Cập nhật:  GMT+7

Quan tâm hỗ trợ phát triển du lịch làng nghề truyền thống

Du lịch làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giúp du khách hiểu hơn về ý nghĩa và tinh hoa văn hóa địa phương kết tinh trong từng sản phẩm làng nghề cũng như nâng cao thu nhập cho người dân khi bán các sản phẩm cho du khách. Tuy nhiên, du lịch làng nghề truyền thống hiện vẫn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng.

Quan tâm hỗ trợ phát triển du lịch làng nghề truyền thống

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và Sở VH,TT&DL trao giải thưởng cho nhóm học sinh làm clip quảng bá du lịch làng nghề truyền thống nón lá Trà Lộc -Ảnh: TÚ LINH

Tour du lịch giáo dục trải nghiệm của Công ty Amazing English Tour (AET) do bà Nguyễn Thị Hải Oanh làm giám đốc thường đưa du khách là học sinh tìm hiểu làng nghề truyền thống nón lá Bố Liêu ở xã Triệu Hòa (Triệu Phong) và thôn Trà Lộc, xã Hải Hưng (Hải Lăng).

Ngay trước khi bước vào cổng chào làng Bố Liêu, xã Triệu Hòa, các em nhìn thấy hình ảnh nên thơ là chiếc nón lá được cách điệu bằng vật liệu cứng rồi gắn vào phía bên phải trên cổng, làm biểu tượng nổi bật của làng nghề làm nón lá truyền thống hơn 100 năm. Tìm hiểu nghề làm nón lá Bố Liêu, các học sinh không chỉ hiểu thêm giá trị tinh hoa của văn hóa Việt, còn được đắm mình trong không gian của một làng quê truyền thống.

Tại làng nghề truyền thống nón lá Trà Lộc, xã Hải Hưng, học sinh cùng trải nghiệm các công đoạn làm nón; càng thú vị hơn còn được mang chiếc nón lá tự tay mình làm về kỷ niệm.

Em Nguyễn Hồng Sơn, một du khách của tour du lịch giáo dục trải nghiệm của Công ty AET cho biết, rất thú vị khi được tự tay làm nón lá. Trước đó khi thấy mẹ và các cô đội những chiếc nón lá đẹp, em luôn băn khoăn vì sao các người thợ thủ công đã làm được chiếc nón lá đẹp vậy. Nay được trải nghiệm, em hiểu thêm được những tinh hoa mà làng nghề gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ phát huy giá trị chiếc nón lá trong cuộc sống.

Đại diện Tổ hợp tác sản xuất nón lá Trà Lộc của làng nghề truyền thống nón lá Trà Lộc ở xã Hải Hưng cho biết, hiện có gần 250 hộ tham gia sản xuất nón lá. Làm ra một sản phẩm nón lá phải qua nhiều công đoạn.

Nguyên liệu thô để sản xuất được khai thác từ các huyện miền núi trong tỉnh sau đó về trải qua quá trình công phu mới có được nguyên liệu vừa ý nhằm tạo ra chiếc nón lá đẹp. Hằng năm, các hộ dân của làng nghề và tổ hợp tác sản xuất được hơn 30 nghìn sản phẩm nón lá, phục vụ người sử dụng trong và ngoài tỉnh.

Trước yêu cầu của thị trường, những người thợ làng nghề truyền thống nón lá Trà Lộc không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Cùng với đó, các đơn vị liên quan của huyện Hải Lăng và tỉnh Quảng Trị đã tổ chức tập huấn cho các lao động có thêm kỹ năng thêu và vẽ trên nón lá nhằm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Nhờ vậy, nhiều du khách tìm đến với làng nghề, mua nhiều sản phẩm sử dụng và làm kỷ niệm.

Bà Nguyễn Thị Hải Oanh cho biết thêm, tiềm năng du lịch, trải nghiệm các làng nghề truyền thống của tỉnh khá lớn. Hiện công ty đang khảo sát thêm một số làng nghề truyền thống để thiết kế các tour phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng du khách.

Toàn tỉnh hiện có 15 làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống được công nhận, trong đó nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Có 2 làng nghề đó là làng nghề chổi đót Văn Phong (Hải Lăng), làng nghề cao dược liệu Định Sơn (Cam Lộ). 11 làng nghề truyền thống gồm: làng nghề chế biến rượu Kim Long, nước mắm Mỹ Thủy, bánh ướt Phương Lang, nón lá Trà Lộc, nón lá Văn Quỹ, nón lá Văn Trị (Hải Lăng); nón lá Bố Liêu, nước mắm Gia Đẳng, bún Linh Chiểu, bún Thượng Trạch (Triệu Phong); bún, bánh Cẩm Thạch (Cam Lộ). 2 nghề truyền thống là giá đỗ Lam Thủy, mứt gừng Mỹ Chánh (Hải Lăng).

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nguyễn Đức Tân cho biết, làng nghề truyền thống đã và đang trở thành một phần quan trọng để phát triển du lịch. Hàng thủ công do làng nghề truyền thống làm ra được xem như biểu tượng văn hóa, nghệ thuật của mỗi vùng quê, là nhân tố hấp dẫn du khách.

Điển hình trong việc phát triển làng nghề gắn với du lịch là làng nón Trà Lộc. Người dân ở đây khá nhạy bén khi có nhiều hình thức mời du khách tham gia vào quá trình làm nghề, quảng bá tốt, tạo được sự hứng thú cho khách du lịch. Giữa du lịch và làng nghề truyền thống có mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ, tác động lẫn nhau.

Làng nghề không chỉ sản xuất ra những sản phẩm thủ công đặc biệt, có giá trị sử dụng và giá trị nghệ thuật cao, mà còn là tài nguyên du lịch, làm cho hoạt động du lịch được phong phú, đa dạng. Chiều ngược lại, hoạt động du lịch, mua sắm, tham quan của du khách sẽ góp phần quảng bá, phát triển làng nghề bền vững hơn.

Tuy nhiên, phần lớn các làng nghề truyền thống ở Quảng Trị chưa chú ý nhiều đến việc gắn sản phẩm với du lịch, mặc dù có chủ trương từ cấp quản lý gắn làng nghề với phát triển du lịch. Thực tế các làng nghề chưa có những điều kiện để trình diễn sản phẩm, phục vụ khách tham quan. Sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch chưa cao.

Điều quan trọng cần thay đổi là phần lớn các làng nghề đang sản xuất cái đang có chứ chưa sản xuất cái khách du lịch cần. Các đơn vị làm du lịch tuy có nhiều chú ý đến các làng nghề truyền thống nhưng cũng chưa mặn mà lắm với việc đưa các làng nghề vào sản phẩm tour, tuyến của mình.

Theo ông Nguyễn Đức Tân, tiềm năng du lịch làng nghề truyền thống của tỉnh là không thể phủ nhận, tiền đề để tiến đến phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Song để phát triển du lịch làng nghề cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm tránh lãng phí nguồn tài nguyên quý giá này. Để các làng nghề tự mình tiếp thị và gắn kết với du lịch thì rất khó nên cần sự khâu nối để điều phối phân khúc này.

Trước mắt, cần chủ động bán các sản phẩm thủ công truyền thống của làng nghề tại các điểm du lịch để du khách từng bước có thêm thông tin đến với làng nghề. Cần tổ chức không gian trưng bày làng nghề của toàn tỉnh tại vị trí thích hợp nhằm quảng bá sản phẩm đến du khách.

Về lâu dài, muốn làng nghề trở thành điểm du lịch hấp dẫn, cần đầu tư về hạ tầng giao thông, cơ sở đón tiếp khách, điểm trình diễn; đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá. Đặc biệt là hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự thống nhất trong các chủ trương, chính sách với các giải pháp đồng bộ nhằm khuyến khích, hỗ trợ du lịch làng nghề truyền thống phát triển.

Tú Linh

Tin liên quan:

Tú Linh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Mùa Cỏ hồng Đà Lạt

Mùa Cỏ hồng Đà Lạt
2024-11-21 12:14:00

QTO - Mùa mưa, Cỏ hồng ken dày như thảm nhung xanh khổng lồ, mùa khô hồng rực như làn môi thiếu nữ. Cảm kích trước tình yêu bất diệt của KaHồng, sau khi...

Hoa dại Đà Lạt

Hoa dại Đà Lạt
2024-07-12 20:53:00

QTO - Hoa dại góp phần làm cho Đà Lạt thêm thơ mộng, quyến rũ và đáng yêu.

Xúc tiến du lịch Việt Bắc tại Đà Nẵng

Xúc tiến du lịch Việt Bắc tại Đà Nẵng
2024-07-09 16:47:00

BBK - Sáng 08/7, tại thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Bắc Kạn chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên tổ chức Hội nghị xúc tiến...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long