Đoàn kết, đổi mới, thi đua giành thắng lợi mới
* NGUYỄN VĂN MINH - Q. Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị)
 |
Từ sau Đại hội thi đua yêu nước huyện Vĩnh Linh lần thứ nhất (2005- 2010), các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, cơ quan, ban ngành, đơn vị đã tăng cường đổi mới công tác thi đua khen thưởng phù hợp với tình hình thực tế theo tinh thần Chỉ thị 39/CT-TW của Bộ Chính trị về việc “Tiếp tục đổi mới đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến”. Giai đoạn thi đua mới trên nhiều lĩnh vực theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2010-2015), trọng tâm là 3 chủ trương lớn toàn khóa: Xây dựng nông thôn mới; thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc miền núi và điểm nhấn là chương trình “Thắp sáng đường quê”. Đặc biệt thực hiện tốt Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phong trào thi đua yêu nước ở Vĩnh Linh đã phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất hàng năm giai đoạn 2010- 2015 (so sánh với năm 2010) là 14,8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Tỷ trọng Nông-Lâm-Ngư nghiệp từ 42,1% năm 2010 giảm xuống 30,5% năm 2015, Công nghiệp- Tiểu thủ công nghiệp- xây dựng từ 24,5% năm 2010 tăng lên 27,6% năm 2015, riêng khu vực ngoài quốc doanh tăng bình quân 9,5%. Thương mại-dịch vụ từ 33,4% tăng lên 41,9%. Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường. Các lĩnh vực bảo hiểm, bưu chính viễn thông, vận tải tăng trưởng khá, chất lượng dịch vụ được cải tiến đáng kể. Lợi thế về tiềm năng du lịch, di tích lịch sử, danh thắng, các lễ hội văn hóa của địa phương được khai thác tốt. Trong 5 năm qua, 15 chợ nông thôn được nâng cấp và xây dựng mới, trong đó có một chợ trung tâm. Trên lĩnh vực tài chính tiếp tục phát triển ổn định. Hoạt động tín dụng, ngân hàng đáp ứng nhu cầu về vốn cho phát triển kinh tế, góp phần xóa nghèo bền vững. Các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt loại hình kinh tế tập thể tiếp tục phát triển. Toàn huyện hiện có 57 HTX đang hoạt động. Kinh tế trang trại, kinh tế cá thể được huyện quan tâm tạo điều kiện phát triển thuận lợi. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 30 triệu đồng năm 2015, tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ, đạt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng bình quân mỗi năm 15,8%, vượt mức nghị quyết đề ra. Tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2015 đạt 51%, vượt chỉ tiêu đề ra.
 |
Tiết mục văn nghệ trong ngày hội Thống nhất non sông - Ảnh: THÀNH DŨNG |
Xây dựng cơ sở hạ tầng đẩy mạnh theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, được sự giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, các tổ chức quốc tế, trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư phát triển toàn huyện đạt 2.500 tỷ đồng. Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương tiếp tục được đầu tư. Chương trình “Thắp sáng đường quê” có 154/195 thôn, khóm phố (16 xã, thị trấn) thực hiện tốt với chiều dài đường điện chiếu sáng công cộng 2.026 km do dân tự đóng góp 8,178 tỷ đồng và 1.871 ngày công. Hệ thống cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa làng, xã, thôn, bản, khóm phố được đầu tư đồng bộ, hoạt động có hiệu quả. Có 300 công trình được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn tỉnh, Trung ương, vốn ODA. Nhiều công trình lớn được xây dựng như đường quốc phòng Thạch-Kim-Thái; đường Lâm-Sơn –Thủy; trụ sở cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn; các hạng mục nhà thi đấu luyện tập thể dục thể thao; các công trình thủy lợi sông Hồ Xá…, đặc biệt tuyến đường liên xã Vĩnh Hòa-thị trấn Cửa Tùng vốn của JICA, đường giao thông Thạch – Kim- Hòa vốn Ả Rập xê út đi qua 7 xã với chiều dài 63,7 km. Hậu quả 2 cơn bão số 10 và 11 năm 2013 gây thiệt hại lớn đến kết quả sản xuất và đời sống của nhân dân nhưng huyện Vĩnh Linh vẫn đạt được thành quả nói trên là nhờ ý chí và nghị lực của toàn Đảng, toàn dân vượt qua khó khăn thử thách để vươn lên. Đến nay huyện Vĩnh Linh có trên 5.000 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giỏi, có 342 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các loại hình kinh tế phát triển phong phú, đa dạng thu hút nhiều lao động có việc làm tại chỗ, góp phần giảm hộ nghèo từ 25,6% năm 2005 xuống 6,39% vào cuối năm 2014. Nhiều hộ có thu nhập đạt từ 400 - 500 triệu đồng/năm. Trên lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục giữ vững, ổn định và phát triển. Giáo dục đào tạo tăng trưởng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đồng bộ hóa. Đến nay có 51/69 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó 2 trường đạt mức độ II. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn 99,7%, trong đó trên chuẩn 77,2%. Toàn huyện có 22/22 xã, thị trấn xây dựng Hội khuyến học, 168 dòng họ có Ban khuyến học, 517 tổ chức cơ sở hội được thành lập, số hội viên chiếm 30% dân số. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao. Tỷ lệ sinh con thứ 3 dưới 10%. Toàn huyện có 82 làng, khóm phố không có người sinh con thứ 3. Trẻ em được quan tâm chăm sóc tốt. 100% cơ sở y tế thực hiện khám bảo hiểm y tế. 17/22 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020. Đời sống văn hóa tinh thần nhân dân ngày càng nâng cao. Vĩnh Linh đạt huyện chuẩn về văn hóa được tỉnh công nhận năm 2012. Đến nay có 178/195 làng, 100% cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa với 17.000/23.140 hộ đạt gia đình văn hóa. Phong trào văn nghệ, thể dục thể thao phát triển rộng khắp. Nhiều công trình văn hóa, lịch sử được đầu tư, tôn tạo. Công tác thông tin, truyền thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử đã có bước phát triển mạnh, đáp ứng như cầu về thông tin của cán bộ, nhân dân. Công tác chăm sóc gia đình chính sách, chương trình lao động, việc làm, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội được quan tâm thường xuyên. Riêng 11 bản thuộc 3 xã miền núi được các cơ quan, ban ngành, đơn vị đỡ đầu hỗ trợ nên hộ nghèo giảm xuống dưới 40%. Công tác quốc phòng- an ninh, trật tự an toàn xã hội ngày càng củng cố vững chắc. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã đóng góp quan trọng vào phong trào thi đua yêu nước. Từ năm 2010-2015, bình quân hàng năm có 350 tập thể, 600 cá nhân được huyện khen thưởng, từ 40 tập thể và 60 cá nhân trở lên được tỉnh, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương khen thưởng. Huyện Vĩnh Linh và xã Vĩnh Thủy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, 1 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Riêng huyện Vĩnh Linh còn được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 1 cờ thi đua của Chính phủ, 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 1 cờ thi đua của UBND tỉnh, 1 Bằng khen của UBND tỉnh. Nhiều địa phương, đơn vị được tặng các danh hiệu cao quý: 6 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, 17 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, 23 tập thể nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 10 cờ thi đua của Chính phủ, 20 cờ thi đua của UBND tỉnh, 3 cờ thi đua của Bộ Công an, 1 cờ thi đua của Tòa án nhân dân Tối cao, 2 cờ thi đua của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Về cá nhân được tặng thưởng 1 Huân chương Lao động hạng Nhì, 11 Huân chương Lao động hạng Ba, 29 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 33 chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Ba xã đầu tiên của tỉnh được công nhận xã nông thôn mới là Vĩnh Thủy, Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch. Trong 5 năm qua, huyện đề nghị nhà nước khen thưởng thành tích kháng chiến cho 14 gia đình có nhiều con là liệt sĩ, con độc nhất liệt sĩ được nhận Huân chương Độc lập hạng Ba, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho 34 mẹ, chi trả cho 986 trường hợp hoạt động kháng chiến được tặng Bằng khen của UBND tỉnh. Giai đoạn 2015-2020, huyện Vĩnh Linh tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015-2020), phát triển văn hóa – xã hội gắn với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Nâng cao vai trò lãnh đạo của đảng, sự quản lý điều hành của các cấp chính quyền, nâng cao vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, đảm bảo quốc phòng- an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.