Cập nhật:  GMT+7

Hạnh phúc giản đơn

Chúng ta hay nghĩ về hạnh phúc như một điều gì lớn lao. Nhưng đôi khi, hạnh phúc chỉ là... được sống bình thường. Đó là một ngày không ốm đau, là một chiều được trở về nhà, thấy người thân đứng đợi ở bậu cửa, là bữa cơm vẫn còn được nhìn thấy nụ cười móm mém của cha, của mẹ.

Hạnh phúc giản đơn

Minh họa: NGỌC DUY

Đó là một xóm trọ nghèo nằm bên hông Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới. Xóm trọ ấy đặc biệt hơn mọi chốn lưu trú khác khi mà khách trọ đều là những bệnh nhân suy thận mạn tính đang phải chạy thận nhân tạo. Xóm nhỏ, phòng hẹp, mái tôn cũ kỹ, gió lùa bốn phía. Vậy mà già trẻ, lớn bé lại nương vào nhau mà sống, mà níu đời. Sáng, họ rời xóm trọ đến bệnh viện, chiều lại lặng lẽ trở về, mang theo mệt mỏi và cả những hy vọng. Đằng sau những dáng người gầy guộc, ánh mắt u hoài ấy là một khát khao sống mãnh liệt.

Vương, cậu thanh niên trẻ nhất xóm nhưng đã có hơn mười năm đi về giữa bệnh viện và xóm trọ. Cậu bảo, mình nhận nhiệm vụ đặc biệt là mỗi sáng, đi gõ cửa từng phòng, chỉ cần nghe tiếng hồi đáp ở phía trong vọng ra, dù là yếu ớt, cũng đủ khiến cậu yên tâm. Với những bệnh nhân chạy thận nơi xóm trọ nghèo này, không đơn thuần là lời chào buổi, đó là cách để báo cho nhau biết rằng mình vẫn còn tồn tại giữa cuộc đời.

Một lần khác, ở hành lang bệnh viện, tôi từng ngồi cạnh một người phụ nữ lạ. Gương mặt chị bình thản, tay ôm cuốn sổ khám bệnh đã cũ mòn. Hai tiếng đồng hồ chờ đợi trôi qua trong lặng lẽ. Trước khi rời đi, chị nhìn tôi, khẽ thở dài: “Chị không mong gì nhiều, chỉ mong con gái còn được sống. Nó mới mười sáu”.

Tôi ngồi đó, nhìn theo dáng chị khuất dần giữa chộn rộn của hành lang bệnh viện. Câu nói dừng giữa lưng chừng của chị cứ chạm khẽ vào tim. Hóa ra, có những nỗi đau không cần phải kể dài dòng, chỉ cần một lời cũng đủ để người nghe không sao quên được. Có những mong cầu không cần lớn lao, chỉ cần một người thân yêu còn được ở lại, thế là đủ.

Và ta, giữa những ngày khỏe mạnh, đi đứng bình thường, thở không cần máy, ăn uống chẳng cần dè dặt... lại hay than phiền, lại hay thấy mình thiệt thòi. Trong khi, với ai đó, chỉ cần được sống thôi, đã là ước mơ gần như xa vời.

Cuối năm, tôi ghé chợ quê. Cô bán hoa móm mém mời chào: “Mua giúp cô đi con. Mai cô nghỉ, về quê ăn Tết với tụi nhỏ”. Nhà cô ở Tây Nguyên. Bao năm miệt mài mưu sinh, ước mơ lớn nhất là những chuyến hồi hương sum họp cùng gia đình. Chuyến xe ấy, cô bảo, chờ mấy năm mới có. Đứa con út tích cóp đủ tiền, mua vé cho mẹ. Cô cười tươi, cầm bó cúc vàng mà ánh mắt như sáng hẳn.

Tôi không biết mình đã chọn những nhành hoa nào, chỉ nhớ cảm giác sống mũi cay xè giữa buổi chiều chợ vắng. Hoá ra, có những niềm vui mộc mạc đến vậy: Một vé xe về quê, một bữa cơm đầm ấm, một cái Tết bên người thân. Thứ mà nhiều người vô tình xem là điều hiển nhiên, lại là giấc mơ chờ đợi của người khác trong bao năm dài.

Bạn tôi làm điều dưỡng ở bệnh viện. Một ông cụ già nằm viện không người thân. Mỗi ngày, ông đều gọi bạn tôi đến, chỉ để hỏi: “Hôm nay là thứ mấy?”. Không phải vì ông lú lẫn. Mà vì ông sợ lỡ một ngày không còn biết hôm nay là ngày nào. Trên đầu giường, ông để cuốn sổ tay nhỏ, mỗi trang là vài dòng nguệch ngoạc: “Hôm nay vẫn thở được. Hôm nay vẫn còn biết mình là ai. Cảm ơn trời đất”. Cuối tuần đó, ông đi. Không tiếng gọi, không ai tiễn. Chỉ còn lại cuốn sổ mỏng như một lời nhắn: Sống là một ơn phước. Mỗi ngày còn tỉnh táo, còn biết rõ thời gian đang trôi qua mình, là mỗi ngày đáng quý.

Bạn tôi bảo, làm ở bệnh viện, nơi mà ranh giới của sự sống và cái chết đôi khi mỏng manh như sương khói mới thấy quý lấy từng khoảnh khắc. Chỉ khi tiếp xúc quá gần với giới hạn cuối cùng của đời người, người ta mới hiểu được giá trị giản dị nhất của sự sống: Là được thức dậy vào một buổi sáng, thấy tim mình vẫn đập, là còn có người để gọi, còn có điều để mong.

Chị, người phụ nữ thành đạt với một cuộc sống đủ đầy. Bỗng một ngày, chị rời phố, trở về quê mẹ, dựng một căn nhà sát ruộng lúa mênh mang. Ngày miệt mài trên những cung đường quê, đọc sách, tham gia vài dự án nhỏ. Tối, chị ngồi viết sách. Cuộc sống cứ thế nhẹ nhàng trôi đi.

Có lần tôi hỏi chị, có bao giờ chị nhớ phố, nhớ những bận rộn ngày cũ? Chị bảo, chúng ta đang sống trong một thời đại mà mọi thứ đều nhanh: Nhịp sống nhanh, kết nối nhanh, cả những buồn vui cũng chóng vánh.

Nhưng giữa cái nhanh ấy, có khi nào ta từng chậm lại, chỉ một chút thôi, để lắng nghe tiếng lòng mình? Để nhận ra, sống không phải là chạy miết về phía trước, mà là biết dừng lại đúng lúc, để thấy cuộc đời này vẫn dịu dàng lắm, nếu ta chịu sống thật với nó. Nghĩ thế, nên chị chọn dừng lại. Bởi cuộc sống, nếu biết đủ thì sẽ thấy hạnh phúc.

Cũng như chị, có những sáng, tôi thức dậy giữa tiếng xe cộ ngoài phố và chợt nhận ra mình đang sống quá vội. Vội đến mức không nhớ nổi hôm qua ăn gì, gặp ai, nói những gì? Vội đến mức, đôi khi chỉ còn là cái bóng của chính mình lặng lẽ lướt giữa ngày trôi. Người ta thường nói về ước mơ, lý tưởng, thành tựu nhưng đôi khi quên mất những giá trị cơ bản: Sức khỏe, thời gian và tình thân. Đó là ba điều ta không thể mua lại, không thể trì hoãn và cũng không thể vay mượn ai.

Ngày còn sống, bà tôi vẫn thường bảo chị em chúng tôi: Không cần sống thật phi thường, chỉ cần sống cho thật tử tế. Tử tế với những phút giây mình còn có. Tử tế với những người mình còn thương. Tử tế với chính mình khi còn khỏe, còn thở, còn cười được mỗi sớm mai.

Chậm lại một chút.

Thở sâu hơn một chút.

Yêu thương nhiều hơn một chút.

Và rồi, ta sẽ thấy cuộc đời dịu dàng hơn ta nghĩ.

Diệu Hương

Tin liên quan:
  • Hạnh phúc giản đơn
    Niềm hạnh phúc đoàn tụ

    Hành trình hơn 30 năm đi tìm hài cốt liệt sĩ là ba ruột và ba chồng của chị Đỗ Thị Vinh đầy gian nan, vất vả nhưng lại có một kết thúc có hậu. Câu chuyện hiếu nghĩa của chị được nhiều người biết đến và không khỏi thán phục. Không những tìm được hài cốt ba, chị còn ngược ra Bắc tìm gốc gác, máu mủ của mình để gia đình được sum họp đủ đầy.

  • Hạnh phúc giản đơn
    Hạnh phúc từ “đất lửa”

    Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1973, chàng trai quê ở Quảng Bình và cô gái quê ở Nghệ An được điều động vào “đất lửa” Quảng Trị “gieo chữ, trồng người". Từ trong khó khăn, gian khổ, hai giáo viên trẻ đã gắn bó cuộc đời với nhau để xây dựng tổ ấm hạnh phúc, “đưa đò” cho nhiều thế hệ học trò lớn khôn. Đó là câu chuyện đẹp, đầy nhân văn của thầy giáo Đinh Duy Thiếp và cô giáo Nguyễn Thị Đào, ở xã Đồng Lê (trước đây là tiểu khu Đồng Văn, thị trấn Đồng Lê, Tuyên Hóa).


Diệu Hương

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tiếp nối mạch nguồn di sản

Tiếp nối mạch nguồn di sản
2025-07-06 05:50:00

QTO - Cùng là “đòn gánh” giữa hai đầu đất nước, trải qua bao thăng trầm của dòng chảy lịch sử, vùng đất Quảng Bình - Quảng Trị (cũ) có nhiều nét tương đồng...

Kẹo kéo tuổi thơ

Kẹo kéo tuổi thơ
2025-07-06 05:35:00

QTO - Chiều muộn. Trên con đường nhỏ về nhà, tôi gặp một người đàn ông già dừng xe máy bên lề, chậm rãi lấy ra từ chiếc thùng gỗ cũ kỹ những que kẹo kéo...

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long