Dọc theo vùng cát quê hương (Bài cuối)
Bài cuối: Sức vươn từ nội lực (QT) - Những năm trở lại đây, các cụm kinh tế- thương mại- dịch vụ tập trung như thị trấn Cửa Tùng, Mỹ Thủy, Bồ Bản; cụm công nghiệp Quán Ngang; các cụm tuyến dọc đường Cửa Việt - Cửa Tùng, đường Cửa Tùng - địa đạo Vịnh Mốc, khu du lịch sinh thái biển Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ… đang dần định hình tạo động lực cho sự phát triển của vùng. Với thế mạnh có bờ biển dài 75 km, du lịch biển cũng mở ra cho Quảng Trị nhiều cơ hội thu hút khách du lịch gần xa đến với mảnh đất này. Nền móng phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp Gio Việt, một xã vùng biển của huyện Gio Linh hôm nay đã thực sự “lột xác”, người dân giàu lên nhờ biết khai thác tiềm năng, đẩy mạnh hoạt động thu mua, chế biến thủy sản và sản xuất, kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá. Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp từ khai thác- thu mua- chế biến và xuất khẩu đã thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm, như anh gia đình Nguyễn Tiến Dũng (thôn Xuân Tiến), Nguyễn Duy Liệu, Hoàng Ngọc Trung (thôn Xuân Lộc)... Anh Nguyễn Tiến Dũng (thôn Xuân Tiến) bộc bạch: “Trung bình mỗi năm, cơ sở thu mua và chế biến cá hấp của gia đình tôi thu mua gần 200 tấn cá tươi nguyên liệu, chế biến rồi xuất bán ra thị trường trong, ngoài tỉnh, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 200 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 30 lao động với thu nhập từ 70 đến 80 ngàn đồng/ ngày”.
|
Bãi tắm Cửa Việt thu hút đông khách du lịch |
>>> Dọc theo vùng cát quê hương (Bài 2) >>> Dọc theo vùng cát quê hương (Bài 1) Từ năm 2006, huyện Gio Linh đã đẩy mạnh đầu tư các ngành nghề công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ (CN-TTCN, TM-DV) có thế mạnh của vùng như sửa chữa tàu thuyền, dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua chế biến hải sản. Đến nay, toàn vùng có 17 cơ sở sửa chữa cơ khí vừa và nhỏ, 23 cơ sở sản xuất nước đá, gần 1.000 doanh nghiệp, tổ hợp tác, hộ gia đình có hoạt động sản xuất CN-TTCN, TM-DV, 15 cơ sở chế biến nước mắm, 127 cơ sở sấy hấp cá, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động, nhất là lao động nữ. Thực hiện chủ trương khuyến kích phát triển TTCN và làng nghề nông thôn, từ năm 2007 đến nay tỉnh đã hỗ trợ trực tiếp từ nguồn vốn khuyến công cho các dự án tại miền biển và vùng cát. Nhiều dự án có vai trò thiết yếu như: xây dựng cụm triền đà, nâng cấp cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền Gio Việt, dệt xăm lưới, sản xuất nước mắm, ruốc bột tại hai xã Hải An và Hải Khê, xây dựng mô hình lò sấy hải sản tại Gio Việt, du nhập nghề mây giang đan xuất khẩu tại xã Gio Mỹ… Huyện Hải Lăng chủ động khôi phục, duy trì và phát triển một số làng nghề truyền thống như nước mắm Mỹ Thủy, rượu Kim Long, bún bánh Phương Lang, nón lá Trà Lộc...góp phần giải quyết việc làm, tận dụng thời gian lao động nông nhàn ở nông thôn và tăng thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã hỗ trợ một số mô hình như mô hình hấp sấy thuỷ hải sản biển ở Gio Việt, Gio Linh và mô hình chế biến miến dong riềng theo công nghệ đùn ép ở Vĩnh Kim, Vĩnh Linh...Nhiều dự án như mở rộng cơ sở chế biến cá, ruốc xuất khẩu Nam Cửa Việt; nước mắm Tùng Vân, Cửa Tùng, hoàn thiện quy trình sản xuất nước mắm Huỳnh Kế, Vĩnh Tân, Vĩnh Linh, mở rộng cơ sở chế biến và xây dựng thương hiệu nước mắm Lợi - Nhớ (Gio Hải); quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp thị tứ Nam Cửa Việt...được quan tâm đầu tư. Các dự án khuyến công và các dự án mô hình đã bước đầu kích thích sự phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn. Bộ mặt vùng cát đã thực sự khởi sắc, khi các cụm kinh tế miền biển và vùng cát được hình thành, như thị trấn Cửa Việt, các cụm kinh tế Cửa Tùng, Mỹ Thuỷ, Bồ Bản, cụm công nghiệp Quán Ngang, huyện đảo Cồn Cỏ. Cụm công nghiệp Quán Ngang (Gio Linh), đến thời điểm hiện tại đã thu hút được 15 dự án đầu tư, trong đó 5 dự án đã đưa vào hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 600 lao động. Đặc biệt, mới đây nhất, UBND tỉnh và Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc phối hợp triển khai thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện có công suất 1.200 MW được quy hoạch xây dựng tại xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, nằm trong Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Trong tương lai gần, khi dự án Cảng Mỹ Thủy và Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị được triển khai xây dựng trên địa bàn huyện Hải Lăng sẽ tạo động lực phát triển kinh tế vùng, tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đáp ứng nhu cầu phát triển các cơ sở kinh tế, công nghiệp trên địa bàn tỉnh, khu vực và các nước nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Ðông - Tây. Tỉnh cũng đang triển khai xây dựng các cụm tuyến dọc đường Cửa Việt - Cửa Tùng, đường Cửa Tùng - địa đạo Vịnh Mốc, quy hoạch khu du lịch sinh thái biển Cửa Tùng - Cửa Việt - đảo Cồn Cỏ... là cơ sở quan trọng để vùng cát phát huy nội lực, tiềm năng và thế mạnh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng chung của tỉnh. Du lịch - dịch vụ cất cánh Khi bàn chuyện phát triển du lịch sinh thái tại thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh, người dân nơi đây có chung một mong ước là một ngày không xa, khi tour du lịch địa đạo Vịnh Mốc- đảo Cồn Cỏ được đưa vào hoạt động, vùng quê này sẽ là địa chỉ thu hút đông khách du lịch đến tham quan. Đó cũng sẽ là cơ hội để người dân vùng biển kinh doanh các dịch vụ, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Mong ước này chẳng phải quá xa vời, bởi trong những năm qua, mục tiêu phát triển du lịch biển và du lịch ở miền biển và vùng cát đang được khởi động. Những năm qua, tỉnh đã xây dựng hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu du lịch: Cửa Tùng (135 ha), Cửa Việt (141 ha), huyện đảo Cồn Cỏ được phê duyệt thành đảo du lịch. Trong đó, khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt được xác định là điểm nhấn quan trọng về phát triển du lịch của tỉnh, là cơ sở, là vùng động lực để tiếp tục phát triển tuyến du lịch ven biển Cửa Tùng - Cửa Việt, tiến tới hình thành tam giác du lịch biển đảo: Cửa Tùng – Cửa Việt – Cồn Cỏ. Từ khi xây dựng khu dịch vụ - du lịch Cửa Việt, người dân vùng biển đã năng động thích nghi nhanh chóng với kinh doanh các dịch vụ ăn uống, với hơn 31 hộ kinh doanh, mỗi mùa du lịch biển có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Theo ông Nguyễn Trường Kỳ, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt, bên cạnh thế mạnh truyền thống là nghề đánh bắt thuỷ sản trên biển, hiện nay dịch vụ du lịch biển cũng là thế mạnh mũi nhọn của địa phương. Ngoài bãi tắm đẹp, Cửa Việt còn có vị trí gần với trung tâm thành phố Đông Hà, với lợi thế nằm trên trục đường xuyên Á và Hành lang kinh tế Đông - Tây, chính là địa chỉ hấp dẫn mạnh mẽ du khách gần xa, nhất là khách du lịch các nước Lào, Thái Lan... thông thương trên tuyến đường này. Giá trị lợi nhuận từ du lịch biển mang lại cho người dân nơi đây đã được khẳng định và được phát huy bằng chủ trương xây dựng bãi tắm cộng đồng tại xã Trung Giang, xã Gio Hải nhằm hình thành và phát triển hệ thống dịch vụ du lịch tắm biển - nghỉ dưỡng dọc tuyến biển của huyện với 3 cụm trung tâm ở Cửa Việt, Gio Hải, Trung Giang. Ông Nguyễn Minh Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Hải cho biết, hiện toàn xã có 17 hộ kinh doanh dịch vụ tại bãi tắm, trung bình cao điểm vào tháng 6 -8 hàng năm, mỗi quán lãi từ 50 -70 triệu đồng/mùa. Với người dân vùng biển, đây là một khoản thu nhập không hề nhỏ, công việc cũng nhẹ nhàng không vất vả như làm nghề biển. Cuộc sống đã đổi thay một bước tiến dài kể từ khi vùng cát được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế- xã hội. Ông Phan Văn Bốn, ở thôn 8, Gio Hải, người đã trải qua những năm tháng chiến tranh, bám trụ với cái nghèo khó của quê hương suốt thời kỳ khó khăn vất vả, là người hiểu hơn ai hết sự thay da đổi thịt trên mảnh đất này. Nên trong mắt ông, bức tranh quê ngày hôm nay giống như một sự lột xác diệu kỳ, khi người dân quê ông hết nỗi lo nạn cát bay, cát nhảy, những bàn chân đã thong thả hơn trên cát để trầm tĩnh mưu sinh. “Ngày xưa có nằm mơ cũng không nghĩ được rằng, dân quê mình biết tận dụng bãi biển để kinh doanh du lịch, vì đến cái ăn cũng còn thấp thỏm từng ngày. Nghề biển trong ký ức của những người già như chúng tôi đôi khi bạc bẽo lắm, “sống thời con vợ ăn cùng/thác thời trôi nổi biển Đông một mình”, như câu ca truyền nhau vậy đó. Giờ có phương tiện hiện đại để ra khơi vào lộng đánh bắt, người ở nhà thì chân đồng chân cát, làm đủ nghề để phát triển kinh tế. Tôi nhìn cảnh đông vui khi khách du lịch kéo đến quê mình để nghỉ ngơi, tắm biển, thấy con cháu tất bật với hàng quán kinh doanh mà chợt mong mình trẻ lại. Vùng cát đã đổi thay quá chừng rồi”, khép lại cuộc chuyện trò dông dài về đổi thay của quê mình, giọng ông Bốn rủ rỉ trong tiếng rì rào của sóng biển. Một buổi chiều như những buổi chiều ông thường thong thả ra đây, nhìn ngắm và chiêm nghiệm cuộc sống đang khởi sắc từng ngày... Bài, ảnh: THANH TRÚC - LÂM THANH