dịch bệnh tái phát ở những nơi từng xảy ra dịch là điều dễ hiểu. Công tác tiêm phòng nhiều địa phương làm chưa tốt, do đó những nơi xảy ra dịch bệnh phần lớn do đàn gia cầm chưa được tiêm phòng đầy đủ. Việc kiểm dịch đàn giống gia cầm, gia súc thực tế cũng chưa được coi trọng. Bài học về "bò dự án" kiểm dịch không đầy đủ dẫn đến làm lây lan sang bò địa phương ở Quảng Trị hai năm về trước là bài học đắt giá vẫn còn đó. Gần đây, ở nhiều địa phương trong nước có đường biên giáp với các nước láng giềng xảy ra tình trạng buôn lậu trâu bò qua biên giới, trong đó có địa bàn Hướng Hóa, Quảng Trị, tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập mầm bệnh cần được các cơ quan chức năng ngăn chặn triệt để. Ở tại những nơi đã xảy ra dịch bệnh, cần tập trung cho công tác tiêu hủy đàn gia súc, gia cầm bị dịch, không để xảy ra tình trạng người dân xót của tìm cách đưa đi tiêu thụ ở các nơi khác. Các chốt chặn của ngành chức năng cần được phối hợp với chính quyền địa phương để không cho vận chuyển gia súc, gia cầm ra vào vùng có dịch. Việc tiêu hủy gia súc, gia cầm phải đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh tình trạng để người dân tự phát ném vật nuôi bị dịch bệnh xuống ao hồ, kênh rạch làm lây lan mầm bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng, về sau rất khó khống chế, ngăn chặn. Dịch bệnh gia súc, gia cầm hiện nay trên địa bàn cả nước vẫn chưa được khống chế, có nguy cơ lan rộng. Do đó, các địa phương phải chủ động ngân sách để phòng chống dịch và hỗ trợ kịp thời người chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị tiêu hủy; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về công tác phòng chống dịch, bảo vệ ngành chăn nuôi phát triển; đồng thời để bảo vệ sức khỏe của nhân dân trong thời kỳ dịch bệnh gia súc, gia cầm là rất quan trọng và cấp thiết. PHƯƠNG MINH



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Chủ động ngăn chặn dịch bệnh cúm gia cầm
22:38 25/07/2022

Sau một thời gian tạm lắng, từ đầu tháng 6/2022 dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1 đã phát sinh trở lại tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh. Bên cạnh đó, qua giám sát ...

Thời tiết

18°C - 25°C
Có mây, không mưa
  • 16°C - 21°C
    Có mây, không mưa
  • 17°C - 20°C
    Nhiều mây, có mưa, mưa rào
POWERED BY
Việt Long