{title}
{publish}
{head}
“Cây trội” hiểu đơn giản là cây có các đặc điểm vượt trội so với các cây cùng loài còn lại trong một quần thể về chỉ tiêu theo yêu cầu của từng mục tiêu chọn giống. Với các thành viên tham gia nhóm tìm kiếm “cây trội”, chỉ cần nhìn thấy ngọn cây cao đột khởi giữa rừng già thâm u là họ nhen nhóm lên bao niềm hy vọng. Qua nhiều chuyến băng rừng, lội suối, nhóm cũng chỉ tìm được 6 “cây trội” gụ lau giữa 43.000 ha rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.
TS.Vũ Đức Bình tại vườn ươm cây gụ lau của Trung tâm khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ - Ảnh: S.H
Phát nhánh, luồn rừng tìm gụ lau
Vừa trở về sau chuyến lặn lội vào các bản làng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô các xã vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông để vận động, tuyên truyền người dân tham gia bảo vệ rừng, nhưng khi nhắc đến những chuyến lội rừng để tìm “cây trội”, anh Cao Văn Nhiễm, nhân viên Phòng Truyền thông và dịch vụ Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông trở nên hào hứng. Anh cho biết, việc đi tìm “cây trội” giữa rừng già có biết bao chuyện thú vị mà ít người có dịp trải qua. Có nhiều loài cây trong rừng thường xanh của Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông đều có thể trở thành “cây trội”.
Cách đây chưa lâu, anh Nhiễm cùng với nhóm tìm kiếm “cây trội” gồm kiểm lâm, nhân viên của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông và các nhà khoa học của Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ đã có chuyến “quần nát” rừng để tìm kiếm gụ lau tại tiểu khu 821, 825 A và 849 (thuộc địa giới hành chính xã Triệu Nguyên, Ba Lòng, huyện Đakrông) với thời gian 2 ngày, đêm.
Anh Nhiễm nhớ lại, để chuẩn bị cho chuyến đi rừng kéo dài khoảng vài ngày, việc đầu tiên mà nhóm tìm kiếm phải làm là thu thập thông tin về cây gụ lau từ các tổ bảo vệ rừng cũng như người dân các xã vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông.
Khi đã nắm được thông tin về sự hiện diện của cây gụ lau có thể là “cây trội” dự tuyển, nhóm tìm kiếm sẽ lên kế hoạch cụ thể về tuyến đường, khu vực rừng mà nhóm sẽ triển khai việc tìm kiếm.
Gỗ Gụ lau được xếp vào nhóm gỗ quý hiếm và có nhiều giá trị sử dụng với đặc điểm gỗ màu nâu thẫm, không bị mối mọt, được dùng đóng đồ mộc cao cấp và dùng trong xây dựng, đóng tàu thuyền... Về giá trị bảo tồn, cây gụ lau thuộc nhóm IIA và có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Gụ lau có nhiều trong rừng tự nhiên ở các tỉnh Đông Bắc Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. |
Trước ngày lên đường, cả nhóm phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm, tăng bạt, võng, bản đồ, máy định vị GPS, la bàn ... tất cả phải gọn gàng trong ba lô. Bắt đầu từ 4 - 5 giờ sáng, khi những cánh rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông vẫn còn im lìm, vắng lặng tiếng muông thú, chim chóc cũng là lúc cả nhóm bắt đầu phát nhánh cây để luồn rừng.
Cứ miệt mài đi dưới tán lá rậm rạp của rừng già hoặc theo hướng chảy của khe suối để tìm gụ lau cho đến khoảng gần trưa thì dựng lán trại để nấu cơm. Ăn uống, nghỉ ngơi cho đến chiều thì anh em trong nhóm tiếp tục hành trình.
Mỗi chuyến luồn rừng tìm “cây trội” thường kéo dài khoảng 2 - 3 ngày, đêm. “Có nhiều chuyến đi vài ngày trong rừng sâu nhưng không tìm kiếm được cây nào là chuyện thường tình. Nhưng cũng có chuyến lại tìm thấy hàng chục cây gụ lau hứa hẹn là “cây trội”.
Sàng lọc, tuyển chọn để nhân giống, bảo tồn
Sau tìm kiếm là đến công đoạn các nhà khoa học của Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ sàng lọc, tuyển chọn khá nghiêm ngặt. Chuyến đi ấy, có hàng chục cây gụ lau được tìm thấy nhưng chỉ chọn được 6 “cây trội” gụ lau ở tiểu khu 821, 825 A và 849.
Ngoài gụ lau, còn nhiều loài cây gỗ quý khác của Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông có thể trở thành “cây trội” để nhân giống, bảo tồn trong tương lai không xa. Những chuyến đi tìm “cây trội” và mẫu vật dù khá nhọc nhằn, vất vả nhưng có lẽ tình yêu núi rừng, muông thú đã ngấm vào tận máu thịt của anh em chúng tôi nên chỉ cần tìm được là mọi mệt mỏi tan biến hết. Và mỗi khi đặt chân vào rừng mới cảm nhận hết vẻ đẹp hoang sơ của nó nên càng yêu rừng thêm”, anh Nhiễm nói với tôi như vậy.
“Cây trội” gụ lau được tìm thấy ở tiểu khu 821, 825 A và 849 - Ảnh: TRUNG TÂM KHLN BẮC TRUNG BỘ CUNG CẤP
Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ TS. Vũ Đức Bình cho biết: Với mục tiêu khai thác và phát triển bền vững nguồn gen thực vật quý có giá trị kinh tế và bảo tồn cao, góp phần phát triển kinh tế rừng ở các tỉnh duyên hải miền Trung, các nhà khoa học của trung tâm đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt đề tài “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen cây gụ lau (Sindora tonkinensis A. Chev. Ex K. & S. S. Larsen) tại một số tỉnh duyên hải miền Trung”.
Thời gian thực hiện đề tài từ năm 2023-2025. Để thực hiện đề tài, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ đã tiến hành tìm kiếm gụ lau tại 5 tỉnh miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam. Cây gụ lau (có tên gọi khác là gõ lau, gõ sương, gõ dầu, gõ bắc) là cây gỗ lớn quý hiếm của Việt Nam. Gụ lau cao từ 25 - 30 m; đường kính thân có thể trên 1 m và tròn đều.
Kết quả, thông qua phương pháp cho điểm theo các chỉ tiêu sinh trưởng, độ thẳng thân, độ nhỏ cành và sức khoẻ cây, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ đã chọn được 78 cây gụ lau từ 134 “cây trội” dự tuyển. Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh có 12 cây, Quảng Bình có 25 cây; Quảng Trị có 15 cây, Thừa Thiên - Huế có 10 cây và Quảng Nam có 16 cây.
Các “cây trội” gụ lau được chọn lọc ở 5 tỉnh đều sinh trưởng, phát triển tốt với tổng điểm chất lượng thân cây đều đạt tương đối cao, giao động từ 13 - 15 điểm/cây. Các cây gụ lau chọn lọc đã được thu hái quả, hạt để nhân giống xây dựng vườn sưu tập kết hợp khảo nghiệm giống vào cuối năm 2024, góp phần khai thác và phát triển nguồn gen loài thực vật quý hiếm tại khu vực miền Trung.
Riêng tại tỉnh Quảng Trị, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ đã tiến hành tuyển chọn gụ lau tại Rú Lịnh (huyện Vĩnh Linh) và Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông. Tại Rú Lịnh đã tuyển chọn 19 cây gụ lau dự tuyển; Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông tuyển chọn 12 cây. Sau khi xử lý, phân tích số liệu, trung tâm đã tuyển chọn được 15 “cây trội” gụ lau (Rú Lịnh 9 cây; Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông 6 cây). Các cây gụ lau được tuyển chọn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đều có thân thẳng tròn đều không vặn xoắn, cành nhỏ, cây phát triển tốt, không bị sâu bệnh và đã ra hoa, kết trái...
Trên cơ sở các kết quả đạt được bước đầu, đề tài sẽ tiếp tục triển khai đến hết tháng 12/2025. Trong đó, tập trung vào việc phân tích đa dạng di truyền; xây dựng 2 ha vườn sưu tập kết hợp với khảo nghiệm giống tại tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam (quy mô 1 ha/tỉnh); xây dựng 10 ha nghiên cứu kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn nguồn gen cây gụ lau tại tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam (bình quân 5ha/tỉnh).
“Việc tuyển chọn 78 “cây trội” gụ lau để quản lý, bảo vệ tốt chính là nguồn giống chất lượng cao để thu hái hạt giống, nhân giống phục vụ công tác trồng rừng gỗ lớn; góp phần khai thác và phát triển nguồn gen cây bản địa quý hiếm cho các tỉnh duyên hải miền Trung”, TS. Vũ Đức Bình cho biết thêm.
Sỹ Hoàng
QTO - Phát huy tinh thần sáng tạo, lập thân, lập nghiệp trên quê hương, trong những năm qua, các cấp bộ đoàn ở huyện Hướng Hóa có nhiều giải pháp tích cực...
QTO - Với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, cùng với hoạt động chuyên...
QTO - Quản lý hơn 278.000 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, bảo vệ tốt và nâng cao chất lượng cho hơn 248.000 ha đất có rừng, duy trì ổn định độ che phủ...
QTO - Cách đây 50 năm, ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng kiểm...
QTO - Kinh tế tập thể trụ vững và ngày càng làm tốt hơn vai trò “bà đỡ” cho sản xuất nông nghiệp
QTO - Những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Vĩnh Linh có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt 5 năm trở lại đây,...
QTO - Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động Ngày Môi trường Thế giới (5/6) năm 2024 với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá”...
QTO - Hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của người đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại 6 xã miền núi thuộc 2 huyện Hướng Hóa và...
QTO - Với nhiều cách làm thiết thực, thời gian qua, Sở Công thương đã triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ “Hỗ trợ xây dựng mô hình thương mại hai chiều nhằm...
QTO - Chỉ tính trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, các bãi tắm trên địa bàn xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh đã thu hút trên 15 nghìn lượt khách đến tham...
QTO - Công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, sự đồng thuận của...
QTO - Vượt qua những chặng hành trình, một số xã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tiến gần đến đích xây dựng thành công nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Để đạt...