Cập nhật: Thứ 6, 18/06/2010 | 13:02 GMT+7

Gửi gió cho mây ngàn bay (*)

(QT) - Giữa những ngày báo giới đang hướng về sinh nhật lần thứ 85 của mình, Chi hội Báo Quảng Trị đã có nhiều hoạt động ý nghĩa như tổ chức thăm, tặng quà cho cho thân nhân các nhà báo thuộc nhiều thế hệ, những người đã đóng góp không nhỏ xây dựng nền báo chí tỉnh Quảng Trị. Riêng tôi, đây là chuyến đi tìm lại bóng dáng của những đồng nghiệp đã cùng sống và làm việc, gần gũi và gắn bó nay đã sớm về cõi thiên thu với muôn vàn lý do nghiệt ngã của phận người. Lẽ thường rất kỵ gọi đích tên người đã mất, nhưng xin cho tôi được gọi mãi tên các anh với bao niềm ngưỡng vọng để giải tỏa sự dồn nén cảm xúc mà đôi khi muốn vỡ tung cả lồng ngực. Người đầu tiên nói đến chính là nhà Báo Nguyễn Đăng Thơ. Anh lớn hơn tôi cả chục tuổi nhưng duyên may lại cùng về báo Quảng Trị một lần. Anh có dáng người thấp, đậm, nói năng thủng thẳng và đặc biệt là rất nghiện rượu. Kể về sự uống của anh có nhiều chuyện ""cười ra nước mắt" nhưng tôi nhớ nhất là kỷ niệm tôi cùng anh tác nghiệp ở miền Tây Vĩnh Linh. Sau một ngày rong ruỗi từ Bãi Hà qua Bảo Đài, gặp gỡ những con người điển hình làm kinh tế giỏi. Tất nhiên sau mỗi lần gặp là có ""bơm"" vào người vài ly rượu.

Tác giả và cháu Thảo Lành, con của nguyên Thư ký Tòa soạn Báo Quảng Trị Võ Minh Lâm Tiến. Ảnh: P.V

Trời sẩm tối, anh chở tôi loằng ngoằng chạy lạc giữa núi rừng Tây Vĩnh Linh. Đường thì lắm đèo dốc, chiếc xe 78 màu chuối non không phải ""cường tráng "" lắm nên cứ gầm rú cùng tiếng chim muông giữa trời đêm u tịch. Tôi thấy ê ẩm trong người, tim lại nhảy thình thịch, nhìn đồng hồ khi đó đã gần mười giờ đêm. Hồi đó, vùng Tây Vĩnh Linh vẫn còn hoang sơ lắm, đến mức muốn tìm thấy bóng đèn sáng le lói để xin trú ngụ cũng không. Đăng Thơ cứ lầm lỳ đánh vật từng cung đường, tôi nản lòng bảo anh kiếm gốc cây nào ngủ lại sáng mai về. Thơ lại tiếu táo. "Ngủ đây tao nhớ hơi mụ Minh". Tôi nghĩ bụng cũng đúng thật, bởi vợ chồng đã cách xa nhau nhiều năm (anh công tác ở Tây Nguyên trước khi về Báo Quảng Trị) nên thèm hơi ấm là phải. Vậy thì anh phải tìm cho ra đường về. Tôi nói như ra lệnh. Thơ dừng xe châm lửa hút điếu thuốc rồi leo lên một cây cao để định vị. May là sau đó tôi và anh cũng mò về được Hồ Xá. Thơ kéo tôi vô quán ""đánh"" 2 tô cháo, 1 xị rượu trắng trước khi trả tôi về ngủ lại nhà người yêu. Trong nghề, Đăng Thơ viết chậm nhưng chắc bởi anh luôn trăn trở với đề tài. Nhưng đặc biệt phải thừa nhận Đăng Thơ đặt tít rất có duyên. Có nhiều bài báo của anh mang những cái tít thật kỳ quặc, ví như ""Một chiếc xe đổ, cả làng say bia"" hay ""Quán ngoắt ký sự"...Đó là những cái tít không dễ gì ai cũng nghĩ ra nếu không có óc hài hước và tính trực quan trước đời sống xã hội. Thế nhưng độc giả không còn cơ hội ""gặm nhấm"" về cái hay, cái lạ trong từng cái tít của Đăng Thơ bởi căn bệnh ung thư đã sớm kéo anh về với đất đai, cây cỏ. Con đường vào nhà anh thuở ấy đã thân quen với tôi nay bỗng trở nên lạ lẫm. Lối vào nhà chính rặt đầy hoa cỏ, mấy gốc tiêu trước sân nơi anh thường mắc võng nằm tư lự giờ đã héo hon. Thay vào đó là thân lộc vừng to tướng đơn độc, lác đác lá vàng bởi thiếu bàn tay chăm sóc của gia chủ. Chị Minh (vợ anh) lật đật quét dọn ô vuông phòng khách trải ra đó chiếc chiếu hoa. Tôi lặng người đứng sững trước cửa bởi nhìn thấy cái cầu thang, một ""tuyệt tác"" của Đăng Thơ mà dạo ấy anh hay mang ra khoe với bạn bè. Vẫn cái màu vôi ấy, vẫn những trụ lan can xanh nhạt, tay vịn bằng bê tông màu huyết dụ và mười mấy bậc cầu thang chật hẹp dẫn lên sân thượng nơi anh và tôi thường nhâm nhi vài ly rượu lúc đêm về. Mọi thứ vẫn còn đó, chỉ thiếu vắng Đăng Thơ. Bịn rịn lắm mới dứt ra được nhà Đăng Thơ. Dẫu đang nắng sớm mai nhưng đã ngột ngạt trên đường về xã Vĩnh Nam thăm nơi ở của cháu Thảo Lành, con gái của nguyên Thư ký Tòa soạn Báo Quảng Trị Võ Minh Lâm Tiến. Nhắc đến anh trước hết phải nhớ đến một nhà báo có tính cách hiền lành, biết làm thơ và chuyên viết về mảng văn hóa xã hội. Anh Tiến cũng hơn tuổi tôi cả ""giáp"" nên trong công việc và đời thường anh coi tôi như một thằng em út. Ngoài những bảo ban trong nghề anh luôn dành cho tôi những cử chỉ chăm sóc ân cần đôi khi rất vụn vặt, đời thường nhưng lại cần thiết cho một đứa trai làng lên phố thị, cho một người mới chân ướt chân ráo vô nghề báo. Loanh quanh một hồi hỏi tìm nơi Thảo Lành ở. Tôi tự thấy e thẹn với lòng mình bởi sau khi anh Tiến mất một thời gian mà chính xác ra là kể từ khi Thảo Lành về sống với ông bà ngoại, tôi chưa gặp lại cháu lần nào. Lục tìm trong trí nhớ về khuôn mặt trắng trẻo, vóc dáng thanh cao của cháu, đặc biệt là giọng hát hồn nhiên mà Thảo Lành đã biểu diễn. Nhớ nhất là dạo tôi làm nhà, bố, mẹ và Thảo lành đến chơi. Giữa ngổn ngang cát sạn, sắt, thép, thầy thợ nhốn nháo, theo lời bố, Thảo Lành đứng trên một đống cát nhún nhảy hát tặng chúng tôi bài hát có điệp khúc ""Ôi, chiều xuân...chiều xuân...". Bây giờ Thảo Lành đã học lớp 11. Không cao lớn lắm nhưng trắng trẻo giống bố. Sự mạnh dạn trong nói năng của Thảo Lành vẫn còn đó nhưng nay thêm phần kiên nghị và rắn rõi. Hỏi han loanh quanh mấy việc, tôi buột miệng: ""Cháu có về thăm nội không?. Mắt cháu sáng lên, giọng nói như đang reo. ""Dạ có, đợt này cháu định về nhưng để thêm vài ngày nữa rồi về ở lại cho lâu trong dịp kỵ ba cháu. "Kỵ ba cháu", nghe đến cụm từ đó, tôi không dám nhìn vào mặt cháu, liếc sang đồng nghiệp, mắt anh cũng cụp xuống, cả 3 chúng tôi nghẹn ngào. Đành rằng, được- mất là phúc phận của mỗi người, nhưng với Thảo Lành sao cháu lại sớm mất đi nhiều thứ thế. Tôi biết cháu đã kìm nén những mất mát trong bước đường đời non trẻ ẩn trong khuôn mặt, hằn sâu vào tư duy nên Thảo Lành mới có những suy nghĩ đầy hiếu nghĩa như cái tên của cháu. Tôi muốn nói, nhưng cổ họng cứ tắc nghẹn. Muốn nói với cháu rằng: ""Dẫu ở đâu, đi đâu cháu cũng phải tìm về cái làng quê bên bờ biển ấy, tìm về nơi bời bời cát trắng để ""gặp lại"" ba cháu. Bởi trên cuộc đời này, chú biết rằng chỉ có ba mới là người yêu thương và chiều chuộng cháu nhất trên đời. Đúng đó, Thảo Lành ạ". Nhắc đến nhà thơ, nhà báo Nguyễn Tiến Đạt rất nhiều người không thấy xa lạ bởi Đạt "Trước khi về lạy Mẹ, giữa đồng hoang" đã kịp để lại một "gia sản" khá đầy đặn về các thể loại thơ, truyện ngắn và tác phẩm báo chí. Với một con người tài hoa nhưng yểu mệnh ấy tôi nhường ""sự luận"" về văn chương, thơ phú cho người khác. Ở đây tôi chỉ muốn kể lại một vài mẫu chuyện nhỏ, giản dị của đời thường mà tôi đã hằng sống với anh. Tôi biết Nguyễn Tiến Đạt từ khi còn là sinh viên ở Huế. Trong một bận về thăm nhà tôi gặp gia đình anh trên chuyến đò Mai Xá ngược lên Đông Hà. Dẫu nhà tôi và nhà anh chỉ cách nhau một quãng đồng nhưng phải đến hôm ngồi sau khoang lái, giữa sóng nước mênh mang, tôi đọc: "Em ơi về với dòng sông. Dòng sông mơ màng mắt trong. Anh người gõ chài xưa cũ. Cho chiều dâng lên mênh mông...". Đó là khổ đầu tiên trong bài thơ ""Nói với người yêu cũ"" của anh Đạt mà tôi đọc trên tập san Kiến thức ngày nay. Ra trường, tôi gặp lại anh trong đại gia đình Báo Quảng Trị. Dẫu biết là người cùng xã nhưng Đạt rất thờ ơ với tôi suốt mấy năm đầu. Mãi đến sau này tôi với anh mới được gần nhau hơn nhờ vào mấy thứ đồng điệu. Đạt có một mẹ già ở quê, tôi cũng thế. Đạt thích uống rượu để nói tầm phào, tôi cũng thế. Đạt mê đánh bài phỏm, tôi lại chẳng thua kém gì... Vậy là chúng tôi luôn ""kề cận"" nhau. Nhắc đến mẹ già, tôi và anh thường nói đến đức hy sinh. Đạt kể lại: ""Tau đi học, mỗi khi thấy tau về ngoài ngõ là mạ tau lật đật chạy ra chỉ kịp thoa cái trốôc, dòm cái mặt ốm béo là vác cơn rạ cùn ra chặt mấy gốc dương chẻ 5 chẻ 7 phơi cho kịp nắng đem về chợ Hôm bán lấy tiền cho tau vô. Thường thì về vài ngày mới vô nhưng có đợt phải vô sớm để thi, củi dương chưa kịp khô. Mạ tau ""thế"" cho bao gạo, xô tau ra cửa, tau ngoái lại thấy nước mắt bà chảy giàn giụa"". Kể xong Đạt tắc lưỡi: ""Chao ôi là khổ". Tôi kể. "Mẹ tui bán quán, mùa hè bán chè đá, có đêm phải thức đến 2- 3 giờ sáng để đợi khách vô ăn hết mấy ly chè. Bởi nếu chè ế thì mai cho con ăn nhưng còn nước đá chảy thì mai lộ vốn. Có sáng tui dậy, tui chộ mắt mẹ tui đỏ húp.""- Tôi nâng ly rượu. Uống đi anh. Đạt cụng ly, miệng cười méo xệch. Nhắc đến sự uống thì Đạt là người rặt tính nhà quê. Dẫu khi đó anh là một nhà báo đã nổi danh nhung lại thích nhậu ở cái ô chiếu góc hiên nhà tôi. Đó là cái hiên mà lúc tôi làm nhà, anh đã đến bao nhiêu lần. Lần nào cũng thế, dựng xe ở ngoài cổng đi vào, miệng rít điếu thuốc Jet, tay chân chỉ trỏ liên hồi chẳng khác nào một ông cai thầu thực thụ. Đạt khoát tay bảo với tôi rằng: "Chú phải đổ cái mái hiên thật rộng để có chỗ uống rượu. Chừ anh chưa có tiền nhưng nay mai anh sẽ cho chú mượn. Mạnh dạn mà làm cho oách với thiên hạ". Tôi làm theo ý anh để có một mái hiên vừa trải đủ vuông chiếu cho 4 người uống rượu. Nợ nần chất đống, có mấy bận ""chén tạc chén thù"" định dạm hỏi mượn nhưng ngại bởi biết anh cũng không có tiền. Rồi một chiều như bao buổi chiều khác, anh tất tả chạy về, xe dựng ngoài cổng, miệng ngậm thuốc xông vào nhà, mặt hớn hở. "Có tiền rồi, tối chú thím lên chị mà lấy đi". Thì ra anh mới nhận giải thưởng báo chí được mấy triệu bạc, hạn chế chiêu đãi bạn bè về đưa vợ để cho tôi mượn làm nhà. Đạt trung thực, thủy chung và chu đáo là thế đó. Vuông chiếu và góc hiên nhà ấy anh Đạt thường ghé lại mỗi tuần. Riết thành quen, chiều chiều chưa thấy anh về là tôi thấy thiêu thiếu. Lúc anh về, chẳng cao lương mỹ vị gì, rượu thuốc ngâm cả thẩu rót ra chai, mồi thì vài con cá khô hay gì cũng được, anh không cầu kỳ nhưng cấm không thiếu được thuốc Jet. Khi rượu đã ngà ngà, anh mới trổ tài kể chuyện. Mà phải thú nhận rằng, Đạt có năng khiếu kể chuyện thật. Nghe anh kể mọi cái dường như linh hoạt, li kỳ, bí ẩn và lôi cuốn từ đầu đến cuối. Vậy nên có lần tôi và Thanh Song (Báo Quảng Trị) và cậu em vợ đã bị anh ""bỏ mê"" chuyện đến 2 giờ sáng. Lúc đã ""đưa em vào hạ" Đạt mới ""ra giá"" với anh em tôi. Bây giờ mấy chú muốn nghe chuyện thì phải đi kiếm cho anh điếu thuốc Jet, nếu không anh lên ôm mụ Phúc (vợ anh). Tiến thoái lưỡng nan, tôi cuốc bộ xuống ngã ba cảng để tìm mua mấy điếu Jét. Có hôm khuya quá, anh ngại nhưng thèm quá đành quay tìm mấy cái tẩu rít cho đỡ thèm rồi tiếp tục kể chuyện đến lúc chán thì về. Nhưng sáng mai ra tôi hỏi lại chuyện hôm qua, anh cười xòa: ""Tau có nhớ chi mô, soạn ra để mua vui cho mấy chú". Nhưng rồi cái ô vuông nhà tôi cũng đến lúc nhàm chán với anh. Tôi biết anh muốn đi tìm sự cảm khái, tìm những xúc cảm khác. Bận đó, Đạt bảo: "Đợt này bác cũng ""nới"" cái hiên, lót thêm vài viên gạch cho sáng sủa để mời mấy chú đến uống rượu". Anh làm thật và tôi có đến xem nhưng chao ôi, cái ô vuông ấy tôi chưa kịp cùng anh uống rượu thì Đạt đã vội về với đồng đất Lâm Xuân. Lúc nhấc chiếc quan tài anh bước qua mấy viên gạch sáng loáng ấy, mẹ anh khụy xuống, tôi đã kịp đỡ bà dậy, dìu bà đi theo nỗi đau quặn xé lòng người. Hôm chúng tôi lên thắp hương cho anh, chị Phúc không có nhà nhưng thấy Trang Nhi, cô con gái rượu, là bút danh của những bài thơ tình Đạt viết đang ""dùi mài kinh sử"" cho kỳ thi Đại học sắp tới. Tiến Nhất, con trai của anh đang học báo chí ở Huế. Thật mừng cho anh vì con cái đều chăm ngoan. Đó cũng chính là ân phúc mà anh đã từng gieo cho người đời nay hưởng lại. Tôi nhớ Phật đã từng dạy: "...hãy tự thắp đuốc mà đi." Nhớ lời dạy ấy, Tiến Nhất, Trang Nhi, Thảo Lành, các cháu hãy tự thân mà dấn bước khi đã thiếu vắng người cha thân yêu của mình, cố mà vun vén, gửi gắm sự yêu thương đến với người đời, tựa gió tựa mây giữa ngút ngàn vũ trụ. Hồ Nguyên Kha (*) Tên bài hát của Đoàn Chuẩn- Từ Linh



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Lặng thầm giữa đại ngàn
22:08 16/12/2022

Trải qua muôn vàn thử thách, cuộc sống người dân xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, hôm nay đã ấm no, hạnh phúc hơn. Thành quả ấy là sự kết tinh từ giọt mồ hôi ...

Mong kéo dài thời gian bên con
23:20 30/08/2024

“Con gái tôi vừa tròn 18 tháng tuổi, ước gì tôi có sức khỏe để có thêm thời gian bên con...”, lời tâm sự xót xa của chị Đoàn Thị Liên (sinh năm 1985), ở Khu ...

Chị Dạ
06:54 08/07/2023

TP - Chị đã “trả nhớ về không” (thơ Đỗ Trung Quân) tính đến nay đã 14 năm rồi, không biết ánh chớp cuối cùng còn lưu đọng trong cõi nhớ của một thi sĩ như chị, ...

Trở gió đông về
02:58 05/11/2024

Tôi bỏ lại mùa thu vào một ngày tháng Mười trời trở gió. Đưa tay chạm vào miền ký ức, ngập ngừng gọi khẽ khúc giao mùa. Bao năm rời xa chốn cũ, vẫn lặng lẽ dõi ...

Săn mây giữa đại ngàn Quảng Trị
22:40 22/12/2023

Không cần lặn lội đến các tỉnh xa, những người thích trải nghiệm, khám phá có thể thỏa ước mơ săn mây ngay tại huyện Hướng Hóa. Từng may mắn hòa mình trong ...

Tết quê trăm nhớ ngàn thương
22:24 27/01/2023

Cũng như các thành phố lớn khác, những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023, phố phường TP. Đông Hà thưa vắng hẳn xe cộ. Đa số người dân về quê sum họp, dành thời ...

Nhớ nhà báo Đăng Thơ!
22:20 11/07/2024

Trong những anh chị, đồng nghiệp dưới “mái nhà chung” Báo Quảng Trị thân thương đã đi vào “miền mây trắng” xa xôi tính từ ngày lập lại tỉnh đến nay (tháng ...

Niềm vui nhân đôi

Niềm vui nhân đôi
6 giờ trước

QTO - Tại Trường THPT thị xã Quảng Trị những ngày này, niềm vui như được nhân đôi khi thầy trò nhà trường đang tưng bừng chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập...

Quảng Trị làm sao quên!

Quảng Trị làm sao quên!
8:14 sáng Thứ 2

QTO - Đã định ăn Tết Hà Nội trọn vẹn, sáng mồng Một Tết 2025, nhớ nhà quá, tôi lên xe khách về Hà Tĩnh. Vắng khách, tôi yêu cầu người lái xe mở cho nghe...

Mõ làng thời hiện đại

Mõ làng thời hiện đại
18:35 14/06/2010

Những buổi phát thanh của ông Lưu đã trở thành một phần không thể thiếu đối với cuộc sống người dân thôn An Lợi - Ảnh: Nguyễn Phúc

“Mắt rừng” trên đỉnh Trường Sơn

“Mắt rừng” trên đỉnh Trường Sơn
02:07 12/06/2010

(QT) - Sương còn giăng kín trên đỉnh núi, những thanh niên trong đội tuần rừng của các thôn Húc Nghì 1- La Tó, Cựp đã lên đường mang theo gạo, mắm muối, võng ngủ... chuẩn bị...

Hội tình thương của bà Cam

Hội tình thương của bà Cam
00:38 10/06/2010

(QT) - “Hội tình thương thanh thiếu niên tiên phong Hồ Chí Minh” do bà Cam sáng lập vào năm 2005, quy tụ 40 thanh thiếu niên làng Thượng Xá (Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị)...

Hành trình tìm chữ miền sơn cước

Hành trình tìm chữ miền sơn cước
22:48 04/06/2010

(KTNT) - Khuất lấp đâu đó trong những bản làng giữa đại ngàn Trường Sơn, hằng ngày bước chân tìm chữ của những đứa trẻ người Vân Kiều, Pa Cô thật nhọc nhằn. Nỗi khát khao cái...

“Minh oan” cho Sê Pôn

“Minh oan” cho Sê Pôn
05:35 04/06/2010

(QT) - Cần mần chắt chiu trong lòng sỏi đá của núi rừng Trường Sơn từng giọt phù sa lắng đọng, mỡ màu, sông Sê Pôn đã kịp trao gửi lại cho biền bãi mọc lên xanh mướt nương ngô,...

Thời tiết

20°C - 29°C
Nhiều mây, có mưa nhỏ
  • 20°C - 30°C
    Nhiều mây, có mưa nhỏ
  • 21°C - 27°C
    Nhiều mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long