
{title}
{publish}
{head}
Sinh ra và lớn lên tại một làng quê bãi ngang nghèo khó bên bờ biển miền Trung, tuổi thơ tôi gắn liền với cát trắng, phi lao và... khói bếp. Ấy là thứ khói mỏng manh bay lên từ mái tranh sau nhà mỗi chiều. Không cay mắt, không sặc sụa, mà thơm mùi đặc trưng của lá khô, của rơm mục, của cây phi lao mặn mòi vị biển. Làn khói ấy không chỉ nhuốm màu thời gian trên mái tóc mẹ, trên tấm lưng trần của cha, mà còn in sâu vào tâm khảm tôi, giờ đang ở một nơi xa, với những bữa cơm đủ đầy nhưng vẫn thấy nhớ một hương khói xưa cũ.
Bếp củi gắn liền với tuổi thơ tôi - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Khoảng ba thập niên trước, tại làng biển quê tôi, cuộc sống còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn. Cái ăn, cái mặc vẫn là nỗi lo toan của ông bà, cha mẹ. Thế nhưng, nhà tôi chưa từng thiếu... khói. Khói len lỏi khắp căn bếp nhỏ, bám trên áo mẹ, vương trên mái tóc cha, tỏa ra từ những bếp lửa được nhóm bằng những nhành củi phi lao cháy đượm.
Những hôm trời trở lạnh, tôi cùng anh chị ra mé rừng phi lao để cào lá, nhặt cành, hạt cây phi lao khô để mẹ nhóm bếp. Tuổi thơ tôi lớn lên bằng những việc không tên như thế: phụ cha chẻ củi, dùng rựa rọc những thân gỗ dài, phơi nắng cho khô rồi đem xếp gọn sau bếp. Có khi cả buổi trưa, tôi lom khom theo mẹ gom từng nhánh phi lao khô dính đầy cát, rồi nắm từng bó về nhóm lửa nấu cơm chiều.
Bữa cơm chiều nhà tôi đơn sơ mà đượm vị quê. Cá trích biển nướng trên bếp củi, xèo xèo mỡ nhỏ, thơm lừng cả xóm, kèm thêm canh rau tập tàng, rau lang luộc, món mắm nêm mẹ tự tay ủ. Cơm trắng có khi độn thêm khoai lang, sắn lát, nhưng dẻo thơm vì nấu bằng niêu đất đặt trên bếp củi đượm lửa. Mỗi món ăn đều thấm mùi khói nhẹ nhàng, như thể quê nhà được “ướp” lại trong từng thớ cá, hạt gạo, cọng rau. Khói ấy không chỉ làm chín thức ăn, mà như chín cả tấm lòng người làm mẹ, khiến cơm canh giản dị trở thành món “cao lương” trong ký ức.
Mỗi lần bếp bén lửa, khói bốc lên, mẹ thường để tôi lại gần hong tay, rồi nói nhỏ như dặn lòng: “Khói bếp củi giúp đuổi ẩm, làm ấm người. Cái khói này không hại đâu, nó giúp giữ dương khí trong người. Con người ăn khói lửa quê mình, quen hơi đất, khỏe mạnh, ít bệnh tật hơn đấy con à”. Những điều tưởng chừng mộc mạc, sau này tôi mới hiểu, hóa ra đó là tri thức dân gian. Phụ nữ quê tôi sau cuộc vượt cạn đớn đau đều phải nằm than được đốt từ cây phi lao để nhanh chóng lại sức.
Trong Đông y, người ta tin rằng khí dương là nguồn năng lượng sống giúp giữ ấm cơ thể, điều hòa nội tạng. Ngược lại, khí âm - hàn khí là nguyên nhân gây ra bệnh tật, đặc biệt ở người già, phụ nữ và trẻ nhỏ. Bếp lửa dùng củi khô, lá, vỏ cây sẽ sinh ra luồng khí nóng tự nhiên, đẩy lùi hàn khí trong không gian sống, giúp tạng phủ hoạt động hiệu quả hơn. Chính vì thế, ở những vùng quê xa xưa, dù nhà tranh vách đất, người ta vẫn mạnh khỏe hơn, bởi sống gần thiên nhiên, ăn uống đơn sơ và đặc biệt là luôn có bếp lửa. Bếp không chỉ là nơi nấu ăn, mà còn là trung tâm sinh khí của ngôi nhà. Một gia đình có khói bếp nghĩa là có sinh hoạt, có gắn kết. Người xưa dạy “bếp lạnh, nhà nguội; bếp ấm, lòng yên”. Câu ấy đúng đến từng chữ.
Rồi tôi cũng lớn, thi đậu đại học, rời quê. Những năm tháng sống giữa phố thị, ăn đồ công nghiệp, ở trong phòng máy lạnh, có những ngày tôi mỏi mệt vô cớ. Tôi nhớ khói bếp! Không phải vì thiếu đồ ăn ngon, mà thiếu hơi ấm của ký ức tuổi thơ. Mỗi lần về quê, tôi lại ngắm nhìn chái bếp cũ. Mùi khói vẫn như xưa, không đổi thay. Chỉ có tôi là khác đi, cao hơn, hiểu chuyện hơn và... thương ba mẹ hơn. Tôi chụm thêm củi vào bếp, để khói tỏa lên, cay mắt một chút, nhưng dịu lòng biết bao.
Ở nơi phố thị, người ta bắt đầu quay lại với bếp củi truyền thống như một phong cách sống, gọi là “retreat”, là “lối sống organic”. Nhưng với tôi, nó không phải là trào lưu. Nó là ký ức. Là một phần tuổi thơ. Là nơi hình thành nên cái gọi là “tôi” của hôm nay. Giờ đây, khi đã ngoài ba mươi, cái tuổi mà Khổng Tử gọi là “tam thập nhi lập”, tôi không còn là cậu bé cào lá, bổ củi, nhặt hạt phi lao, cũng không còn run rẩy bên bếp lửa mùa đông. Nhưng mùi khói bếp năm nào vẫn vẹn nguyên trong tôi. Đó là mùi của mẹ, của làng quê, của một thời thơ dại lam lũ mà tròn đầy yêu thương.
Và mỗi khi thấy khói lam chiều vương qua mái phố, tôi lại mường tượng ra gian bếp nhỏ năm xưa. Khói không chỉ là hơi lửa. Khói là trí nhớ. Là chứng tích của một thời, một đời, một quê nhà.
Trần Tuyền
QTO - Bằng lăng phủ tím màu thời gian
QTO - Mưa, mới đầu chỉ lắc rắc vài hạt. Chàng shipper tranh thủ chạy đi giao thêm vài đơn hàng trước khi cái khối mây đen ngòm trên bầu trời kia xả nước xuống.
QTO - Tiếng khèn, tiếng chiêng, tiếng nhảy múa của trai gái tại Lễ Cha Xare/Cha đôi Tamay, một lễ hội nông nghiệp quan trọng nhất trong năm của người...
QTO - Sáng nay 30/4, tại bờ Bắc sông Bến Hải, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị tổ chức Giải vô địch môn Đua thuyền truyền thống “Lễ hội Thống nhất...
QTO - Hôm nay 30/4, Câu lạc bộ (CLB) Cờ vua Đông Lễ tổ chức Giải Cờ vua các Câu lạc bộ (CLB) TP. Đông Hà mở rộng lần thứ III - năm 2025.
(Zing) - Rạng sáng 30/4, Arsenal thua 0-1 ngay trên sân nhà Emirates ở bán kết lượt đi Champions League.
QTO - Những ngày tháng Tư về, miền biên viễn Tây Ninh nắng trải vàng rực rỡ. Những hàng cây bằng lăng hoa nở tím mùa thương. Tháng Tư bình yên trong tiếng...
Sau khi giành chiến thắng dễ dàng trước Tottenham, Liverpool đã chính thức vô địch Ngoại hạng Anh mùa này trước bốn vòng đấu.
QTO - 5 năm trở lại đây, phong trào thể dục thể thao (TDTT) phát triển mạnh mẽ và khá toàn diện trên toàn huyện Gio Linh. Trong đó, nổi bật là kết quả đạt...
QTO - Thời gian qua, ngành giáo dục Quảng Trị chú trọng tổ chức nhiều trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống cho học sinh. Những trò chơi dân gian,...
VOV.VN - Kết quả bóng đá hôm nay 24/4 được người hâm mộ chú ý với những trận đấu sớm tại các giải VĐQG hàng đầu châu Âu.
NDO - Ngày 23/4, tại trụ sở 71 Hàng Trống (Hà Nội), Báo Nhân Dân đã long trọng tổ chức lễ công bố đợt truyền thông đặc biệt chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống...