{title}
{publish}
{head}
Tác nghiệp ở Trường Sa và Nhà giàn DK1 là trải nghiệm đặc biệt đan xen cảm xúc khó quên của tôi và một số anh chị em báo chí trong chuyến công tác vào tháng 4/2024. Với kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh và tố chất của mỗi người, nhất là tình yêu dành biển đảo quê hương, chúng tôi ai cũng muốn khám phá, có những tác phẩm hay phản ánh chân thật, sinh động về cuộc sống, tình cảm, trách nhiệm của quân và dân trên các đảo, Nhà giàn DK1 đối với đất nước.
Thượng úy Lê Đức Anh, đảo Sinh Tồn Đông (người Quảng Trị) trả lời phỏng vấn -Ảnh: VĂN CẦN
Cảng quốc tế Cam Ranh, một buổi sáng cuối tháng Tư. Tàu KN 390 kéo những hồi còi dài chào bến rồi bắt đầu chuyến hải trình đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Len lỏi qua cửa vịnh Cam Ranh đẹp và hùng vĩ, chỉ vài giờ phía sau tàu KN 390, đất liền chỉ còn lại những vệt tím xanh ở phía trời xa giữa bốn bề sóng nước đại dương hòa lẫn với mây trời. Nhờ có những đụn mây trắng lang thang trên bầu trời tháng Tư xanh ngắt, tôi mới có thể phân biệt được trời và biển.
Gió nồm lên, sóng vỗ nhẹ mạn tàu, xa xa chấp chới cánh hải âu vờn trên sóng nước. Màn đêm buông xuống, tàu KN390 vẫn lầm lụi trong đêm theo nhịp lắc đều đều của biển. Các nhà báo trên tàu chắc cũng có tâm trạng như tôi: háo hức xen với trăn trở, suy tư về đề tài sắp tới... Làm sao vừa phản ánh chính xác các hoạt động của đoàn công tác, vừa phải tranh thủ thời gian để ghi những thước phim quý giá, chân thực về cuộc sống của bộ đội, Nhân dân trên các đảo ở Trường Sa và Nhà giàn DK1 là điều khiến chúng tôi trăn trở. Rồi phải làm gì để máy móc, thiết bị hoạt động bình thường ở một nơi không có cơ hội sửa chữa nếu xảy ra sự cố...
Thực tế những ngày tác nghiệp trên biển đảo, hầu hết phóng viên ảnh, quay phim ngày nào cũng gặp phải sự cố kỹ thuật. Đó là mỗi sáng từ phòng ngủ lạnh bước lên boong chuẩn bị xuống đảo, gặp hơi nước ống kính bị ẩm. Tận dụng sức nóng tỏa ra từ khoang động cơ, cánh phóng viên xúm vào sấy máy. Có hôm phải loay hoay vài chục phút máy ảnh, máy quay phim mới trở lại bình thường. Vì vậy, tôi đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối mặt với môi trường làm việc nhiều khó khăn, thử thách.
Với những chuyến hải trình dài ngày, nếu không quen sóng gió bị say sóng là chuyện bình thường. Khi bị say sóng, trời đất như xoay tròn, người chếnh choáng, sức lực bị vắt kiệt, cầm bát ăn chẳng nổi nói gì đến tác nghiệp, sáng tác, quay phim... Chính vì vậy, một ngày trước khi rời bến, các bác sĩ quân y Vùng 4 Hải quân kiểm tra sức khỏe cho các thành viên đoàn công tác. May sao, chuyến hải trình vào cuối tháng Tư biển khá êm, người bị say sóng không nhiều.
Hướng dẫn cano cập bến đảo Đá Đông B -Ảnh: VĂN CẦN
Sau gần hai ngày và một đêm miệt mài trên biển, tàu KN 390 đưa chúng tôi đến Song Tử Tây, một hòn đảo nổi nằm trong cụm Song Tử, cách đất liền khoảng 600 km. Song Tử Tây nổi bật giữa biển khơi với sắc màu xanh mướt, đầy sức sống của những rặng phi lao, phong ba, bàng vuông, mù u, dừa... là biểu tượng sự kiên cường của Trường Sa.
Theo lệnh của trưởng đoàn, các phóng viên, nhà báo được ưu tiên lên đảo trước và “đặc quyền đến trước - về sau” được lặp lại cho đến hết chuyến đi. Nói sao hết sự vui sướng khi phút giây được đặt chân lên đảo. Tiếng lạo xạo của cát, san hô vụn vang lên theo mỗi bước chân. Những cây muống biển nở hoa tím ngát giữa chiều hè... Ước mơ một lần được đến “Mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà...” đã thành hiện thực.
Tác nghiệp cùng tôi là phần lớn các nhà báo còn rất trẻ, mới đến Trường Sa lần đầu, thế nhưng họ đã gây ấn tượng mạnh bởi sự nhanh nhẹn, xông xáo, nhiệt tình và cởi mở.
Các phóng viên: Chu Văn Vui, Đặng Trần Mỹ Hạnh của VTV, Ngô Tùng, Báo Tiền Phong và nhiều phóng viên các báo: Tuổi trẻ, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng Thông tin Chính phủ, đài, báo các địa phương... ai cũng thấy tự hào được gánh vác trách nhiệm khi tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Thời gian đến với mỗi đảo, nhà giàn chỉ hơn một tiếng, chúng tôi tranh thủ hết thời gian, ai vào việc nấy, từ tiếp cận, tìm hiểu nhân vật, khai thác những câu chuyện, tỉ mỉ ghi chép đến chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn...
Ở đây có bao nhiêu nhân vật là bấy nhiêu câu chuyện ấn tượng sâu sắc để khai thác và càng trân trọng hơn những gì mình có ở đất liền. Đó là những người lính tự nguyện bám trụ ở Trường Sa nhiều năm, là những người dân xung phong ra đảo lập nghiệp, xem Trường Sa là quê hương mới...
Với tôi, nhiệm vụ chính là phải phản ánh đầy đủ hoạt động của đoàn công tác lãnh đạo tỉnh Quảng Trị nhưng cũng dành một phần thời gian quý giá để ghi hình các hoạt động diễn ra sôi nổi ở đây.
Tôi gặp chị Trần Thị Liên quê ở Quảng Bình cùng chồng đến đảo Song Tử Tây sinh sống đã gần 4 năm nay. Trên đảo nhỏ giữa trùng khơi, hầu như chẳng có sự phân biệt giữa quân và dân. Nhiều năm qua, vợ chồng chị Liên và Nhân dân trên đảo Song Tử Tây đóng góp nhiều ngày công cùng bộ đội xây dựng các công trình như: Trụ sở UBND xã, nhà văn hóa, trường học, khu làng chài, bệnh xá, tượng Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, chùa Song Tử Tây... đặc biệt là cải tạo đất, tích cực trồng trọt, chăn nuôi, thực hiện chương trình “Xanh hóa Trường Sa”.
Chị Liên cho biết: “So với đất liền thì điều kiện ở đây thiếu thốn hơn, nhất là về mùa đông. Tuy vậy, được cả nước quan tâm giúp đỡ về mọi mặt nên đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trên các đảo ở Trường Sa ngày càng nâng cao, nhà nào cũng có điện thắp sáng, có ti vi, điện thoại... Gia đình tôi cùng người dân ở đây nguyện gắn bó lâu dài với bộ đội và đảo Song Tử Tây”.
Dù thời gian lưu lại trên các đảo rất ngắn nhưng đoàn công tác tỉnh cũng dành thời gian để thăm hỏi các chiến sĩ hải quân là người Quảng Trị. Thật may, được gặp Thượng úy Lê Đức Anh ở đảo Sinh Tồn Đông và Trung úy Đỗ Hồng Quân ở Đảo Tây A. Chỉ cần nghe chất giọng tôi không những biết anh là người Quảng Trị mà còn là người ở Vĩnh Linh.
Trung úy Đỗ Hồng Quân cho biết: “Em nghe nói trong đoàn công tác có người Quảng Trị, được gặp các anh chị em rất vui. Trên đảo Đá Tây A này có 4 anh em là người Quảng Trị, chúng em xem nhau như ruột thịt. Có đồng đội, có đồng hương Quảng Trị là có sự động viên chia sẻ buồn vui của từng người lính”.
Câu chuyện giữa chúng tôi và Quân diễn ra thân mật tự nhiên như đã quen biết nhau từ lâu rồi. Lúc chia tay, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng hỏi: “Chú có nhắn gửi gì về gia đình không”. Quân trả lời: “Cảm ơn anh, em vẫn hay gọi về nhà, mọi người ở quê thấy chúng em trên truyền hình mạnh khỏe là vui rồi”. Cái bắt tay thật chặt của đồng chí lãnh đạo tỉnh với người chiến sĩ đồng hương như truyền niềm tin, sức mạnh cho những người lính thêm vững lòng canh giữ biển trời của Tổ quốc.
Hải trình đi qua đảo Len Đao vào chiều 30/4 nhân kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tàu KN 390 buông neo hướng về Gạc Ma cách đó không xa. Đoàn công tác đã làm lễ tượng niệm các chiến sĩ hải quân anh dũng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Vào ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền của Việt Nam, khi đang làm nhiệm vụ xây dựng đảo, 64 chiến sĩ bất ngờ bị quân thù bao vây và cuộc chiến đấu không cân sức đã diễn ra. Với tinh thần bất khuất, các chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh đến người cuối cùng, tạo thành “Vòng tròn bất tử”.
Trong buổi hoàng hôn tĩnh lặng nhuốm màu vàng tím trên biển, các thành viên đoàn công tác đã kính cẩn nghiêng mình thắp nén tâm nhang tưởng nhớ các liệt sĩ đã nằm lại với biển đảo thân yêu. Nhiều thành viên trong đoàn đã khóc. Trong thời khắc linh thiêng giữa ngày và đêm ở đảo Len Đao, các phóng viên ghi được những hình ảnh cảm động này không chỉ bằng những chiếc máy ảnh, máy quay phim mà có sự cảm xúc trào dâng của từng cây bút.
Làm báo ở Trường Sa và nhà giàn DK1 là những trải nghiệm thật đặc biệt. Lần đầu tiên chúng tôi được cảm nhận thay đổi múi giờ trên lãnh thổ Việt Nam tại đảo Song Tử Tây. Đêm đêm, ngọn hải đăng trên đảo An Bang chớp sáng, gửi tín hiệu vào không gian cho tàu thuyền qua lại trong vùng, đồng thời khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Đó là hình ảnh những cây bàng vuông gân guốc, là rặng phi lao mềm mại “sáng tác” ra điệu nhạc vi vu bất tận hay những cây dừa nghiêng bóng đón bình minh sớm nhất trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là những em bé sinh ra ở Trường Sa chưa một lần được đến đất liền, thích thú với chiếc xe đạp mới tinh vừa được tặng. Các em gái lóng ngóng tập đạp xe, tiếng cười giòn tan hòa vào sóng biển. Những cô cậu nhỏ chụm đầu vào quyển truyện tranh với ánh mắt long lanh... Những đàn hải âu sà xuống bãi cát vàng đảo An Bang như cánh cò quê mỗi chiều về. Tất cả gợi nhớ về hình ảnh nông thôn Việt Nam thanh bình giữa Trường Sa đầy nắng gió.
Trở lại đất liền nhưng Trường Sa và Nhà giàn DK1/8 Quế Đường xa xôi giữa trùng khơi sóng biển vẫn in đậm trong ký ức và cuộc đời làm báo của tôi cũng như những ai đã đến nơi này. Nếu có dịp, tôi sẽ trở lại để ngắm nhìn vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của Trường Sa và viết về những con người bình dị, kiên cường nơi đây...
Văn Cần
QTO - Gần tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025, rất nhiều người thông báo trên các trang mạng xã hội về kế hoạch sản xuất và cung ứng món ăn truyền thống như: giò...
QTO - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 151/2024/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 151) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an...
QTO - Chủ đề năm An toàn giao thông 2024 được xác định là “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Thực hiện chủ đề này, lực lượng...
QTO - Làm đẹp là nhu cầu thiết yếu của phụ nữ, tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện “túc trực” tại các tiệm make up, studio để trang điểm trước khi đi...
QTO - Cùng với hơn 1 triệu thí sinh trong cả nước, trong 2 ngày 27- 28/6/2024, 8.402 thí sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
QTO - Gia đình là tổ ấm để yêu thương. Trước thực tế xã hội, hiện tại hệ giá trị của gia đình Việt Nam đang có những biến đổi nhất định. Vì thế việc bảo...
QTO - Huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cấp ủy đảng, chính quyền, các cấp, ngành tại địa phương. Để...
QTO - Những câu chuyện của chiến tranh làm nên giá trị hòa bình. Những câu chuyện về sự hồi sinh trên mảnh đất Quảng Trị góp phần tôn lên giá trị của hòa...
QTO - Tổ chức chiến dịch truyền thông là một trong những hoạt động được ưu tiên khi thực hiện giải pháp tuyên truyền trong quá trình triển khai Chương...
QTO - Ông Nguyễn Trung Thanh, 68 tuổi, ở thôn Bắc Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh là thương binh 1/4. Phát huy bản chất người lính trong hòa bình, mặc...
QTO - Sau khi chiến tranh kết thúc, những người lính ở hai bên chiến tuyến không bao giờ nghĩ rằng có một ngày mình sẽ đặt chân đến đất nước của nhau để...
QTO - “Tuần lễ hồng EVN” là chương trình hiến máu tình nguyện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát động, đã được Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị)...