Hãng thông tấn KCNA dẫn lời Bộ Quốc phòng Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng sẽ khôi phục tất cả biện pháp quân sự đã tạm dừng theo Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA) với Hàn Quốc. Hai miền Triều Tiên đạt thỏa thuận này vào năm 2018 nhằm giảm căng thẳng dọc biên giới liên Triều.

Trước đó một ngày, Hàn Quốc đã đình chỉ một phần CMA để phản đối Triều Tiên phóng vệ tinh do thám Malligyong-1. Theo sau động thái này, Hàn Quốc đã nối lại các hoạt động do thám và giám sát quanh khu vực biên giới liên Triều hôm 22-11.

Triều Tiên lập tức phản ứng bằng tuyên bố cáo buộc Hàn Quốc hủy bỏ CMA, đồng thời cho biết Seoul sẽ “hoàn toàn chịu trách nhiệm” trong trường hợp xảy ra đụng độ giữa hai bên. Tuyên bố cũng nhấn mạnh Bình Nhưỡng sẽ không còn bị ràng buộc bởi CMA.

Diễn biến đáng lo trên bán đảo Triều Tiên

Vụ phóng vệ tinh do thám Malligyong-1 của Triều Tiên hôm 21-11 Ảnh: KCNA

Theo hãng tin Yonhap, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định quyết định đình chỉ một phần CMA của Hàn Quốc là phản ứng thận trọng và kiềm chế.

Quan chức này cho rằng việc Triều Tiên không tuân thủ CMA đã gây ra thách thức đối với an ninh của Hàn Quốc, đồng thời nhấn mạnh Washington ủng hộ các nỗ lực giảm căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên thông qua sự phối hợp quân sự, minh bạch và các biện pháp giảm rủi ro.

Trước khi đưa ra tuyên bố trên, Triều Tiên vào cuối ngày 22-11 (giờ địa phương) đã tiến hành vụ phóng tên lửa đạn đạo ra vùng biển phía Đông. Quân đội Hàn Quốc đánh giá vụ phóng dường như đã thất bại.

Trong khi đó, vụ phóng vệ tinh do thám Malligyong-1 diễn ra cuối ngày 21-11. Quân đội Hàn Quốc nhận định vệ tinh Triều Tiên đã đi vào quỹ đạo nhưng còn quá sớm để biết liệu nó có hoạt động hay không. Trước mắt, KCNA dẫn thông báo của Cơ quan Công nghệ Hàng không Vũ trụ quốc gia Triều Tiên (NATA) cho biết Malligyong-1 chính thức bắt đầu sứ mệnh từ ngày 1-12.

Anh Thư