Cập nhật:  GMT+7

Gió vẫn thổi đôi bờ Hiền Lương

Trong gia tài văn chương đồ sộ và đầy tâm huyết của nhà văn Xuân Đức người con của vùng đất Vĩnh Linh, Quảng Trị đã để lại dấu ấn sâu đậm với nhiều tác phẩm nổi tiếng. Tiểu thuyết “Cửa gió” là một trong những trước tác tiêu biểu, mang giá trị nghệ thuật đặc sắc và phản ánh chân thực chiều sâu hiện thực của chiến tranh. Khác với những tiểu thuyết khắc họa chiến tranh qua chiến công lẫy lừng hay huyền thoại anh hùng, “Cửa gió” tập trung vào sự tàn khốc của cuộc chiến và thể hiện khát vọng sống mãnh liệt giữa tàn phá, hủy diệt.

Gió vẫn thổi đôi bờ Hiền Lương

Gió trong tiểu thuyết trở thành biểu tượng của khát vọng hòa bình, thổi qua nỗi đau, nối liền đôi bờ giới tuyến. Dòng sông Bến Hải và cây cầu Hiền Lương- biểu tượng đau thương của sự chia cắt được tái hiện như minh chứng cho khát vọng đoàn tụ. Với trải nghiệm sâu sắc từ thực tiễn chiến trường, Xuân Đức đã dựng lên bức tranh đầy xúc động, khẳng định một chân lý: gió vẫn thổi qua đôi bờ Hiền Lương, chiến tranh không thể chia cắt lòng người Việt Nam.

Nhà văn Xuân Đức là một trong những cây bút kinh điển của văn học Việt Nam hiện đại. Với hơn 20 năm cầm súng chiến đấu trên mảnh đất lửa Quảng Trị, ông đã chuyển hóa những trải nghiệm khốc liệt thành những trang văn giàu cảm xúc và chân thực. Tác phẩm đầu tay của ông, tiểu thuyết hai tập “Cửa gió”, viết về con người và mảnh đất đôi bờ Hiền Lương, đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng năm 1982. Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho ba tác phẩm: Người không mang họ, Cửa gió Tượng đồng đen một chân; Năm 2022, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các kịch bản: Ám ảnh, Những mặt người thấp thoáng, Nhiệm vụ hoàn thành và tuyển tập kịch Chứng chỉ thời gian. Với những đóng góp to lớn đó, ông đã in đậm dấu son trong lòng bạn đọc và nền văn học nước nhà.

“Cửa gió” là một tiểu thuyết đồ sộ gồm hai tập, 42 chương, tái hiện chân thực và lay động cuộc sống và tinh thần chiến đấu bền gan vững chí của người dân vùng giới tuyến Vĩnh Linh trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1965-1968). Với chất văn thấm đẫm hơi thở đất Quảng Trị, giọng kể mộc mạc mà sâu lắng, “Cửa gió” mang đậm phong cách hiện thực, kết hợp linh hoạt với yếu tố hiện đại trong kết cấu, giọng điệu và chiều sâu tâm lý nhân vật, được đánh giá là một trong mười tác phẩm xuất sắc của văn học giai đoạn 1975-1985. “Cửa gió” phản ánh sâu sắc hiện thực lịch sử, đồng thời là một dấu mốc tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học sau chiến tranh. Giọng văn đậm chất địa phương khiến tác phẩm vang lên như tiếng lòng quê hương vọng lại từ những năm tháng không thể nào quên.

Gia đình ông Chẩn là một lát cắt tiêu biểu, mang tính biểu tượng cho những hy sinh thầm lặng mà to lớn của Nhân dân miền Bắc trong chiến tranh. Ông Chẩn góa vợ sống cùng ba người con: Quyền, Thìn và Lợi. Mỗi người con của ông đại diện cho một góc nhìn trong cuộc chiến, một phương diện của cuộc đời. Anh Quyền, ngư dân chấp nhận hiểm nguy để tham gia đội tiếp tế ra đảo Cồn Cỏ, thể hiện tinh thần tự nguyện kiên cường, bất khuất của người dân Vĩnh Linh. Chị Thảo, vợ anh Quyền, là hiện thân của người phụ nữ hậu phương vừa mạnh mẽ vừa yếu mềm, mang trong mình nỗi lo sợ mất mát và mặc cảm tội lỗi vì không thể can ngăn chồng. Lợi, cậu em út trong gia đình, là sợi dây gắn kết những tâm hồn rạn vỡ sau cú sốc mất mát tưởng chừng như vĩnh viễn của người anh trai.

Cậu mang trong mình niềm tin, khát vọng và sức sống mới của một thế hệ tiếp bước, hướng về tương lai. Ông Chẩn, người cha-trụ cột-lại mang số phận như một “bên lở của một khúc sông”, gánh chịu nỗi cô đơn, cảm giác bị bỏ lại phía sau trong hành trình kháng chiến. Các nhân vật khác như Chính ủy Trần Vũ, Trần Chính, Tư lệnh Thường, Tiểu đoàn trưởng Lê Viết Tùng, Xã đội trưởng Cảm, chị Thảo và bé Cần,...đều góp phần tạo nên bức tranh toàn cảnh về cuộc sống và chiến đấu của người dân vùng giới tuyến. Họ là hình mẫu thu nhỏ của một đất nước bị chia cắt nhưng lòng dân không bao giờ chia rẽ.

Biểu tượng xuyên suốt tác phẩm là hình ảnh gió, mang âm hưởng cuộc sống, của khát vọng, đoàn tụ. Gió thổi xuyên qua chiến tuyến, xuyên qua mọi tàn khốc để nhắc nhở người đọc rằng:“Gió không chia đôi bờ Hiền Lương”. Tròn từng chương tiểu thuyết và hệ thống nhân vật đa chiều, “Cửa gió” hiện lên như một biên niên sử sống động, là khúc tráng ca đầy nước mắt nhưng thấm đẫm hy vọng về con người, về dân tộc Việt Nam trong thời đại đau thương và hào hùng.

Tiểu thuyết “Cửa gió” của Xuân Đức là một bản anh hùng ca chan chứa tính nhân văn, tái hiện sâu sắc bi kịch của chiến tranh và sức mạnh của con người Việt Nam nơi tuyến lửa Vĩnh Linh-Quảng Trị. Qua các chương tiêu biểu như chương đầu tiên, chương cuối cùng và chương 17, 21, 33...tác giả phản ánh hiện thực tàn khốc của chiến tranh, khắc họa rõ nét phẩm chất của bao con người kiên cường trong cuộc chiến giành lại sự sống và phẩm giá.

Ngay trong chương đầu tiên, ta bắt gặp tiếng sóng Cửa Tùng dồn dập như dự báo trước biến cố. “Biển Cửa Tùng. Một đêm tháng tư năm 1965.”, “Tiếng sóng đổ mỗi lúc một nặng hơn... nước đập vô mỏm đá nghe như vấp ngã, lại lồm cồm bò dậy rồi hấp tấp chạy. Lại vấp, lại dậy, lại lầm rầm chưởi rủa...” - hình ảnh gió và sóng là cảnh quan thiên nhiên, là biểu tượng cho hiện thực đầy biến động, khốc liệt. Đó là khúc dạo đầu của bản trường ca chiến tranh vệ quốc.

Tiếng súng nổ giữa biển, ánh đèn dù, những con thuyền nan bé nhỏ lao vào vòng vây của tàu địch...tất cả khiến khung cảnh trở nên nghẹt thở. Trong chương này, nhân vật chị Thảo hiện lên như một biểu tượng cho nỗi đau của người phụ nữ ở hậu phương: “Chị ghì chặt con vô lòng như sợ mất đi an ủi cuối cùng đó. Nước mắt cứ giàn giụa, tràn trề ướt cả tóc con” . Cảm xúc ấy không phải của riêng Thảo, mà còn là tiếng lòng chung của cả một thế hệ phụ nữ Việt Nam thời chiến- những người âm thầm gánh chịu mất mát, đau thương để rồi đứng vững hơn, kiên cường hơn, góp phần tạo nên một hậu phương vững chãi như thành đồng luỹ thép, tiếp sức cho tiền tuyến vững bước xông pha.

Sự trở về bất ngờ của Quyền trong chương cuối là một khúc vĩ thanh đầy xúc động. Nhân vật ông Chẩn-người cha tưởng như đã lặng lẽ chấp nhận nỗi đau mất con, lại bàng hoàng trước tin Quyền còn sống. “Ông đứng sững người, mắt ngó lơ láo như không còn tin vào những gì hơn được nữa”. Niềm vui vỡ òa nhưng đi kèm là nỗi băn khoăn về tình cảm, về trách nhiệm đạo lý, là biểu hiện chân thực của một con người từng trải qua nhiều thương đau, mất mát.

Chiến tranh đã chia cắt đôi bờ Hiền Lương, biến dòng sông Bến Hải hiền hòa thành ranh giới chia đôi đất nước. Tuy nhiên, chia cắt ấy không thể ngăn cách được tình cảm và lòng yêu nước của Nhân dân hai miền. Dù sống trong hoàn cảnh bị chia lìa, họ vẫn giữ vững niềm tin, lòng thủy chung và sẵn sàng hy sinh vì khát vọng thống nhất non sông. Tình yêu và thủy chung là một trong những chủ đề xuyên suốt. Trong chương 42, Thảo trở lại tuyến lửa, “vô thăm”, không đơn thuần là một chuyến đi, mà là hành trình của tình yêu và trách nhiệm. Cô không dám hứa nhưng vẫn lặng lẽ hy sinh. Tùng, người chiến sĩ, chỉ dám gửi gắm “giấy cho cháu Cần”, bởi vì “ở đây chẳng có chỉ làm quà được cả... tôi buồn lắm chị ạ” . Đằng sau nét chữ giản dị đó là tầng sâu cảm xúc không lời.

Trong “Cửa gió”, tâm lý nhân vật được khai thác một cách sâu sắc, thể hiện rõ nỗi đau và cả khát khao sống mãnh liệt. Từ cảm xúc hoang mang và mơ hồ của chị Thảo về sự sống còn của anh Quyền, rồi đến nỗi tuyệt vọng khi nghe anh mất nhưng sau cả chị vẫn phải vực dậy và chấp nhận sự thật để vượt qua. Câu nói: “Gió vẫn thổi, tôi vẫn sống, dù cho mọi thứ đã mất đi” như một tâm tư đầy kiên cường, một an ủi mong manh mà chị tìm thấy trong chính mình, dù nó vẫn đẫm chìm trong đau thương. Mỗi nhân vật trong tác phẩm đều mang trong mình nỗi niềm riêng, họ không chỉ là nạn nhân của chiến tranh mà còn là những con người khát khao mãnh liệt một tương lai hòa bình, ôm ấp ước mơ sống sót và xây dựng một cuộc sống tươi đẹp, dù đang ở giữa lằn ranh sinh tử.

Hình ảnh “gió” trong nhan đề là yếu tố tự nhiên, là một biểu tượng xuyên suốt. Gió thổi qua chiến trường, thổi qua mảnh đời tan tác, gió mang đến cảm giác chuyển động-cuộc sống vẫn tiếp diễn dù mất mát quá lớn. “Gió không chia hai bờ Hiền Lương”-câu khẳng định mang tính biểu tượng, thể hiện chân lý: đất nước có thể bị chia cắt về mặt địa lý nhưng lòng dân thì luôn hướng về nhau, tình cảm thì không thể tách rời.

Trong chương cuối, sự sống vẫn trỗi dậy, như niềm tin không tắt trong lòng người lính, người mẹ, người vợ. “Mình sẽ sống, mình phải sống! Cái chết phải thuộc về chúng nó. Nếu không thì làm sao còn chân lý trên cuộc đời này!”-lời thầm thì đầy quyết tâm của Tùng là minh chứng cho tinh thần bất khuất không bao giờ khuất phục.

“Cửa gió” là lời khẳng định của nhà văn Xuân Đức rằng: chiến tranh không thể chia rẽ những tấm lòng son sắt với đất nước. Các nhân vật như ông Chẩn, Thảo, Tùng, Quyền ...đều sống trong niềm tin rằng, sau đau thương sẽ là đoàn tụ, sau chia cắt sẽ là thống nhất. Tác phẩm là một lời nguyện cầu cho hòa bình, cho ngày mai đẹp hơn, nơi mà “Gió không còn là tiếng khóc mà là khúc hát của đoàn viên.”

Qua hơn 40 chương truyện, “Cửa gió” kể lại câu chuyện thời chiến-nó làm cho ta cảm, cho ta khóc, cho ta tin rằng con người Việt Nam có thể vượt qua mọi bi kịch nhờ tình yêu thương, lòng tin và sự hy sinh thầm lặng.

Tiểu thuyết “Cửa gió” của Xuân Đức gây ấn tượng mạnh mẽ nhờ hệ thống hình ảnh biểu tượng giàu chất thơ như gió, bến sông, cánh đồng, lá thư, đôi mắt người vợ...Những hình ảnh này tạo nên không gian nghệ thuật đầy cảm xúc, phản ánh sâu sắc tâm hồn và số phận con người trong chiến tranh. Ngòi bút của Xuân Đức dung dị nhưng sâu lắng, kết hợp hài hòa giữa hiện thực khốc liệt và chất trữ tình, tạo nên một phong cách riêng biệt. Giọng văn của ông vừa chân thực, vừa thấm đẫm cảm xúc, góp phần khắc họa một tuyệt tác mang đậm bản sắc địa phương và tầm vóc lịch sử-nhân loại.

“Cửa gió” là bản anh hùng ca bi tráng của Nhân dân vùng giới tuyến trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Qua hình ảnh gió-đại diện cho tự do, sức sống và niềm tin. Xuân Đức đã khắc họa một thông điệp sâu sắc: lòng người như ngọn gió nối đôi bờ Hiền Lương, chiến tranh không thể chia cắt. Hình ảnh gió trong “Cửa gió” là biểu tượng của tự do và sức sống, gợi liên tưởng đến khát vọng hòa bình lan tỏa khắp nơi, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: “gió hòa bình bay về muôn hướng...rạng đông soi sáng tương lai”.

Lê Nam Linh


Lê Nam Linh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Chao nghiêng nỗi nhớ

Chao nghiêng nỗi nhớ
2025-05-04 07:58:00

QTO - Chiều lang thang qua phố thị, gặp giọt nắng rơi vô tình bên hiên cửa, lòng chợt bâng khuâng nhung nhớ quê nhà! Đồng xa những ngày ruộng cạn, nắng đổ...

Người giữ được tứ thơ trong mơ

Người giữ được tứ thơ trong mơ
2025-05-04 06:30:00

QTO - Hơn 40 năm làm thơ với hàng trăm bài thơ được đăng trên các báo, tạp chí nhưng Nguyễn Xuân Tư rất “kiệm” xuất bản thơ. Tập thơ Tin, Yêu - NXB Hội Nhà...

Sấm sét ngang qua

Sấm sét ngang qua
2025-05-03 06:30:00

QTO - Mưa, mới đầu chỉ lắc rắc vài hạt. Chàng shipper tranh thủ chạy đi giao thêm vài đơn hàng trước khi cái khối mây đen ngòm trên bầu trời kia xả nước xuống.

Khói vương mùi bếp

Khói vương mùi bếp
2025-05-03 06:20:00

QTO - Sinh ra và lớn lên tại một làng quê bãi ngang nghèo khó bên bờ biển miền Trung, tuổi thơ tôi gắn liền với cát trắng, phi lao và... khói bếp. Ấy là...

Ngọn lửa của niềm tin

Ngọn lửa của niềm tin
2025-05-02 07:30:00

QTO - Tiếng khèn, tiếng chiêng, tiếng nhảy múa của trai gái tại Lễ Cha Xare/Cha đôi Tamay, một lễ hội nông nghiệp quan trọng nhất trong năm của người...

Arsenal gục ngã trước PSG

Arsenal gục ngã trước PSG
2025-04-30 06:56:00

(Zing) - Rạng sáng 30/4, Arsenal thua 0-1 ngay trên sân nhà Emirates ở bán kết lượt đi Champions League.

Tin liên quan

Gợi ý

POWERED BY
Việt Long