Cập nhật: Thứ 7, 02/08/2014 | 05:25 GMT+7

“Mua tin” chống tham nhũng

(QT) - Tham nhũng đang là vấn nạn nhức nhối, được xếp là quốc nạn, là nguy cơ nghiêm trọng nhất đe dọa sự tồn vong của chế độ, là thách thức chưa được đẩy lùi. Trong những năm qua Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp để phòng chống tham nhũng (PCTN) nhưng kết quả đạt được còn rất hạn chế. Không ít cán bộ, công chức, viên chức có những khối tài sản lớn (mà hầu hết có được từ chức vụ, quyền hạn, lĩnh vực mà họ đang công tác) nhưng chưa được kiểm tra, thanh tra làm rõ. Ở Quảng Trị, báo cáo về tình hình phòng chống tham nhũng năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014 tập trung vào việc tuyên truyền, quán triệt các văn bản pháp luật về PCTN; việc ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; tình hình hoạt động của các cơ quan chuyên trách về PCTN; thực hiện các quy định về công khai minh bạch trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của CBCC; việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng… Trong 6 tháng đầu năm 2014 qua thanh tra đột xuất, phát hiện được một kế toán HTX có dấu hiệu tham ô 10 triệu đồng và cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế, làm thất thoát hơn 200 triệu đồng. Thực tế thời gian qua chúng ta mới bắt được “con cá nhỏ”, vì thế công tác đấu tranh PCTN chưa tạo được niềm tin, sự kỳ vọng đối với người dân. Nguyên nhân của tình trạng này là do các cơ quan chức năng chưa làm hết trách nhiệm của mình; tính độc lập trong một số vụ việc chưa được phát huy đầy đủ, còn tình trạng xuê xoa, nể nang; công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PCTN ở một số cơ quan, đơn vị chưa rốt ráo, quyết liệt… Trong bối cảnh đó, khi Ban Nội chính của một số Tỉnh ủy có chủ trương sử dụng ngân sách nhà nước để làm chi phí trả cho người cung cấp thông tin liên quan tới công tác phòng chống tham nhũng là một tín hiệu, giải pháp rất đáng suy nghĩ. Mới đây, Ban Nội chính Tỉnh ủy Kon Tum có chủ trương chi trả tiền từ 500.000đ-10.000.000đ cho những người cung cấp thông tin có liên quan đến PCTN. Trước đó, tỉnh Lâm Đồng cũng đã thực hiện chủ trương này. Vậy khoản chi này được thực hiện như thế nào? Trong một lần trả lời phóng viên báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội lần thứ 7, khóa XIII, ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó Ban Nội chính Trung ương cho rằng: Liên quan đến nguồn kinh phí để hỗ trợ người cung cấp thông tin tố giác tham nhũng, chủ trương cần có nguồn tài chính để các cơ quan PCTN có điều kiện thực hiện nhiệm vụ của mình. Theo quy định của nhà nước thì đây là một phần kinh phí để phục vụ cho công tác đấu tranh chống tham nhũng. Việc chi đảm bảo đúng mục đích đặt ra. Không phải khi xử lý vụ việc xong mới chi trả, mà có thể trả trước đó để động viên, khuyến khích. Đây được coi là khoản “mật chi”, người đứng đầu cơ quan PCTN chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng, tính hiệu quả của tin và mức độ chi trả cho tin báo. Ông Nguyễn Doãn Khánh cũng nói thêm: Vừa qua, việc tổ chức chi khoản ngân sách gọi là “mật chi” cho công tác PCTN đã được thực hiện ở các cơ quan PCTN Trung ương, đặc biệt là Văn phòng Ban chỉ đạo PCTN trước đây và Văn phòng Ban chỉ đạo PCTN hiện nay. Nhiều vụ án lớn mà xã hội đang quan tâm như vụ án liên quan đến Vinalines, Dương Chí Dũng, tổ chức thuê bao tài chính với tàu lặn…được làm sáng tỏ một phần có sử dụng việc “mua tin”. Thông tin cung cấp cho các cơ quan chức năng về PCTN là những thông tin tố cáo, tố giác, phản ánh về các hành vi tham nhũng của các tổ chức, cá nhân. Có thể cung cấp thông tin bằng điện thoại, đơn thư phản ánh, kiến nghị và các hình thức khác. Vấn đề đặt ra là cần bảo mật đối với thông tin và người cung cấp thông tin vì thời gian qua một số người do tích cực đấu tranh chống tham nhũng mà bị trù dập, cho thôi việc, giáng chức, chuyển công tác… khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, điêu đứng. Bên cạnh đó, theo chúng tôi không chỉ “mua tin” mà cần chia sẻ quyền lợi đối với người cung cấp thông tin góp phần vào cuộc đấu tranh gian khó này. Ví dụ khi một vụ việc đấu tranh chống tham nhũng kết thúc với những tài sản thu hồi được, người cung cấp thông tin ban đầu để làm sáng tỏ vụ việc trên có thể được hưởng một phần nào đó trong số tổng giá trị tài sản thu hồi, như vậy thì việc khuyến khích, động viên cho người cung cấp thông tin sẽ tăng lên. Trong lúc cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang gặp khó khăn thì việc tìm ra và thực hiện những giải pháp mới, có hiệu quả là rất cần thiết. Việc trả tiền cho người cung cấp thông tin, tuy đang có một số ý kiến khác nhau, song đó là giải pháp cần được cân nhắc, ủng hộ để cuộc đấu tranh PCTN của chúng ta đạt được những kết quả tích cực hơn. HOÀNG NAM BẰNG



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Để nông dân gắn bó với cây lúa hữu cơ

Để nông dân gắn bó với cây lúa hữu cơ
10:05 tối Thứ 6

QTO - Diện tích sản xuất lúa hữu cơ toàn tỉnh Quảng Trị đến năm 2024 là 346,58 ha. So với chỉ tiêu 1.000 ha đặt ra trong chương trình hành động thực hiện...

Đạo đức kinh doanh là thương hiệu bền vững

Đạo đức kinh doanh là thương hiệu bền vững
06:48 26/07/2014

(QT) - Tôi đến quán bún hến bà Hiền theo giới thiệu của một đồng nghiệp. Nói là quán chứ nhìn quanh chỉ có mươi cái ghế nhựa thấp, thực khách ngồi nép gọn vào một góc tường...

Từ câu chuyện Vị Xuyên

Từ câu chuyện Vị Xuyên
00:47 19/07/2014

(QT) - Vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp thân mật 80 cán bộ, chiến sĩ cựu binh đại diện cho Sư đoàn 356 tại Phủ Chủ tịch. Một thông tin thoạt tiên nghe có vẻ bình...

Thời tiết

25°C - 31°C
Có mây, có mưa rào
  • 24°C - 34°C
    Có mây, không mưa
  • 24°C - 33°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long