Cập nhật:  GMT+7

Động thổ xây dựng đền thờ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng

Sáng nay 16/4, UBND xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức lễ động thổ, đặt viên đá đầu tiên xây dựng đền thờ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng tại thôn An Nha. Đây là đền thờ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đầu tiên được xây dựng ở đất Quảng Trị. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, đồng thời thể hiện lòng tri ân sâu sắc của người dân Gio An đối với vị chúa có công mở mang bờ cõi.

Động thổ xây dựng đền thờ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng

Các bô lão Gio An đặt đá động thổ xây đền thờ Chúa Nguyễn Hoàng - Ảnh: Hoàng Táo

Buổi lễ có sự tham gia của đông đảo cán bộ xã, các bậc bô lão trong làng và người dân địa phương, thể hiện sự đồng lòng và niềm phấn khởi trước sự kiện ý nghĩa này. Theo thông tin từ UBND xã Gio An, ngôi đền thờ được xây dựng với hướng chính quay về phía Bắc, dự kiến kinh phí khoảng 2 tỉ đồng, thiết kế cổ kính 3 gian 2 chái. Sau khi hoàn thành phần xây dựng cơ bản, địa phương sẽ tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ để đúc tượng Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, góp phần tạo nên một không gian thờ tự trang nghiêm và linh thiêng.

Ông Nguyễn Trường Cẩm (76 tuổi), nguyên là hội chủ làng An Nha, người đã dành nhiều tâm huyết cho việc khôi phục di tích, chia sẻ: “Dân làng luôn trăn trở về việc xây dựng lại một nơi thờ tự xứng đáng cho Chúa Tiên. Điều kiện kinh tế của bà con còn nhiều khó khăn nên việc xây đền thờ phải lần lữa qua nhiều năm. Hôm nay, chứng kiến lễ động thổ, bà con trong làng ai cũng rất phấn khởi vì ước mơ bao lâu nay đã dần trở thành hiện thực”.

“Ý tưởng xây dựng lại đền thờ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã được ấp ủ từ lâu, nhưng phải đến năm 2023, dự án mới thực sự được triển khai qua nhiều giai đoạn chuẩn bị và kết nối”, ông Nguyễn Văn Song, Chủ tịch UBND xã Gio An, cho hay.

Đại diện UBND xã Gio An cam kết sẽ quản lý, giám sát và thi công công trình đảm bảo chất lượng, mỹ thuật, tiến độ và an toàn, để sớm đưa công trình vào sử dụng. Xã Gio An cũng kêu gọi sự tiếp tục quan tâm và hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo và nhà tài trợ để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng tại điểm di tích này.

Ông Song thông tin, địa phương phấn đấu hoàn thành việc xây dựng đền thờ vào tháng 8 năm nay, dự kiến trùng với dịp sinh nhật của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, để người dân và du khách có thể đến chiêm bái, tưởng nhớ vị chúa có công lao to lớn trong lịch sử dân tộc. Việc xây dựng đền thờ không chỉ là một công trình vật chất mà còn là một hành động mang ý nghĩa văn hóa và nhân văn sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống và khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong cộng đồng.

Điều đặc biệt, vị trí xây dựng đền thờ hiện nay từng tồn tại ngôi miếu thờ Chúa Nguyễn Hoàng được xây dựng 400 năm trước.

Theo ghi nhận tại địa điểm xây dựng, di tích gốc hiện vẫn còn nền đá, các trụ đá, tường đá bao quanh và những cây dứa cổ kính. Phía trước khu vực này có một cồn đất tự nhiên, được xem như một bình phong che chắn. Đặc biệt, một số trụ đá cổ từng được người dân đưa về nhà nhưng sau đó đã được trả lại vị trí cũ, thể hiện sự tôn kính đối với di sản.

Mối liên hệ giữa Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và vùng đất Gio An có một lịch sử sâu sắc. Theo các tài liệu lịch sử, vào năm 1572, sau khi đánh thắng quân nhà Mạc, Chúa Nguyễn Hoàng đã cho những binh lính nhà Mạc đầu hàng ở lại vùng đất Cồn Tiên, đặt làm 36 phường thuộc tổng Bái Ân (vùng đất Gio An, huyện Gio Linh ngày nay).

Để ghi nhớ công ơn của Chúa Nguyễn Hoàng, thế hệ con cháu của những người lính Mạc được tha mạng và định cư tại đây đã dựng miếu thờ Nguyễn Hoàng ở An Định Nha (nay là thôn An Nha, xã Gio An).

Các tài liệu lịch sử không ghi chép cụ thể về năm chính xác mà miếu thờ Nguyễn Hoàng được dựng. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng miếu được xây dựng sau khi Chúa Nguyễn Hoàng mất vào năm 1613 để thể hiện lòng biết ơn của người dân địa phương, đặc biệt là con cháu của những người lính Mạc được ông cho định cư tại vùng đất này.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, miếu thờ ban đầu đã trải qua nhiều biến đổi. Vào thời vua Minh Mạng, năm 1823, miếu thờ được chuyển đổi thành chùa Long Phước.

Tuy nhiên, do chiến tranh và sự tàn phá của thời gian, chùa Long Phước đã bị hoang phế và đổ nát vào thế kỷ XX. Mặc dù vậy, hình ảnh ngôi cổ tự vẫn luôn in đậm trong tâm thức của người dân Gio An, thôi thúc họ ấp ủ ý tưởng phục dựng lại nơi thờ tự vị chúa có công lớn với vùng đất.

Chùa Long Phước, tiền thân là miếu thờ Chúa Nguyễn Hoàng, đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 707/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Trị vào ngày 12/7/1996.

Hoàng Táo

Tin liên quan:
  • Động thổ xây dựng đền thờ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng
    Chúa Tiên Nguyễn Hoàng với Phật giáo Quảng Trị

    Cách đây ít lâu tại chùa Sắc Tứ (Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang) thuộc thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã có một cuộc tọa đàm khoa học do Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế phối hợp với tỉnh Quảng Trị tổ chức với chủ đề: “Bước đầu tiếp cận di sản Phật giáo Quảng Trị”. Thành phần tham dự có các nhà khoa học trong và ngoài nước như Tiến sĩ sử học Nguyễn Hữu Thông, TS văn hóa Trần Đình Hằng-Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế, nhà giáo Phan Đăng, nguyên Trưởng Khoa Ngữ văn-Trường Đại học Tổng hợp Huế; GS.TS, cư sĩ Lê Mạnh Thát, TS triết học Thái Kim Lan (Việt kiều từ Đức)...

  • Động thổ xây dựng đền thờ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng
    Chúa tiên Nguyễn Hoàng với việc lập ba “kinh đô thu nhỏ” tại Quảng Trị

    Cách đây hơn 460 năm, vào thế kỷ XVI, khi các dòng họ Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn tranh giành quyền lực lẫn nhau dẫn đến triều đình triều Lê rối ren. Trong tình thế các bên tranh giành ảnh hưởng, Nguyễn Hoàng cảm nhận được tình thế nguy hiểm đang đến với mình. Ông đã xuôi vào phương Nam lập nghiệp, mở ra cơ đồ và ghi dấu ấn tại vùng đất Quảng Trị.

  • Động thổ xây dựng đền thờ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng
    Mong sớm có những công trình tri ân, tôn vinh Chúa Tiên Nguyễn Hoàng trên đất ...

    Đồ án quy hoạch các địa điểm liên quan đến dinh Chúa Nguyễn (1558-1626) ở huyện Triệu Phong vừa được hoàn chỉnh. UBND huyện Triệu Phong đã trình Ban Thường vụ Huyện uỷ cho ý kiến lần cuối trước khi trình UBND tỉnh đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thẩm định để phê duyệt theo thẩm quyền nhằm tiến hành công tác bảo tồn, tôn tạo di tích. Đây là việc làm ý nghĩa được dư luận quan tâm. Phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong PHAN VĂN LINH về những nội dung liên quan.


Hoàng Táo

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận mới nhất

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm:

Tin liên quan

Gợi ý

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long