Cập nhật:  GMT+7

Giải pháp phát triển làng nghề trong giai đoạn hiện nay

Sự phát triển làng nghề và các làng nghề truyền thống trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông thôn Quảng Trị theo hướng giảm nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ nông thôn, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người lao động. Sản xuất tại các làng nghề đã tạo ra nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh liên tục tăng năm sau cao hơn năm trước. Nhiều cơ sở sản xuất tại một số làng nghề đã bước đầu khẳng định được uy tín, chất lượng và thương hiệu hàng hoá của mình đối với người tiêu dùng trong tỉnh và từng bước chiếm lĩnh thị trường các vùng lân cận... Hiện trên địa bàn tỉnh đã hình thành 11 cụm công nghiệp-làng nghề. Nhìn chung, công tác quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp-làng nghề và công tác kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp của tỉnh ngày càng được chú trọng và dần đi vào cuộc sống. Một số ngành, nghề truyền thống được phục hồi như rượu Kim Long, nón Bố Liêu, bún bánh Phương Lang, dệt xăm lưới Thâm Khê, thêu ren Văn Quý, chế biến nước mắm Hải Khê...được quan tâm hỗ trợ đầu tư phát triển. Đồng thời, tỉnh còn phát triển thêm nhiều ngành mới như mây tre đan, mộc mỹ nghệ cao cấp... Tuy nhiên, hiện nay các làng nghề nói chung, làng nghề truyền thống nói riêng của tỉnh Quảng Trị đang đứng trước nhiều khó khăn. Đó là phát triển kiểu phong trào, chưa có quy hoạch; quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ sản xuất lạc hậu, các thiết bị cũ chắp vá, thiếu đồng bộ, trình độ tay nghề lao động không đồng đều. Đặc biệt, các làng nghề truyền thống còn có một điểm yếu quan trọng dẫn đến bị thua thiệt khi cạnh tranh trên thị trường, đó là chưa có chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của mình, khả năng cạnh tranh của hàng hoá làng nghề trên thị trường phần lớn ở trình độ trung bình và yếu. Mặt bằng sản xuất của nhiều làng nghề còn chật hẹp. Cơ sở hạ tầng ở các làng nghề tuy có khá hơn so với cơ sở hạ tầng ở các làng nông thôn, đặc biệt là điều kiện giao thông và điện, nhưng nhìn chung vẫn còn yếu kém chưa phục vụ tốt cho sản xuất, vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm. Thiếu thông tin về thị trường tiêu thụ, thiếu vốn và kỹ thuật là những vấn đề phổ biến nhất với các làng nghề. Vốn sản xuất kinh doanh vừa nhỏ, vừa thiếu. Các nhà sản xuất thường vay của tư nhân. Người lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở các làng nghề trên địa bàn tỉnh tuy dồi dào, nhưng còn thiếu nhân lực quản lý và lao động kỹ thuật. Theo khảo sát chưa đầy đủ của Trung tâm khuyến công tỉnh, hiện chỉ có 24,2% trong tổng số lao động tham gia sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở các làng nghề được đào tạo chính thức. Nếu không có chính sách khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh và không có sự liên kết giữa các cơ sở sản xuất trong làng nghề, liên kết với doanh nghiệp lớn thì các cơ sở sản xuất nhỏ, phân tán của các làng nghề rất khó có thể nâng cao nội lực của mình. Vấn đề môi trường mà các làng nghề đang phải đối mặt không chỉ giới hạn ở trong phạm vi các làng nghề mà còn ảnh hưởng đến người dân ở vùng lân cận. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề xảy ra phổ biến như: ô nhiễm nước; ô nhiễm không khí gây bụi, ồn và nóng; ô nhiễm chất thải rắn do tái chế nguyên liệu. Hiện, tỷ lệ người dân làng nghề mắc bệnh cao hơn các làng thuần nông, thường gặp ở các bệnh về đường hô hấp, đau mắt, bệnh đường ruột, bệnh ngoài da. Những dòng sông chảy qua các làng nghề hiện nay đang bị ô nhiễm nặng; nhiều ruộng lúa, cây trồng bị giảm năng suất do ô nhiễm không khí từ làng nghề. Một trong những nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm kể trên là do các cơ sở sản xuất kinh doanh ở các làng nghề còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, phát triển tự phát, không đủ vốn và không có công nghệ xử lý chất thải. Để phát triển làng nghề trong thời gian tới thiết nghĩ cần quan tâm đến một số giải pháp sau: Trước tiên, cần đặt quy hoạch phát triển các làng nghề gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, huyện, tỉnh và ngành. Tỉnh cần quy hoạch phát triển và có chính sách khuyến khích phát triển theo quy hoạch của các ngành nghề cần ưu tiên. Hiện nay, các cơ sở sản xuất - kinh doanh trên địa bàn làng nghề chủ yếu tồn tại dưới hình thức hộ kinh tế gia đình, sản xuất kinh doanh diễn ra tại nơi ở của hộ gia đình. Đó vừa là nơi ở, vừa là nơi sản xuất nên nhà xưởng hẹp, môi trường bị ô nhiễm, không có khả năng mở rộng sản xuất, kết cấu hạ tầng cho sản xuất - kinh doanh không đảm bảo. Hướng tiến tới trong quá trình phát triển làng nghề là phải tách khu vực sản xuất khỏi khu vực nhà ở và phải đảm bảo kết cấu hạ tầng, đảm bảo nhà xưởng cho sản xuất - kinh doanh và bảo vệ môi trường. Thứ đến, cần phát triển thị trường cho các làng nghề. Phát triển các thị trường đầu vào (lao động, thông tin, khoa học công nghệ, nguyên vật liệu...) và thị trường sản phẩm cho các làng nghề. Hiện nay, chúng ta đang bỏ ngỏ thị trường các làng nghề. Cần phát triển các thành phần kinh tế hoạt động trên thị trường, trong đó nêu cao vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong cung ứng các yếu tố đầu vào quan trọng (công nghệ, thông tin...) và tiêu thụ sản phẩm cho các làng nghề. Thông qua các hình thức như gia công đặt hàng và hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp ở thành thị với các cơ sở sản xuất kinh doanh ở nông thôn để tạo thị trường lớn và ổn định các làng nghề. Cùng với phát triển thị trường cho các làng nghề, thì việc tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm của làng nghề cần được chú trọng bằng việc khai thác các thị trường ngách, phát triển quan hệ gia công cho các doanh nghiệp lớn ở thành thị, tích cực thực hiện các biện pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong các làng nghề. Tỉnh, huyện và các ngành liên quan cần có cơ chế đảm bảo và hỗ trợ vốn cho đổi mới công nghệ ở các làng nghề. Coi trọng công tác tư vấn, đào tạo và áp dụng mô hình chuyển giao công nghệ cho các làng nghề. Có chính sách khuyến khích nghiên cứu sản xuất và sử dụng máy móc thiết bị cho các làng nghề, chính sách cho vay ưu đãi bao gồm vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để có vốn cho đầu tư đổi mới công nghệ cho sản xuất kinh doanh. Phát triển các trung tâm đảm nhận nhiệm vụ thiết kế mẫu mã, đào tạo cho các làng nghề. Cuối cùng, tỉnh cần quan tâm hơn nữa trong phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các làng nghề. Hình thức tổ chức kinh doanh phổ biến trong các làng nghề ở nông thôn tỉnh Quảng Trị hiện nay là kinh tế hộ gia đình, chiếm trên 90%. Hộ kinh tế gia đình có ưu điểm tận dụng các loại lao động vào sản xuất công nghiệp, huy động được vốn nhàn rỗi trong dân, tạo động lực phát triển, nhưng lại có nhiều hạn chế về đổi mới công nghệ, vốn, mở rộng sản xuất, tiếp cận thị trường. Để các làng nghề đi vào sản xuất hàng hoá, cần phát triển mạnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các thành phần kinh tế khác nhau trên địa bàn nông thôn của tỉnh. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ này được hình thành theo 2 cách: từ các hộ kinh tế gia đình tích tụ và tập trung thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ (đây là cách chủ yếu) hoặc lập mới một số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn. Lê Thế Quảng



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Ngăn chặn kịp thời dịch bệnh gia súc, gia cầm

Ngăn chặn kịp thời dịch bệnh gia súc, gia cầm
2009-02-15 17:20:30

Tuần qua, dịch cúm gia cầm đã bùng phát ở xã Triệu An, huyện Triệu Phong với số lượng hàng trăm con vịt đàn đã chết và kết quả xét nghiệm cho thấy đàn vịt bị dịch cúm gia cầm...

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết