{title}
{publish}
{head}
Nằm ở khu vực Trung Trường Sơn về phía Tây tỉnh Quảng Trị, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bắc Hướng Hóa nổi bật với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hệ sinh thái đa dạng, khí hậu trong lành và nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Khu BTTN này hứa hẹn là điểm đến du lịch sinh thái đầy tiềm năng cho những du khách thích khám phá.
Thác Bạc, thác nước kỳ vĩ trong KBTTN Bắc Hướng Hóa - Ảnh: KBTTN BẮC HƯỚNG HÓA CUNG CẤP
Khu BTTN Bắc Hướng Hóa có diện tích tự nhiên gần 23.500 ha, bao gồm 5 xã phía Bắc huyện Hướng Hóa. Đây được xem là “nóc nhà” của tỉnh Quảng Trị, có đỉnh Voi Mẹp cao hơn 1.700 m so với mực nước biển; đèo Sa Mù không khí trong lành, mát mẻ quanh năm, sương mù thường xuyên bao phủ tạo nên một không gian huyền ảo, thơ mộng. Địa hình chia cắt mạnh cũng đã tạo cho khu vực Bắc Hướng Hóa những cảnh quan thiên nhiên độc đáo với rừng núi, sông suối, nhiều thác nước và hang động kỳ vĩ.
Với địa hình đặc trưng là vùng thấp nhất của dãy Trường Sơn, đây cũng là khu vực có tính đa dạng sinh học cao do sự giao thoa giữa các luồng thực vật Bắc - Nam, khu vực Đông Dương, kết hợp với độ che phủ rừng gần 93%, khí hậu đặc biệt đã tạo nên môi trường sống lý tưởng cho hệ động, thực vật với nhiều kiểu sinh cảnh, thảm thực vật tự nhiên còn nguyên sinh, nhiều loài nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu. Khu BTTN Bắc Hướng Hóa thực hiện nhiệm vụ duy trì giá trị dịch vụ sinh thái và chức năng rừng phòng hộ đầu nguồn cho các con sông: Bến Hải, Rào Quán, sông Hiếu và Sê Păng Hiêng, giữ nguồn nước cho lưu vực hồ Rào Quán của Công trình thủy lợi, thủy điện Quảng Trị.
Theo số liệu khảo sát, trong khu vực rừng của Khu BTTN Bắc Hướng Hóa có 1.327 loài thực vật thuộc 157 họ. Trong đó có 156 loài nguy cấp, quý, hiếm như đỉnh tùng, hoàng đàn giả, bảy lá một hoa, lan hài đài cuộn... Về động vật có 935 loài với 97 loài động vật nguy cấp, quý, hiếm. Trong đó, khu hệ thú có 110 loài thuộc 30 họ; 38 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 33 loài trong Sách đỏ thế giới. Tiêu biểu như thỏ vằn, tê tê Java, vượn Siki, vọoc Hà Tĩnh, vọoc Chà vá chân nâu, sơn dương... Khu hệ chim có 208 loài thuộc 49 họ; có 8 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 11 loài trong Sách đỏ thế giới. Các loài nguy cấp, quý hiếm như: hồng hoàng, gà lôi trắng, gà lôi hông tía, gà tiền mặt vàng, trĩ sao... Lưỡng cư và bò sát có 81 loài thuộc 18 họ. Khu hệ cá có 33 loài thuộc 17 họ, trong đó có cá chình hoa nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới cần được ưu tiên bảo vệ. Khu hệ côn trùng có 503 loài thuộc 109 họ, trong đó có 3 loài nguy cấp, quý hiếm là bướm phượng cánh đuôi nheo, bướm phượng cánh chim chấm liền, bọ hung ba sừng. |
Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN Bắc Hướng Hóa Hà Văn Hoan cho biết, cùng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, sự đa dạng sinh học của khu bảo tồn không chỉ là nguồn tài nguyên vô giá mà còn mở ra tiềm năng lớn cho phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học và giáo dục môi trường. Khu vực đèo Sa Mù có thể phát triển du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm khí hậu mát mẻ với 4 mùa trong 1 ngày.
Trên đỉnh đèo Sa Mù, du khách có thể cắm trại nghỉ ngơi, ngắm cảnh từ trên cao, tham gia các hoạt động khám phá hệ sinh thái rừng tự nhiên, đón bình minh và săn mây. Trải nghiệm du lịch khám phá hang động Trĩa tại thôn Trĩa, xã Hướng Sơn là nơi có cảnh quan đẹp với hệ thống núi đá vôi, nhiều thạch nhũ hình thù đẹp mắt và có thể ngắm trực tiếp vọoc Hà Tĩnh, vọoc Chà vá chân nâu.
Trải nghiệm du lịch mạo hiểm, khám phá cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ tại các đỉnh Pa Thiên, Voi Mẹp. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức các món ăn mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Vân Kiều như gà bản, cơm lam, xôi nếp than, cá suối, măng rừng, rau rừng...
Hoa đỗ quyên trên đỉnh Pa Thiên - Ảnh: KHU BTTN BẮC HƯỚNG HÓA CUNG CẤP
Theo ông Hoan, nhằm quản lý, sử dụng, phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có ngày càng bền vững hơn, cùng với thực hiện tốt phương án quản lý rừng bền vững, đơn vị đang xây dựng đề án du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, giải trí trong Khu BTTN Bắc Hướng Hóa.
Theo đó, trên diện tích được giao quản lý của đơn vị và kết nối với các xã vùng đệm dự kiến sẽ hình thành và đi vào vận hành 4 điểm du lịch sinh thái gồm: điểm du lịch Trung tâm Truyền thông, giáo dục môi trường và du lịch sinh thái có diện tích 5 ha tại trung tâm của phân khu hành chính - dịch vụ.
Điểm du lịch vườn thực vật có diện tích 165 ha tại tiểu khu 652A là nơi lưu giữ, sưu tầm, giới thiệu những loài cây đặc hữu, quý hiếm... phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, tuyên truyền, giáo dục kết hợp tham quan du lịch sinh thái. Điểm du lịch nghỉ dưỡng đèo Sa Mù có diện tích 50 ha tại khu vực đèo Sa Mù và điểm du lịch hang động Trĩa.
Xây dựng 4 tuyến du lịch sinh thái gồm: trekking chinh phục đỉnh Pa Thiên - Voi Mẹp, tham quan, ngắm cảnh, trải nghiệm sự thay đổi sinh cảnh trên tuyến, ngắm rừng hoa đỗ quyên, khám phá về dấu tích lịch sử chiến tranh, chụp ảnh lưu niệm tại “nóc nhà Quảng Trị”.
Tuyến du lịch trải nghiệm đỉnh Sa Mù với các hoạt động ngắm cảnh, trải nghiệm khí hậu mát mẻ và hệ sinh thái rừng đặc trưng tại đỉnh Sa Mù; kết hợp tham quan Vườn thực vật và Trung tâm truyền thông, giáo dục môi trường và du lịch sinh thái; cắm trại, nghỉ ngơi và thưởng thức ẩm thực, văn hóa nghệ thuật của đồng bào Vân Kiều.
Tuyến du lịch khám phá hang động Trĩa, ngắm vọoc gồm: du lịch mạo hiểm leo núi, khám phá hang động Trĩa; ngắm quần thể vọoc trên hệ thống núi đá vôi; tham quan cảnh quan làng bản, trải nghiệm nét đẹp văn hóa, ẩm thực và lưu trú. Tuyến du lịch trải nghiệm, khám phá sông Sê Păng Hiêng gồm: du lịch mạo hiểm, khám phá và trải nghiệm thiên nhiên trên xuồng kayak theo dòng sông Sê Păng Hiêng có chiều dài 5 km.
Vọoc Hà Tĩnh trong Khu BTTN Bắc Hướng Hóa - Ảnh: KBTTN BẮC HƯỚNG HÓA CUNG CẤP
Ngoài ra còn có các tuyến du lịch kết nối giữa Khu BTTN Bắc Hướng Hóa với các điểm du lịch phụ cận gồm: tuyến sân bay Tà Cơn - hồ Rào Quán - đèo Sa Mù có chiều dài khoảng 30 km. Tuyến sông Sê Păng Hiêng - động Brai - thác Tà Puồng - làng du lịch sinh thái Tà Puồng - đèo Sa Mù. Tuyến này kết hợp với tuyến du lịch mạo hiểm bằng thuyền trên dòng sông Sê Păng Hiêng, sau đó tham quan động Brai và tiếp xúc với cộng đồng dân cư người Vân Kiều tại các thôn, bản của xã Hướng Lập.
Tuyến đường Hồ Chí Minh - thác Chênh Vênh - làng du lịch sinh thái Chênh Vênh, du khách sẽ đi dọc theo đường Hồ Chí Minh, dừng chân ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng để trải nghiệm vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên và những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Vân Kiều, được hòa mình vào cuộc sống hằng ngày của người dân nơi đây.
Theo ông Hoan, sau khi được triển khai, các hoạt động du lịch sinh thái sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong khu vực. Qua đó sẽ động viên, khuyến khích và thu hút người dân tích cực tham gia thực hiện bảo vệ và phát triển rừng.
Đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với môi trường, đa dạng sinh học. “Du khách đến với Khu BTTN Bắc Hướng Hóa không chỉ tìm thấy sự thanh bình giữa thiên nhiên mà còn góp phần đem lại sự phát triển bền vững cho khu vực này”, ông Hoan khẳng định.
Lê An
QTO - Những năm gần đây, ngành du lịch của thị xã Quảng Trị đang có bước chuyển mạnh mẽ, tích cực. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện môi...
QTO - Ghé thăm biển Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, du khách ấn tượng với bãi biển thơ mộng và nhiều danh lam thắng cảnh gần đó như Chùa Hang, tháp Tường Vân,...
QTO - Ngày 30/12/2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành quyết định số 3281/QĐ-UBND về việc phê duyệt Bộ nhận diện thương hiệu Du lịch Quảng Trị.
QTO - Miền núi phía Tây Quảng Trị là nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đặc biệt là rừng, núi xen kẽ hệ thống thác, động đa dạng và nguyên sơ. Nơi đây,...
QTO - Người Pa Kô ở miền Tây Quảng Trị có rất nhiều món ăn truyền thống mang hương vị đặc trưng thể hiện sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên. Trong...
QTO - Mùa mưa, Cỏ hồng ken dày như thảm nhung xanh khổng lồ, mùa khô hồng rực như làn môi thiếu nữ. Cảm kích trước tình yêu bất diệt của KaHồng, sau khi...
QTO - Nhằm góp phần bảo tồn văn hóa, khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương, thời gian qua, các huyện miền núi Đakrông và...
Sáng 8/11, tại sân nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã diễn ra lễ khai mạc Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024.
QTO - Khi những cơn mưa ở Đà Lạt yếu ớt và thưa dần, là lúc hoa dã quỳ bung nở vàng rực khắp thành phố. Mọi nẻo đường đến Đà Lạt bạt ngàn dã quỳ đua nở,...
Tuần Du lịch - Văn hoá Lai Châu năm 2024