{title}
{publish}
{head}
Năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào Biển Đông, trong những chiếc tàu lao ra giữ chủ quyền biển đảo không chỉ có tàu của Hải quân mà cả tàu ngư dân. Một trong số những chiếc tàu ngư dân bị sự cố bốc cháy, hai đồng nghiệp của tôi đi trên chiếc tàu cá ấy sau này kể rằng khi tàu cháy, vật đầu tiên mà những ngư dân ôm theo cột chặt vào ngực chính là lá cờ Tổ quốc. Không chỉ là tình yêu thiêng liêng, mà còn nếu nhỡ không thể sống sót, nếu tìm được xác, lá cờ được cột chặt vào nhóm người chìm tàu ấy sẽ giúp người ta biết: đây là công dân Việt Nam!
Những lá cờ thiêng liêng
Câu chuyện lá cờ Tổ quốc và những ngư dân ấy đã gợi lên trong tôi bao nhiêu ký ức trong những tháng năm gắn bó với mảng đề tài chủ quyền biển đảo. Chuyến ra Trường Sa đầu tiên của tôi vừa tròn 15 năm trước. Đó là chuyến hải trình đặc biệt, chuyến tàu mang tên “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” số 01 do Bộ Tư lệnh Hải quân và Trung ương Đoàn tổ chức. Trưởng đoàn hành trình năm ấy (2009) là anh Phan Văn Mãi, khi ấy là Bí thư Trung ương Đoàn (hiện ông là Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh).
Di ảnh anh hùng liệt sĩ Vũ Quang Chương và nhành san hô tưởng niệm trên bàn thờ -Ảnh:L.Đ.D
Kể từ đó đến nay, cứ mỗi năm lại có một chuyến tàu của Trung ương Đoàn mang tên như thế với số hiệu chuyến đi tăng lên theo từng năm. Chuyến đi ấy, một trong những kỷ vật mà đoàn hành trình được quân dân huyện đảo trao tặng là lá cờ Tổ quốc. Lá cờ ấy đã kiêu hãnh tung bay trên cột mốc chủ quyền ở đảo Trường Sa Lớn. Sắc đỏ của cờ đã bạc theo nắng gió đại dương, hơi muối biển mặn đã thấm vào từng thớ sợi khiến vải cờ khô cứng.
Khi Thượng tá Nguyễn Xuân Phùng, Đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn thay mặt anh em chiến sĩ trên đảo trao lá cờ cho anh Phan Văn Mãi, trưởng đoàn hành trình và nghiêm chỉnh đưa tay chào theo điều lệnh - mở đầu cho đêm giao lưu giữa chiến sĩ trên đảo và đại biểu của đoàn, nhiều người không nén nổi xúc động.
Càng xúc động hơn khi sau đó, những công dân tý hon của Trường Sa đã đứng dưới cột mốc chủ quyền của đảo hát vang những bài ca thiếu nhi dành tặng cho đoàn. Trùng dương mênh mông nhưng đảo xa không bao giờ đơn lẻ, tiếng hát trẻ thơ và lá cờ kỷ vật ấy như một lời hứa với tiền nhân về sự tiếp nối bất tử của toàn vẹn chủ quyền.
Bài thơ “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của danh tướng Lý Thường Kiệt trên đảo Đá Tây -Ảnh:L.Đ.D
Biểu tượng cụ thể nhất của chủ quyền đất nước chính là quốc kỳ. Để giữ vững chủ quyền lãnh hải Tổ quốc, nhiều người lính Trường Sa quấn lá cờ trước ngực, lấy thân mình làm trụ cờ trước khi trúng đạn, rồi lá cờ thấm đẫm máu người lính Việt, cuốn lấy hình hài anh gục xuống nền san hô giữa đại dương như câu chuyện về anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương.
Người lính này đã ngã xuống trên đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 trong chiến dịch CQ88. Đã có những người lính nhà giàn giữ thềm lục địa trước khi nhà đổ, phút cuối cùng biết không thể thắng được sức mạnh cuồng phong đã ôm lấy lá cờ Tổ quốc như ôm lấy chính hình hài đất nước và thanh thản chìm vào sâu thẳm lòng đại dương.
Bao nhiêu câu chuyện về sự hy sinh lẫm liệt, về những máu xương ngã xuống bên sắc cờ Tổ quốc giữa trùng khơi, nhưng phải phút giây này, chuyền tay nhau ôm lá cờ đã thấm đẫm mưa nắng Trường Sa vào lòng, chúng tôi hiểu rằng giữa trùng dương cách trở với đất liền này, lá cờ là hiện thân gần gũi nhất của quê hương. Có phải thế chăng mà trên những đảo chìm, đảo nổi ở đây, chúng tôi luôn thấy hiện diện hình ảnh lá cờ với “mật độ” dày đặc.
Những tòa nhà trên đảo chìm được xây theo hình tháp khối đa giác. Ngoài lá cờ trên nóc, mặt tiền của tòa nhà đều được đúc hẳn lá cờ vào tường với ngôi sao vàng đắp nổi. Ở bất cứ phía nào từ biển, nhìn vào đảo chìm cũng thấy hình ảnh lá cờ nổi bật sắc đỏ thắm như một ấn chỉ thiêng liêng, như những câu thơ của Lý Thường Kiệt chúng tôi đã gặp ở Khu dịch vụ hậu cần nghề cá của Tổng Công ty hải sản Biển Đông trên đảo Đá Tây: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư...”.
Ôm cờ Tổ quốc chìm vào lòng biển
Cũng chuyến đi đó, trên hành trình trở về có một điểm dừng nữa là thăm một nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 1 trước đó, từ trên cabin của con tàu, các thành viên giao lưu cùng anh em chiến sĩ nhà giàn qua máy bộ đàm. Bây giờ chuyện ra Trường Sa và thềm lục địa với nhiều con tàu hiện đại hơn, đặc biệt ở các nhà giàn DK1 thế hệ mới, ngay cả khi biển động từ nhà giàn vẫn có hệ thống cẩu tự hành để đưa người và hàng lên.
Còn mười lăm năm trước, khi lần đầu đi qua mà không ghé lên được, chúng tôi đã vô cùng day dứt! Cũng chính vì niềm day dứt đó mà chỉ một tháng sau, chúng tôi đã quay trở lại với câu chuyện về hệ thống nhà giàn DK1 giữ thềm lục địa.
Và thêm một lần nữa, chúng tôi xúc động bởi câu chuyện về lá cờ Tổ quốc với những người lính DK1. Đấy là câu chuyện về sự hy sinh của anh hùng liệt sĩ Vũ Quang Chương, người anh hùng duy nhất cho đến nay của lực lượng DK1.
Anh Phan Văn Mãi, Bí thư Trung ương Đoàn nhận từ tay Thượng tá Nguyễn Xuân Phùng, Đảo trưởng Trường Sa Lớn lá cờ Tổ quốc đã bạc màu nắng gió trên cột mốc chủ quyền ở đảo (tháng 5/2009) -Ảnh:L.Đ.D
Đầu tháng 12/1998, cơn bão Faith quét qua vùng biển DK1, nơi có hàng trăm chiến sĩ hải quân đang đồn trú trên những nhà giàn chênh vênh giữa trùng khơi. Trong khi hàng ngàn tàu cá của ngư dân đã vào bờ trú ẩn an toàn thì ở các căn cứ hải quân Hải Phòng, Cam Ranh, Vũng Tàu, mọi người bắt đầu lo lắng về các nhà giàn, về tính mạng đồng đội.
Lệnh báo động từ Sở chỉ huy: tất cả các nhà giàn chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng đối phó với sóng gió và tình trạng rung lắc do bão gây ra, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra khi nhà giàn bị đổ. Đại úy Vũ Quang Chương, trong giờ phút sinh tử ấy vẫn không quên bổn phận của người chỉ huy, của một người lính đối với đồng đội và Tổ quốc mình.
Lo cho anh em trên giàn nhảy xuống biển xong, trước khi rời nhà giàn, anh cẩn thận đóng tất cả cửa lại, bởi vì nếu không đóng cửa, khi nhà giàn đổ thì anh em sẽ bị nước xoáy hút vào bên trong, không thể thoát ra được. Rồi Vũ Quang Chương nghiêm trang ôm lá cờ đỏ sao vàng vào ngực mình, gấp lại, mang theo. Nhà giàn đổ, Chương lao xuống biển và không hề biết đó là những giây phút cuối cùng của đời mình. Lúc đó là 3 giờ 50 phút sáng ngày 13/12/1998. Tròn 15 năm sau, cũng vào ngày 13/12/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Đại úy liệt sĩ Vũ Quang Chương.
Năm ấy, khi từ DK1 trở về, tôi đã tìm về Thái Bình, quê hương của liệt sĩ. Trên bàn thờ của anh có một cành san hô được đồng đội gửi về cho gia đình. Bởi anh hy sinh và không tìm thấy thi thể, nên cành san hô được lấy từ vùng biển anh ngã xuống ấy được gia đình coi như di cốt.
Và trong những chuyến ra Trường Sa, luôn có một lễ tưởng niệm những người lính hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của biển đảo Tổ quốc. Mỗi lần như thế, sắc đỏ trên màu cờ, sắc đỏ trên băng rôn tưởng niệm cùng soi vào mặt biển một màu lấp lánh như máu của những người lính ngã xuống năm nào...
Lê Đức Dục
Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Vương Đình Huệ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Quốc hội.
QTO - Trong những năm qua, Chương trình “Mái ấm công đoàn” được các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai, đông đảo công nhân, viên chức, lao...
QTO - Sức mạnh của lòng dân và tinh thần đoàn kết của Nhân dân xã Trung Sơn đã góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng 8/1945 trên địa bàn xã và...
(TG&VN) - Cách đây tròn 55 năm, ngày 2/9/1969 (tức ngày 21/7 Âm lịch), Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từ biệt chúng ta về cõi vĩnh hằng. Trái tim của Người ngừng đập...
QTO - Quảng Trị là địa phương có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 14% dân số toàn tỉnh, với 2 cộng đồng DTTS chủ yếu là Bru - Vân Kiều và Tà Ôi...
QTO - Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình lần thứ nhất đã dẫn lại tứ phát biểu của Phó Chủ tịch nước Võ...
QTO - Những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Quảng Trị trong thời gian qua rất đáng...
Sáng 29/8/2024, tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội), Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị quốc...
QTO - Xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, thời gian qua, Huyện ủy Triệu Phong triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực...
QTO - Quảng Trị là vùng đất nằm ở miền Trung có vị trí đặc biệt trong chiều dài của lịch sử dân tộc. Vùng đất này, phải chịu bao cuộc chiến tranh tàn phá...
QTO - Trong những năm qua, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn thị xã Quảng Trị luôn được duy trì, phát triển và lan tỏa sâu rộng, được...
QTO - Bằng nhiều giải pháp tích cực, phù hợp, các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp...