“Hát mãi khúc quân hành ca”
(QT) - Ráng chiều đỏ quạch. Gió từ dòng Thạch Hãn hiu hiu thổi như đánh thức vùng kí ức sâu kín nhất. Trong căn nhà nhỏ, lũ trẻ thôn Gia Độ quây quần bên người lính già nghe kể chuyện kháng chiến, rồi say sưa cùng ông hát những nhạc khúc cách mạng. Với các em, ông như vị anh hùng bước ra từ lịch sử, luôn mang niềm vui đến cho mọi người. Trở về sau 30 năm phúng điếu Chàng trai trẻ Hoàng Hải Nam rời quê hương Gia Độ, Triệu Độ, Triệu Phong (Quảng Trị), theo tiếng gọi Tổ quốc khi tóc còn xanh và trở về lúc mái đầu điểm bạc. Dân làng chít khăn tang, tổ chức lễ truy điệu sống ngày Nam lên đường. 30 năm sau, mẹ mới hạ bát nhang và đưa di ảnh anh xuống. Giờ đây, người lính cảm tử năm xưa đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Ngày ngày, ông vẫn lặng lẽ truyền dạy con cháu những bài học nhân sinh.
 |
Mỗi tấm huy chương gắn với một trang kỷ niệm trong cuộc đời ông Nam |
Năm Nam tròn 7 tuổi, bố cậu bị giặc bắt, tù đày và tra tấn đến chết. Ít lâu sau, người bác cùng hai chú của Nam cũng hi sinh. Thấm thía nỗi đau mất nước, 18 tuổi, chàng trai trẻ Hoàng Hải Nam xin gia nhập đội cảm tử quân đầu tiên ở Quảng Trị. Anh lên đường cùng một thanh niên trong làng là Nguyễn Nam Hải. Bấy giờ, hai chàng trai trẻ đều chung tâm nguyện: “Người ta giàu, có vàng, đồng để đúc đạn đánh Tây. Mình nghèo thì góp xương máu”. Hôm chuẩn bị lên đường, ông Nguyễn Duy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã gọi hai thanh niên trẻ lên và hỏi: “Làm lính cảm tử nghĩa là gật đầu đi vào chỗ chết. Các cháu không sợ sao?”. Cả Nam và Hải đều khẳng khái bảo: “Chúng cháu đi để tìm sự sống trên con đường chết”. Ngay hôm sau, 10/7/1946, ông Duy trực tiếp đứng ra làm lễ truy điệu sống cho Nam và Hải. Trong buổi tiễn đưa, nhiều người đã khóc bởi tin chắc các anh sẽ không trở về. Cũng từ đấy, có hai người mẹ ở miền quê Triệu Độ nuốt nước mắt đặt di ảnh con lên bàn thờ, hương khói đều đặn để tránh sự săm soi của kẻ thù. Xông pha chiến trận, Hải Nam cùng đồng đội đã tổ chức nhiều trận đánh làm quân địch “thất điên, bát đảo”. Đầu năm 1947, người lính được truy điệu cùng ngày với anh hi sinh sau khi ôm bom cảm tử đánh vào đồn giặc tại Huế. Đúng lúc này, anh Nam và 6 đồng đội nhận nhiệm vụ đánh đoàn xe địch từ Lào về. Khi những chiếc xe đầu tiên đến cầu Đầu Mầu, anh Nam cho bom phát nổ, phá hủy ba chiếc xe. Lợi dụng giặc hoảng loạn, anh lao ra cướp vũ khí, hòng tiêu diệt sinh lực địch. Trong thế giằng co, người lính trẻ bị bắn trọng thương, sau đó được đưa về hậu cứ tại Cam Lộ và chuyển ra Bắc chữa trị. Trên giường bệnh, hàng đêm anh Nam vẫn mơ cảnh xông pha đánh đồn giặc. Thế nên, khi biết đôi chân mình không còn nhanh nhẹn như trước, anh hết sức thất vọng. Thời điểm này, anh Nam quen với một thương binh mù tên Vượng (quê ở Quảng Bình) và một thương binh cụt hai tay tên Hương (quê ở Thừa Thiên Huế). Thấy họ thương tật nặng nhưng vẫn sống lạc quan, không từ bỏ đam mê âm nhạc, anh Nam nghĩ: “Thương tật ở chân không đáng để mình chùn bước”. Người lính trẻ bắt đầu học ngón đàn từ hai đồng đội và thành lập “ban nhạc” phục vụ thương binh cùng bà con. Ít lâu sau, anh Nam xin vào làm ở xưởng in. 2 năm ròng, anh vừa “kiếm cơm” vừa tập luyện cho đến khi đôi chân trở nên dễ bảo hơn.
 |
Ông Hoàng Hải Nam khuyên bảo, động viên con cháu hăng say học hành |
Năm 1950, anh Nam xin ra chiến trường chiến đấu và được bổ sung vào Đại đội 62, Tiểu đoàn 80, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308. Nhiệm vụ của lính cảm tử các anh là dùng bộc phá đánh sập hàng rào, lô cốt để mở đường cho đồng đội. Trong trận đánh, cảm tử quân thường phải ôm quả bộc phá nặng gần 30 kg. Năm 1954, đơn vị của anh Nam được điều động tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau khi chiếm đồi Bản Kéo, anh và đồng đội phối hợp với các lực lượng đánh đồi A1 – cứ điểm quan trọng số một của địch. Cuộc chiến diễn ra ác liệt làm đơn vị thương vong phân nửa. Khi đánh đến lô cốt thứ hai, sức ép của bom làm nhiều người ngất đi. Anh Nam dồn hết sức bình sinh, giật bộc phá, lao lên đánh tan lô cốt thứ 3 mở đường để quân ta tiến thẳng vào sào huyệt địch. Ngày 10/10/1954, anh và đồng đội hân hoan về tiếp quản thủ đô. Đặc biệt, trước đó một ngày, người lính cảm tử trẻ được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Sau khi nhiều lần xin vào Nam chiến đấu không thành công vì lý do sức khỏe, anh Nam được phân về công tác tại Trường Đào tạo sĩ quan pháo binh. Mãi đến ngày đất nước rợp cờ hoa chiến thắng, anh Nam mới có dịp về thăm quê hương. Ngôi làng nhỏ xác xơ vì bom đạn. Song linh cảm mách bảo anh tìm đúng nền đất của gia đình. Trên bàn thờ, tấm di ảnh đã úa vàng. Người mẹ gầy như tàu lá trào nước mắt và ngất lịm. Lúc tỉnh dậy, bà chỉ tay lên bàn thờ, run run bảo: “Mẹ đã thờ con 30 năm rồi!”. “Sống cho đồng đội đã khuất” Là một trong số rất ít người lính cảm tử trở về sau chiến tranh, ông Nam tâm niệm: “Mình sống không phải chỉ cho bản thân mà cả đồng đội đã ngã xuống”. Thế nên, dẫu sức khỏe hạn chế, người cựu chiến binh 86 tuổi vẫn nỗ lực trong công việc cũng như cuộc sống. Ông là tấm gương sáng để con cháu noi theo.
 |
Những lúc rảnh rỗi ông Hải Nam say sưa đàn hát cùng con cháu |
Được người dân bầu vào nhiều chức vụ quan trọng, ở cương vị nào, ông cũng giữ nguyên tắc: “Việc gì tốt cho bà con thì làm”. Hàng ngày, thấy cuộc sống của một số người dân còn gặp khó khăn, ông Nam dành phần lớn số tiền trợ cấp chức vụ để biếu tặng, giúp đỡ. Ai thắc mắc, ông hóm hỉnh bảo: “Tôi chỉ có một nghề là... nghề lính. Thế nên, chỉ ăn mỗi lương lính là đủ, còn bao nhiêu là để giúp bà con”. Vì vậy, ông rất hạnh phúc mỗi khi mua được chiếc áo tặng học sinh nghèo, góp ít lon gạo vào nồi cơm của những hộ neo đơn, vận động giúp đỡ người tàn tật... Đến tuổi xế chiều, không ít lần ông Nam xin thôi giữ các chức vụ ở xã để tạo điều kiện cho lớp trẻ phát huy năng lực. Song nhiều người vẫn một mực bảo: “Bác Nam không làm thì chúng tôi cũng không nhận nhiệm vụ”. Thế là người lính già lại gắn bó công việc vài năm nữa, sau đó mới về làm cán bộ thôn. Dẫu mắt không còn tinh anh, đôi chân chẳng nhanh nhẹn như trước nhưng ông vẫn đảm đương nhiều công việc từ hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh đến hòa giải viên cơ sở. Người lính già thường khiêm tốn bảo: “Mình chỉ đứng sau cổ vũ và làm quân sư thôi chứ chẳng giúp được gì”. Song thật ra, ông luôn là người xốc vác, tận tâm nhất trong mọi công việc. Vài năm trước, một số học sinh thôn Gia Độ bỏ bê học hành, hay tụ tập làm ảnh hưởng đến an ninh địa phương. Trước thực tế ấy, ông Nam cùng những người uy tín trong thôn đã bàn bạc, tìm cách giải quyết. Với vốn sống dạn dày, ông cho rằng: “Không ngẫu nhiên mà các học sinh lại ham chơi, bỏ bê học tập”. Nghĩ vậy, ông cùng những người lớn tuổi khác đến nhà các em để thăm hỏi và chia sẻ với phụ huynh cách nuôi dạy con cái. Qua đó, nhiều gia đình trong thôn đã quản lý con cháu chặt chẽ hơn, hóa giải mâu thuẫn để không ảnh hưởng đến tâm lý trẻ. Song song với việc làm ấy, các ông bà còn lựa lời khuyên bảo các học sinh hư. Ngoài ra, ông Nam cùng những người cao tuổi khác còn góp phần giải quyết nhiều vụ tranh chấp, hàn gắn các gia đình có nguy cơ rạn nứt, động viên con cháu trở lại trường... Bước ra từ chiến tranh, hơn ai hết, ông Nam hiểu trọng trách của mình là tiếp lửa truyền thống. Ông giữ thói quen đến thăm hỏi, chuyện trò cùng nhiều gia đình trong thôn. Qua đó, ông có dịp chia sẻ nhiều kỷ niệm của bản thân và đồng đội trong kháng chiến. Bản thân ông Nam không ngờ những câu chuyện đơn sơ ấy lại rất thu hút mọi người. Giờ đây, bà con thường đến nhà ông mỗi lúc vui buồn để nghe kể chuyện về một thời hoa lửa. Mỗi dịp như thế, ông lại cao hứng đàn hát những nhạc khúc đi cùng năm tháng tặng mọi người. Đến thăm ngôi nhà nhỏ của ông Nam, ngay từ ngõ, chúng tôi đã nghe tiếng đàn hát tươi vui: “Đời mình là một khúc quân hành/ Đời mình là bài ca chiến sĩ”. Tôi chợt nghĩ: “Mai này, dẫu bụi thời gian vô tình xóa mờ, khúc quân hành ca về cuộc đời ông Nam vẫn sẽ vang mãi. Bởi khúc nhạc ấy đã in sâu trong trái tim rất rất nhiều người”. Bài, ảnh: QUANG HIỆP