{title}
{publish}
{head}
Chốc chốc dưới lòng hồ vang lên tiếng hét thích thú khi một người bắt được con cá lớn. Trên bờ, những tiếng reo hò, vỗ tay tán thưởng của mọi người cộng hưởng làm cho không khí ngày hội thêm sôi động. Đó là hình ảnh và âm thanh sống động của Lễ hội “Phá Trằm” nhiều năm nay được tổ chức tại Khu Du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc, xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng. Lễ hội dân gian truyền thống này ngày càng được đông đảo du khách gần xa biết, đến tham gia và dần trở thành sản phẩm du lịch điểm nhấn của huyện Hải Lăng...
Lội bùn bắt cá ...
Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, ngoài các địa điểm du lịch hấp dẫn khác trong tỉnh thì Khu Du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc cũng trở thành điểm đến của hàng nghìn du khách gần xa và người dân trong tỉnh. Bởi tại đây diễn ra lễ hội “phá Trằm” đầy thú vị.
Người dân tham gia bắt cá bằng các dụng cụ thủ công như nơm, rớ... - Ảnh: ĐV
Ngay từ sáng sớm ngày tổ chức lễ hội (ngày 31/8), mọi ngã đường đổ về Trằm Trà Lộc đông nghịt người. Không khí lễ hội trở nên náo nhiệt hơn khi những người trực tiếp tham gia bắt cá chuẩn bị lỉnh kỉnh nào là nơm, dủi, rớ, lưới, vợt... sẵn sàng “xung trận”.
Sau một hồi trống lệnh của vị hội chủ làng, hàng trăm người ào ào lao xuống lòng hồ đã được rút cạn nước từ những ngày trước để đánh bắt cá. “Người bắt cá thể hiện sự thích thú khi bắt được con cá to là hét lớn lên và mọi người vỗ tay tán thưởng. Đó cũng trở thành nét đặc trưng dễ nhận biết tại lễ hội này”, một chủ nhà hàng tại Khu Du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc cho hay.
Theo quy định, người tham gia bắt cá tại lễ hội chỉ được dùng những công cụ thủ công như nơm, dập, dủi, rớ, vợt...; tuyệt đối không được sử dụng xung điện và các dụng cụ tận diệt nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho lễ hội các năm sau. Đánh bắt cá bằng công cụ thô sơ truyền thống không chỉ tạo cho những người trực tiếp tham gia có trải nghiệm đáng nhớ mà còn đem đến cho người xem sự hồi hộp, thích thú.
Chính vì vậy, mỗi dịp lễ hội “Phá Trằm” diễn ra đã thu hút hàng nghìn du khách đến xem và lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ. Anh Hồ Trọng Chinh, đến từ TP. Đà Nẵng cùng hai con trai nhỏ lội bùn bì bõm, dùng vợt bắt cá dưới lòng hồ một cách say sưa.
Người lấm lem bùn, anh Chinh khoe con cá diếc bằng bàn tay vừa bắt được, vui vẻ nói: “Tôi có quê vợ ở Quảng Trị nên biết đến lễ hội này, mỗi dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 tôi thường đưa vợ con ghé Trằm Trà Lộc vui chơi, ăn uống và cùng trải nghiệm bắt cá với các con. Đây là dịp hiếm hoi để cha con chúng tôi có những phút giây trải nghiệm đáng nhớ như trở về với tuổi thơ hồn nhiên, vui tươi. Vào dịp này, chúng tôi cũng sẽ mua thêm ít cá ngon về để gia đình sum vầy ăn lễ”.
Biết được thông tin lễ hội trên mạng xã hội, chị Phan Thị Mơ ở TP. Hà Nội đi du lịch dịp lễ ở Quảng Trị cũng tranh thủ ghé ngang Trằm Trà Lộc để tham quan, chụp lại những bức hình kỷ niệm. Chị Mơ nói rằng đã lâu lắm rồi mình mới được hòa vào không khí một lễ hội cộng đồng mang đậm chất thôn dã này.
“Thấy mọi người bắt cá vui vẻ, người xem cũng hào hứng khiến tôi vui lây. Đây là một lễ hội rất thú vị . Qua những bức hình và trải nghiệm có được, tôi sẽ giới thiệu đến những bạn bè, người thân để có dịp sẽ ghé thăm”, chị Mơ chia sẻ.
Ông Lê Đình Niềm, Hội chủ làng Trà Lộc cho biết, lễ hội đã có từ hơn 300 năm nay. Đây được xem là ngày hội thuần nông của những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè thu hằng năm. Người dân ở Trà Lộc cho rằng, Trằm là do trời đất ban tặng, do vậy sau một năm vất vả, bà con nông dân được “phá Trằm”, được mang chút phước lộc của trời đất về cho mình để được may mắn trong năm.
Tăng thêm sức hút cho “lá phổi xanh” Trà Lộc
Trằm Trà Lộc là một khu rừng tự nhiên, ở trung tâm có một hồ nước rộng đã tồn tại đã hàng trăm năm qua, được người dân địa phương gìn giữ bao đời nay.
Tại đây có di tích tháp chàm Trà Lộc đã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2003. Khu Du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc có diện tích 100 ha, trong đó diện tích lòng hồ là 10 ha. Ngày 30/8/2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã có quyết định công nhận điểm du lịch cộng đồng sinh thái Trà Lộc.
Ước tính lễ hội “Phá Trằm” Trà Lộc năm 2024 đã thu hút trên 5.000 lượt khách gần xa tham gia, trong đó có khoảng hơn 600 người trực tiếp tham gia đánh bắt cá trong lòng hồ. Trước đây, lễ hội “Phá Trằm” được tổ chức ngay sau khi thu hoạch vụ lúa hè thu nhưng những năm gần đây, nhằm thu hút du khách ở xa đến với lễ hội, Ban Quản lý Khu Du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc đã dời mốc tổ chức vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Chính vì thế, du khách đến với lễ hội ngày càng đông hơn. Hiện nay chính quyền địa phương đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch của địa phương. |
Anh Lê Quang Diệu, Trưởng thôn, Trưởng Ban điều hành Làng văn hóa Trà Lộc cho biết, được sự quan tâm đầu tư của tỉnh và huyện Hải Lăng, đến nay các công trình xây dựng cơ bản và hệ thống giao thông trong Khu Du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc; giao thông kết nối khu du lịch này với các nơi khác đã được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại, phục vụ du lịch. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Khu Du lịch sinh thái Trằm Trà Lộc ngày càng được mở rộng, có thêm nhiều dịch vụ, trở thành điểm đến bổ ích cho du khách gần xa trong những dịp lễ của quê hương, đất nước.
Đến với Trằm Trà Lộc, du khách được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên trữ tình thơ mộng, được thưởng ngoạn, hít thở bầu không khí trong lành, mát mẻ của “lá phổi xanh” giữa miền cát trắng, hòa quyện với hương sen, hương lúa nồng ấm tình quê. Theo anh Diệu, lễ hội đã diễn ra thành công với không khí đoàn kết, vui tươi, bổ ích và lành mạnh. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông được đảm bảo tốt và tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Cáp Xuân Tá cho biết: “Phá Trằm thực chất là vệ sinh lòng hồ, bắt cá, giữ gìn môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp. Qua lễ hội càng thắt chặt thêm mối quan hệ đoàn kết, gắn bó của cộng đồng dân cư. Những năm qua, huyện Hải Lăng rất quan tâm đến phát triển du lịch, trong đó có lễ hội “Phá Trằm” Trà Lộc. Lễ hội văn hóa dân gian này sẽ tạo ra sản phẩm du lịch điểm nhấn độc đáo trên địa bàn”, ông Tá thông tin.
Đức Việt
QTO - Nằm ở khu vực Trung Trường Sơn về phía Tây tỉnh Quảng Trị, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bắc Hướng Hóa nổi bật với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hệ...
QTO - Những năm gần đây, ngành du lịch của thị xã Quảng Trị đang có bước chuyển mạnh mẽ, tích cực. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện môi...
QTO - Lễ hội “Phá trằm” Trà Lộc năm 2024 diễn ra vào ngày 31/8 thu hút hàng nghìn người dân và du khách trong và ngoài nước tham gia. So với những năm...
QTO - Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ hội đủ các yếu tố để trở thành tam giác du lịch độc đáo, thu hút du khách. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh Quảng...
QTO - Du lịch làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giúp du khách hiểu hơn về ý nghĩa và tinh hoa văn hóa địa phương kết tinh trong từng sản...
QTO - Tỉnh Quảng Trị là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nguồn tài nguyên vô giá để bảo tồn, tôn tạo, phục vụ khai thác phát triển du lịch đúng...
QTO - Với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng, cùng hệ sinh thái rừng và biển đẹp, đa dạng, huyện đảo Cồn Cỏ đang tập trung khai thác lợi thế để...
QTO - Với cảnh quan hoang sơ, bờ biển đẹp, bãi cát phẳng, trải dài, những rặng phi lao ken dày tạo thành không gian xanh mát, bãi tắm Nhật Tân, xã Triệu...
QTO - Hoa dại góp phần làm cho Đà Lạt thêm thơ mộng, quyến rũ và đáng yêu.
BBK - Sáng 08/7, tại thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Bắc Kạn chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên tổ chức Hội nghị xúc tiến...
QTO - Xác định du lịch biển có vị trí quan trọng trong phát triển KT-XH, thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư và kêu gọi nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ...
QTO - Lễ hội Vì Hòa bình lần đầu tiên tổ chức tại Quảng Trị vào tháng 7/2024. Lễ hội có không gian mở, trong đó các địa điểm chính gồm Cụm di tích quốc gia...