Cập nhật:  GMT+7

Kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm từ dịch vụ nấu ăn lưu động

Thời gian qua trên địa bàn tỉnh loại hình kinh doanh dịch vụ nấu ăn lưu động phục vụ tiệc, hội họp, đám cưới, đám giỗ... phát triển mạnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu xã hội, tuy nhiên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể. Vì vậy, kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của dịch vụ nấu ăn lưu động cần được quan tâm hơn.

Kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm từ dịch vụ nấu ăn lưu động

Tập huấn về ATVSTP cho các cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động tại Vĩnh Linh -Ảnh: TÚ LINH

Một tuần trước khi nhà có giỗ, bà Đỗ Thị Ch. ở thị trấn Hải Lăng, huyện Hải Lăng đã đặt một cơ sở nấu ăn lưu động tại địa phương làm 5 mâm mời họ hàng với số tiền 800.000 đồng/mâm/10 người. Khi được hỏi về việc đảm bảo ATVSTP, bà Ch. thú nhận chỗ quen biết nên chưa quan tâm lắm về vấn đề này.

“Vì không có điều kiện để tự nấu nên mỗi khi nhà có việc hiếu, hỷ, tôi thường đặt cho các cơ sở nấu ăn gần nhà, thực đơn phong phú và giá cả phải chăng, rất thuận tiện. Giữa tôi và nhóm nấu ăn chỉ thỏa thuận miệng về thực đơn, số mâm, giá cả. Nhiều gia đình tại địa phương cũng đặt như tôi, chứ không có hợp đồng cam kết trách nhiệm bảo đảm ATVSTP. May mắn là chưa xảy ra vấn đề gì về ngộ độc thực phẩm”, bà Ch. chia sẻ.

Là người nấu ăn phục vụ nhu cầu của người dân của vùng miền Tây huyện Gio Linh hơn 10 năm nay, chị Hoàng Thị Tuy ở xã Gio An cho biết, để thành lập cơ sở, chị làm các thủ tục cần thiết như giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATVSTP, giấy chứng nhận sức khỏe đối với người trực tiếp chế biến và thực hiện đầy đủ chế độ kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn trong quá trình nấu phục vụ thực khách.

Cùng với việc quản lý nghiêm ngặt đảm bảo ATVSTP, giá cả phù hợp nên mỗi tháng trung bình chị phục vụ 3-5 tiệc cưới, chưa kể tiệc sinh nhật, giỗ, chạp, giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động. “Chúng tôi luôn chú trọng khâu lựa chọn, bảo quản thực phẩm, nhất là mùa nắng nóng. Do đặc thù dịch vụ nấu ăn lưu động, không có địa điểm cố định nên thường sơ chế nguyên liệu trước khi vận chuyển đến nơi tổ chức tiệc, vì vậy việc bảo quản rất quan trọng”, chị Tuy cho hay.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu, trên địa bàn có 3 cơ sở nấu ăn lưu động đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Ngoài ra, tất cả các chủ kinh doanh dịch vụ ăn uống khác đều được tập huấn kiến thức về ATVSTP và khám sức khỏe định kỳ. Nếu cơ sở nấu ăn lưu động nào ở bên ngoài, được thuê đến phục vụ tại địa bàn của xã thì phải xuất trình được giấy tờ hợp lệ và ký cam kết đảm bảo ATVSTP mới được phép phục vụ. Nhờ vậy công tác ATVSTP trên địa bàn luôn được đảm bảo, người dân khá yên tâm.

Xác định dịch vụ nấu ăn lưu động là loại hình có nguy cơ cao trong việc gây ra ngộ độc thực phẩm đông người, mới đây, Trung tâm Y tế huyện Gio Linh tổ chức hội nghị quán triệt các quy định của pháp luật đối với cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động. Các chủ cơ sở được hướng dẫn, bổ sung kiến thức về cách chọn nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, cách truy xuất nguồn gốc và các quy định về ATVSTP trong quá trình chế biến. Vì vậy, trên địa bàn huyện Gio Linh đã kiểm soát khá tốt vấn đề ATVSTP.

Tuy nhiên không phải cơ sở nấu ăn nào trên địa bàn tỉnh cũng tuân thủ các quy trình đảm bảo ATVSTP. Vụ ngộ độc thực phẩm tại một đám cưới ở xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, do cơ sở nấu ăn lưu động của bà T.T.C. chế biến vào ngày 15/5/2023 đã làm cho 48/530 người sau khi tham gia tiệc phải điều trị. Điều đáng nói, cơ sở nấu ăn lưu động này không có các giấy tờ cần thiết như giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATVSTP, giấy chứng nhận sức khỏe đối với người trực tiếp chế biến, hợp đồng mua bán thực phẩm.

Chủ cơ sở đã bị cơ quan chức năng xử phạt 22,5 triệu đồng vì vi phạm quy định ATVSTP. Trước đó, năm 2020, tại xã Hải Quế, huyện Hải Lăng xảy ra vụ ngộ độc tập thể từ tiệc cưới làm ảnh hưởng sức khỏe 36 người. Nguyên nhân là do người nấu ăn và các gia đình chưa tuân thủ quy định về bảo đảm ATVSTP trong khâu chế biến, bảo quản.

Trưởng Phòng Nghiệp vụ Chi cục ATVSTP tỉnh Phan Thị Thảo Vinh cho biết, theo phân cấp quản lý thì cấp xã quản lý loại hình nấu ăn lưu động. Tuy nhiên, cán bộ làm công tác ATVSTP ở cấp xã chủ yếu kiêm nhiệm, hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ; phần lớn chưa nắm bắt, thống kê được đầy đủ các cơ sở dịch vụ nấu ăn; khi đi giám sát, kiểm tra cũng chỉ bằng cảm quan, chưa thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm đánh giá chất lượng thực phẩm.

Để quan tâm hơn nữa đối với ATVSTP, từ đầu năm 2024 đến nay, chi cục đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho các cơ sở nấu ăn lưu động trên địa bàn toàn tỉnh. Thời gian tới, chi cục sẽ phối hợp rà soát lại các tổ nấu ăn lưu động, tổ chức bồi dưỡng kiến thức ATVSTP cho người nấu ăn. Yêu cầu ký cam kết bảo đảm ATVSTP trong việc tổ chức các tiệc.

Đề nghị các xã thành lập tổ giám sát đến hộ dân để tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí ATVSTP. Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra liên ngành, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Theo thống kê của Chi cục ATVSTP, trên địa bàn tỉnh có hơn 600 cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động. Tuy nhiên, do đặc thù của loại hình này không có địa điểm cố định, nhiều cơ sở hoạt động mang tính tự phát hoặc từ địa phương khác đến nên việc quản lý còn gặp nhiều khó khăn.

Để quản lý chặt chẽ loại hình này, đồng thời phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua đường thực phẩm, hạn chế thấp nhất xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, Sở Y tế có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường quản lý nhà nước về ATVSTP theo phân cấp quản lý.

Tích cực thông tin, tuyên truyền kiến thức về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, những địa điểm tập trung đông người.

Đồng thời yêu cầu Chi cục ATVSTP hướng dẫn các cơ quan, đơn vị về công tác quản lý loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, dịch vụ ăn uống lưu động, kinh doanh thức ăn đường phố. Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm.

Tú Linh

Tin liên quan:
  • Kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm từ dịch vụ nấu ăn lưu động
    Tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm

    Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe cho người tiêu dùng.

  • Kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm từ dịch vụ nấu ăn lưu động
    Kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

    Nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần, sáng nay 19/1, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện Vĩnh Linh.


Tú Linh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Bước phát triển mạnh mẽ của bệnh viện

Bước phát triển mạnh mẽ của bệnh viện
2024-09-10 05:25:00

QTO - Từ năm 2014 trở về trước, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị (trụ sở cũ) còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng...

Ước mơ một mái nhà

Ước mơ một mái nhà
2024-09-07 06:00:00

QTO - Ở tuổi 65, bà Lê Thị Nồng, trú tại thôn Cẩm Phổ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, vẫn luôn ước mong có một ngôi nhà riêng để che mưa, che nắng và không...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long