Cập nhật:  GMT+7

Giữ mãi ngọn lửa yêu thương

Sinh ra, lớn lên trong cảnh khó nhưng những giọt mồ hôi, nước mắt không thể khiến Cao Xuân Thọ (sinh năm 1998), một người con Quảng Trị đang sinh sống, làm việc tại TP. Osaka, Nhật Bản chai sạn. Ngược lại, trái tim anh luôn ngập tràn tình yêu thương. Ở xứ sở mặt trời mọc, Thọ vẫn hướng về quê hương bằng cả tấm lòng.

Giữ mãi ngọn lửa yêu thương

Cao Xuân Thọ (đứng thứ 2, từ trái sang phải) cùng các bạn trẻ Hội Hiến máu Tâm Việt chụp ảnh lưu niệm trong một hoạt động chung - Ảnh: Q.H

Biết ơn quyển sổ hộ nghèo

Ở tuổi trưởng thành, nhiều thanh niên thường ngại ngần khi chia sẻ về hoàn cảnh nghèo khó của gia đình mình. Khác với số đông, Thọ chưa bao giờ cảm thấy hổ thẹn vì điều đó. Ngược lại, anh luôn thầm biết ơn quyển sổ hộ nghèo vì đã giúp gia đình mình vượt qua giai đoạn khốn khó nhất. “Không ai có thể lựa chọn sinh ra, lớn lên trong nghèo khó hay sang giàu. Nếu cứ để mình nghèo khó mãi thì mới có lỗi. Vì thế, tôi vẫn đang từng ngày nỗ lực vượt qua những khó khăn của cuộc sống”, Thọ nói đầy chiêm nghiệm.

Từ nhỏ, Thọ đã không may mắn được sống trong vòng tay yêu thương của ba. Một mình mẹ cậu phải tần tảo lo cho hai người con nhưng sự tảo tần ấy không thể đổi lại được niềm hạnh phúc cơm no, áo ấm cho anh em Thọ. Những áp lực của cuộc sống đè nặng theo ngày tháng khiến mẹ anh đổ bệnh. Nhiều khi mẹ của Thọ phải nằm viện dài ngày khiến đầu óc bà dần không còn minh mẫn. Mỗi lúc bệnh mẹ diễn tiến nặng, hai anh em Thọ chỉ biết ôm tấm thân gầy của mẹ mà khóc.

Lớn lên trong cảnh khó nên con đường học tập của anh em Thọ cũng chông gai, gập ghềnh. Lớp 9, anh trai Thọ đành nghỉ học để nhường ước mơ lại cho em. Tuy nhiên, việc học của Thọ không vì thế mà thuận lợi hơn. Mỗi khi bước vào năm học mới, những nỗi lo lại xâm chiếm hết tâm trí cậu. “Trong bối cảnh ấy, quyển sổ hộ nghèo như chiếc phao cứu sinh của tôi. Nhờ nó, tôi được miễn giảm nhiều khoản thu nộp, rồi nhận được sự hỗ trợ của thầy cô, bạn bè, nhà hảo tâm... Vì thế, tôi luôn tự nhủ mình phải vươn lên để không phụ những tấm lòng sẻ chia đó”, Thọ chia sẻ.

Giữ mãi ngọn lửa yêu thương

Cao Xuân Thọ phát biểu tại giải Bóng đá đồng hương Quảng Trị chào xuân Open Cup - Ảnh: Q.H

Tốt nghiệp THPT, biết rằng mình khó có thể thực hiện được giấc mơ giảng đường, Thọ quyết định đi làm công nhân may. 3 năm miệt mài bên những chiếc máy, anh nhận ra công việc này không mang lại nhiều cơ hội cho mình. Vì thế, Thọ dự định đi xuất khẩu lao động. Trong lúc đang loay hoay tìm cách, chương trình thực tập sinh kỹ năng phi lợi nhuận do Chính phủ Nhật Bản cấp phép, được Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội giao cho Trung tâm Lao động ngoài nước trực tiếp phối hợp với Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) triển khai thực hiện đã mở lối cho Thọ. Vì là hộ nghèo nên Thọ thuộc diện ưu tiên. Trải qua những vòng tuyển chọn, đào tạo, tháng 10/2020, chàng trai người Cam Lộ chính thức bay sang Nhật. Lúc lên đường, số tiền trong túi cậu là kết quả của những ngày vất vả đi làm shipper, bồi bàn... và vay mượn.

Tình nguyện “mang cọc cho rêu”

Cuộc sống ở xứ người không phải là màu hồng như trong tưởng tượng của phần lớn mọi người. Buổi đầu, Thọ gặp rất nhiều khó khăn vì những rào cản ngôn ngữ, phong tục, tập quán, khí hậu... Hằng ngày, anh phải dậy từ sớm để đạp xe đến chỗ làm. Chi nhánh công ty của Thọ có gần 100 người, đảm trách nhiều công việc khác nhau. Ai cũng phải nỗ lực hết sức mình để đảm bảo tiến độ được giao, không làm ảnh hưởng tới nhiệm vụ chung. Trải qua bao vất vả, Thọ gầy, đen đi nhiều và luôn lấm lem vì sơn, bụi bẩn...

Không muốn mình bị tụt lại phía sau, Thọ nghĩ, cách duy nhất là phải tiến lên phía trước. Bên cạnh làm quen, học hỏi kinh nghiệm và rèn luyện thể chất, anh lao vào học tiếng Nhật. Không có tiền để đến các trung tâm, anh lên mạng tìm kiếm, xin tài liệu, rồi tranh thủ học mọi lúc, mọi nơi. Sau 9 tháng sang Nhật, Thọ khiến mọi người rất ngạc nhiên khi đỗ bằng N2 tại kỳ thi năng lực tiếng Nhật. Với tấm bằng này, ở Việt Nam, Thọ hoàn toàn có thể làm thông dịch viên. Thọ cũng đã xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi “Học để thay đổi” do một trung tâm tiếng Nhật lớn tổ chức và nhiều giải thưởng ở các cuộc thi khác. Việc sành sỏi tiếng Nhật đã mở ra những cơ hội mới cho Thọ. Từ đây, cuộc sống, công việc của anh ổn định hơn. Hằng tháng, anh có thể tiết kiệm tiền để gửi về cho gia đình.

Giữ mãi ngọn lửa yêu thương

Công việc hằng ngày của Thọ ở Nhật Bản - Ảnh: Q.H

Một lần tìm kiếm tài liệu học tập trên mạng, Thọ vô tình biết Dự án Nuôi em Mộc Châu giúp cải thiện bữa ăn cho các em nhỏ đồng bào dân tộc ở tỉnh Sơn La. Dự án này khiến Thọ nhớ đến thời thơ ấu của mình. Có những thời điểm, một bữa cơm no cũng là ước mơ của Thọ. Vì thế, anh liền đăng ký để làm anh nuôi của một em nhỏ vùng cao. Hằng quý, Thọ lại tích cóp tiền để chuyển cho Dự án Nuôi em Mộc Châu như sự thống nhất từ trước. Khi lo được cho một em nhỏ, Thọ lại có khát vọng giúp được nhiều cô, cậu bé vùng cao hơn. Thế là, anh lại gắng sức. Sau 3 năm tới với dự án, đến nay, Thọ đã nhận hỗ trợ 10 em nhỏ ở Mộc Châu. Một số người biết chuyện buông lời: “Ốc không mang nổi mình ốc lại còn mang cọc cho rêu”. Dẫu vậy, Thọ không lấy làm phiền lòng. Hiện nay, anh vừa là Phó Ban Truyền thông của Dự án Nuôi em Mộc Châu, vừa là anh nuôi, tình nguyện viên.

Là anh nuôi của trẻ vùng cao, Thọ luôn tự nhủ phải là tấm gương để các em noi theo. Biết bản thân còn thiếu điều gì, Thọ lao vào tự học. Cùng với những người bạn, Thọ thành lập ra nhóm “Thay đổi cuộc đời từ sách” với hơn 7.000 thành viên tham gia. Anh cũng là một trong những người điều hành Câu lạc bộ “Đọc sách 5 giờ sáng Nhật Bản”. Như quy định chung, đúng 5 giờ sáng hằng ngày, các thành viên trong câu lạc bộ lại họp mặt qua Zoom để cùng nhau đọc sách. Thành viên nào không chấp hành sẽ bị phạt bằng một khoản tiền nhỏ. Biết đến việc giúp em nuôi của Thọ, các thành viên trong câu lạc bộ thống nhất dùng toàn bộ số tiền thu được để hỗ trợ Dự án Nuôi em Mộc Châu. Tính đến nay, quỹ của câu lạc bộ đang tiếp sức cho 20 em nhỏ.

Luôn hướng về quê hương

Trò chuyện với chúng tôi, Thọ nhắc nhiều đến quê hương. Trải qua rất nhiều dông gió của cuộc đời nhưng trái tim Thọ dường như không hề chai sạn. Cậu chia sẻ, 3 năm nay, mình chưa có dịp trở về quê nhà. Vì thế, một tiếng nói, câu chuyện về mảnh đất “chôn nhau, cắt rốn” cũng khiến Thọ nhung nhớ. “Hiện nay, mạng xã hội phát triển mạnh. Khoảng cách địa lý được rút ngắn đáng kể nhưng nỗi nhớ quê chưa bao giờ vơi cạn trong trái tim những người con xa xứ. Dù nước Nhật đang chở che, giúp có cuộc sống, công việc tốt hơn nhưng tôi vẫn luôn muốn trở về”, Thọ nói như dốc cả lòng mình.

Cũng vì tình cảm quá lớn dành cho quê hương mà Thọ và nhiều người dân Quảng Trị ở Nhật Bản khác dễ đồng cảm, tìm đến với nhau. Hiện tại, anh đang nằm trong Ban quản trị cộng đồng người Quảng Trị tại Nhật Bản. Không chỉ có những hoạt động online, cộng đồng còn đều đặn tổ chức những chương trình gặp mặt, giao lưu, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Nhiều hoạt động ý nghĩa đã được Thọ và những bạn trẻ Quảng Trị sống ở Nhật Bản tổ chức như: Cuộc thi “Tiếng hát yêu thương người Quảng Trị”; giải Bóng đá đồng hương Quảng Trị chào xuân Open Cup; cuộc thi nam vương, hoa khôi người Quảng Trị... Đặc biệt, mỗi khi biết thành viên nào đó trong cộng đồng gặp khó khăn, hoạn nạn, Thọ và các thành viên khác đều tìm cách giúp đỡ.

Tấm lòng hướng về quê hương của Thọ và nhiều bạn trẻ người Quảng Trị đang sinh sống, làm việc tại Nhật Bản đã thôi thúc họ có nhiều hành động ý nghĩa hơn. Cùng với nhau, các bạn trẻ đã đa dạng các hoạt động gây quỹ để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn ở Quảng Trị, đặc biệt là những em nhỏ vùng cao. Không trở về quê để trực tiếp trao, Thọ và các bạn nhờ sự giúp sức của các đơn vị, doanh nghiệp uy tín. Mỗi lần nhận được những tấm ảnh và thông tin về hoạt động thiện nguyện mà mình chung sức, ai cũng xúc động.

Chuyện trò về con đường đang và sẽ đi, Cao Xuân Thọ cho biết những kết quả mình nỗ lực gặt hái được chưa nhiều nhưng điều khiến anh tự hào về chính mình là không để những khó khăn, thử thách “nhấn chìm”. Hơn thế, trên hành trình vươn lên, bằng nhiều cách khác nhau, anh đã góp sức hỗ trợ người thân, đồng hương Quảng Trị tại Nhật Bản và nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại, Thọ đang ấp ủ những dự định, kế hoạch lớn hơn để có thể giúp mình, giúp người và giúp đời.

Trương Quang Hiệp

Tin liên quan:
  • Giữ mãi ngọn lửa yêu thương
    9 năm giữ lửa cho “Nồi cháo yêu thương”

    Từ sự dẫn dắt của con tim, nhiều bạn trẻ trên địa bàn tỉnh đã tìm đến với nhau, chung sức xây dựng Hội Thiện nguyện Đông Hà. 9 năm qua, các thành viên trong hội luôn miệt mài giữ lửa cho “Nồi cháo yêu thương” và tổ chức nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa khác.


Trương Quang Hiệp

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

“Làng lạ” Tân Phương Lang

“Làng lạ” Tân Phương Lang
2023-12-31 12:19:00

QTO - Câu chuyện về một ngôi làng chục năm làm dân tỉnh này nhưng làng ở... tỉnh khác từng biến Tân Phương Lang thành một ngôi... làng lạ. Câu chuyện đó...

“Hoa phong ba” trên đảo nhỏ anh hùng

“Hoa phong ba” trên đảo nhỏ anh hùng
2023-12-31 12:12:00

QTO - Đi qua những tháng năm thăng trầm cùng biến thiên của lịch sử, Cồn Cỏ - hòn đảo “Bé hạt tiêu trên vời biển cả” vẫn đang âm thầm vươn mình cùng với...

Xây dựng xã hội học tập vững mạnh

Xây dựng xã hội học tập vững mạnh
2023-12-31 12:09:00

QTO - Trong năm qua, các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập (XHHT), đặc biệt là việc triển khai thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh...

Thú vui từ việc nuôi và chăm sóc thú cưng

Thú vui từ việc nuôi và chăm sóc thú cưng
2023-12-30 13:00:00

QTO - Thú cưng được nhiều bạn trẻ ưa thích, chăm sóc và coi như những người bạn để vuốt ve, tâm tình... Với ngoại hình đáng yêu, khôn ngoan, thú cưng đã...

Bác là người lính Thủ đô

Bác là người lính Thủ đô
2023-12-30 06:10:00

QTO - Bác thật đặc biệt, ít nhất là đối với tôi. Họ hàng ở quê nhiều nhưng duy nhất tôi là đầu mối để bác liên lạc, gọi điện. Có việc gì ở quê, tôi là...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long