Cập nhật: Thứ 7, 12/06/2010 | 09:07 GMT+7

"Mắt rừng" trên đỉnh Trường Sơn

(QT) - Sương còn giăng kín trên đỉnh núi, những thanh niên trong đội tuần rừng của các thôn Húc Nghì 1- La Tó, Cựp đã lên đường mang theo gạo, mắm muối, võng ngủ... chuẩn bị cho một ngày tuần rừng vất vả. Họ là những trai bản người Vân Kiều còn rất trẻ, là những “đôi mắt” đang từng ngày giữ bình yên cho những cánh rừng nguyên sinh ít ỏi giữa đại ngàn Trường Sơn. Băng đồi, lội suối tuần rừng Mới tờ mờ sáng, những thanh niên trong đội tuần rừng của thôn Húc Nghì 1- La Tó (xã Húc Nghì, huyện Đakrông, Quảng Trị) đã hối hả chuẩn bị đồ đạc cho chuyến tuần rừng thường lệ. Vừa loay hoay xếp gọn mấy chiếc võng cho vào ba lô, anh Hồ Văn Ban, đội trưởng đội tuần rừng của thôn Húc Nghì 1- La Tó cho biết: “Đội mình phải tranh thủ đi thật sớm để kịp tuần tra hết những cánh rừng phụ trách. Có khi tuần tra trong ngày nhưng thường là phải ở lại luôn trong rừng vì địa bàn do tổ mình phụ trách rất rộng. Cứ mỗi tháng bọn mình lại đi tuần rừng ba lần”. Đội tuần rừng Húc Nghì 1- La Tó được thành lập vào năm 2008. Đến đầu năm 2010, anh Ban được tín nhiệm bầu làm đội trưởng, 10 thành viên của đội phụ trách 3 tiểu khu rộng lớn thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông là 724, 725, 726. Mỗi tiểu khu thường đội phải tuần tra mất gần một buổi.

Băng suối làm nhiệm vụ.

Sau một hồi làm quen, chúng tôi đánh bạo xin được đi theo đội tuần rừng, anh Ban ái ngại: “Xa và đường đi khó lắm, sợ các anh theo không nổi thôi. Vả lại rừng già rậm rạp nên vắt, muỗi nhiều vô kể, có khi còn giáp mặt với cả thú dữ nữa. Nếu các anh đi thì cũng được nhưng phải hết sức cẩn thận và phải tuyệt đối nghe lời chúng tôi”. Từ đường Hồ Chí Minh, muốn vào tận trong các tiểu khu phải mất hơn nửa giờ xe máy. Sau đợt bão lũ kinh hoàng vào cuối năm 2009, con đường từ bản La Tó dẫn vào rừng bảo tồn xuống cấp thảm hại, có những đoạn đường chỉ còn lại là một dải đất bé tẹo vắt vẻo quanh dãy núi dựng đứng, một bên là con suối sâu hoắm. “Mọi người cẩn thận, sắp đến đoạn đường khó rồi, bám sát nhau mà đi nhé”, vừa tăng ga xe máy để chuẩn bị lên dốc A Bu, anh Ban vừa nhắc nhở chúng tôi. Trước mắt là con dốc A Bu dựng đứng, đoàn xe máy 4 chiếc của chúng tôi chạy số 1, rì rì bò lên đỉnh núi. Chốc chốc chiếc xe cứ chồm lên, lắc lư như sắp tuột xuống vực sâu. “Những đoạn rừng này bọn mình còn gắng đi xe máy được chứ vào sâu thêm tí nữa thì chỉ có cuốc bộ thôi. Các anh còn đi được chứ?”, có vẻ ái ngại cho chúng tôi, anh Hồ Văn Van, thành viên trẻ tuổi nhất đội hỏi. Đoàn chúng tôi vượt tiếp con suối A Cho, Pa Nên và trèo tiếp con dốc Khe La Xam thì tiếng xe máy bắt đầu lịm dần, đã đến đoạn đường mòn cuối cùng. “Tất cả xuống xe nghỉ ngơi rồi đi bộ thôi”, đội trưởng Ban “hạ lệnh”. Lúc này, các thành viên tuần rừng thôn Cựp cũng đã đến nơi tập kết. Sau khi xuống xe nghỉ ngơi, uống với nhau vài ngụm nước, 10 thành viên trong tổ bắt đầu chia nhau tỏa ra theo các hướng luồn vào rừng rậm. Càng vào sâu trời càng tối đen vì cây rừng ken dày, ánh mặt trời dường như không chiếu lọt xuống những tán lá rừng rậm rạp. Vừa cầm rựa phát lối đi, anh Hồ Văn Đông, đội trường đội tuần rừng thôn Cựp vừa nói: “Thường vào càng sâu thì những loại cây gỗ to và thú rừng cũng nhiều, vì vậy bọn lâm tặc hay người săn bẫy thú hay lén lút vào đây khai thác, đặt bẫy. Nếu mình chỉ đi bên ngoài mà không vào sâu thì rất khó phát hiện rừng bị tàn phá”. Chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi bên con suối Ka Riêng. Những bông hoa trẩu tinh khiết in bóng trên dòng suối, tỏa một hương thơm dễ chịu. Mọi người cởi ba lô lội ra giữa suối tắm rửa. Rít điếu thuốc một hơi thật dài, anh Ban tâm sự: “Lương của mỗi người trong đội cũng chỉ hơn 1 triệu đồng, nhiều lúc mãi tuần tra bảo vệ rừng mà việc nhà giao hết cho vợ con nhưng bọn mình còn trẻ nên cố gắng làm một điều gì đó thiết thực để góp phần giữ rừng. Hơn thế, qua việc bảo vệ rừng cũng như tích cực vận động, mọi người sẽ có ý thức hơn. Dân bản mình chủ yếu sống dựa vào rừng mà”.

Đội tuần rừng góp phần giữ mãi màu xanh của những cánh rừng.

Anh Ban cho biết, các đội tuần rừng của các thôn được thành lập trên cơ sở hợp đồng với cơ quan kiểm lâm, theo dự án 661. Mục đích của việc thành lập các đội tuần tra bảo vệ rừng là dựa vào những người trẻ, nhất là những thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số có trách nhiệm và tâm huyết để công tác giữ rừng tốt hơn. Giữ cho rừng mãi xanh Hồ Văn Cứu và Hồ Văn Van đưa tay lên ướm vào một cây chuôn cao hàng chục mét, thân cây vài người ôm mới xuể rồi cho biết: “Những loại cây gỗ to và quý như cây chuôn, dỗi, gõ... nếu mình không chú ý bảo vệ thì rất dễ bị lâm tặc đốn hạ. Bọn mình đã từng cứu rất nhiều cây gỗ quý như thế này từ lâm tặc rồi”. Các anh cũng cho biết, ngoài việc tuần tra kiểm soát rừng thì việc làm tốt công tác vận động bà con dân bản sống gần khu bảo tồn bảo vệ rừng cũng là điều quan trọng không kém. “Nếu người dân ai cũng ý thức được tầm quan trọng của rừng thì công việc bọn mình sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nhiều lần phát hiện người dân lén lút chặt phá cây rừng hay đặt bẫy săn thú, bọn mình đã xử lý kiên quyết. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là vận động bà con, giải thích cho họ hiểu phá rừng là vi phạm pháp luật, nếu rừng bị tàn phá thì lũ lụt, hạn hán sẽ nhiều hơn, sẽ mất mùa và đói kém...”. Có những lần đội của anh phát hiện lâm tặc đang cưa trộm gỗ đã ngăn chặn, nhưng bọn chúng ỷ đông người và có hung khí nên đánh trả dữ dội để giành lại gỗ với các anh. “Những lúc ấy bọn mình chỉ còn biết nhờ đến lực lượng công an và sự giúp sức của bà con để truy quét, đuổi bọn họ ra khỏi rừng”, anh Ban kể. Đội tuần rừng của anh Ban không thể tuần hết địa phận rừng khi trời đã bắt đầu nhá nhem tối. “Tối nay chúng ta phải ở lại trong rừng, ăn cơm nghỉ ngơi để sáng mai đi tuần tiếp”, vừa giục anh em chuẩn bị nấu cơm tối anh Ban vừa nói. Mỗi người mỗi việc, anh Ban lội xuống suối lấy nước vo gạo nấu cơm trong khi anh Van bẻ củi nhóm lửa còn anh Cứu tranh thủ móc những chiếc võng lên các thân cây. Ba chiếc đèn pin được bật lên để lấy chút ánh sáng xua muỗi và vắt rừng. Bữa cơm tối được dọn ra giữa đám lá rừng, chúng tôi vừa ăn cơm vừa trò chuyện vui vẻ. Đêm trong cánh rừng già im ắng đến lạ lùng, thi thoảng mới có tiếng sột soạt của bầy sóc rừng chuyền cành. Sau bữa cơm tối, các anh kiếm mấy cành củi khô và nhóm bếp lửa giữa đám đất trống rồi bẻ lá tươi phủ lên trên đống lửa. “Đêm ở rừng phải đốt lửa và ủ lá tươi để tạo khói và hơi nóng, có như vậy mới tránh được vắt và muỗi rừng. Thôi anh em ngủ sớm lấy sức mai làm việc”, anh Ban bảo.

Phút nghỉ ngơi giữa rừng.

Khi gà rừng cất tiếng gáy le te, những tia nắng hiếm hoi của ngày mới xuyên qua tầng lá rừng, chúng tôi thức dậy chuẩn bị cho một buổi tuần rừng mới. Đội tuần rừng hôm nay phải kiểm tra ở tiểu khu 726, đó cũng là tiểu khu cuối cùng, có địa hình hiểm trở nhất trong các tiểu khu thuộc quản lý của đội. Vượt qua con suối A Don, chúng tôi cũng vừa kết thúc buổi tuần rừng nhọc nhằn. “Đợt tuần rừng này nhìn chung tình hình tốt, không có vụ chặt phá rừng, đặt bẫy thú hay cháy rừng nào xảy ra. Dù mệt mỏi đến mấy nhưng nhìn những cánh rừng không bị xâm hại là bọn mình yên tâm và vui mừng rồi”, anh Ban cho biết. Nói về các đội tuần rừng của xã, ông Hồ Văn Đàm, Chủ tịch UBND xã Húc Nghì phấn khởi cho biết: Từ khi có các đội tuần rừng, tình trạng xâm hại rừng đã giảm rất nhiều. Hiện tại, tình trạng người dân chặt phá rừng, đặt bẫy thú hay phát nương đốt rẫy đã giảm xuống rất thấp, đó là dấu hiệu đáng mừng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng động viên và hỗ trợ để các đội tuần rừng của xã hoạt động tốt hơn. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng sẽ phối hợp với các thôn, đoàn thể tăng cường vận động để nâng cao ý thức giữ rừng của bà con dân bản”. Bài, ảnh: LÊ ĐỨC VIỆT



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

“Biệt đội” gỡ bẫy thú rừng
22:20 15/03/2024

Để bảo vệ loài thú hoang dã trước nguy cơ bị săn bắt, đội tuần tra bảo vệ rừng và tháo gỡ bẫy của các Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và Đakrông phải ...

“xóm chạy thận” ở thôn Húc Nghì
23:00 23/08/2024

Nhiều người dân trong một xóm nhỏ của thôn Húc Nghì, xã Húc Nghì, huyện Đakrông, nhiều năm nay phải vật lộn trong khốn khổ với căn bệnh suy thận nặng. Là những ...

Canh giữ rừng những ngày xuân
22:20 19/02/2024

Trong những ngày tết Nguyên đán Giáp Thìn, lực lượng kiểm lâm, cán bộ khu bảo tồn, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh vẫn luôn thường trực 24/24 giờ, bám sát địa ...

“Giữ rừng là giữ cuộc sống”
22:25 25/10/2024

Câu nói ấy được nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Đakrông chia sẻ với tôi trong lúc ...

Gieo những con chữ yêu thương
22:45 18/08/2023

Từng hai lần định rời bục giảng nhưng bảng đen, phấn trắng như một cái duyên, giúp cô Nguyễn Thị Thuyết, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở ...

Niềm vui nhân đôi

Niềm vui nhân đôi
7 giờ trước

QTO - Tại Trường THPT thị xã Quảng Trị những ngày này, niềm vui như được nhân đôi khi thầy trò nhà trường đang tưng bừng chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thành lập...

Quảng Trị làm sao quên!

Quảng Trị làm sao quên!
8:14 sáng Thứ 2

QTO - Đã định ăn Tết Hà Nội trọn vẹn, sáng mồng Một Tết 2025, nhớ nhà quá, tôi lên xe khách về Hà Tĩnh. Vắng khách, tôi yêu cầu người lái xe mở cho nghe...

Hội tình thương của bà Cam

Hội tình thương của bà Cam
00:38 10/06/2010

(QT) - “Hội tình thương thanh thiếu niên tiên phong Hồ Chí Minh” do bà Cam sáng lập vào năm 2005, quy tụ 40 thanh thiếu niên làng Thượng Xá (Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị)...

Hành trình tìm chữ miền sơn cước

Hành trình tìm chữ miền sơn cước
22:48 04/06/2010

(KTNT) - Khuất lấp đâu đó trong những bản làng giữa đại ngàn Trường Sơn, hằng ngày bước chân tìm chữ của những đứa trẻ người Vân Kiều, Pa Cô thật nhọc nhằn. Nỗi khát khao cái...

“Minh oan” cho Sê Pôn

“Minh oan” cho Sê Pôn
05:35 04/06/2010

(QT) - Cần mần chắt chiu trong lòng sỏi đá của núi rừng Trường Sơn từng giọt phù sa lắng đọng, mỡ màu, sông Sê Pôn đã kịp trao gửi lại cho biền bãi mọc lên xanh mướt nương ngô,...

Lối về nhân ái

Lối về nhân ái
00:38 30/05/2010

(QT) - Bỏ nhà đi từ năm 7 tuổi, sống vạ vật đầu đường xó chợ nơi đất khách quê người gần 10 năm, đến năm 1998, chàng trai Nguyễn Đức Sơn (hiện trú tại khu phố 5, phường Đông...

Đơn độc Pa Ngay

Đơn độc Pa Ngay
07:18 27/05/2010

(NNVN) - “Ốc đảo” Pa Ngay (xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) nằm cô độc giữa đại ngàn Trường Sơn, bao quanh tứ bề là núi. Chính cái địa thế đơn độc, nằm cách xa thế...

Việc thiện của Maseour Hiện

Việc thiện của Maseour Hiện
02:21 22/05/2010

(QT) - Khi chọn con đường tu hành cho đời mình, Maseour Trần Thị Hiện luôn tâm niệm phải cố gắng làm thật nhiều việc thiện để giúp đời, giúp người nghèo khổ, khốn khó. Trong...

Thời tiết

20°C - 29°C
Nhiều mây, có mưa nhỏ
  • 20°C - 30°C
    Nhiều mây, có mưa nhỏ
  • 21°C - 27°C
    Nhiều mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long