
{title}
{publish}
{head}
Thời gian qua, xã Tuyên Lâm, tỉnh Quảng Trị đã triển khai sáng tạo, đồng bộ, linh hoạt công tác truyền thông về giảm nghèo với phương châm “mưa dầm thấm đất” đối với bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt, tạo chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Cánh đồng sắn 5ha tại bản Cáo, xã Tuyên Lâm đang hứa hẹn cho cho bà con có thêm nguồn thu nhập - Ảnh: X.V
Tuyên Lâm là xã miền núi nằm phía Tây Bắc tỉnh Quảng Trị. Ở đây có 4 bản là nơi sinh sống của đồng bào DTTS, gồm: Bản Kè, bản Cáo, bản Chuối và bản Cà Xen. Phần lớn đồng bào nơi đây là người Mã Liềng thuộc dân tộc Chứt. Trước đây, do thiếu thông tin, kiến thức cùng lối sản xuất tự cung, tự cấp, tập quán canh tác lạc hậu nên đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn ở mức cao.
Để giảm nghèo cho đồng bào DTTS trên địa bàn, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, trong đó chú trọng công tác truyền thông về giảm nghèo. “Xác định truyền thông là nhiệm vụ then chốt của địa phương trong công tác giảm nghèo. Do đó, Đảng ủy, UBND xã đã sử dụng hệ thống loa phát thanh, họp thôn, tổ truyền thông cộng đồng để tuyên truyền, cung cấp thông tin cho bà con. Từ đó, người dân trên địa bàn dần hiểu được quyền lợi, trách nhiệm của mình và bắt đầu thay đổi suy nghĩ, mạnh dạn hơn trong phát triển kinh tế”, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tuyên Lâm Đinh Xuân Thương cho biết.
Cùng với hệ thống loa phát thanh tuyên truyền hàng ngày, thông qua nhiều chương trình, dự án, xã còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ bảo hiểm y tế và nhà ở cho hộ nghèo. Các tổ truyền thông cộng đồng cũng thường xuyên đến nhà dân tư vấn cặn kẽ cho bà con DTTS cách chăn nuôi, trồng trọt, bảo vệ rừng (BVR), hướng dẫn sử dụng nông cụ, máy móc để phát triển kinh tế - xã hội.
"Xã Tuyên Lâm có 224 hộ, 858 nhân khẩu là đồng bào DTTS, trong đó có khoảng 80% là hộ nghèo. Để vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ đã xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả, có người đi làm ăn xa hoặc đi làm việc nước ngoài có thời hạn. Bà con cũng tích cực tham gia bảo vệ hàng nghìn ha rừng cộng đồng nên có nguồn thu nhập khá. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về giảm nghèo, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng mô hình sinh kế để giúp nhiều hộ dân là đồng bào DTTS trong xã vươn lên thoát nghèo...”, Phó Chủ tịch UBND xã Tuyên Lâm Trần Nhân Sơn nhấn mạnh. |
Anh Cao Như Ý, ở bản Chuối chia sẻ: “Trước đây, do thiếu thông tin, kiến thức nên cuộc sống gia đình tôi chủ yếu dựa vào nương rẫy, săn bắt và lấy gỗ từ rừng về bán. Dù công việc vất vả, vi phạm pháp luật nhưng cái đói, cái nghèo cứ bám riết. Từ khi tham gia các lớp tập huấn kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, BVR để phát triển kinh tế, đời sống gia đình tôi ngày càng được cải thiện”.
Năm 2024, anh Ý được Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 (2021 - 2025) hỗ trợ 6 con dúi giống. Trước khi nuôi dúi, anh Ý đã được đi tham quan, học hỏi các mô hình nuôi dúi trên địa bàn. Khi mang dúi về, cán bộ xã đã đến tận nhà hướng dẫn cho anh cách làm chuồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh.
Đến nay, đàn dúi của anh Ý đã phát triển lên được 20 con, có giá trị hàng chục triệu đồng. Ngoài nuôi dúi, anh Ý còn nuôi trâu, gà thả vườn nên thu nhập được cải thiện đáng kể. Những lúc rảnh rỗi, vợ chồng anh cùng đi tuần tra, kiểm soát rừng với cộng đồng. Nhờ đó, năm 2024, gia đình anh Ý đã nhận được hơn 25 triệu đồng tiền BVR.
Mô hình nuôi dúi của anh Cao Như Ý, ở bản Chuối đang phát triển tốt - Ảnh: X.V
Trước đây, tại khu vực đất khai hoang ở bản Cáo, bà con trồng ngô, lạc nhưng cho năng suất, sản lượng không cao. Thấy vậy, UBND xã Tuyên Lâm đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang trồng sắn cao sản. Anh Phạm Văn Hải, công chức Phòng Kinh tế xã Tuyên Lâm cho hay: “Để bà con chuyển sang trồng sắn, UBND xã đã cử cán bộ về tận nhà dân để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật. Sau đó, chúng tôi mua giống, phân bón rồi cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn người dân cách trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh”. Nhờ đó, cánh đồng sắn 5ha của 30 hộ dân bản Cáo đã phát triển xanh tốt, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập khá trong thời gian tới.
Ông Hồ Bình, một người dân bản Cáo tâm sự: “Lâu nay, bà con chủ yếu trồng sắn trên nương rẫy để lấy củ về ăn. Giờ đây, được cán bộ xã hướng dẫn, giúp đỡ nên chúng tôi đã trồng được cả sắn cao sản ở vùng đất bằng phẳng để bán. Thấy cánh đồng sắn phát triển xanh tốt, củ nhiều tôi mừng lắm. Hy vọng năm nay, sắn sẽ bán được giá”.
Bản Cà Xen có 57 hộ dân, 203 nhân khẩu. Trước năm 2020, toàn bộ các hộ dân trong bản đều thuộc diện hộ nghèo. Để giúp bà con vươn lên thoát nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm, thực hiện chính sách dân tộc, chăm lo đời sống, sản xuất, đồng thời phối hợp với các đơn vị, tổ chức tuyên truyền hướng nghiệp, tìm kiếm việc làm cho người dân.
Bí thư Chi bộ bản Cà Xen Hồ Chí Thành chia sẻ: “Nhờ được tuyên truyền, tập huấn khoa học kỹ thuật nên nhiều người đã mạnh dạn vay vốn phát triển chăn nuôi, trồng trọt hoặc đi làm ăn xa. Hiện, bản Cà Xen có hàng chục lao động đang làm ăn xa, thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/tháng; 4,6ha đất trồng lúa nước hai vụ, bảo đảm cung cấp đủ lương thực cho người dân. Ngoài ra, bà con còn trồng hàng chục héc ta rừng, ngô, lạc, sắn, khoai, rau màu; nuôi trên 2.000 con gia súc, gia cầm các loại. Đến nay, bản có 6 hộ đã thoát nghèo”.
Tuy đời sống đồng bào DTTS tại xã Tuyên Lâm còn nhiều khó khăn nhưng có thể khẳng định rằng, công tác truyền thông về giảm nghèo đã giúp nhận thức, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng nâng lên đáng kể.
Xuân Vương
Dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đề xuất tăng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế có thể lên tới 15,5 triệu đồng/tháng và dự kiến sẽ có hiệu lực...
QTO - Để nâng cao thu nhập, giảm áp lực khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ và bảo vệ môi trường sinh thái, người dân xã Phú Trạch đang tập trung phát...
QTO - Thời gian qua, xã Trường Sơn đã tập trung chỉ đạo phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững dựa trên cơ sở phát triển toàn diện và đồng bộ các hoạt...
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 113/CĐ-TTg về thực hiện các giải pháp phát triển hiệu quả vận tải đường thủy thúc đẩy phát triển logistics trong lĩnh vực vận tải.
QTO - Thông tin từ Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện ban đang tập trung thực hiện các dự án đầu tư công nhằm phát triển đồng bộ hạ tầng...
QTO - Quảng Trị là một trong những địa phương được hưởng lợi từ Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (gọi tắt là ERPA). Thời gian qua, việc thực...
QTO - Thông tin từ Chi cục Kinh tế hợp tác và Quản lý chất lượng cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 3 liên hiệp hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và 685 HTX...