Cập nhật: Thứ 5, 14/10/2010 | 14:04 GMT+7

Một vài suy nghĩ về đổi mới công tác đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp

(QT) - Vấn đề đổi mới công tác đánh giá cán bộ là khâu quan trọng và quyết định đầu tiên, ảnh hưởng trực tiếp đến các khâu khác trong công tác cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ có ý nghĩa quyết định trong việc chọn lựa, bố trí được những cán bộ có đủ đức, đủ tài, có năng lực lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực được phân công đảm trách. Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá VII, Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 7 khoá VIII về công tác tổ chức, cán bộ đã chỉ rõ: “Quản lý và đánh giá cán bộ là khâu yếu nhất nhưng chậm khắc phục; quan điểm, phương pháp, tiêu chí đánh giá cán bộ chưa rõ ràng, nhất quán, chưa căn cứ trước hết vào kết quả thực hiện nhiệm vụ”. Vì vậy đòi hỏi cấp uỷ đảng, lãnh đạo các cấp cần phải đổi mới nhận thức về quan điểm, nội dung; cải tiến phương pháp, quy trình...nhất là việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cán bộ. Đây là một kênh thông tin quan trọng để cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị và cơ quan có thẩm quyền tham khảo, nhưng là yếu tố cơ sở đầu tiên và cơ bản nhất để các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bế giảng lớp tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận chính quyền. Ảnh: C.T.V

Tuy nhiên, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lâu nay chỉ mới đánh giá một số mặt ưu điểm, còn khuyết điểm, tồn tại ít được xem xét. Mặt khác, việc lấy phiếu tín nhiệm giới hạn ở một bộ phận cán bộ chủ chốt nên việc đánh giá cán bộ chưa toàn diện, chưa khách quan, chưa mở rộng dân chủ. Kể cả phiếu biểu quyết đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên hàng năm ở một số đơn vị thực hiện không theo đúng hướng dẫn quy định; tỷ lệ cán bộ, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có đơn vị đạt 100% là không thực chất; thậm chí có đơn vị 100% cán bộ, công chức được các cấp khen thưởng là không mang tính nêu gương, học tập… Những vấn đề nêu trên có nhiều nguyên nhân mà trước hết là phiếu biểu quyết, phiếu tín nhiệm chỉ nêu các tiêu chí về mặt ưu điểm, còn mặt khuyết điểm, yếu kém không được đề cập một cách cụ thể nên đối tượng được tham gia không bày tỏ chính kiến (có thể họ vẫn biết những khuyết điểm cán bộ của mình nhưng không được tham gia). Ngoài ra, vẫn còn một số ít cán bộ, đảng viên trong tự phê bình và phê bình còn có biểu hiện né tránh, ngại va chạm, ngại đấu tranh, cấp dưới không dám phê bình, góp ý với cấp trên, nhất là về công tác cán bộ. Để từng bước đổi mới công tác đánh giá cán bộ cần có những tiêu chí nội dung một cách cụ thể (nội dung đánh giá được thể hiện trên phiếu tín nhiệm cần phải có các tiêu chí cả về ưu điểm, những tồn tại khuyết điểm và các dấu hiệu vi phạm); đồng thời mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm trong toàn thể đội ngũ đảng viên và cán bộ, công chức trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm (trừ trường hợp cán bộ luân chuyển, điều động từ nơi khác đến). Về các tiêu chí đánh giá những mặt ưu điểm của cán bộ: (cần có 5 tiêu chí) Phẩm chất chính trị; đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật; trình độ, năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao; khả năng chiều hướng phát triển. Về các tiêu chí đánh giá những khuyết điểm và các dấu hiệu vi phạm của cán bộ (cần có 8 tiêu chí): Vi phạm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của cơ quan đơn vị; lãnh đạo, quản lý yếu kém; mất dân chủ, cục bộ, bè phái; vi phạm đạo đức, lối sống; quan liêu, tham nhũng, lãng phí; độc đoán, gia trưởng, trù dập; nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức cá nhân; lạm dụng tài sản, phương tiện của cơ quan đơn vị. Về các nội dung tiêu chí đánh giá cán bộ gồm có 5 tiêu chí đánh giá về ưu điểm, 8 tiêu chí đánh giá về những khuyết điểm, tồn tại hoặc có dấu hiệu vi phạm và 2 tiêu chí có tính chất tổng hợp đồng ý hoặc không đồng ý được thể hiện qua phiếu biểu quyết giới thiệu tín nhiệm cán bộ…(có thể vận dụng cho việc đánh giá đảng viên, cấp uỷ, lãnh đạo, cán bộ khi tổng kết hàng năm) Trong phiếu biểu quyết giới thiệu tín nhiệm cán bộ được đánh giá cụ thể như sau: 5 nội dung tiêu chí ưu điểm được đánh giá ở 3 mức độ tương ứng cho mỗi tiêu chí cụ thể: Tốt (T); Khá (K); Trung bình (TB). 8 nội dung tiêu chí khuyết điểm, tồn tại hoặc có dấu hiệu vi phạm đánh giá có (X) hoặc không có (0). 2 nội dung biểu quyết, nếu đồng ý hoặc không đồng ý thì đánh dấu (X) vào ô tương ứng và ô còn lại đánh dấu (0). Phân tích kết quả đánh giá phiếu biểu quyết tín nhiệm cán bộ: Nếu đạt 2/3 tiêu chí khá, tốt trở lên, dưới 20% tiêu chí khuyết điểm hoặc có dấu hiệu vi phạm và 50% trở lên biểu quyết đồng ý thì đủ điều kiện xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. Nếu đạt 2/3 tiêu chí khá, tốt trở lên nhưng có từ 20% đến dưới 50% tiêu chí khuyết điểm hoặc có dấu hiệu vi phạm thì căn cứ từng trường hợp cán bộ cụ thể để cân nhắc xem xét, cần thiết phải kiểm điểm để rút kinh nghiệm. Trường hợp không phụ thuộc vào các tiêu chí đánh giá nhưng có kết quả biểu quyết dưới 50% không đồng ý thì cần phân tích đánh giá, xem xét, cân nhắc cụ thể có đủ điều kiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại hay không. Trường hợp có từ 50% trở lên cho một tiêu chí cụ thể về khuyết điểm hoặc có dấu hiệu vi phạm thì phải kiểm điểm nghiêm túc về nội dung đó, nếu thực sự có vi phạm thì phải xem xét kỷ luật… Nếu có 2/3 tiêu chí trung bình trở lên và 50% trở lên tiêu chí chung về khuyết điểm hoặc có dấu hiệu vi phạm thì tuỳ theo tính chất mức độ để xử lý kỷ luật theo Pháp lệnh cán bộ công chức hoặc xử lý kỷ luật theo quy định của Điều lệ Đảng. Từ những ý tưởng về đổi mới công tác đánh giá cán bộ nêu trên xin được đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền quản lý về công tác cán bộ như sau: Việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ hết sức quan trọng, là tiền đề cơ bản để bố trí cán bộ có đủ đức và tài vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Do vậy, khi đánh giá cán bộ phải nắm chắc tiêu chuẩn quy định, lấy hiệu quả công tác thực tế, thông qua các chỉ tiêu cụ thể… Đây là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao; xem xét sự tín nhiệm của đảng viên, cán bộ công chức trong đơn vị, của cấp uỷ và nhân dân nơi cư trú; cần chú ý đánh giá về khả năng sáng tạo, tính quyết đoán và hiệu quả trong quản lý, điều hành. Trong sử dụng cán bộ phải thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “tránh thói ham dùng kẻ nịnh hót mình,chán ghét người chính trực, tham dùng người tính tình hợp với mình, tránh những người không hợp với mình”. Về đánh giá cán bộ: đối với các cơ quan tổ chức cán bộ nói chung và những người trực tiếp làm công tác tổ chức cán bộ nói riêng phải xem xét đánh giá cán bộ chính xác; vấn đề cơ bản là các cấp uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ một cách thường xuyên. Bên cạnh đó, các cơ quan tham mưu và những người làm công tác tổ chức cán bộ phải đề xuất chính xác, có chính kiến, trung thực, biết phân tích lựa chọn những thông tin, nghiên cứu chặt chẽ quá trình công tác và chiều hướng phát triển của cán bộ. Đặc biệt trong cân nhắc đề bạt, bố trí cán bộ cần phải “đúng người, đúng việc, đúng lúc”, “vì việc mà bố trí người, chứ không phải vì người mà bố trí việc”. Đối với những cán bộ có khuyết điểm hoặc có dấu hiệu vi phạm qua đánh giá từ kết quả phiếu giới thiệu tín nhiệm thì các cấp uỷ đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan đơn vị và cơ quan cấp trên có thẩm quyền cần chỉ đạo uỷ ban kiểm tra cấp uỷ các cấp xem xét, kiểm điểm nghiêm túc và cần thiết nên có các hình thức xử lý kỷ luật. Nếu làm được như vậy chắc chắn cán bộ khi đảm nhận chức vụ lãnh đạo, quản lý mới nhìn nhận được khuyết điểm, tồn tại của bản thân mình để khắc phục, sửa chữa. Với ý tưởng về đổi mới công tác đánh giá cán bộ, nhất là việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ cần được tổ chức thí điểm ở những cơ quan, đơn vị tình hình nội bộ thiếu sự đoàn kết thống nhất, có đơn thư khiếu nại tố cáo cán bộ, nhiều năm không hoàn thành nhiệm vụ chính trị; không được công nhận tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh... làm được như vậy mới đánh giá được cán bộ tốt hay xấu, đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm hay không hoặc cần thiết phải cân nhắc xem xét đối với những cán bộ có khuyết điểm, có dấu hiệu vi phạm. LÊ HỮU THỌ

(Trưởng Ban Tổ chức Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh Quảng Trị)



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Nhất thể hóa, mô hình mới cần được quan tâm

Nhất thể hóa, mô hình mới cần được quan tâm
05:42 13/10/2010

(QT) - Huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) được thành lập vào ngày 1/10/2004. Mặc dù thời điểm đó chưa có chủ trương như hiện nay nhưng do đặc thù của đảo, lãnh đạo tỉnh đã chọn mô...

POWERED BY
Việt Long