{title}
{publish}
{head}
Trong không khí hân hoan đón chào năm mới, thời khắc chuyển giao giữa hai năm Quý Mão - Giáp Thìn, cũng là lúc tiếng pháo bắt đầu nổ ở nhiều nơi trên các phố phường, miền quê, dù cho trước đó ngành Công an đã tổ chức ra quân phòng, chống sử dụng pháo trái phép trong đêm giao thừa.
Từ ngày 8/2 đến 13/2 (29 tháng Chạp đến mồng 4 tháng Giêng), trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã phát hiện, bắt giữ 98 vụ/105 đối tượng có các hành vi vi phạm liên quan đến pháo, trong đó 3 vụ/8 đối tượng có hành vi sản xuất pháo trái phép, 95 vụ/97 đối tượng có hành vi sử dụng pháo trái phép. Cũng trong dịp Tết này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã tiếp nhận, cấp cứu 5 trường hợp bị tai nạn do pháo gây ra.
Không riêng gì Quảng Trị, ở nhiều tỉnh, thành trong nước, tình trạng đốt pháo đêm giao thừa cũng tràn lan. Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong 4 ngày nghỉ Tết, cả nước có 507 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, nhiều hơn 134 ca so với Tết năm 2023. Và cũng không chỉ tết năm nay, ngược thời gian có thể thấy tiếng pháo bắt đầu quay trở lại nhiều từ giao thừa năm Tân Sửu - 2021, sau 26 năm vắng bóng tính từ năm 1995. Vậy, đâu là nguyên nhân? Chúng ta cùng thử lý giải điều này!
Trước tình trạng sản xuất, buôn bán trái phép, đốt pháo tùy tiện, nhất là trong các ngày lễ tết, hội hè, liên hoan, khai trương ngày càng nhiều; việc sản xuất và đốt pháo đã gây ra hàng ngàn vụ tai nạn, cháy nhà, chết người hoặc thương tật, ảnh hưởng đến trật tự an ninh, tổn thất kinh tế, ô nhiễm môi trường rất lớn. Nhất là vào các đêm giao thừa, việc đốt pháo nhiều nơi kéo dài liên tục, tạo tiếng nổ lớn, khói pháo dày đặc kéo dài ảnh hưởng đến nhiều người và gây tắc nghẽn giao thông. Tết Nguyên đán Giáp Tuất - 1994 đã có 728 vụ tai nạn do pháo gây ra, làm chết 71 người, bị thương 765 người và tiêu tốn khoảng 20 - 30 tỉ đồng.
Để khắc phục tình trạng này, ngày 8/8/1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ban hành Chỉ thị số 406- TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Chỉ thị nêu: “Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1995 nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt các loại pháo nổ, thuốc pháo nổ trong phạm vi cả nước (trừ các loại pháo hoa và thuốc làm pháo hoa)”.
Cũng theo Chỉ thị 406, việc bắn pháo hoa, đốt pháo hoa trong các ngày lễ lớn, các ngày tết, ngày hội có tổ chức bắn pháo hoa, đốt pháo hoa thì UBND tỉnh, thành phố phải thông báo cho Nhân dân biết thời gian, địa điểm bắn pháo hoa, đốt pháo hoa.
Những năm đầu sau khi có Chỉ thị 406, việc đốt pháo, bắn pháo vào đêm giao thừa giảm hẳn và dần dần gần như không còn nữa. Bởi vì, không chỉ cấm tiệt pháo nổ, mà theo quy định thì việc “bắn pháo hoa, đốt pháo hoa” vào dịp tết Nguyên đán phải do UBND tỉnh, thành phố thông báo cho Nhân dân biết thời gian, địa điểm. Có nghĩa là người dân không được tổ chức bắn pháo hoa, đốt pháo hoa vào dịp tết Nguyên đán.
15 năm sau Chỉ thị 406, ngày 15/4/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2009/NĐCP về quản lý, sử dụng pháo.
Theo đó, “Pháo hoa là sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi có các tác động của các kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện sẽ gây phản ứng hóa học tạo hiệu ứng ánh sáng có màu sắc, gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ”. Nghiêm cấm việc sản xuất, mua, bán, nhập khẩu, xuất khẩu, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo hoa, thuốc pháo hoa. Về thẩm quyền, thủ tục cho phép bắn pháo hoa, thì việc tổ chức bắn pháo hoa dịp tết Nguyên đán do các tổ chức, địa phương tổ chức thực hiện theo quy định.
Như vậy, cũng như Chỉ thị 406, Nghị định 36 tiếp tục không cho phép người dân bắn pháo hoa trong dịp tết Nguyên đán. Quan sát nhiều năm cho thấy, trước khi Nghị định 36 được thay thế vào đầu năm 2021, tính từ tết Ất Hợi năm 1995 - cái Tết đầu tiên không đốt pháo, đến tết Canh Tý năm 2020 là 26 năm, có thể gọi là đêm giao thừa “yên ắng”.
Ngày 27/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo (có hiệu lực từ ngày 11/1/2021), thay thế Nghị định số 36. Nghị định 137 quy định và đưa ra một số điểm mới trong công tác quản lý, sử dụng pháo và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
So với Nghị định 36, có thể thấy Nghị định 137 quy định cụ thể và chặt chẽ hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục của việc sử dụng pháo hoa nổ, đồng thời mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung và mô tả chi tiết rõ ràng hơn về 9 nhóm hành vi bị nghiêm cấm nhằm đảm bảo công tác quản lý và sử dụng pháo đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới.
Đáng chú ý loại “pháo hoa” theo Nghị định 36 (gồm cả gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ) được Nghị định 137 chia thành 2 loại là “pháo hoa” và “pháo hoa nổ”.
Theo đó, pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Còn pháo hoa nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Điểm mới nữa là sau khi phân thành 2 loại, pháo hoa nổ vẫn cấm người dân sử dụng, còn với pháo hoa thì quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa”.
Như vậy, với pháo hoa thì người dân được sử dụng trong dịp tết Nguyên đán. Có lẽ từ quy định này, tiếng pháo đêm giao thừa đã trở lại, bởi, nhiều người không nắm rõ quy định pháp luật để phân biệt pháo hoa với pháo hoa nổ.
Việc không phân biệt được pháo hoa với pháo hoa nổ còn có nguyên nhân vì trước đây cả 2 loại này đều gộp chung và gọi là “pháo hoa”. Về mặt “chữ nghĩa” của quy định, pháo hoa tuy không gây ra tiếng nổ nhưng tạo ra các hiệu ứng âm thanh, còn pháo hoa nổ gây ra tiếng nổ. Để phân biệt giữa “hiệu ứng âm thanh” và “tiếng nổ” cũng khá khó, bởi tiếng nổ của pháo hoa nổ cũng là âm thanh nhưng mức độ lớn hơn âm thanh của pháo hoa.
Vì vậy, đêm giao thừa nhiều người cứ ngang nhiên bắn pháo hoa nổ vì nghĩ đó là pháo hoa, được pháp luật cho phép. Bên cạnh đó, một số đối tượng biết rõ là bị cấm nhưng vẫn lợi dụng khi tiếng pháo nổ khắp nơi, lực lượng chức năng không thể tuần tra, phát hiện hết nên đã “hòa vào” bắn pháo hoa nổ và đốt pháo nổ. Tình trạng bắn, đốt pháo trong đêm giao thừa ngày càng gia tăng, năm sau nhiều hơn năm trước rất khó kiểm soát mặc dù lực lượng chức năng đã nỗ lực và xử lý nhiều trường hợp vi phạm.
Nghị định 137 sau khi “tách” pháo hoa (theo Nghị định 36) thành pháo hoa và pháo hoa nổ đã mở ra, cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp như lễ, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật là phù hợp với văn hóa Việt Nam; hơn nữa, đây là những sự kiện diễn ra đơn lẻ nên dễ dàng phát hiện, xử lý nếu vi phạm.
Riêng với bắn pháo hoa trong dịp Tết, nhất là đêm giao thừa là hoạt động đồng loạt của người dân, lại diễn ra vào ban đêm nên rất khó kiểm soát, dẫn đến bị lợi dụng, bắn đốt các loại pháo mà pháp luật nghiêm cấm người dân sử dụng. Còn với pháo hoa thì do không tạo ra tiếng nổ, tiếng rít, mà chỉ những âm thanh “lẹt đẹt”, với ánh sáng yếu và ở tầm thấp nên không tạo ra được hiệu ứng gì giữa đêm tối mênh mông, vì vậy, phần lớn người dân không bắn pháo hoa trong dịp Tết mặc dù pháp luật cho phép.
Từ lý do dễ nhầm tưởng giữa các loại pháo, bị lợi dụng để vi phạm pháp luật và người dân rất ít sử dụng pháo hoa trong đêm giao thừa như phân tích trên, nên theo chúng tôi, trong các trường hợp Nghị định 137 cho phép sử dụng pháo hoa nên bỏ trường hợp được bắn pháo hoa trong dịp Tết (tại khoản 1 Điều 17).
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng làm tốt hơn nữa công tác quản lý sản xuất, sử dụng pháo, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm pháo hoa trên thị trường, không để các đối tượng lợi dụng quy định cho phép sử dụng pháo hoa để đánh tráo, thực hiện hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép cái loại vật liệu nổ, thuốc pháo nổ, pháo hoa nổ.
Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về Nghị định 137, nhất là phân biệt rõ loại pháo hoa được phép sử dụng và các loại pháo hoa nổ bị cấm để tránh vi phạm; xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, nhằm lập lại “thói quen” không đốt pháo vào đêm giao thừa đã hình thành và giữ được 26 năm qua.
Tùng Lâm
QTO - Một ngày trước khi bước qua năm mới 2025, UBND huyện Triệu Phong công bố quy hoạch các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626) vào sáng...
QTO - Càng gần đến tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025, tình hình buôn bán pháo lậu trên địa bàn Quảng Trị càng diễn biến phức tạp. Và tại không ít khu dân cư,...
QTO - Năm qua, nhuận 2 tháng Hai, mùa mưa bão ở Miền Trung kéo dài đến tận cuối Thu, đầu Đông nhưng dường như thời tiết cũng chuyển sang Tết sớm hơn. Mới cuối tháng Chạp mà mưa...
QTO - Trước khi vào dự buổi tiếp của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, ông Lee Won hee, Giám đốc đối ngoại Hội Nhà báo Hàn Quốc nói với các nhà...
QTO - Ngày nay, bên cạnh chiều hướng, biểu hiện tích cực, phản ánh những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị đạo đức, góp phần xây dựng đời sống xã hội...
QTO - Trước thềm tết Nguyên đán 2024, tỉnh Quảng Trị đã chủ động xin rút khỏi danh sách xin trung ương hỗ trợ gạo cứu đói. Đây là động thái gây bất ngờ bởi...
QTO - Thời gian gần đây, đặc biệt từ đầu năm 2023 đến nay, hàng loạt vụ việc liên quan đến thanh thiếu niên sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma...
QTO - Phát biểu tại phiên họp lần thứ 7, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Các bộ, ban,...
QTO - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, hoạt động tham gia tập luyện và tuyên truyền Pháp luân công tiếp tục diễn biến phức tạp. Hầu hết các địa phương...
QTO - Sau gần 2 năm thực hiện chủ trương của tỉnh về việc đỡ đầu, giúp xã khó khăn xây dựng nông thôn mới (NTM), các đơn vị được phân công đã có những hoạt...
QTO - Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo; các ngành, các cấp tích cực thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để chăm lo đời...
QTO - Chăm lo Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách luôn được các cấp, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong...