{title}
{publish}
{head}
Sinh ra, lớn lên ở Đà Nẵng nhưng anh NGUYỄN BÌNH NAM, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bạn thương nhau, người sáng lập Dự án “Đi học trên núi” cùng những trái tim thiện nguyện khác đã có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng đến đồng bào vùng cao Quảng Trị. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với anh về những trải nghiệm quý giá của mình trong thời gian qua.
Quảng Trị, nơi muốn đến
- Trước tiên, xin cảm ơn anh đã nhận lời mời phỏng vấn của Báo Quảng Trị! Anh có thể chia sẻ điều gì đã thôi thúc mình đưa những hoạt động thiện nguyện ý nghĩa đến với vùng cao Quảng Trị?
- Tôi và các bạn trong nhóm may mắn được đi nhiều nơi, đến nhiều vùng đất khác nhau trên dải đất miền Trung. Sau những chuyến đi, tôi thấy nhiều huyện vùng cao ở miền Trung vẫn còn khó khăn, trong đó có khu vực miền núi Quảng Trị. Đó là động lực thôi thúc tôi cùng những người bạn đến với thầy cô, học sinh và người dân nơi đây. Sau mỗi chuyến đi, trái tim lại thôi thúc tôi cùng các bạn tiếp tục lên đường. Sự thôi thúc ấy đến từ ánh mắt hồn nhiên, ngây thơ, luôn khát khao vươn lên của các bạn nhỏ vùng cao; sự chân thành, hồn hậu của người dân địa phương; tấm lòng của các thầy cô giáo... Đến giờ, tôi và các bạn không thể nhớ hết số lần đến để tiếp sức cho vùng cao Quảng Trị. Đối với tôi cũng như những người bạn của mình, Quảng Trị luôn là mảnh đất muốn đến, mong về.
- Đề nghị anh chia sẻ về hành trình thiện nguyện của mình và những tấm lòng nhân ái tại Quảng Trị?
-Đến giờ, khi nhắc lại những chuyến thiện nguyện ở Quảng Trị, tôi vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc. Tôi và những người bạn của mình đến với Quảng Trị ban đầu bằng những hoạt động nhỏ bé, giản dị như thăm hỏi, động viên, tặng quà cho giáo viên, học sinh ở các điểm trường vùng khó. Qua những chuyến đi như thế, tôi nghe mọi người nhắc đến những địa danh được ví là “thâm sơn, cùng cốc” ở Quảng Trị, nơi mà đời sống của người dân gặp muôn vàn khó khăn. Tháng 1/2014, với chương trình “Én nhỏ ấm vùng cao”, chúng tôi đã đến với thôn Xa Rường, xã Hướng Tân và Cuôi, Tri ở xã Hướng Lập. Đó là một trong những chuyến thiện nguyện vất vả đối với chúng tôi. Thế nhưng nó không thể làm mọi người chùn lòng và ngăn những bước chân thiện nguyện. Từ dấu mốc này, hằng năm, chúng tôi đều đến thăm, tặng quà, mang cái Tết ấm áp đến với bà con ở nhiều thôn, bản của huyện Hướng Hóa như: Trỉa (Hướng Sơn); Tà Păng (Hướng Lập); Tà Cu, Ho Le, Húc Thượng (Húc)... Sau này, chúng mình tiếp tục “khai sinh” thêm nhiều chương trình ý nghĩa khác như: “Bữa cơm miền núi”, “Đi học trên núi”... Và tất nhiên, Quảng Trị là điểm đến không thể thiếu.
Anh Nguyễn Bình Nam (ngồi ở phía ngoài cùng, bên phải) cùng các tình nguyện viên trao quà cho học sinh vùng cao Hướng Hóa - Ảnh: T.L
- Trong những chuyến thiện nguyện ở Quảng Trị, điều gì để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong anh?
- Có rất nhiều thứ để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi. Đó là những điểm trường heo hút xa xôi, lẩn khuất giữa đại ngàn. Đường giao thông đến các điểm trường này hết sức khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa. Tôi rất thương quý các thầy cô giáo, những người đã cống hiến cả tuổi xuân cho sự học vùng cao. Đặc biệt, các em nhỏ miền núi luôn là đối tượng mang lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh những tấm thân gầy co ro vì giá rét, vì thiếu bữa cơm; gương mặt rạng ngời hạnh phúc khi nhận những món quà; ánh mắt tràn ngập niềm hy vọng... Cũng chính vì những hình ảnh ấy nên dù gặp nhiều khó khăn, thử thách trên bước đường thiện nguyện, chúng tôi vẫn khởi động các chương trình. Trong các chuyến đi, chúng tôi luôn cố vào tận bản làng để trao quà tận tay bà con. Vì đường sá quá xa xôi, cách trở, nhiều lần chúng tôi phải cậy nhờ các cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 và Bộ đội Biên phòng tỉnh.
Mong nhiều trẻ em nghèo được tiếp sức
- Phải chăng chính cuộc sống khó khăn của các em nhỏ vùng cao đã thôi thúc anh sáng lập Dự án “Đi học trên núi”?
- Theo tôi được biết, phần lớn các huyện, xã vùng cao thường không có trung tâm bảo trợ hay địa điểm giáo dục, chăm sóc trẻ mồ côi. Bình thường, trẻ vùng cao đã chịu nhiều thiệt thòi, vất vả. Khi thiếu đi vòng tay chăm sóc của ba mẹ, sự thiệt thòi, vất vả của các em nhân lên gấp đôi. Cái ăn, cái mặc còn thiếu nên chuyện học hành đến nơi, đến chốn là thứ gì đó rất xa xỉ với các em. Vì vậy, tôi đã nảy ra ý tưởng triển khai dự án này.
- Mong anh chia sẻ rõ hơn với độc giả Báo Quảng Trị về dự án này?
-Hằng tháng, chúng tôi hỗ trợ chi phí cho học sinh miền núi là trẻ mồ côi hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điều kiện mà chúng tôi đặt ra cho các em được thụ hưởng sự hỗ trợ là: phải đi học, không được bỏ học. Từ khoản tiền 500 ngàn đồng/tháng/em mà dự án hỗ trợ, các thầy cô sẽ mua sắm cho học sinh thực phẩm, dụng cụ học tập, đồ dùng cần thiết... Số tiền còn lại (nếu có) sẽ được gửi cho gia đình. Dự án có thể hỗ trợ lâu dài cho tới khi các em hoàn thành chương trình THPT hoặc học lên cao đẳng, đại học.
Anh Nguyễn Bình Nam sinh năm 1979. Hiện anh đang công tác tại Tổng công ty Điện lực miền Trung. Với hơn 13 năm gắn bó với hoạt động thiện nguyện, anh Nam đã tổ chức nhiều chương trình, dự án ý nghĩa để hỗ trợ người dân, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Trong 10 năm qua, anh cùng những người bạn của mình đã vận động xây dựng được 17 điểm trường tại các xã miền núi còn khó khăn ở Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum. |
- Sau thời gian triển khai, dự án mang về những kết quả đáng mừng gì, thưa anh?
- Dự án “Đi học trên núi” được triển khai từ tháng 9/2022. Đến nay, dự án đang hỗ trợ hằng tháng cho 360 em nhỏ các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi và Quảng Trị. Các em hiện đang theo học tại 33 trường ở 6 huyện miền núi của 3 tỉnh.
Thành công của Dự án “Đi học trên núi” đến từ sự cộng hưởng của những tấm lòng nhân ái. Nhờ nhận được sự tiếp sức của nhà hảo tâm nên các học sinh được dự án hỗ trợ đều yên tâm đến trường. Nỗi lo về cái ăn, cái mặc trong lòng các em cũng không còn lớn như trước. Tình trạng bỏ học vì thế được hạn chế. Việc con em mình nhận được sự quan tâm, hỗ trợ khiến các phụ huynh vùng cao rất mừng, có động lực hơn để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
- Như anh đã chia sẻ, thành công của dự án đến từ sự cộng hưởng của những tấm lòng nhân ái. Thông qua Báo Quảng Trị, anh có điều gì gửi gắm đến các nhà hảo tâm?
- Là người đưa ra ý tưởng, triển khai Dự án “Đi học trên núi”, tôi hiểu sâu sắc rằng, sự thành công của dự án đến từ những tấm lòng nhân ái. Quả thật như vậy, thời gian qua, sự tiếp sức của các nhà hảo tâm đã giúp con đường đến trường của các em nhỏ vùng cao có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có trẻ em mồ côi vơi bớt phần nào vất vả. Các em hiểu rằng, chỉ có cái chữ mới giúp mình thuận lợi vươn đến ngày mai tươi sáng. Vì vậy, thông qua bài phỏng vấn này, thay mặt các em nhỏ nhận được sự hỗ trợ, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các nhà hảo tâm.
Hiện nay, số lượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn được Dự án “Đi học trên núi” hỗ trợ là 360 em. So với mong muốn của chúng tôi, con số ấy vẫn còn khiêm tốn. Đặt trong mối tương quan với Quảng Nam và Quảng Ngãi, số lượng trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở Quảng Trị được dự án hỗ trợ có phần ít hơn. Vì thế, chúng tôi rất mong có thể kết nối nhiều hơn những tấm lòng cùng hướng về Quảng Trị, đặc biệt là các nhà hảo tâm ngay tại địa phương. Để hỗ trợ cho Dự án “Đi học trên núi”, quý nhà hảo tâm có thể lựa chọn hỗ trợ lâu dài cho 1 hoặc nhiều em nhỏ mồ côi trong 1 hay nhiều năm học. Phía dự án sẽ khâu nối để nhà hảo tâm lên vùng cao gặp các em nhỏ bất cứ lúc nào mình mong muốn. Một phương thức khác là nhà hảo tâm có thể ủng hộ vào quỹ chung mang tên “Đi học trên núi”.
- Xin cảm ơn anh!
Tây Long(thực hiện)
QTO - Thời gian qua, bên cạnh việc thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu và đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ đọng...
QTO - Đảm nhận vai trò là Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Thanh, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, thầy giáo Nguyễn Tấn Hải là cán bộ công...
Ngày 11-1, Báo Nhân Dân phối hợp với tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ trao tặng hỗ trợ xây nhà “Đại đoàn kết”, quà Tết và quỹ khuyến học cho hộ nghèo và gia đình...
QTO - Nhiều năm nay người dân thôn Hà Xá và các thôn lân cận của xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong rất nhọc nhằn mỗi khi lưu thông qua tuyến đường Bảo Đại...
QTO - Không còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách ưu đãi của Nhà nước; chủ động trong sản xuất, tìm kiếm việc làm để nâng cao thu nhập, đó là những tư duy...
QTO - Nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Phùng (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ...
QTO - Với nỗ lực gieo hạt giống đẹp cho đời, thời gian qua, cán bộ Thư viện tỉnh đã đưa nhiều đầu sách hay đến với phạm nhân tại Trại giam Nghĩa An. Việc...
QTO - Những ngôi nhà mới được trao không chỉ giúp người nghèo được tận hưởng niềm vui khi có một mái nhà vững chắc, mà ở đó mang đậm dấu ấn của sự đoàn...
QTO - Hiện nay, huyện Đakrông có 36 trường học, trong đó có 13 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 36,11%. Tính đến ngày 25/10/2023, toàn ngành giáo dục huyện...
QTO - Năm 2024, bám sát sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), của tỉnh, Sở GD&ĐT đưa ra nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện, góp phần...
QTO - Phát huy vai trò của cán bộ, hội viên phụ nữ trong công tác phối hợp giáo dục, cải tạo phạm nhân nữ và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, trong 2 năm...
QTO - “Sau hơn 2 năm thực hiện mô hình “Trường học văn minh, học sinh thân thiện, không tệ nạn xã hội”, suy nghĩ, tư tưởng, văn hóa của học sinh có chuyển...